/tmp/whfyy.jpg
Bài văn Tả một loài cây em yêu gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Tả một loài cây em yêu thích.
Ở những làng quê miền Bắc, đâu đâu cũng có cây xoan, một thứ cây quen thuộc, gắn bó với cuộc sống của người nông dân tự bao đời. Từ vùng trung du đất cằn sỏi đá đến vùng châu thổ sông Hồng màu mỡ, xoan được trồng trên đồi hay ven con đường làng uốn lượn quanh co, quanh nhà. Xoan rất dễ sống. Người ta chỉ cần đào một cái hố nho nhỏ, ươm cây xoan con con và đặt vào đó một niềm hi vọng.
Thời gian trôi qua rất nhanh. Khoảng năm đến sáu năm sau, cây xoan đã trưởng thành. Thân cây cao và thẳng tắp, màu nâu sẫm. Cành xoan khẳng khiu, đầu cành lưa thưa một vài túm lá. Lá xoan mỏng và nhỏ, màu xanh đậm, phất phơ trước gió.
Cây xoan đẹp nhất là vào cuối tháng ba, mùa hoa xoan nở. Những bông hoa nhỏ bé, cánh tím phớt, điểm mấy chấm đen li ti nở thành từng chùm. Mỗi khi có làn gió nhẹ thổi qua, những chùm hoa lại đong đưa, đong đưa khe khẽ. Không khí trong làng thơm ngát hương hoa xoan, một mùi thơm mộc mạc, dịu dàng hơn cả hoa cau, hoa bưởi.
Ở làng em, nhà nào cũng trồng xoan. Ngọn xoan cao vượt lên khỏi những khu vườn cây cối xanh um. Sau trận mưa, hoa xoan rơi đầy lối ngõ, rắc trên những luống rau cải xanh mướt và lấm tấm cả trong vại nước trước sân nhà.
Ngắm hàng xoan trồng trước ngõ, ông em tấm tắc khen cây nào cũng to, cũng đẹp. sang năm là có thể đốn xoan làm cột, dựng thêm chiếc nhà ngang. Gỗ xoan dẻo dai, bền chắc và đặc biệt là không mối mọt nào đục được. Ông bảo em nhớ nhắc ông bữa nào tỉa bớt lá xoan già để ủ làm phân xanh bón lúa.
Giống như tre, trúc, cây xoan là bạn thân của người nông dân Việt Nam từ ngàn xưa. Xoan mọc ở khắp nơi, không chê đất xấu đất cằn. Nét đẹp giản dị của cây xoan góp phần làm nên vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên thanh bình chốn làng quê Bắc bộ.
Tuổi học trò có lẽ không ai là không biết đến cây phượng, loài cây thân thiết và gắn bó với kí ức thanh xuân của mỗi người thuở còn cắp sách tới trường. Những cánh phượng hồng tươi, đỏ thắm đã ghim vào biết bao trang sách học trò. Tôi có dịp trở về thăm trường xưa đúng vào lúc phượng đang nở rộ, đã xa những bóng phượng bao năm nay giờ nhìn lại mà lòng tôi xiết bao xao xuyến, bồi hồi.
Không biết cây phượng có từ khi nào, chỉ biết ngày đầu tiên tôi bước chân vào trường đã thấy nó cao lớn, sừng sững đứng hiên ngang trước cổng trường như một người gác cổng trung thành. Ngày ấy là mùa thu, mùa tựu trường đầu tiên của tôi ở ngôi trường mới, ấn tượng của tôi về cây phượng đó thân cây to, xù xì mà hai, ba đứa học trò như tôi ông không xuể, rễ cây gân guốc nổi lên mặt đất như những con rắn khổng lồ. Lá phượng li ti mọc thành từng cành, hơi thu làm cho những tán lá ấy chuyển sang sắc vàng, mỗi khi nàng gió lướt qua, bông đùa, rủ rỉ lại khiến những lá phượng vàng lại ham chơi lìa cành mải miết chạy theo làn gió.
