/tmp/tiarh.jpg
Bài văn Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo ngang gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.
Ai đã từng đi trên con đường xuyên Việt, hẳn đều biết đến đèo Ngang. Đây là một đèo khá dài và cao, nằm vắt ngang sườn núi cheo leo, hiểm trở của khúc cuối dãy Hoành Sơn, trước khi đâm ra biển. Lên đến đỉnh đèo, du khách sẽ được thưởng thức cảnh đẹp thuyệt vời củ thiên nhiên hùng vĩ: núi non điệp trùng, đại dương bao la, trời cao thăm thẳm. Đèo Ngang là ranh giời tự nhiên giữa Hà Tĩnh và Quảng Bình. Thuở xưa, bao người vào kinh đô Huế để thi cử hay làm việc cho triều đình phong kiến đã đi qua đèo này rồi xúc cảm trước vẻ đẹp của nó mà làm thơ ca ngợi. Bà Huyện Thanh Quan trong dịp từ Thăng Long vào Huế nhậm chức Cung trung giáo tập đã sáng tác bài Qua đèo Ngang.
Đằng sau bức tranh phong cảnh là tâm trạng của nữ sĩ: cô đơn, nhớ nhà và hoài niệm về một thời đại huy hoàng đã qua. Có thể coi đây là bài thơ hay nhất trong những bài thơ sáng tác về thắng cảnh đèo Ngang.
Câu thơ đầu tiên (phá đề) nói đến thời điểm tác giả đặt chân đến đây:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà,
Đó là lúc mặt trời đang lặn. Phía tây chỉ còn chút nắng hắt những tia sáng yếu ớt lên nền trời đang sẫm dần. Thời điểm này rất dễ gợi buồn, nhất là đối với kẻ lữ thứ tha hương.
Tuy vậy, trời vẫn còn đủ sáng để nhà thơ nhận ra thiên nhiên đẹp như tranh:
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Cỏ cây, hoa lá chen nhau mọc bên đá núi. Linh hồn của tạo vật như thấp thoáng sau từng chữ. Điệp từ chen trong các vế đối: cây chen đá, lá chen hoa gợi lên sức sống mãnh liệt của một vùng rừng núi hoang sơ. Cảnh đẹp nhưng nhuốm màu buồn tẻ, quạnh hiu. Những bông hoa rừng không đủ làm sáng lên khung cảnh núi non lúc ngày tàn, đêm xuống.
Giữa bối cảnh thiên nhiên bao la ấy, thấp thoáng bóng dáng con người và hơi hướng cuộc sống những cũng chỉ ít ỏi, mờ nhạt, xa vời:
Lom khom dưới núi tiều vài chú, Lác đác bên sông chợ mấy nhà.
Nhà thơ đã dùng nghệ thuật đảo ngữ để nhấn mạnh đặc trưng của cảnh vật và con người ở đèo Ngang. Dáng vẻ lom khom của mấy chú tiều hái củi sườn non khiến cho con người càng thêm nhỏ bé trước thiên nhiên cao rộng. Chợ vốn là nơi biểu hiện đời sống của một cộng đồng làng xã nên thường tấp nập đông vui, nhưng ở đây nó chỉ là mấy túp lều xơ xác bên sông…
Cái lạnh lẽo, trống trải bao chùm lên cảnh vật, gieo một nỗi buồn thấm thía trong lòng người:
Nhớ nước đau lòng con cuốc cuốc, Thương nhà mỏi miệng cái gia gia.
Giữa không gian tĩnh lặng gần như tuyệt đối ấy, vẳng lên tiếng chim cuốc khắc khoải, tiếng chim gia gia não ruột. Đó là những âm thanh có thật mà cũng có thể là tiếng vọng từ tâm trạng chất chứa nỗi buồn thời cuộc của nhà thơ. Bà đã mượn bút pháp ước lệ và nghệ thuật chơi chữ (từ đồng âm khác nghĩa) để nói lên lòng mình trước cảnh vật. Tiếng chim kêu không làm cảnh vật vui lên thêm chút nào mà lại làm tăng phần quạnh quẽ, cô liêu. Phải chăng tiếng chim chính là tiếng lòng của kẻ đang mang nặng tâm trạng u buồn, hoài vọng, nhớ nước, thương nhà?!
