/tmp/vjmpy.jpg
Xem thêm Tóm tắt: Lão Hạc
– Phần 1: Từ đầu đến “tôi bây giờ có làm gì được đâu?”
Nội dung phần này: Giới thiệu về câu chuyện Lão Hạc và ý định bán con chó Vàng của lão.
– Phần 2: Từ “Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi” đến ” Chỉ có tôi với Binh Tư hiểu”
Đây là đoạn nội dung chính của câu chuyện: Kể về câu chuyện bán con chó và cái chết của Lão Hạc.
– Phần 3: Đoạn còn lại
Kết thúc sự việc. Lời của nhân vật “tôi” về lời hứa giúp Lão Hạc gìn giữ mãnh vườn để cho con trai lão trở về cưới vợ.
Câu 1 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1): Diễn biến tâm trạng nhân vật lão Hạc xoay quanh chuyện bán chó
– Trước khi bán chó: lão suy nghĩ đắn đo rất nhiều lần, nhắc đi nhắc lại đến mức ông giáo nghe thấy nhàm và nghĩ rằng lão không bao giờ làm được.
– Con chó là kỉ vật của con trai lão, là người bạn gắn bó lão coi như người thân nên lão Hạc không nỡ bán, nhưng đến khi rơi vào hoàn cảnh khốn cùng lão cũng đành phải bán nó đi.
– Sau khi bán con chó Vàng, lão Hạc thấy day dứt, ăn năn vì trót lừa một con chó, bật khóc huhu khi nhớ lại cảnh lừa bán nó.
⇒ Qua đó, ta thấy lão Hạc là người hiền lành, nhân hậu, sống tình nghĩa thủy chung: lão day dứt phân vân mãi mới quyết định bán con chó, xót xa ân hận không nỡ lừa một con chó.
Câu 2 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1):
– Nguyên nhân cái chết của lão Hạc:
+ Tình cảnh đói khổ, cùng quẫn, không có việc làm, không còn cái ăn,..lão đành bán con chó rồi chọn cái chết để bảo toàn số tiền.
+ Lão thương con, muốn dành tiền cho con nên quyết không tiêu vào tiền của con.
+ Lão không muốn làm phiền đến bà con láng giếng, khi hết thứ ăn lão xin bả chó tự tử chết, không để ai phải giúp đỡ và lão cũng để lại tiền làm ma cho mình để không phải nhờ cậy ai.
– Qua sự sắp xếp của lão Hạc trước khi chết, em thấy lão là người:
+ Tự trọng và lo xa: không muốn phiền lụy đến ai, lo liệu mọi thứ kể cả chuyện làm ma cho mình sau khi chết.
+ Là người thương con: mọi sự lão đều dành cho con, nhịn ăn và chọn cái chết cũng để không tiêu vào tiền của con.
Câu 3 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1): Thái độ và tình cảm của nhân vật “tôi” với lão Hạc:
– Lúc đầu dửng dưng khi nghe lão Hạc nói sẽ bán chó bởi vì lão Hạc đã nói đi nói lại rất nhiều lần.
– Khi lão Hạc bán chó và gửi tiền thì hiểu và cảm thông với lão, muốn tìm cách giúp đỡ, an ủi lão.
– Khi nghe Binh Tư lão Hạc xin bả để bắt chó thì thoáng chút buồn và nghi ngờ.
– Khi chứng kiến cái chết của lão Hạc và hiểu rõ được sự tình thì thấy kính trọng trước lối sống và phẩm chất của lão Hạc.
⇒ Tóm lại, ông giáo là người hiểu sâu sắc, đồng cảm và kính trọng lão Hạc.
Câu 4 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1): Ý nghĩ của nhân vật “tôi”
– Khi nghe Binh Tư nói lão Hạc xin bả để bắt chó, “tôi” cảm thấy buồn vì một con người nhân hậu , tốt bụng, đáng kính như lão Hạc mà đến bước đường cùng cũng phải làm những điều xấu như Binh Tư.
– Đến khi chứng kiến cái chết của lão Hạc, “tôi” lại buồn theo một cách khác. Đó là một người tự trọng, một người cha thương con, một người chăm chỉ chịu thương chịu khó nhưng không thể sống được, lại phải chịu một cái chết đau đớn như vậy.
Câu 5 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1):
– Cái hay của truyện thể hiện ở: nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật và cách kể chuyện.
– Tình huống truyện bất ngờ làm cho câu chuyện trở nên lôi cuốn hấp dẫn, làm rõ hơn được nhân cách cao đẹp của lão Hạc.
– Cách xây dựng nhân vật tài tình: mỗi nhân vật có một tính cách và phẩm chất riêng. Ông giáo là người có học thức, lòng nhân ái nhưng cũng bị nỗi khổ vì cơm, áo, gạo tiền dằn vặt. Lão Hạc là người nông dân chăm chỉ hiền lành, phẩm chất cao đẹp đáng quý nhưng cuộc sống khó khăn khiến lão phải chọn cái chết.
– Ngôi kể ở ngôi thứ nhất, người kể chuyện xưng “tôi” để kể về một nhân vật khác làm cho câu chuyện vừa gần gũi, chân thực nhưng cũng khách quan. Ngoài ra tác giả còn nhập vai các nhân vật để nói làm cho truyện trở nên đa giọng điệu.
Câu 6 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1): Ý nghĩ của nhân vật “tôi”: “Chao ôi,..”
Đó là một phát hiện sâu sắc và đúng đắn xuất phát từ tấm lòng nhân ái và sự thấu hiểu tâm lí con người của tác giả. Đối với những người xung quanh, muốn hiểu họ ta phải tìm hiểu để biết về cuộc sống của họ, về lí do sau mỗi việc họ làm. Nếu không ta sẽ thấy họ ngu ngốc và xấu xa. Lão Hạc để dành tiền không ăn mà phải chọn cái chết vì có lí do của lão. Vợ ông giáo thấy người khác khó khăn mà cũng không giúp cũng vì hoàn cảnh nghèo khổ quá.
Như vậy, ý nghĩ của ông giáo hay cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật của Nam Cao: Cần phải thấu hiểu, đồng cảm, yêu thương và trân trọng con người.
Câu 7 (trang 48 sgk Văn 8 Tập 1): Qua truyện ngắn “Lão Hạc” và đoạn trích “Tức nước vỡ bờ”, ta thấy được phẩm chất tốt đẹp của người nông dân trong xã hội cũ:
– Họ là những người chăm chỉ, chịu khó, yêu thương gia đình.
– Lão Hạc đại diện cho người nông dân nhân hậu, tự trọng, giàu tình yêu thương con. Dù bị đẩy đến đường cùng vẫn luôn giữ cho mình phẩm chất cao đẹp.
– Chị Dậu là người phụ nữ yêu chồng, thương con, sẵn sàng phản kháng khi bị áp bức bất công.
– Truyện ngắn Lão Hạc đã thể hiện một cách chân thực, cảm động số phận đau thương của người nông dân trong xã hội cũ và phẩm chất cao quý, tiềm tàng của họ.
– Truyện còn cho thấy tấm lòng yêu thương, trân trọng đối với người nông dân và tài năng nghệ thuật xuất sắc của nhà văn Nam Cao.