/tmp/ajduo.jpg
Nội dung bài viết
+ Bài ca dao 1, 2: Ca dao than thân, lời than về số phận của người phụ nữ.
+ Bài ca dao 3, 4, 5, 6: Ca dao yêu thương tình nghĩa, bài ca về nỗi nhớ mong và tình nghĩa của con người.
Câu 1 (trang 84 sgk Văn 10 Tập 1):
a. Người than thân là người con gái, người phụ nữ với số phận buồn thương, bấp bênh, vô định, gặp nhiều trở ngại.
b.
– Hình ảnh tấm lụa đào phất phơ giữa chợ:
→ tấm lụa đào: tấm lụa đẹp, chỉ người con gái
→ phất phơ giữa chợ: số phận vô định, bấp bênh, không biết sẽ đi đâu về đâu.
⇒ Thể hiện nỗi đau về tương lai mờ mịt, bất định của người phụ nữ.
– Hình ảnh củ ấu gai ruột trong thì trắng vỏ ngoài thì đen”
→ của ấu gai vỏ ngoài thì đen: chỉ vẻ ngoài xù xì, kém xinh đẹp che lấp đi ruột trắng bên trong.
⇒ Thể hiện nỗi buồn về số phận gian truân, trắc trở khiến người phụ nữ vốn xinh đẹp (ruột trong thì trắng) trở nên xù xì, khắc khổ (củ ấu gai vỏ ngoài thì đen).
– Trong nỗi đau, nét đẹp của người phụ nữ vẫn hiện lên rõ nét
→ tấm lụa đào: tấm lụa quý, đẹp, chỉ vẻ đẹp toàn diện của người phụ nữ, vẻ đẹp thướt tha, mềm mại như tấm lụa.
→ củ ấu gai dù vỏ ngoài xù xì nhưng ruột trong thì trắng: chỉ vẻ đẹp phẩm chất luôn ngời sáng của người phụ nữ dù số phận gian truân.
Câu 2 (trang 84 sgk Văn 10 Tập 1):
a. – Bài ca dao này không mở đầu bằng “thân em” như hai bài ca dao trước.
– Từ “ai” là đại từ phiếm chỉ, nó là một câu hỏi tu từ, hỏi nhưng không hướng đến đối tượng nào cụ thể, mà hỏi là để giãi bày, than thở về số phận mình.
b. – Để nói lên tình nghĩa bền vững, thủy chung của con người tác giả đã sử dụng hệ thống hình ảnh so sánh ẩn dụ là những hình tượng thiên nhiên, vũ trụ rộng lớn: sao Hôm, sao Mai, sao Vượt, trăng, trời.
– Lấy hình ảnh thiên nhiên vũ trụ để so sánh, tác giả muốn khẳng định tình nghĩa con người cũng bao la, rộng lớn và vĩnh cửu như vũ trụ rộng lớn kia.
c. – Sao Vượt là sao Hôm khi đã vượt lên đến đỉnh của bầu trời. Có những khi sao Hôm vượt lên đến đỉnh của bầu trời thì trăng mới mọc.
– Ta như sao Vượt chờ trăng giữa trời: sự đợi chờ, tình cảm thủy chung của con người có sức mạnh vượt qua cả những khó khăn, áp đặt của số phận, đó là tình nghĩa thủy chung sâu sắc, vững bền.
Câu 3 (trang 84 sgk Văn 10 Tập 1):
– Nỗi nhớ trong bài ca dao được diễn tả bằng thủ pháp điệp: điệp từ ngữ (khăn, đèn, mắt); điệp cú pháp (khăn thương nhớ ai, khăn…; đèn thương nhớ ai; mắt thương nhớ ai).
– Hiệu quả nghệ thuật:
→ tạo ra sự trùng điệp, nhấn mạnh cảm xúc, khiến nỗi nhớ trong bài ca dao như từng đợt sóng dồn, gối chồng lên nhau, khó phai mờ.
→ kết hợp với cách gieo vần ở cuối các câu thơ bốn chữ, cảm xúc thơ được liền mạch, trải dài xuyên suốt bài thơ.
→ nỗi nhớ vốn mơ hồ trở nên trực quan hơn, dễ hình dung, dễ đi vào lòng người hơn.
Câu 4 (trang 84 sgk Văn 10 Tập 1):
– Chiếc cầu – dải yếm là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho cầu nối tình cảm giữa con người với con người.
– Đây là một hình ảnh độc đáo, mang nét đặc trưng văn hóa dân gian nhân dân ta xưa, chiếc yếm như là tín vật tình yêu, là biểu hiện cho tình yêu nồng đượm của tuổi trẻ. Trong câu ca dao này, nó được chuyển hóa thành “cầu dải yếm”, một hình ảnh vô cùng mới mẻ và ý nghĩa.