Hồn cảnh, hồn người như có nét tương đồng, cho dù về hình thức hoàn toàn tương phản. Cái bao la, vô tận của non nước tô đậm cái cô đơn, chơ vơ của con người và ngược lại. Vì vậy nên nỗi buồn càng lắng đọng:
Dừng chân đứng lại trời, non, nước, Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Quả là một nỗi buồn khó san sẻ, giãi bày. Nó như kết thành hình, thành khối, thành mảnh tình riêng khiến nhà thơ phải thốt lên chua xót : ta với ta. Chỉ có ta hiểu tâm sự của ta mà thôi ! vì thế nên nỗi cô đơn càng tăng lên gấp bội.
Bài thơ Qua đèo Ngang tuy ra đời cách đây gần hai thế kỉ nhưng nó vẫn giữ nguyên giá trị trước thử thách của thời gian. Bao người yêu thơ thuộc lòng bài thơ này và khâm phục tài năng của tác giả. Thể thơ Đường luật kiểu cách, sang trọng đã trở nên gần gũi, dễ hiểu bởi ngôn ngũ giản dị, trong sáng và những hình ảnh dân dã quen thuộc. Đọc bài thơ, chúng ta thêm yêu giang sơn gấm vóc và càng thêm trân trọng những tấm lòng ưu ái non sông đất nước.
Bà Huyện Thanh Quan là một trong những nữ sĩ tài danh hiếm có trong thời đại ngày xưa. Dưới thời vua Minh Mạng, bà từng được mời vào cung để dạy học cho các công chúa và cung phi. Trong một dịp từ Thăng Long vào kinh đô Phú Xuân nhậm chức, Bà Huyện Thanh Quan đã đi qua Đèo Ngang. Trước cảnh hoang sơ, heo hút của con đèo ấy, bà đã tức cảnh mà viết lên bài thơ “Qua đèo ngang” để thể hiện nỗi nhớ nước, thương nhà cùng nỗi buồn sầu, cô đơn của mình.
Với cách mở đầu tự nhiên, hai câu thơ đề đã khái quát lại những ấn tượng của nhà thơ về thời gian và không gian của Đèo Ngang. Tuy nhiên, với nhà thơ, việc lựa chọn miêu tả những khoảnh khắc, những cảnh vật thiên nhiên ấy không phải là đơn thuần, ngẫu nhiên mà nó còn là các yếu tố nghệ thuật để thể hiện tâm trạng.
“Bước tới Đèo Ngang bóng xế tà
Cỏ cây chen đá lá chen hoa”.
Đặt chân tới đèo ngang vào buổi hoàng hôn “bóng xế tà”. Đây là thời điểm đặc biệt nhất trong một ngày, khi ranh giới giữa ánh sáng và màn đêm chỉ còn là khoảng mờ. Hình ảnh “bóng xế tà” vừa gợi thời gian vừa gợi một nét buồn mênh mênh, tiếc nuối về một ngày sắp tàn. Ở khoảnh khắc ấy, con người rất dễ nảy sinh những cảm xúc cô đơn, buồn sầu, đặc biệt với những người kẻ tha hương đến với vùng đất xa lạ như Bà Huyện Thanh Quan thì những tâm trạng ấy càng trở nên thấm thía. Trong cảnh chiều tà, bức tranh phong cảnh Đèo Ngang được nhà thơ phác họa bằng những nét vẽ thật đẹp, hùng vĩ, hoang sơ. Với biện pháp liệt kê, nhà thơ đã gợi ra một loạt các hình ảnh quen thuộc của núi rừng đó là cỏ cây, hoa lá, đá núi. Điệp từ “chen” gợi lên một khung cảnh thiên nhiên xanh tươi, rậm rạp giàu sức sống, cỏ cây hoa lá chen chúc nhau dày đặc không hàng lối, không trật tự. Cảnh tuy hoang sơ ngút ngàn nhưng lại trống vắng, hiu quạnh. Có cỏ cây, có hoa lá nhưng chúng chỉ mải miết đi đua nhau vươn lên tìm sự sống mà quên sứ mệnh tỏa sắc, khoe hương của mình. Ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên ấy càng dễ khiến cho lòng người nảy sinh tâm trạng, không gian càng rộng lớn hoang sơ con người càng trống trải, cô đơn, không gian càng trống vắng lòng người càng quạnh hiu.
