/tmp/rgmrs.jpg
Nội dung bài viết
– Phần 1: (12 câu đầu) Kiều tìm cách thuyết phục và trao duyên cho Thúy Vân.
– Phần 2: (15 câu tiếp) Kiều trao kỉ vật và dặn dò em.
– Phần 3: (còn lại) Kiều đau đớn, vật vã đến ngất đi.
Vị trí:
Từ câu 723 đến câu 756: Khởi đầu cho quãng đời lưu lạc và đau khổ của Thúy Kiều.
Câu 1 (trang 106 sgk Văn 10 Tập 2):
– Kiều nhắc đến những kỷ vật tình yêu của mình với Kim Trọng vừa là để kể cho Vân nghe về mối tình của mình, vừa là để sống lại với những ký ức tình yêu.
– Kiều sống lại những hồi ức đẹp đẽ để rồi lại đau đớn mang chúng trao lại cho Thúy Vân.
⇒ Khẳng định: tình yêu của nàng và chàng Kim sẽ bất diệt, sẽ sống mãi trong tâm hồn nàng, dù những kỉ vật tình yêu nàng đã trao cho Vân.
Câu 2 (trang 106 sgk Văn 10 Tập 2):
– Những từ ngữ cho thấy Kiều nghĩ đến cái chết: thịt nát xương mòn, ngậm cười chín suối, người mệnh bạc, thấy hiu hiu gió thì hay chị về, nát thân bồ liễu, người thác oan, trâm gãy bình tan, nước chảy hoa trôi,…
– Việc tập trung dày đặc những từ ngữ mang hàm ý cái chết trong những lời bộc bạch của Kiều càng chứng tỏ sự rối bời và trống trải trong lòng Kiều.
+ Đối với Kiều, mối tình với chàng Kim như là lẽ sống. Khi buộc lòng phải trao duyên cho Vân, nàng không những từ bỏ mối tình với chàng Kim mà còn tự từ bỏ chính mình. Nàng buông xuôi và nghĩ đến cái chết.
⇒ Thể hiện sự băn khoăn, nỗi day dứt của Nguyễn Du trước nỗi đau của con người, cũng là sự xót thương cho thân phận người con gái tài hoa mà bạc mệnh.
Câu 3 (trang 106 sgk Văn 10 Tập 2):
a. Trao duyên cho Vân nhưng Kiều không chỉ đối thoại với Vân (22 câu đầu) mà nàng còn tự đối thoại với chính mình (10 câu tiếp) và đối thoại cùng Kim Trọng (2 câu cuối).
b. Diễn biến tâm trạng của Kiều:
– Đối thoại với Thúy Vân:
+ Mở đầu là sự khẩn khoản, tha thiết thậm chí là ép buộc Vân nhận mối duyên của mình: “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”. Tiếp đó, Kiều sống lại trong những ký ức tình yêu với Kim Trọng khi nàng kể cho Vân nghe về mối tình của mình. Kiều trao cho Vân những kỉ vật tình yêu của mình và Kim Trọng, cũng là vừa để mình được ngắm nhìn chúng lần nữa.
⇒ Nếu ban đầu là sự cương quyết, ép buộc em nhận mối lương duyên của mình thì càng về sau, Kiều càng tỏ ra nuối tiếc, càng không muốn dứt bỏ mối tình ấy. Nàng đau khổ khi phải tự đấu tranh với chính bản thân mình, đến mức dù trao cho Vân nhưng vẫn muốn giữ lại một chút cho mình trong mối nhân duyên đó: “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Từ “của chung” không phải là “của Vân và Kim Trọng” mà là “của chung ba người” ⇒ Kiều không thể nào dứt bỏ hoàn toàn tình yêu với Kim Trọng.
– Đối thoại với chính mình:
+ Sau khi trao duyên cho Vân, Kiều cảm thấy trống rỗng, buông xuôi. Không còn tình yêu của Kim Trọng, nàng cảm thấy như mình đã chết đi rồi.
⇒ Cái chết bủa vây tâm trí Kiều. Đối với Kiều, tình yêu với chàng Kim là cả lẽ sống. Mất lẽ sống ấy, nàng chỉ còn là cái xác không hồn. Nàng tự coi mình là một người đã chết.