Mùa đông tới, cây phượng khẳng khiu trơ lại những cành tán gân guốc, gầy guộc, tiết đông lạnh giá khiến cây phượng thu mình lại trở nên khô khan, cứng nhắc. Tôi tưởng tượng cây phượng khi ấy như một kẻ đa sầu đa cảm bị thất tình buồn bã, ưu tư, không còn sức sống. Nỗi buồn cây phượng kéo dài đến tận ba tháng, khi những ánh nắng ấm áp mùa xuân xuất hiện xé tan màn sương lạnh lẽo của mùa đông, cây phượng bắt đầu bật ra những mầm xanh mới, sự bắt đầu sinh sôi trở lại. Chỉ sau một đêm, cây phượng như khoác trên mình một diện mạo hoàn toàn mới, những chiếc lá xanh mơn mởn chen nhau vươn mình đón ánh sáng, nhựa sống căng tràn trên từng chiếc lá li ti xanh mướt.
Hè sang, phượng lại bắt đầu thay da đổi thịt. Dưới bóng nắng, phượng kiều diễm soi tán lá của mình dưới bóng nắng như những người thiếu nữ dịu dàng đang chải tóc. Nắng hè rực rỡ chiếu vào từng khe lá làm cho cây phượng trở nên lung linh. Chẳng bao lâu, cây phượng kết nụ, nụ phượng chúm chím nhỏ xinh như chiếc cúc áo kết lại với nhau thành từng chùm.
Phượng đẹp nhất vào mùa hoa nở, hoa phượng kết thành từng chùm, đỏ rực như những cánh bướm lung linh rực rỡ. Tôi nhớ nhất mùa hoa phượng đầu tiên tôi được nhìn thấy, cảm giác thực sự ngỡ ngàng và hạnh phúc, chưa bao giờ tôi thấy phượng đẹp đến thế. Từ xa nhìn lại, tôi cứ ngỡ đó là chiếc ô khổng lồ màu đỏ điểm thêm họa tiết màu xanh nổi bật một vùng trời. Cây phượng lúc này lộng lẫy, kiêu sa như một nữ hoàng khiến ai cũng phải trầm trồ thốt lên bởi vẻ đẹp của nó. Phương đẹp gọi đàn chim nô nức kéo về làm tổ, những chú ve hằng ngày, hằng đêm không ngớt lời râm ran thổn thức trước vẻ đẹp của hoa phượng. Hoa phượng có năm cánh, mỗi cánh rất mỏng và nhẹ. Vào giờ ra chơi, chúng tôi lại rủ nhau ra cổng trường nhặt những cách phượng rơi để ép vào trang vở hay những dòng lưu bút nghẹn ngào. Phượng nở còn báo hiệu mùa thi, mùa chia tay sắp đến, cho nên nhìn hoa phượng tôi vừa rạo rực, vừa lại vừa xao xuyến bồi hồi về khoảnh khắc chia xa.
Dưới bóng phượng cũng ghi dấu biết bao kỉ niệm học trò của chúng tôi, đó là những câu chuyện vui buồn chúng tôi kể cùng nhau dưới gốc phượng, là những trò đùa tinh nghịch của mấy cậu bạn học sinh, là nơi gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi mỗi buổi đến trường, là những buổi chiều hè nóng nực chúng tôi cùng nhau ra cây phượng để ôn bài. Đặc biệt, phượng còn chứng kiến phút chia li cùng những giọt nước mắt nghẹn ngào của học sinh cuối cấp. Với học trò, cây phượng chính là người bạn gắn bó khằng khít với những năm tháng đến trường.
Tôi tạm biệt trường xưa sau những phút vấn vương khi được nhìn ngắm lại những bông hoa học trò năm ấy. Giờ đây, chúng tôi mỗi đứa mỗi nơi nhưng hình ảnh về cây phượng vĩ trước cổng trường cùng bao kỉ niệm buồn vui cùng nó sẽ mãi không phai mờ trong tâm trí.