/tmp/lpgtm.jpg
1. Chỉ ra yếu tố tự sự và miêu tả trong bài thơ ” Bài ca nhà tranh bị gió thu phá”
Ở mỗi phần của bài thơ, các yếu tố tự sự, miêu tả, biểu cảm được sử dụng khác nhau:
– Hai câu đầu tự sự, ba câu tiếp miêu tả
– Từ câu 6 đến câu 10: tự sự kết hợp với biểu cảm (kể chuyện trẻ con cướp mái tranh, bộc lộ sự uất ức)
– Từ câu 11 đến câu 18: tự sự + miêu tả + biểu cảm
– Đoạn cuối: biểu cảm
Bằng sự kết hợp ba yếu tố tự sự, miêu tả và biểu cảm, bài thơ đã khắc hoạ đậm nét tình cảnh khốn cùng của nhà thơ khi căn nhà bị gió thu phá nát từ đó bộc lộ khát vọng cao cả về mái nhà che chở cho mọi người.
2.
a. Tác giả miêu tả bàn chân bố; kể chuyện bố ngâm chân nước muối, bố rên vì đau, bố đi sớm về hôm và bộc lộ tình thương của người con đối với bố. Việc miêu tả bàn chân bố, kể chuyện về bố làm nền tảng cho việc bộc lộ cảm xúc thương bố ở cuối bài.
b. Việc miêu tả, tự sự trong niềm hồi tưởng khiến cho hình ảnh bàn chân dầm sương dãi nắng, nỗi vất vả sớm hôm của người bố không còn chỉ là hình ảnh, sự việc đơn thuần mà đã hoà thấm với tình cảm thương yêu vô hạn của người con. Hồi tưởng về người bố với tình cảm ấy, những hình ảnh và sự việc trở lên giàu sức gợi, có sức truyền cảm mạnh mẽ.
Câu 1 (trang 138 sgk Văn 7 Tập 1):
Kể lại nội dung bài “Bài ca nhà tranh bị gió thu phá” của Đỗ Phủ bằng văn xuôi biểu cảm.
Mùa thu năm ấy, gió thổi dữ dội, những con gió lốc như muốn nuốt chửng các mái nhà. Căn nhà của ta mới dựng được vài tháng cũng bị gió cuốn tung. Cái thì bay sang sông, cái thì bị cuốn treo trên ngọn cây ở cánh rừng xa. Cái thì bị cuốn xuống rãnh mương đầy nước. Lũ trẻ ở thôn nam thấy ta già yếu nên thi nhau chạy ra cướp giật mà ta chẳng làm gì được. Chỉ một loáng, tất cả các mảnh tranh bị chúng lấy sạch, chạy tuốt vào lũy tre. Mặc cho ta gào thét khan cả cổ, đành phải chống gậy quay về với bao nỗi ấm ức. Đến lúc gió không thổi nữa thì mây đen kéo đến, trời đen như mực. Mưa ào ào trút xuống, trong nhà không có chỗ nào không dột, chiếc mền cũ mỏng tanh không đủ ấm, lại bị con đạp rách. Mưa ngoài trời cứ tiếp tục rơi, rơi mãi chẳng dứt. Ta từ lúc hoạn nạn đến giờ vốn chẳng ngủ được, lại thêm bây giờ trời lạnh,mưa ướt lại càng khó ngủ. Ta chỉ mong sao có một ngôi nhà rộng muôn ngàn gian, để cho tất cả những kẻ nghèo, dân chúng lầm than trong thiên hạ đều có chỗ nương thân, sung sướng. Than ôi! Nhưng đến bao giờ mới có được. Có như vậy thì riêng một nhà ta, một mình ta chịu chết rét ta cũng thấy vui.
Câu 2 (trang 138 sgk Văn 7 Tập 1):
Tham khảo đoạn văn sau để hoàn thành bài văn biểu cảm về “kẹo mầm”:
Sở thích ăn thứ kẹo ngọt mát, dẻo thơm theo tôi tận đến bây giờ. Tôi nhớ hồi bé, tôi là cô bé răng sún nghiện nặng ăn kẹo mầm. Thứ kẹo đó có thể do mẹ đi chợ về mua cho tôi, lúc đó tôi mong mẹ đi chợ về sớm biết bao nhiêu. Hoặc tôi thường được mẹ cho đổi vài ba cái chai lọ nhựa để đổi lấy chiếc kẹo đó. Mỗi lần được ăn kẹo đó, tôi lại nhớ mẹ biết nhường nào, nhớ lại lời mẹ quở mắng: ” mày ăn ít kẹo thôi không sau này sún răng, ế chồng đấy con ạ”. Tuổi thơ ngây dại nên tôi sợ thế thật, không dám ăn nữa, nhưng lúc nào thèm quá, tôi lại giấu mẹ ăn lấy 1 cái kẹo….