/tmp/woqlp.jpg
Câu 1 (trang 83 sgk Văn 9 Tập 1):
Kết cấu của đoạn trích
– Bốn câu thơ đầu: Giới thiệu chung về hai chị em Thúy Kiều và Thúy Vân.
– Bốn câu thơ tiếp: Miêu tả vẻ đẹp của Thúy Vân.
– Bốn câu thơ tiếp: Vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều.
– Bốn câu thơ còn lại: Khái quát chung về cuộc sống của hai chị em Thúy Kiều.
Trình tự miêu tả nhân vật của tác giả theo kết cấu đoạn trích: từ khái quát đến cụ thể.
Câu 2 (trang 83 sgk Văn 9 Tập 1):
Ngoại hình của Thúy Vân được khắc họa bằng bút pháp ước lệ với các chi tiết cụ thể về gương mặt, đôi mày, nụ cười, giọng nói, mái tóc, làn da:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
⇒ Thúy Vân hiện lên đậm nét với vẻ đẹp hiền dịu, đoan trang, phúc hậu. qua đó chúng ta có thể thấy được dự báo cuộc đời của nàng sẽ bình yên, êm đềm, không có sóng gió, phong ba.
Câu 3 (trang 83 sgk Văn 9 Tập 1):
* Tác giả sử dụng những hình ảnh ước lệ để gợi tả nhan sắc của Kiều: tập trung chấm phá vẻ đẹp của đôi mắt long lanh , trong sáng như làn nước mùa thu, nét mày thanh tú tràn đầy sức sống như núi mùa xuân.
⇒ Giúp người đọc cảm nhận vẻ đẹp của Kiều: vẻ đep dào dạt sức xuân, vẻ đẹp có sức quyến rũ mê hồn của một tuyệt thế giai nhân
* Chân dung của Thúy Kiều được đặt trong mối quan hệ với Thúy Vân. Cả hai đều được miêu tả là những người con gái trẻ trung, xinh đẹp. Nếu Vân mang vẻ đẹp của sự đoan trang phúc hậu gợi sự hòa hợp êm đềm với vẻ đẹp thiên nhiên thì Kiều lại toát lên một vẻ đẹp lộng lẫy khiến cho thiên nhiên phải “hờn” phải ghen tị.
Câu 4 (trang 83 sgk Văn 9 Tập 1):
Bên cạnh vẻ đẹp hình thức, tác giả còn tập trung nhấn mạnh vào tài năng của Kiều qua một loạt những liệt kê liên tiếp cùng với từ ngữ chọn lọc để khẳng định tài năng của nàng:
+ Có trí thông minh trời phú,
+ Tài năng đa dạng, tuyệt vời của một người nghệ sĩ: cầm, kỳ, thi, họa
+ Cung đàn Bạc mệnh mà Kiều tự sáng tác phản chiếu một tầm hồn đa sầu đa cảm.
Câu 5 (trang 83 sgk Văn 9 Tập 1):
Sắc đẹp của Thúy Vân “Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da” gợi đến một vẻ đẹp hòa hợp với thiên nhiên nên hứa hẹn cuộc sống êm đềm, bình lặng. Còn sắc đẹp của Kiều “Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh” lại khiến cho tạo hóa phải hờn ghen, gợi liên tưởng về một số phận nhiều sóng gió. Điều này là hoàn toàn đúng với cuộc sống sau này của hai chị em Kiều.
Câu 6 (trang 83 sgk Văn 9 Tập 1):
Trong hai bức chân dung Thúy Vân và Thúy Kiều thì bức chân dung của Kiều là nổi bật hơn. Tác giả dùng bốn câu đề miêu tả về đẹp Thúy Vân nhưng lại dùng tới 12 câu để miêu tả vẻ đẹp của Kiều, trong đó tác giả tập trung miêu tả tài năng của Kiều, vẻ đẹp của Kiều hội tụ cả ở sắc và ở tài.
Nguyễn Du miêu tả Thúy Vân trước là để làm nền cho hình ảnh của Thúy Kiều nổi bật lên- không chỉ về nhan sắc mà còn ở tài năng và trí tuệ.
Đoạn trích miêu tả về vẻ đẹp của chị em Thúy Kiều tuy đều đẹp đến lý tưởng nhưng mỗi người có một vẻ đẹp riêng: Vân đoan trang phúc hậu, gợi đến cuộc đời bình yêu còn Kiều sắc sảo, mặn mà dự báo cuộc đời đầy sóng gió, bất trắc.
⇒ Nhân vật mang chân dung, tính cách, số phận.