/tmp/lygke.jpg
– Khổ đầu (6 dòng thơ): cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
– Hai khổ 2, 3 (từ “Mùa xuân người cầm súng” đến “cứ đi lên phía trước”): hình ảnh mùa xuân đất nước.
– Hai khổ 4, 5 (từ “Ta làm con chim hót” đến “Dù là khi tóc bạc”): những suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước thiên nhiên đất nước.
– Khổ thơ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu ca Huế.
Câu 1 (trang 57 sgk Văn 9 Tập 2):
Đầu tiên là cảm xúc của nhà thơ với mùa xuân của thiên nhiên đất nước, sau đó là cảm xúc về mùa xuân của mỗi người trong mùa xuân đất nước. Cuối cùng là khát vọng được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của bản thân vào mùa xuân cuộc đời chung.
Qua đó, có thể chia văn bản thành 4 phần:
– Khổ đầu (6 dòng thơ): cảm xúc trước mùa xuân của thiên nhiên, đất trời.
– Hai khổ 2, 3: hình ảnh mùa xuân đất nước.
– Hai khổ 4, 5: những suy nghĩ và ước nguyện của nhà thơ trước thiên nhiên đất nước.
– Khổ thơ cuối: Lời ca ngợi quê hương, đất nước qua điệu ca Huế.
Câu 2 (trang 57 sgk Văn 9 Tập 2):
Mùa xuân trong khổ thơ đầu là mùa xuân của thiên nhiên, đất trời với: dòng sông xanh, bông hoa tím biếc, tiếng chim chiền chiện hót vang trời. Thanh Hải đã vẽ ra bức tranh thiên nhiên tươi đẹp với không gian cao rộng, dòng sông, mặt đất, bầu trời bao la, màu sắc tươi thắm (sông xanh, hoa tím biếc), âm thanh (tiếng chim chiền chiện) của mùa xuân.
Cảm xúc của tác giả trước cảnh mùa xuân được diễn tả qua hai câu thơ:
Từng giọt long lanh rơi
Tôi đưa tay tôi hứng.
Có thể hiểu “từng giọt” là “những giọt mùa xuân”, là sự chuyển đổi các cảm giác, từ màu sắc, âm thanh, hình ảnh… sang hình khối, đường nét, một sự cụ thể hoá những yếu tố vô hình (âm thanh, màu sắc…) thành một yếu tố hữu hình, có thể cảm nhận được bằng nhiều giác quan. Đó là niềm say mê của nhà thơ trước cảnh mùa xuân.
Câu 3 (trang 57 sgk Văn 9 Tập 2):
Đoạn thơ là khát vọng được hoà nhập vào cuộc sống, được cống hiến phần tốt đẹp của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
Điều đó thể hiện trong những hình ảnh tự nhiên, giản dị và đẹp. Nhà thơ đã dùng những hình ảnh đẹp của thiên nhiên để nói lên ước nguyện của mình: muốn “làm con chim hót”, muốn “làm một cành hoa”… Đó là ước muốn được sống có ích, cống hiến cho đời, là một lẽ tự nhiên như con chim mang đến tiếng hót, như bông hoa toả hương sắc, mang đến vẻ đẹp cho cuộc đời.
Đoạn thơ gợi cho ta những suy nghĩ sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người. Cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi con người biết sống, biết chăm lo cho cuộc đời chung và có thể đóng góp những gì tốt đẹp của mình cho cuộc đời chung, cho đất nước.
Câu 4 (trang 57 sgk Văn 9 Tập 2): Bài thơ có nhịp điệu trong sáng, tha thiết, gần gũi với dân ca. Tác giả đã sử dụng các yếu tố như thể thơ, cách ngắt nhịp, cách gieo vần, cách sử dụng các điệp từ, điệp ngữ rất hiệu quả:
– Thể thơ năm chữ gắn liền với các điệu dân ca, nhất là dân ca miền Trung, có âm hưởng nhẹ nhàng, tha thiết.
– Cách gieo vần liền giữa các khổ thơ cũng tạo nên sự liền mạch cho cảm xúc.
– Hình ảnh tự nhiên giản dị (bông hoa tím, tiếng chim hót, vì sao…) với các hình ảnh giàu ý nghĩa biểu trưng, khái quát (đất nước như vì sao…).
– Ý thơ xoay quanh hình ảnh mùa xuân, từ mùa xuân của đất trời đến mùa xuân của quê hương đất nước.
– Giọng điệu của bài thơ biến đổi thể hiện tâm trạng của tác giả: vui, say sưa ở đoạn đầu, trầm lắng, thiết tha khi bộc bạch tâm niệm, sôi nổi, tha thiết ở đoạn kết.
Câu 5 (trang 57 sgk Văn 9 Tập 2):
Nhan đề “Mùa xuân nho nhỏ” là sự sáng tạo của tác giả, gửi gắm ước muốn được góp “mùa xuân nho nhỏ” của bản thân vào mùa xuân của cuộc đời. Đó là khát vọng được sống có ích, được cống hiến cho xã hội.
(Học sinh có thể tự chọn khổ thơ để viết đoạn văn)
Ví dụ:
Một mùa xuân nho nhỏ
Lặng lẽ dâng cho đời
Dù là tuổi hai mươi
Dù là khi tóc bạc.
Mùa xuân nho nhỏ là tác phẩm được nhà thơ Thanh Hải sáng tác vào những ngày cuối đời mình, khi ông đang nằm trên giường bệnh. Bài thơ là những gửi gắm về khát vọng được sống có ích, được cống hiến cho xã hội. Đoạn thơ chính là lời tác giả bộc bạch về khát vọng của bản thân. Trong khung cảnh mùa xuân của thiên nhiên và đất nước, Thanh Hải muốn được dâng hiến “mùa xuân nho nhỏ” của bản thân mình vào mùa xuân chung của cuộc đời. Tính từ “nho nhỏ” và “lặng lẽ” đã thể hiện được đức tính khiêm tốn tốt đẹp của tác giả, ông muốn được cống hiến mà không cần được biết tới, chỉ muốn lặng lẽ đem những gì tốt đẹp nhất cho cuộc sống. Khát vọng ấy luôn luôn nguyên vẹn, cháy hừng hực nhiệt huyết cho dù là khi còn trẻ hay là khi về già. Đây chính là một thông điệp sống cao đẹp, có ý nghĩa gửi tới chúng ta.