/tmp/wxhek.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Tả cây dừa gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn mẫu được tuyển chọn từ các bài văn đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài viết Tập làm văn lớp 4.
Đề bài: Tả cây dừa.
I. Mở bài: Giới thiệu cây dừa.
– Quê nội em có rất nhiều dừa.
– Nội bảo cây dừa trước sân đã có từ lâu.
II. Thân bài: Tả cây dừa.
* Tả bao quát:
– Nhìn từ xa, cây như chiếc chổi chổng ngược.
– Cây cao quá mái nhà.
* Tả chi tiết từng bộ phận:
– Gốc to cỡ vòng tay ôm của em.
– Những chùm rễ bám gốc như những con giun đất to.
– Vỏ cứng có nhiều vết sẹo xen kẽ đểu đặn trên thân cây hơi nghiêng về ao cá.
– Từng chùm quả xinh xinh như những hồ lô xanh bóng.
– Vô số tàu lá túa ra, rũ xuống hệt những chiếc lược khổng lồ.
* Cảnh vật xung quanh
– Gió khua xào xạc trên lá dừa.
– Chim chóc ríu rít trong vòm cây.
III: Kết bài
– Dừa là đặc sản của quê nội.
– Từ dừa, con người có thể thu được nhiều sản phẩm.
– Hình ảnh cây dừa khắc họa rõ nét về quê hương.
Dừa là loài cây quen thuộc ở nhiều miền quê, nhà em cũng có hàng dừa xanh tươi. Không biết cây dừa xuất hiện từ khi nào chỉ biết rằng năm nào cây cũng cho những quả dừa tươi ngon ngọt.
Cây dừa thường được trồng thành hàng nhưng cũng có những cây trồng riêng lẻ. Mỗi cây dừa cao tầm 15 đến 20 mét, nhìn từ xa đã thấy cao vút và rất nổi bật. Gốc cây dừa có nhiều rễ xù xì, thân cây có từng mắt cách nhau khoảng một gang tay người lớn.
Thân cây dừa đặc trưng, gốc cây to nhưng càng lên cao càng nhỏ lại. Lá dừa chỉ mọc trên ngọn cây, mỗi cây khoảng 15 đến 20 lá có tên gọi khác là tàu dừa. Mỗi khi có gió thổi tàu dừa lay động nghe rất vui tai. Đến mùa ra hoa, hoa dừa mọc thành từng chùm màu trắng hệt như hoa cau, mùi thơm dễ chịu. Chỉ sau một thời gian ngắn dừa sẽ kết quả thành từng buồng, mỗi buồng thường có khoảng 10 đến 15 trái.
Cây dừa trung bình cho ba đến bốn buồng. Cây dừa thường cho quả quanh năm. Quả dừa khi còn non có màu xanh, khi về già sẽ có màu vàng, những quả dừa xanh cho nước ngon hơn. Mỗi quả dừa thường có 3 lớp bảo vệ sọ dừa. Khi bổ ra bên trong là nước dừa rất ngọt và mát, lớp cơm dừa màu trắng tinh, ăn có vị béo.
Cơm dừa thường được dùng để làm kẹo dừa hoặc ép lấy dầu. Cây dừa rất có ích với con người, nước dừa giải khát tốt cho sức khỏe, cơm dừa dùng để lấy tinh dầu. Các bộ phận của cây dừa đều có những công dụng riêng.
Mùa hè được ngả mình nghỉ trưa dưới bóng dừa và uống những dòng nước dừa mát lạnh, ngọt ngào là điều thú vị nhất đối với em. Đây là loài cây em rất yêu quý và sẽ bảo vệ để năm nào cũng được thưởng thức thứ nước giải khát đồng quê này.
Cây dừa là loại cây quen thuộc và đã gắn liền với miền sông nước. Nhà ông ngoại em cũng có một cây dừa trồng ở bờ ao trông rất đẹp.
Cây dừa này đã được trồng từ lâu, khi em lớn thì cây dừa đã khá to và cho quả rồi. Thân cây dừa không thẳng và cao vút như cây cau mà nghiêng nghiêng về phía bờ ao, như để hướng đến nguồn nước. Thân cây trơn có những vòng tròn cách đều từ gốc cho đến ngọn vì vậy em thấy rất khó để trèo lên cây dừa. Thân cây dừa rất đặc biệt, gốc cây thường phình ra to hơn, phần giữa và phần ngọn nhỏ hơn, phần ngọn hơi nhọn, trông cây dừa giống như một cái bút nhưng lại không được thẳng như cái bút.
