/tmp/miarc.jpg
Nội dung bài viết
– Từ đầu … “Thiếp xén tày một mực”: Cảnh Thị Kính xén râu mọc ngược nơi cằm chồng. Thiện Sĩ bị bất ngờ, hốt hoảng kêu cứu.
– Tiếp … “Về cùng cha con ơi”: Cảnh vợ chồng Sùng ông Sùng bà đánh đập, vu oan cho con dâu, đuổi Thị Kính về nhà cha mẹ đẻ.
– Còn lại: Thị Kính quyết định trá hình nam tử bước đi tu hành
Câu 1 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2): Tóm tắt nội dung vở chèo:
1. Án giết chồng: Thị Kính bị vu oan giết Thiện Sĩ và bị đuổi ra khỏi nhà họ Sùng. Nàng giả trai, lên chùa tu hành, mong nhờ “phật pháp vô biên giải tiền oan nghiệp chướng”.
2. Án hoang thai: Thị Kính – Tiểu Kính Tâm bị Thị Mầu vu oan, bị đuổi ra khỏi chùa.
3. Oan tình được giải – Thị Kính thành Quan Thế Âm Bồ Tát.
Câu 2 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2):
Đọc kĩ đoạn trích và các chú thích để hiểu văn bản và các từ ngữ khó, các từ cổ hiện ít dùng.
Câu 3 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2):
– Trích đoạn ” Nỗi oan hại chồng” có 5 nhân vật: Thị Kính, Thiện Sĩ, Sùng bà và Sùng ông,
– Những nhân vật chính thể hiện xung đột kịch có: Thị Kính và Sùng bà.
– Kiểu và vai nhân vật chính:
+ Thị Kính: thuộc loại nhân vật nữ chính, đức hạnh, nết na, đại diện cho người phụ nữ lao động bình dân
+ Sùng bà: thuộc loại nhân vật mụ ác, tàn nhẫn, độc địa, đại diện cho tầng lớp địa chủ phong kiến.
Câu 4 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2): Khung cảnh ở đầu vở kịch như sau:
– Chồng dùi mài kinh sử, vợ ngồi cạnh may vá, thêu thùa; chồng thiu thiu ngủ, vợ ngồi quạt cho chồng → Cảnh sinh hoạt gia đình ấm cúng.
– Thị Kính thấy chồng có râu mọc ngược và băn khoăn suy nghĩ “Râu làm sao một chiếc mọc ngược” (muốn làm đẹp cho chồng). Qua đó ta thấy, nàng là người vợ tỉ mỉ, ân cần, dịu dàng, chân thật trong tình yêu.
Câu 5 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2): Liệt kê hành động và ngôn ngữ của Sùng bà đối với Thị Kinh:
– Hoạt động:
Dúi đầu Thị Kính ngã xuống, bắt Thị Kính ngửa mặt lên trời, không cho Thị Kính phân bua, dúi tay Thị Kính ngã khuỵ xuống
→ Hành động hết sức tàn nhẫn, thô bạo.
– Lời nói:
Cái con mặt sứa … định giết con bà à?
… Tuồng bay …đồng
Này con kia …hẹn hò
Chém bổ băm vằm … giết chồng
Phi mặt …thớt!
Này con kia …hử!
Đồng nát … ở với cha
Trứng rồng …cua ốc
→ Lời nói đay nghiến, mắng nhiếc tàn nhẫn, chua ngoa, hợm của, khoe dòng giống
Từ đó ta thấy bản chất độc địa, tàn nhẫn, bất nhân của Sùng bà.
Câu 6 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2):
Trong đoạn trích Thị Kính đã có 5 lần kêu oan như sau: Kêu oan với Sùng ông, Sùng bà, kêu oan với Thiện Sĩ và với cả cha đẻ của mình. Cho thấy Thị Kính là người phụ nữ hiền lành, nhẫn nhục, trong oan ức vẫn chân thực giữ phép tắc. Sự kêu oan của Thị Kính được cha đẻ cảm thông nhưng đó là sự cảm thông đau khổ, bất lực, ông cũng không thể chia sẻ được với con gái bởi lễ giáo phong kiến hà khắc.