Câu 5 (trang 84 sgk Văn 10 Tập 1):
– Muối và gừng là những sự vật có vị được lưu giữ lâu theo thời gian. Sử dụng hình ảnh này để nói đến tình nghĩa con người, ca dao muốn khẳng định tình nghĩa bền lâu, thủy chung, không dễ dàng phai nhạt.
– Muối – gừng là biểu trưng cho tấm lòng, cho tình nghĩa không đổi thay, không biến chuyển theo năm tháng của con người với con người. Hai hình ảnh này khiến ý nghĩa câu thơ trở nên sáng rõ, tác động hiệu quả vào trực cảm của người đọc.
– Một số câu ca dao khác:
Tay bưng đĩa muối chấm gừng
Gừng cay muối mặn, xin đừng bỏ nhau
Tay bưng đĩa muối sàng rau
Căn duyên ông trời định, bỏ nhau sao đành.
Muối để ba năm muối hãy còn mặn
Gừng ngâm chín tháng gừng hãy còn cay
Đã có lời chàng đó thiếp đây
Can chi lo chuyện đổi thay rứa chàng.
Câu 6 (trang 84 sgk Văn 10 Tập 1):
– Những biện pháp nghệ thuật thường được ca dao sử dụng: so sánh, ẩn dụ.
– So sánh, ẩn dụ trong ca dao thường sử dụng những hình ảnh gắn với đời sống sinh hoạt, lao động hằng ngày của nhân dân. Là những hình ảnh bình dị nhưng giá trị biểu đạt lớn, truyền tải được tư tưởng, tình cảm của nhân dân lao động.
Câu 1 (trang 85 sgk Văn 10 Tập 1):
“Thân em như thể bèo trôi
Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu”
→ Sắc thái ý nghĩa: Nỗi lo âu về số phận bấp bênh, lênh đênh, vô định.
“Thân em như miếng cau khô
Người thanh tham mỏng, người thô tham dày”
→ Sắc thái ý nghĩa: Than thở về cuộc đời không được làm chủ số phận của chính mình, phải thuận theo ý muốn của người khác.
“Thân em như cá giữa rào
Kẻ chài, người lưới biết vào tay ai ?”
→ Sắc thái ý nghĩa: Nỗi lo về tương lai mịt mờ, bất định.
“Thân em như trái bần trôi
Sóng dập gió dồi biết tấp vào đâu”
→ Sắc thái ý nghĩa: Nỗi lo âu về số phận bấp bênh, lênh đênh, vô định.
“Thân em như cam quýt bưởi bòng
Ngoài tuy cay đắng trong lòng ngọt ngon”
→ Sắc thái ý nghĩa: Lời bộc bạch về tấm lòng, phẩm chất tốt đẹp bên trong.
Câu 2 (trang 85 sgk Văn 10 Tập 1): Những bài ca dao khác:
Rủ nhau xuống biển mò cua
Đem về nấu quả mơ chua trên rừng
Em ơi, chua ngọt đã từng
Non xanh nước bạc xin đừng quên nhau
Nhớ ai em những khóc thầm
Hai hàng nước mắt đầm đầm như mưa
Nhớ ai ngơ ngẩn, ngẩn ngơ
Nhớ ai, ai nhớ, bây giờ nhớ ai
Nhớ ai bổi hổi bồi hồi
Như đứng đống lửa, như ngồi đống rơm
Khăn đào vắt ngọn cành mai
Mình xuôi đàng ấy, bao giờ mình lên
Em xuôi em lại ngược ngay
Sầu riêng em để trên này cho anh
Ước gì anh hóa ra hoa
Để em nâng lấy rồi mà cài khăn
Ước gỉ anh hóa ra chăn
Để cho em dắp, em lăn, em nằm
Ước gì anh hóa ra gương
Để cho em cứ ngày thường em soi
Ước gì anh hóa ra cơi
Để cho em đựng cau tươi trầu vàng.
Em về anh mượn khăn tay
Gói câu tình nghĩa, lâu ngày sợ quên.
– Câu thơ “Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm”: vận dụng hình ảnh “khăn” trong ca dao, nói về nỗi nhớ của “em” đối với “anh”, mở rộng ra là tình nghĩa giữa con người với con người, tình cảm đồng bào, tình cảm dân tộc. Câu thơ nêu lên một định nghĩa mới về Đất Nước: là miền đất chứa chan tình cảm lứa đôi, tình thương giữa con người với con người.
Qua những bài ca dao than thân, ca dao yêu thương tình nghĩa, học sinh cảm nhận được nỗi niềm chua xót, đắng cay cũng như tình cảm yêu thương, chung thủy của người bình dân trong xã hội cũ. Qua những bài ca dao được học, học sinh thấy được nghệ thuật điển hình của ca dao và giá trị biểu đạt của những biện pháp nghệ thuật đó.