/tmp/zksmj.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Quê hương Ngữ văn lớp 8, bài học tác giả – tác phẩm Quê hương trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Làng tôi ở vốn làm nghề chài lưới:
Nước bao vây cách biển nửa ngày sông.
Khi trời trong, gió nhẹ, sớm mai hồng,
Dân trai tráng bơi thuyền đi đánh cá:
Chiếc thuyền nhẹ hăng như con tuấn mã
Phăng mái chèo mạnh mẽ vượt trường giang.
Cánh buồm trương, to như mảnh hồn làng
Rướn thân trắng bao la thâu góp gió…
Ngày hôm sau, ồn ào trên bến đỗ
Khắp dân làng tấp nập đón ghe về.
“Nhờ ơn trời, biển lặng cá đầy ghe”,
Những con cá tươi ngon thân bạc trắng.
Dân chài lưới, làn da ngăm rám nắng,
Cả thân hình nồng thở vị xa xăm;
Chiếc thuyền im bến mỏi trở về nằm
Nghe chất muối thấm dần trong thớ vỏ.
Nay xa cách lòng tôi luôn tưởng nhớ
Màu nước xanh, cá bạc, chiếc buồm vôi,
Thoáng con thuyền rẽ sóng chạy ra khơi,
Tôi thấy nhớ cái mùi nồng mặn quá!
1. Tác giả
– Tế Hanh (1921- 2009), tên khai sinh là Trần Tế Hanh
– Quê quán: Quảng Ngãi
– Ông có mặt trong phong trào thơ Mới ở chặng cuối với những bài thơ mang nỗi buồn và tình yêu quê hương
– Phong cách sáng tác: thơ ông chân thực với cách diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, tự nhiên và rất giàu hình ảnh, bình dị mà tha thiết
2. Tác phẩm
a, Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ viết năm 1939, khi Tế Hanh đang học tại Huế trong nỗi nhớ quê hương – một làng chài ven biển tha thiết.
– Bài thơ được rút trong tập Nghẹn ngào (1939) và sau đó được in trong tập Hoa niên (1945)
b, Bố cục: 4 phần
– 2 câu đầu: Giới thiệu chung về làng quê.
– 6 câu tiếp: Cảnh đoàn thuyền ra khơi đánh cá
– 8 câu tiếp: Cảnh đoàn thuyền cá trở về bến.
– 4 câu tiếp: Nỗi nhớ làng chài, nhớ quê hương
c, Phương thức biểu đạt: Tự sự + Miêu tả + Biểu cảm
d, Thể thơ : 8 chữ
e, Giá trị nội dung: Bài thơ đã vẽ ra một bức tranh tươi sáng, sinh động về một làng quê miền biển. Trong đó nổi bật lên hình ảnh khỏe khoắn, đầy sức sống của người dân chài và cảnh sinh hoạt lao động chài lưới. Qua đó cho thấy thấy tình cảm quê hương trong sáng, tha thiết của nhà thơ.
f, Giá trị nghệ thuật:
– Thể thơ tám chữ phóng khoáng, phù hợp với việc bộc lộ cảm xúc giản dị, tự nhiên
– Ngôn ngữ bình dị mà gợi cảm, giọng thơ khỏe khoắn hào hùng
– Các hình ảnh liên tưởng, so sánh, nhân hóa vô cùng độc đáo
1. Giới thiệu chung về làng quê
– Lời giới thiệu: “ vốn làm nghề chài lưới” – làng nghề đánh cá truyền thống
– Vị trí của làng chài: cách biển nửa ngày sông
⇒ Cách giới thiệu tự nhiên nhưng cụ thể về một làng chài ven biển
2. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi
– Thời gian : Sớm mai hồng → gợi niềm tin, hi vọng
– Không gian “trời xanh”, “gió nhẹ”
→ Buổi sáng đẹp trời, hứa hẹn một chuyến ra khơi đầy thắng lợi
– Hình ảnh chiếc thuyền: “ hăng”, “ phăng”, “ mạnh mẽ”, phép so sánh: “như con tuấn mã” → khí thế mạnh mẽ, sôi nổi , sự dũng mãnh của con thuyền
– “Cánh buồm như mảnh hồn làng”: hồn quê hương cụ thể gần gũi, đó là biểu tượng của làng chài quê hương
⇒ Bức tranh lao động hăng say, hứng khởi tràn đầy sức sống
3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về
– Không khí trở về:
+ Trên biển ồn ào
+ Dân làng tấp nập
→Thể hiện không khí tưng bừng rộn rã vì đánh được nhiều cá
⇒ Lòng biết ơn đối với biển cả cho người dân chài nhiều cá tôm
– Hình ảnh người dân chài:
+ “Da ngăm rám nắng”, “nồng thở vị xa xăm”: → vẻ đẹp khỏe khoắn vạm vỡ trong từng làn da thớ thịt của người dân chài
– Hình ảnh “con thuyền” được nhân hóa “im bến mỏi trở về nằm” kết hợp với nghệ thuật ẩn dụ chuyển đổi cảm giác → Con thuyền trở nên có hồn, có sức sống như con người cơ thể cũng nhuộm vị nắng gió xa xăm
⇒ Bức tranh sinh động về một làng chài đầy ắp niềm vui, gợi tả một cuộc sống bình yên, no ấm
3. Nỗi nhớ quê hương da diết
– Hình ảnh : “ màu nước xanh”, “ cá bạc”, “chiếc buồm vôi”, “ con thuyền rẽ sóng”
→ Hình ảnh binh dị, thân thuộc
– Mũi vị “ mùi nồng mặn” – mùi của biển khơi, cá tôm, của con người → hương vị đặc trưng của quê hương
⇒ Nỗi nhớ quê hương chân thành da diết và sự gắn bó sâu nặng với quê hương