/tmp/kkaio.jpg
Câu 1 (trang 121 sgk Văn 9 Tập 2):
Truyện Những ngôi sao xa xôi viết về ba cô gái thanh niên xung phong làm nhiệm vụ phá bom ở một cao điểm trong thời kì cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ đang diễn ra khốc liệt. Ba nữ thanh niên xung phong thuộc tổ trinh sát mặt đường tại một trọng điểm trên tuyến đường Trường Sơn. Nhiệm vụ của họ là quan sát khi địch ném bom, đo khối lượng đất đá cần phải san lấp, đánh dấu vị trí các quả bom chưa nổ và phá bom. Công việc của họ hết sức nguy hiểm. Mặc dù vậy, cuộc sống của họ vẫn vẫn có những niềm vui hồn nhiên của tuổi trẻ, những giây phút thanh thản, mơ mộng và đặc biệt là gắn bó, yêu thương nhau trong tình đồng đội.
– Truyện được trần thuật từ ngôi thứ nhất, theo lời kể của Định – nhân vật chính. Sự lưạ chọn vai kể như vậy thuận lợi cho việc miêu tả diễn biến tâm lí của nhân vật, thế giới tâm hồn, những cảm xúc và suy nghĩ của ba cô gái.
Câu 2 (trang 121 sgk Văn 9 Tập 2):
– Điểm chung của ba cô gái:
+ Cùng chung một tổ, cùng trải qua cuộc sống đầy những khó khăn, hiểm nghèo.
+ Họ đã trở thành những con người dũng cảm, can trường, coi những việc đếm bom, phá bom… chỉ là những công việc bình thường hàng ngày.
+ Những người có tinh thần trách nhiệm cao đối với công việc nhưng đồng thời cũng dễ xúc cảm, giàu ước mơ, dễ vui mà cũng dễ trầm tư.
+ Họ lạc quan, yêu đời, không bao giờ tỏ ra chán nản, thất vọng.
– Nét tính cách riêng giữa ba cô gái:
+ Phương Định nhạy cảm và hồn nhiên, thích mơ mộng, ưa sống với những kỷ niệm của tuổi thiếu nữ vô tư.
+ Chị Thao từng trải hơn nhưng cũng không thiếu những rung động, khát khao của tuổi trẻ
+ Nho trông có vẻ yếu đuối nhưng cũng rất tinh nghịch.
Câu 3 (trang 121 sgk Văn 9 Tập 2):
– Phương Định là một cô gái Hà Nội, ngoại hình khá: bím tóc dày, tương đối mềm, cổ cao kiêu hãnh như đài hoa loa kèn, đôi mắt dài, nâu, hay nheo lại như chói chang… Các anh lái xe nhận xét: “Cô gái có cái nhìn sao mà xa xăm!”… ⇒ Cô gái tự nhận thức được vẻ đẹp của mình, cô tự hào nhưng không kiêu ngạo vì điều đó.
– Tâm trạng của Phương Định trong một lần phá bom: từ những suy nghĩ vui vui về các anh bộ đội đến nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ rất rõ những đồ vật, những kỉ niệm ngày còn ở nhà… Đó là những suy nghĩ rất đời thường nhưng càng làm cho bức tranh chân dung người chiến sĩ thêm sống động.
– Nhất là đoạn cuối truyện, khi cơn mưa đá đã tan thì niềm vui nhỏ bé của các cô cũng không còn. Cô gái lại đắm chìm và những hồi ức về quê nhà. Bao nhiêu hình ảnh gắn liền với bấy nhiêu kỉ niệm: mẹ, cái cửa sổ, bà bán kem, lũ trẻ, hoa trong công viên… mỗi hình ảnh chỉ kịp vụt qua trong thoáng chốc nhưng rất sắc nét, rất cụ thể.
Câu 4 (trang 121 sgk Văn 9 Tập 2):
Tác phẩm có giọng điệu và ngôn ngữ tự nhiên, trẻ trung và đầy nữ tính. Những câu văn ngắn, nhịp nhanh tạo được không khí khẩn trương trong hoàn cảnh chiến trường. Ở những đoạn hồi tưởng, nhịp kể chậm lại, gợi nhớ những kỷ niệm của tuổi thiếu niên hồn nhiên, vô tư.
Câu 5 (trang 121 sgk Văn 9 Tập 2):
Hình ảnh ba cô gái thanh niên xung phong trong truyện là hình ảnh tiêu biểu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Đó là những người tràn đầy sức khỏe, sức trẻ, giàu lòng yêu nước và tinh thần kiên cường, bất khuất của dân tộc. Cho dù trong hoàn cảnh ngặt nghèo, thường xuyên đối mặt với hiểm nguy nhưng họ luôn lạc quan, hồn nhiên, yêu đời; sẵn sàng đương đầu với thử thách, tình cảm đồng đội cao đẹp…
Câu 1 (trang 122 sgk Văn 9 Tập 2):
– Trường ca “Những người đi tới biển” của Thanh Thảo:
Buổi sáng ấy tôi bước vào tuổi 25
Ở đường dây 559 – trạm 73
Ngày sinh nhật bắt đầu bằng
cơn sốt
Cổ đắng khô ngồi thở trên
đỉnh dốc
Bạn mở bi đông nhường hớp nước cuối cùng
Hớp nước cuối cùng giữa cơn sốt
đầu tiên
Ngày sinh nhật tuổi 25 mình
được uống.
– Bài thơ “Khoảng trời, hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ
Chuyện kể rằng: em, cô gái mở đường
Ðể cứu con đường đêm ấy khỏi bị thương
Cho đoàn xe kịp giờ ra trận
Em đã lấy tình yêu Tổ quốc của mình thắp lên ngọn lửa
Ðánh lạc hướng thù. Hứng lấy luồng bom…
Ðơn vị tôi hành quân qua con đường mòn
Gặp hố bom nhắc chuyện người con gái
Một nấm mộ, nắng ngời bao sắc đá
Tình yêu thương bồi đắp cao lên…
Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em
Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ
Ðất nước mình nhân hậu
Có nước trời xoa dịu vết thương đau
Em nằm dưới đất sâu
Như khoảng trời đã nằm yên trong đất
Ðêm đêm, tâm hồn em toả sáng
Những vì sao ngời chói, lung linh
Có phải thịt da em mềm mại, trắng trong
Ðã hoá thành những làn mây trắng?
Và ban ngày khoảng trời ngập nắng
Ði qua khoảng trời em
– Vầng dương thao thức
Hỡi mặt trời, hay chính trái tim em trong ngực
Soi cho tôi
Ngày hôm nay bước tiếp quãng đường dài?
Tên con đường là tên em gửi lại
Cái chết em xanh khoảng-trời-con-gái
Tôi soi lòng mình trong cuộc sống của em
Gương mặt em, bạn bè tôi không biết
Nên mỗi người có gương mặt em riêng!
– Bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” của Lê Anh Xuân
Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhứt
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.
Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đàng hoàng nổ súng tiến công
Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh giẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong
Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho riêng Anh trước lúc lên đường
Chỉ để lại cái dáng-đứng-Việt-Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sỹ Giải phóng quân.
Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhứt
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.