/tmp/sihxz.jpg
Nội dung bài viết
+ Phần 1 (từ đầu đến “ta sẽ lấy nhau khi góa bụa về già”): Tâm trạng đau buồn, xót xa, quyến luyến của chàng trai khi tiễn người yêu đi lấy chồng.
+ Phần 2 (đoạn còn lại): Sự kìm lòng của chàng trai cùng lời khẳng định tình yêu bền chặt, sâu nặng.
Câu 1 (trang 96 sgk Văn 10 Tập 1):
– Chàng trai đau đớn, xót xa vì người yêu thương đi lấy chồng, đôi lứa phải chia lìa: chân bước xa lòng càng đau nhớ, “đau” và “nhớ” thể hiện hai cung bậc, hai cấp độ của tâm trạng, nhấn mạnh mặc cảm về sự đổ vỡ, chia li.
– Chàng trai quyến luyến, không nỡ buông rời người mình yêu thương: vừa đi vừa ngoảnh lại, vừa đi vừa ngoái trông, hành động đi được đặt cạnh hai hành động ngược hướng “ngoảnh lại”, “ngoái trông” thể hiện sự giằng co, không thể dứt khoát của chàng trai.
– Chàng trai không thể giấu được tình yêu vô bờ của mình: xin hãy cho anh kề vóc mảnh….đừng buồn, chàng trai yêu thương cô gái, mong được ở cạnh cô dù chỉ một phút giây để thay lời tiễn dặn, chàng yêu thương cả con riêng của cô gái ấy.
– Chàng trai khẳng định tình yêu không thể phai mờ đối với người mình yêu thương dù phải chịu nỗi đau đớn: Không lấy được nhau mùa hạ, ta sẽ lấy nhau mùa đông; Không lấy được nhau thời trẻ, ta sẽ lấy nhau khi qóa bụa về già.
Câu 2 (trang 96 sgk Văn 10 Tập 1):
– “Em tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ/ Tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi/ Tới rừng lá ngón ngóng trông/ Anh tới nơi, em bẻ lá xanh anh ngồi”: Cô gái chần chừ, nán lại để đợi chờ chàng trai, mong được gặp người mình yêu lần cuối.
– Hành động của cô gái cho thấy tình cảm mà chàng trai dành cho cô vô cùng sâu nặng, khiến cô không thể nào quên đi, không thể nào dứt khoát quay lưng. Đó là một tình cảm chân thật, cao thượng.
Câu 3 (trang 96 sgk Văn 10 Tập 1):
– Đầu bù anh chải cho/ Tóc rối đưa anh búi hộ: Chàng trai chăm sóc cho cô gái, giúp cô sửa soạn để trở nên chỉn chu, xinh đẹp khi về nhà chồng.
– Anh chặt tre về đốt gióng đầu/ Chặt tre dày, anh hun gióng giữa/ Lam ống thuốc này em uống khỏi đau: Chàng trai chăm sóc cho sức khỏe của người mình yêu thương dù giờ đây cô đã là vợ người khác.
– Tơ rối đôi ta cùng gỡ/ Tơ vò ta vuốt lại quay guồng: Chàng trai chia sẻ với cô gái giúp đỡ cô những công việc thường ngày, ở bên cạnh lắng nghe, bầu bạn với cô.
⇒ Hoàn cảnh éo le không thể giết chết tình cảm chân thật của chàng trai, hoàn cảnh ấy càng khẳng định tình cảm của chàng trai đối với cô gái là vô cùng cao thượng, bền chặt, thật lòng muốn cô gái được hạnh phúc ở nhà chồng.
Câu 4 (trang 96 sgk Văn 10 Tập 1):
– Phép điệp:
→ Vừa đi vừa ngoảnh lại/ Vừa đi vừa ngoái trông
→ tới rừng ớt ngắt lá ớt ngồi chờ/ tới rừng cà ngắt lá cà ngồi đợi/ tới rừng lá ngón ngóng trông
→ đợi tới tháng Năm lau nở/ đợi mùa nước đỏ cá về/ đợi chim tăng ló hót gọi hè
→ Chết ba năm hình còn treo đó/…/Chết thành hồn, chung một mái, song song
→ Nước ngập gốc đáng lụi, đừng lụi/ Nước ngập rễ đáng bềnh, đừng bềnh
→ Như bán trâu ngoài chợ/ Như thu lúa muôn bông
→ Yêu nhau, yêu trọn đời gỗ cứng/ Yêu nhau, yêu trọn kiếp đến già
→ Điệp từ ngữ: anh, em, ta, đôi ta.
– Ý nghĩa: những phép điệp được sử dụng dày đặc khiến nội dung tình cảm của bài thơ được thể hiện một cách cụ thể hơn, dễ hình dung hơn, nỗi lòng của chàng trai và cô gái trong bài thơ cũng bởi thế mà trở nên sâu sắc, ám ảnh hơn, như nhiều lớp sóng vỗ dồn dập mãi không dứt.
Qua bài thơ, học sinh được làm quen với tác phẩm truyện thơ của dân tộc Thái, từ đó cảm nhận được tình cảm lứa đôi chân thật, đẹp đẽ, cao thượng của đôi lứa thông qua hệ thống biện pháp tu từ dày đặc (điệp, so sánh,…) mà tác giả đã sử dụng.