Cây dừa có những tàu lá dài, tàu dừa có những chiếc lá dài và rất sắc, khi cứa vào tay có thể rất đau, những chiếc lá mọc đối xứng hai bên từ gốc cho đến ngọn tàu lá. Khi cây dừa ra hoa, hoa dừa màu trắng giống như hoa cau, và có mùi thơm thoang thoảng, rồi đến khi kết quả, quả dừa hình tròn và màu xanh, đợi đến khi già có thể vặt xuống, bên trong quả dừa có nước, được ví như một giếng nước trong, nước dừa ngọt mát, là thức uống rất ngọt, mát vào mùa hè. Ở những quả dừa già, bên trong lớp vỏ màu xanh là đến một lớp vỏ cứng màu nâu, rồi mới đến phần cùi dừa. Cùi dừa ăn màu trắng, ăn ngay cũng được, hoặc dùng để kho thịt hay nạo thành sợi nhỏ đồ lẫn với xôi để tạo mùi thơm. Cùi dừa cũng dùng để chế biến thành dừa khô hay nước cốt dừa. Vào những trưa nắng, cây dừa soi bóng xuống mặt nước yên tĩnh trông thật đẹp.
Cây dừa là một loại cây rất thân thuộc ở vùng nông thôn Việt Nam, và đặc biệt cây dừa đã gắn bó rất nhiều với tuổi thơ của em.
Nhà ngoại ở Bến Tre. Vườn nhà ngoại rộng mênh mông đến ba, bốn công đất. Cả một vùng quê dừa mọc thành rừng. Vườn ngoại cũng bao la dừa, bát ngát dừa.
Dừa trồng thành hàng. Giữa các hàng dừa có mương nước chạy dọc song song. Mỗi cây dừa có một lãnh thổ riêng biệt. Có những cây dừa cao 20 – 30m, ngạo nghễ giữa trời xanh, gốc to xù xì, người lớn ôm không xuể. Có những cây dừa tơ ba, bốn tuổi, chỉ thấp độ 3 – 4m, lá xanh rì, lúc trổ buồng quả trông rất thích.
Lá dừa mọc ở ngọn cây, có từ 20 – 30 lá, được gọi là tàu dừa. Tàu dừa có bẹ dài 3 – 4m. Bẹ dừa hình thuôn dài, rất to, rất dẻo dai. Hai bên bẹ dừa có từ 120 – 125 mảnh lá dạng lông vũ khổng lồ, mềm dẻo, óng ánh xanh, lay động theo gió. Mỗi năm dừa thay đổi lá một lần, lá này rụng thì có lá mới mọc ra thay thế. Mỗi lá dừa rụng để lại dấu ngấn trên thân dừa bạc.
Hoa dừa cũng như hoa cau, mọc thành chùm, kết thành buồng dừa. Cây dừa ra hoa, ra quả quanh năm. Mỗi buồng dừa có hàng chục trái. Mỗi cây dừa thường có hai, ba buồng.
Quả dừa to hơn quả bòng hoặc bằng cái giành tích, có núm chắc và cuống dài, dừa non vỏ xanh bóng. Dừa già màu vàng tươi. Mỗi quả dừa có tới ba lớp vỏ: vỏ ngoài mỏng, mềm và nhẵn bóng; vỏ giữa là tầng chất xơ dày và xốp; vỏ dừa trong cùng (sọ dừa) như chất sừng rất cứng. Trong ruột quả dừa có lớp cơm dừa trắng nõn, béo ngậy bao bọc, mỏng hoặc dày, mềm hoặc cứng tuỳ theo dừa non hay dừa già. Quả dừa nào cũng có nhiều nước ngọt. Cơm dừa có thể ép lấy dầu hoặc chế biến thành kẹo dừa. Nước dừa để uống, rất bổ dưỡng.
Nghỉ hè nào về thăm ngoại, hầu như ngày nào các cháu cũng được uống nước dừa. Ngoại dùng dừa chế biến thành nhiều món ăn như hầm, ninh nấu thịt, cá rất ngon. Sướng nhất, vui nhất là ngày nào em cũng được theo ngoại ra thăm vườn dừa. Mùa dừa năm ngoái, ngoại bán được hơn năm chục triệu tiền dừa.
Quê nội em ở Nha Trang, bãi biển đẹp nhất nhì trên dải đất hình chữ S. Nhà ông bà em lại nằm ngay gần một góc biển bình dị, không phải nơi khách du lịch tập trung nên rất yên bình. Mỗi lần về quê chơi, em thích nhất là leo lên cây dừa ngộ nghĩnh ở trước nhà ông bà.