Câu 7 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2):
Trước khi đuổi Thị Kính, Sùng bà và Sùng ông còn dựng lên một vở kịch tàn ác: lừa Mãng ông sang ăn cử cháu, kì thực là bắt Mãng ông sang nhận con về. Chúng có thú vui làm điều ác, làm cho cha con Mãng ông phải chịu nhục nhã, ê chề. Hơn thế nữa, nhanh như trở bàn tay, Sùng ông đã thay đổi quan hệ thông gia bằng những hành động vũ phu: dúi ngã Mãng ông rồi bỏ vào nhà. Đây là chỗ xung đột kịch tập trung cao nhất. Thị Kính như bị đẩy vào chỗ cực điểm của nỗi đau: nỗi đau oan ức, nỗi đau tình chồng vợ tan vỡ, giờ lại thêm nỗi đau trước cảnh cha già thân yêu mà bấy lâu Thị Kính mong được báo đền công dưỡng dục bị chính cha chồng khinh bỉ, hành hạ
Câu 8 (trang 120 sgk Văn 7 Tập 2):
– Tâm trạng Thị Kính trước khi rời khỏi nhà Sùng bà:
+ Cử chỉ: … quay nhìn từ cái kỉ đến sách, thúng khâu rồi cầm lấy chiếc áo đang khâu bóp chặt trong tay.
+ Hát: “Bấy lâu cầm sắt… lẻ loi”
→ nỗi đau tiếc nuối, xót xa cho hạnh phúc lứa đôi bị tan vỡ.
– Việc Thị Kính quyết tâm ” trá hình nam tử bước đi tu hành” có ý nghĩa giải thoát cuộc đời, thoát khỏi khổ đau bế tắc.
– Đó không phải con đường để nhân vật thoát khỏi khổ đau bế tắc bởi nó chỉ là cách tạm hoãn mâu thuẫn vốn tồn đọng trong xã hội đó lại. Thị Kính cam chịu, đi tu hành để lánh nối đau thì ngoài kia còn không biết bao nhiêu Thị Kính khác vẫn phải chịu nỗi đau đớn nhục nhã như vậy trong xã hội phong kiến.
Câu 1 (trang 121 sgk Văn 7 Tập 2): Tóm tắt ngắn gọn đoạn trích ” Nỗi oan hại chồng”:
Tại phòng riêng, Thị Kính đang ngồi quạt cho chồng Thiện Sĩ đang đọc sách mà thiu thiu ngủ. Thị Kính bất ngờ nhìn thấy dưới cằm chồng có một sợi râu đang mọc ngược. Bởi tấm lòng hết mực chăm lo cho chồng, sẵn có con dao khâu xén chiếc râu. Thiện Sĩ tỉnh dậy bất ngờ la toáng lên là có kẻ giết mình. Sùng ông và Sùng bà bất ngờ xuất hiện đay nghiến, mắng chửi, sỉ nhục và kết tội Thị Kính tội giết chồng. Thị Kính oan tình cố van xin, bày tỏ nỗi lòng nhưng không được ai chấp nhận. Cuối cùng, Sùng ông và Sùng bà gọi Mãng ông tới và đuổi Thị Kính về nhà đẻ. Thị Kính cuối cùng phải ngậm ngùi mang án oan trở về nhà đẻ.
Câu 2 (trang 121 sgk Văn 7 Tập 2):
Chủ đề đoạn trích ” Nỗi oan hại chồng”: Thể hiện những phẩm chất tốt đẹp cùng nỗi oan bi thảm bế tắc của người phụ nữ và những đối lập giai cấp thông qua xung đột gia đình, hôn nhân trong xã hội phong kiến.
Thành ngữ : ” Oan Thị Kính”: Nỗi oan quá mức, cùng cực, không thể giải quyết được mà cố câm nín, nhịn nhục và cam chịu.
Trích đoạn ” Nỗi oan hại chồng” trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” đã thể hiện được phẩm chất tốt đẹp cùng nỗi oan bi thảm, bế tắc của người phụ nữ và những đối lập giai cấp thông qua xung đột gia đình, hôn nhân trong xã hội phong kiến.