Hai câu thơ thực, vẫn là bức tranh thiên nhiên núi rừng Đèo Ngang, nhưng lúc này đã có sự xuất hiện của hình bóng con người:
“Lom khom dưới núi tiều vài chú
Lác đác bên sông chợ mấy nhà”
Với nghệ thuật đảo cấu trúc câu, tác giả đã nhấn mạnh ấn tượng về hình ảnh cuộc sống của con người dưới chân đèo. “Lom khom”, “lác đác” là những từ láy giàu sức gợi hình gợi cảm được đặt lên đầu câu gợi dáng vẻ vất vả mệt mỏi của người tiều phu sau một ngày dài làm việc cùng sự thưa thớt, ít ỏi của những ngôi nhà, khu chợ. Ngỡ rằng với sự xuất hiện của con người, không gian Đèo Ngang trở nên ấp áp gần gũi hơn, thế nhưng dáng vẻ lom khom của những chú tiều phu cùng sự thưa thớt vắng vẻ của những ngôi nhà, ngôi chợ lác đác như mờ đi trong không gian hùng vĩ càng khiến cảnh vật trở nên vắng vẻ, lạnh lẽo. Hai câu thực đối rất chỉnh cả về âm thanh, từ loại và cấu trúc câu qua đó đã tạo nhịp điệu cân đối cho câu thơ. Không gian càng thưa thớt, vắng vẻ, heo hút càng khiến lòng người càng trở nên quạnh hiu, cô đơn, buồn sầu.
Đến hai câu luận, nhà thơ đã bộc lộ tâm trạng của mình qua những âm thanh thê lương của tiếng chim:
“Nhớ nước đau lòng con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”
Bức tranh Đèo Ngang không chỉ có thiên nhiên cỏ cây hoa lá, có hình bóng con người mà còn có cả âm thanh của tiếng chim. Giữa cảnh rừng núi mênh mang, tiếng chim cuốc cuốc, đa đa vang lên khắc khoải, da diết càng làm cho cảnh vật trở nên buồn hơn. Thi sĩ lắng nghe âm thanh nhưng đó không phải tiếng kêu của chim nữa mà là tiếng lòng của con người. Với cách chơi chữ đầy tinh tế, cùng việc sử dụng hai điển tích nổi tiếng của Trung Hoa về chim quốc và chim đa đa để nói về nỗi nhớ nước, sự xót xa, tiếc nuối về một thời kì vàng son của triều đại cũ nay không còn, nỗi thương nhớ nhà bởi bà đang phải rời xa tổ ấm yên vui để đến mảnh đất Kinh thành xa lạ. Hai câu thơ cũng sử dụng cấu trúc đảo trật tự cú pháp câu, qua đó nhấn mạnh sâu sắc tâm trạng buồn sầu, nhớ thương của tác giả qua tiếng chim kêu.
Hai câu thơ kết vừa đóng lại bức tranh cảnh đèo ngang vừa khép lại tâm trạng của con người:
“Dừng chân nghỉ lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta”
Một lần nữa phong cảnh hùng vĩ, rợn ngợp của Đèo Ngang lại nổi lên trong bức tranh, Trời mây, non nước như hòa lại làm một trong vẻ hoang sơ, mênh mông. Vẻ đẹp của rừng núi khiến nhà thơ không nỡ chối từ, phải dừng chân nghỉ lại để thưởng thức phong cảnh. Thế nhưng, trước cảnh đẹp ấy lại càng khiến lòng người trào dâng nỗi buồn, cô đơn, thổn thức mãnh liệt. Hai chữ ta xuất hiện trong câu thơ để nhấn mạnh tâm trạng buồn, cô đơn tuyệt đối của nhà thơ. Giữa không gian rộng lớn ngút ngàn chỉ có một mình bà ở đó đối diện với nỗi cô đơn, trống trải của mảnh tình riêng. Hai câu thơ như một tiếng thở dài đầy chua xót cho nỗi lòng thầm kín, ngập tràn nhưng chẳng biết san sẻ cùng ai.
Với thể thơ thất ngôn bát cú Đường luật, biện pháp tả cảnh ngụ tình, các thủ pháp điệp, đối, đảo trật tự cú pháp câu, bài thơ đã thể hiện sâu sắc nỗi buồn sầu, cô đơn thầm lặng của một người phụ nữ hoài cổ, nhớ nước thương nhà trước không gian Đèo Ngang hùng vĩ, hoang sơ. Qua bài thơ ta thêm hiểu biết và yêu thắng cảnh quê hương cùng với đó là niềm trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn của Bà Huyện Thanh Quan.