/tmp/zpsyi.jpg
Nội dung bài viết
Câu 1 (trang 189 sgk Văn 9 Tập 1):
* Cốt truyện của Lặng lẽ Sa Pa đơn giản, tập trung vào cuộc gặp gỡ tình cờ giữa ông họa sĩ già, cô kĩ sư mới ra trường và anh thanh niên làm công tác khí tượng tại nơi anh ở và làm việc trên đỉnh núi cao.
* Tình huống truyện: Là tình huống truyện tự nhiên, tình cờ, bất ngờ, đơn giản về cuộc gặp gỡ đầy bất ngờ giữa ba nhân vật: ông họa sĩ, cô kỹ sư và anh thanh niên.
* Tác phẩm này, theo lời tác giả là “một bức chân dung”. Đó là bức chân dung nhân vật anh thanh niên hiện ra qua quan sát và cảm nhận của các nhân vật: bác lái xe vui tính, ông họa sĩ già, cô kỹ sư mới ra trường và qua chính hành động, lời kể của anh.
Câu 2 (trang 189 sgk Văn 9 Tập 1):
Nhân vật anh thanh niên:
– Hoàn cảnh sống và làm việc: làm việc một mình trên đỉnh Yên Sơn với độ cao 2600m – nơi bốn bề quanh năm chỉ có cây và mây mù lạnh lẽo.
– Công việc: Năm nay qua năm khác anh làm công việc đo nắng, đo mưa… Đây là một công việc nhàm chán, đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh thần trách nhiệm cao.
– Là một người có nhiều phẩm chất đẹp:
+ Là người có suy nghĩ đúng đắn, sống say mê, gắn bó với công việc gian khổ của mình.
+ Coi công việc là niềm vui, nghĩ mình không hề cô độc.
+ Anh có cách sống đẹp của tuổi trẻ: chủ động, ngăn nắp, khoa học, không ngừng phấn đấu vươn lên.
+ Là con người khiêm tốn, giản dị: kể về cuộc sống của mình một cách bình dị, từ chối vẽ chân dung.
+ Sống cởi mở, nhiệt thành, quý trọng tình cảm con người.
⇒ Anh là hình ảnh tiêu biểu của thế hệ trẻ Viêt Nam trong thời kì miền bắc đang tiến hành xây dựng XHCN, miền Nam đang tiến hành cuộc kháng chiến chống Mĩ với tinh thần 3 sẵn sàng.
Câu 3 (trang 189 sgk Văn 9 Tập 1):
Nhân vật ông họa sĩ già: Đây là nhân vật mà nhà văn hóa thân vào cách nhìn, suy nghĩ để kể lại câu chuyện.
– Ông là con người từng trải, có hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống.
– Là nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, tinh tế, am hiểu nghệ thuật, khát khao sáng tác bằng tấm lòng của người họa sĩ chân chính.
* Nhân vật ông họa sĩ cùng với các nhân vật phụ khác đã góp phần tô đậm hình ảnh người thanh niên sáng đẹp hơn và chuyện có thêm chiều sâu tư tưởng.
Câu 4 (trang 189 sgk Văn 9 Tập 1):
Chi tiết tạo nên chất trữ tình: được thể hiện trong việc miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên Sa Pa. Thiên nhiên Sa Pa hiện lên nhẹ nhàng và đầy chất thơ. Với vẻ đẹp rực rỡ: “Nắng bây giờ đã len tới, đốt cháy rừng cây…, cùng không kém phần sống động “những cây thông chỉ cao quá đầu, rung tít trong nắng…”.
→ Vẻ đẹp ấy có đường nét, dáng hình của nghệ thuật hội họa mang nét đẹp lung linh, kỳ ảo.
⇒ Tác dụng: Tôn thêm vẻ đẹp nên thơ của con người sống nơi miền Tây của Tổ quốc.
Câu 5 (trang 189 sgk Văn 9 Tập 1):
Chủ đề tác phẩm: Truyện ngắn Lặng lẽ Sa Pa muốn ca ngợi những con người lao động bình thường đang cống hiến hết mình cho Tổ quốc một cách thầm lặng như anh thanh niên làm công tác khí tượng và cả thế giới những con người như anh. Qua tác phẩm, nhà văn muốn nói với bạn đọc rằng: “Trong cái lặng im của Sa Pa, dưới những dinh thự cũ kĩ của sa pa… lo nghĩ như vậy cho đất nước” (sgk trang 186).
Nhân vật ông họa sĩ già là nhân vật để lại nhiều ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả. Tuy chỉ là nhân vật phụ nhưng ông có vai trò đặc biệt tronng tác phẩm. Là nhân vật mà nhà văn hóa thân vào cách nhìn, suy nghĩ, cảm nhận từ cảnh sắc thiên nhiên đến con người Sa Pa. Ông là một con người từng trải, có hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống. Ông là một người nghệ sĩ có tâm hồn nhạy cảm, khao khát sáng tác bằng chính tấm lòng của một người nghệ sĩ chân chính. Ông cùng với các nhân vật phụ khác làm tôn thêm vẻ đẹp chân dung nhân vật anh thanh niên sáng đẹp hơn và góp phần bộc lộc chủ đề tác phẩm.
Truyện ngắn khắc họa chân dung những con người lao động bình thường đang thầm lặng cống hiến hết mình cho đất nước “Trong cái lặng im của Sa Pa…”. Đồng thời tác phẩm cũng gợi ra những vấn đề có ý nghĩa và niềm vui của cuộc sống lao động tự giác vì mục đích chân chính đối với mỗi con người.