– Đối thoại với chàng Kim:
+ Lời thổ lộ ngắn ngủn hai câu nhưng là tiếng kêu xé lòng của Kiều: “Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang/ Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”
⇒ Đó là tiếng khóc thương Kiều dành cho người yêu, người mà đến lúc đó vẫn chưa biết mối tình đẹp đẽ mình vun đắp đang đổ vỡ dần dần
+ Kiều tự xem mình là một kẻ phản bội. Dù không muốn phản bội, nhưng nàng tự nhận đó là lỗi của mình, là mình đã phụ chàng, đã vứt bỏ chàng.
⇒ Tiếng kêu bất lực của Thúy Kiều vang lên đầy đau đớn như một dấu chấm hết cho một mối lương duyên tươi đẹp vừa mới chớm nở đã lụi tàn.
Câu 4 (trang 106 sgk Văn 10 Tập 2): Mối quan hệ giữa tình cảm và lí trí:
– Kiều bị đặt vào những mâu thuẫn giữa tình cảm và lí trí, giữa một bên là chữ tình và một bên là chữ hiếu:
+ Để làm tròn chữ hiếu, nàng buộc phải lựa chọn từ bỏ tình cảm với Kim Trọng.
+ Nàng không nhẫn tâm nhìn chàng Kim đắm chìm trong đau khổ.
⇒ Nàng nhờ Vân thay mình trả nghĩa chàng Kim.
+ Trong cuộc trao duyên, nàng cũng rơi vào mâu thuẫn giữa tình cảm và lý trí một cách mãnh liệt:
+ Tình cảm của nàng và chàng Kim rất sâu đậm, đến mức nếu đánh mất nó, nàng xem như mình chết đi rồi. Khi trao duyên cho Vân, con tim nàng vẫn dùng dằng không dứt, vẫn còn muốn níu kéo một chút ít cho riêng mình.
+ Lý trí không cho phép nàng lưu luyến mối nhân duyên dang dở, vì gia đình đang gặp chuyện, cha và em thì đang chịu cảnh tù ngục, nàng phải quyết định sớm để cứu gia đình
⇒ Lý trí thắng tiếng nói của con tim, nhưng nàng thì coi như mình là một người đã chết, một cái xác không hồn. Trong tâm trí nàng kể từ khi quyết định trao duyên cho Vân đã luôn nghĩ đến cái chết.
* Mối quan hệ giữa nhân cách và thân phận của Thúy Kiều
– Thúy Kiều vốn xuất thân là con nhà danh giá, trâm anh thế phiệt.
+ Là tiểu thư lớn của nhà Vương viên ngoại.
+ Là người con gái tài sắc vẹn toàn. Tài năng và nhan sắc của nàng khiến cho trời đất cũng phải ghen tị ⇒ báo hiệu cuộc đời đầy sóng gió của nàng.
– Nàng là người con gái đức hạnh, sống có tình có nghĩa, người con hiếu thảo của gia đình.
+ Nàng là người tình chung thủy: phải từ bỏ tình yêu của mình cũng không muốn người mình yêu đau khổ.
+ Nàng là người con có hiếu: để cứu cha và em trai, nàng quyết định bán mình cho Mã Giám Sinh.
– Nàng là người con gái tài hoa, xinh đẹp nhưng bạc mệnh: điều này đã có điềm báo từ những dòng miêu tả nhan sắc của nàng ở đầu truyện thơ. Cuộc đời Kiều trải qua hơn mười năm sóng gió, qua tay biết bao nhiêu hạng người, thân người con gái liễu yếu đào tơ đã phải mạnh mẽ như thế nào mới vượt qua được tất cả những bi kịch cuộc đời?
⇒ Giữa nhân cách và số phận của Thúy Kiều cũng có sự mâu thuẫn. Mâu thuẫn ấy dường như lại là sự mâu thuẫn với câu đúc kết của người xưa rằng “Ở hiền gặp lành”.
Qua tìm hiểu văn bản, học sinh thấy được:
Nội dung:
– Bi kịch tình yêu của Thúy Kiều:
+ Bi kịch khi phải lựa chọn giữa bên Tình và Hiếu.
+ Bi kịch khi trao duyên cho em gái nhưng vẫn không nguôi day dứt về tình yêu.
– Thân phận bất hạnh và nhân cách cao đẹp của Thúy Kiều
Nghệ thuật:
– Nghệ thuật miêu tả nội tâm chân thực, logic.