/tmp/uqddn.jpg
Nội dung bài viết
– Hai câu thơ 1, 2: Thú vui tao nhã của thi nhân khi ở ẩn.
– Hai câu thơ 3, 4: Quan điểm của nhà thơ về “dại”, “khôn” ở đời.
– Hai câu thơ 5, 6: Cuộc sống an nhàn, bình dị của thi nhân.
– Hai câu thơ cuối: Triết lý sống nhàn của thi nhân.
Câu 1 (trang 129 sgk Văn 10 Tập 1):
– Số từ “một” được lặp lại ba lần, đi cùng với ba danh từ “mai”, “cuốc”, “cần câu” như tái hiện nhịp đếm của con người.
– Nhịp điệu hai câu thơ đầu thay đổi linh hoạt: câu 1 ngắt nhịp 2/2/2, câu 2 ngắt nhịp 4/3 quen thuộc.
– Nhà thơ đang sống một cuộc sống nhàn tản, với thú vui tao nhã, lánh xa khỏi những ồn ã của cuộc sống phồn hoa, tấp nập, đầy bon chen bên ngoài.
Câu 2 (trang 129 sgk Văn 10 Tập 1):
– Nơi “vắng vẻ”: là nơi mà tác giả đang ở ẩn, nơi xa lánh những lo toan, bon chen vật chất của cuộc sống.
– Chốn “lao xao”: nơi trái ngược với nơi tác giả đang ở, là cuộc sống ngoài kia với đầy rẫy những bon chen.
– Quan điểm về “dại”, “khôn” của tác giả được thể hiện bằng cách nói trái ngược. Dựa trên câu chữ, chọn cuộc sống ở chốn an tĩnh, lánh đời như tác giả là dại, đắm mình vào chốn xô bồ là khôn, nhưng thực chất quan điểm của tác giả ngụ ý điều ngược lại.
– Nghệ thuật đối rất chỉnh giữa hai câu 3 và 4 đã tách bạch rõ hai kiểu sống đối lập, làm bật nổi quan điểm sống của thi nhân.
Câu 3 (trang 129 sgk Văn 10 Tập 1):
– Mỗi mùa có một loại sản vật khác nhau, dân dã, bình dị.
– Khung cảnh sinh hoạt hết sức bình dị, đơn giản.
– Điều này cho thấy một cuộc sống đạm bạc mà thanh cao, an tĩnh, hòa hợp với tự nhiên.
– Hai câu thơ sử dụng phép liệt kê, liệt kê bốn mùa trong năm gắn với những sản vật thiên nhiên đặc trưng. Phép liệt kê ấy gợi ra dòng chảy của cuộc sống qua bốn mùa. Bên cạnh phép liệt kê, tác giả còn sử dụng cách ngắt nhịp 4/3 quen thuộc, đều đặn thể hiện phong thái ung dung tự tại của Nguyễn Bỉnh Khiêm.
Câu 4 (trang 130 sgk Văn 10 Tập 1):
– Nguyễn Bỉnh Khiêm là người có cốt cách thanh cao, sống vượt lên trên danh lợi. Đối với ông, phú quý chỉ là chiêm bao, sẽ chóng tan biến đi, thứ niềm vui mà nó mang lại chỉ là nhất thời. Tác giả đối với phú quý lợi lộc thì xem nhẹ tựa lông hồng, không màng tới, không bận tâm.
Câu 5 (trang 130 sgk Văn 10 Tập 1):
– Quan niệm sống nhàn của Nguyễn Bỉnh Khiêm là xa lánh nơi quyền quý để giữ cốt cách thanh cao, là hòa hợp với tự nhiên.
– Đó là quan niệm sống tích cực. Bởi vì đây không phải là thói sống ích kỷ, chỉ giữ những điều tốt đẹp cho riêng mình. Hơn nữa, Nguyễn Bỉnh Khiêm một đời chính trực, sáng suốt nhưng tại không can gián được triều đình vậy nên mới tìm cách quy ẩn chứ không phải là lánh đời vì sợ thiệt thân.
– Cuộc sống của Nguyễn Bỉnh Khiêm là một thái độ một phản ứng với thời cuộc náo loạn, nhiều thị phi lúc bấy giờ. Ông chọn cách quy ẩn là bởi muốn gìn giữ cốt cách thanh cao của mình, không muốn để bản thân mình phải sa vào vòng xoáy của đua tranh, quyền bính. Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhà nho có nhân cách thanh cao, không màng danh lợi.
Qua bài thơ, học sinh hiểu đúng đắn về quan niệm sống nhàn và cảm nhận được vẻ đẹp nhân cách của Nguyễn Bỉnh Khiêm. Đồng thời học sinh nhận ra được sự kết hợp giữa trữ tình và triết lí cùng cách nói ẩn ý, thâm trầm và sâu sắc trong ngòi bút của nhà thơ.