Khác với những cây dừa thông thường, cây dừa này thon nhỏ, chưa bằng vòng tay người ôm, và đặc biệt là nó mọc hướng hẳn ra biển. Từ xa trông lại cây dừa như một chiếc ghế nằm ngang, uốn cong đến mức ngả rạp là là mặt đất. Lần đầu về quê nội chơi em còn tưởng cây dừa ấy vừa bị bão quét nữa đấy. Vì vậy bọn con nít luôn dễ dàng bám vào phần rễ chằng chịt như rắn nước của cây để mon men đi về phía ngọn. Lần đầu tiên em có hơi nhát gan, chỉ dám ngồi ngay ở cái gốc xù xì nham nhám. Dần dần đánh bạo đi ra đến ngọn, lúc đó em thấy rất thú vị.
Thân dừa màu nâu, có nhiều vòng tròn đều tăm tắp từ gốc lên đến đỉnh như có ai dùng dao khứa lên. Càng về đỉnh thân dừa càng bé lại, nhọn như cây bút chì gỗ. Nhiều lần đi trên thân cây em có cảm giác phải giữ thăng bằng như đi cầu khỉ, tuy nhiên thân cây to hơn nên an toàn hơn. Ngồi ở ngọn cây có thể nhìn rõ từng tán lá dừa xanh mướt. Cây dừa có lá khá sắc, cọ vào sẽ đau hoặc xước da. Xen kẽ trong đám lá rì rào đón gió là những bông hoa dừa điểm xuyến, hệt như cô thiếu nữ cài lên tóc vài bông hoa toát lên vẻ đẹp dịu dàng thơ mộng.
Với cây dừa nằm ngang như vậy, tiện nhất đối với ông bà em chính là việc hái quả. Sau khi hoa rụng, từng chùm quả dần dần lớn lên, căng tròn mây mẩy vô cùng thích mắt. Không cần phải trèo leo nguy hiểm, chỉ đi vài bước đã có thể đến tận ngọn để chặt lấy chùm quả nặng trĩu nước ngọt lành của trời đất để mang về. Bà nội cũng bổ dừa ra lấy cùi cho đám cháu nhỏ ăn, cơm dừa bà dùng vắt lấy nước cốt kho thịt rất ngon. Còn đối với em và các anh, chị họ thì việc ngồi nối đuôi nhau trên ngọn cây, bám lấy tàu lá rồi hát vang bài ca như người thủy thủ trong phim hoạt hình mới là điều tuyệt vời nhất.
Kể từ ngày đầu tiên về quê nội đến giờ đã 5 năm. Mỗi hè em về thăm ông bà cây dừa lại như lớn hơn một chút, ông bà rất quý cây dừa có dáng đứng kì lạ này. Em hi vọng cây dừa sẽ còn mãi như một người bạn của tuổi thơ.
Bên ao nhà ngoại trồng rất nhiều loại cây, nhưng em vẫn thích nhất cây dừa bởi những vẻ đặc biệt của nó.
Nếu nói trong tất cả các loài cây, loại nào cao nhất thì phải kể đến cau và dừa. Nhưng thân dừa không thẳng như thân cau mà bao giờ cũng nghiêng nghiêng như muốn soi bóng xuống mặt hồ làm duyên làm dáng. Thân dừa không to lắm nhưng lại rất dẻo dai, bởi vậy mà dừa thường được trồng gần biển để chắn gió, chắn bão hiên ngang như một người dũng sĩ cao lớn giữa trời xanh. Thân cứng, bạc thếch theo tháng năm, từ thấp lên cao đều có những vòng những đốt. Đứng nhìn cây dừa phải đứng từ xa mà vẫn phải ngẩng mặt lên mới thấy được hết lá và quả của nó. Dừa không có thân to cành rộng, tán xum xuê nhưng bù lại những tàu lá lại to tựa những chiếc lược khổng lồ “chải vào mây xanh”. Mỗi khi gió thổi qua những tàu lá rập rờn rung rinh, như những chiếc quạt ba tiêu quạt lên quạt xuống. Hoa dừa trắng ngần như hoa cau, hương thơm thoang thoảng dịu nhẹ. Hoa rụng để lại một chùm những quả dừa mọc san sát nhau trông ngộ nghĩnh như những đàn lợn con quấn quanh người mẹ. Mỗi khi chúng em muốn lấy dừa lại nhờ chú Nam trèo cây rất giỏi lấy hộ. Mỗi quả dừa, bên trong lớp vỏ cứng là cùi dừa mềm, nước dừa ngọt mát, là thức uống giải khát yêu thích của lũ trẻ chúng tôi. Khi cùi dừa già, bà thường sắt nhỏ ra đem khi với thịt, món ăn vừa có cái béo ngậy của thịt, vừa có cái thơm thơ của dừa, hương vị của nó thật chẳng thể nào quên.
Cây dừa không chỉ là loại cây thân thuộc với nông thôn Việt Nam mà nó đã đi vào từng trang tuổi thơ em.