/tmp/ijurf.jpg
Câu 1 (trang 154 sgk Văn 9 Tập 1):
Bài thơ có ba đoạn cũng là 3 khúc hát ru, có cấu trúc lặp lại ở các đoạn: mở đầu là lời của tác giả: “Em cu tai ngủ trên lưng mẹ ơi”, tiếp đó là lời ru trực tiếp của người mẹ bằng điệp khúc: “Ngủ ngoan a – kay ơi, ngủ ngoan a – kay hỡi”. Từng lời ru trực tiếp của người mẹ được ngắt nhịp đều đặn ở giữa dòng thơ. Cách lặp đi lặp lại như vậy tạo nên âm điệu du dương của một bài hát ru. Ba đoạn thơ cũng không phải là sự lặp lại đơn giản mà là sự mở rộng, phát triển của tư tưởng, cảm xúc. Mỗi đoạn hiện lên hình ảnh người mẹ trong một công việc, cũng như ước mong, khát vọng của người mẹ ngày càng được thể hiện sâu rộng.
Câu 2 (trang 154 sgk Văn 9 Tập 1):
Hình ảnh người mẹ qua những khúc hát ru:
– Công việc lao động vất vả: mẹ giã gạo nuôi bộ đội, mẹ đang tỉa bắp trên núi Ka – lưi, mẹ đi chuyển lán, đạp rừng, giành trận cuối…
– Tình yêu thương con tha thiết: hình ảnh đứa con lúc nào cũng gắn liền với mẹ “Vai mẹ gầy nhấp nhô làn gối – Lưng đưa nôi và tim hát lên lời”.
– Tình yêu thương con vô bờ của mẹ còn có sự hài hòa với tình yêu bộ đội, yêu dân làng:
+ “Mẹ thương a – kay , mẹ thương bộ đội”.
+ Mẹ thương a – kay, mẹ thương làng đói”.
+ ” Mẹ thương a – kay, mẹ thương đất nước.”
⇒ Hiện lên một người mẹ chiến khu vất vả, khổ nghèo nhưng một lòng, một dạ với cách mạng và kháng chiến, yêu thương con vô bờ bến và nặng tình với dân làng, bộ đội, đóng góp phần minh vào độc lập, tự do dân tộc.
Câu 3 (trang 154 sgk Văn 9 Tập 1):
“Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi
Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”
Nếu mặt trời đem lại sự sống cho muôn loài, cho cây bắp trên lưng thì đứa con là niềm vui, nguồn sống, niềm hi vọng của người mẹ. Hình ảnh ẩn dụ độc đáo “mặt trời của mẹ” để diễn tả quy luật của tình mẫu tử, ở bề sâu tâm lí: đứa con đối với người mẹ là vô cùng quý giá và quan trọng, là tất cả đối với người mẹ.
Câu 4 (trang 154 sgk Văn 9 Tập 1):
Tình cảm của người mẹ đối với con là vô bờ bến được bộc lộ trực tiếp qua những lời ru được cất lên từ trái tim người mẹ “Ngủ ngoan a – kay ơi…con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ”. Ước mơ của người mẹ về đứa con gắn liền từng công việc cụ thể mà người mẹ đang làm “Con mơ cho mẹ hạt gạo trắng ngần”; “Con mơ cho mẹ hạt bắp lên đều”…Đặc biệt mong ước lớn lao “Con mơ cho mẹ được thấy Bác Hồ” không chỉ là điều ước ao của người mẹ chiến khu mà còn là niềm mong ước của tất cả mọi người cũng là ước mong về ngày chiến thắng, độc lập, tự do.
Câu 5 (trang 155 sgk Văn 9 Tập 1):
Tình yêu thương của người mẹ là sự thống nhất giữa tình yêu con với tình yêu thương dân làng, yêu thương bộ đội, và rộng ra là tình yêu thương đất nước, cách mạng. Đồng thời cũng thể hiện niềm mong ước chiến thắng, giành lại độc lập tự do cho đất nước.
Bài thơ sử dụng nhiều hình ảnh thơ đặc biệt hình ảnh người mẹ Tà – ôi trong công việc và hoạt động bằng bút pháp hiện thực thể hiện chân thực cuộc sống lao động và chiến đấu vất vả, gian khổ của đồng bào chiến khu.