/tmp/vlmvq.jpg
Bài văn Phân tích Vai trò của người hiền tài đối với công cuộc phát triển đất nước qua bài Chiếu cầu hiền gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
Đề bài: Qua bài Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm em hãy nêu rõ vai trò của người hiền tài đối với công cuộc phát triển đất nước.
Ngô Thì Nhậm là một người tài giỏi, có con mắt nhìn xa trông rộng, được Nguyễn Huệ tin cẩn giao cho việc soạn thảo công văn, giấy tờ quan trọng. Chiếu cầu hiền là một trong những văn bản như vậy. Tác phẩm đã cho thấy ý nghĩa vai trò quan trọng của người hiền tài đối với công cuộc phát triển đất nước.
Chiếu cầu hiền ra đời trong hoàn cảnh, quân Thanh xâm lược nước ta, Nguyễn Huệ lên ngôi lấy niên hiệu là Quang Trung dẹp tan quân xâm lược. Buổi đầu dựng nước còn nhiều khó khăn, thiếu người hiền tài. Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm soạn thảo văn bản này kêu gọi những người có tài ra giúp đất nước.
Mở đầu bài chiếu nêu lên lời dạy của Khổng Tử và trách nhiệm của người hiền đối với đất nước: “Người hiền xuất hiện ở đời thì như sao sáng trên trời cao. Sao sáng ắt về chầu ngôi Bắc Thân, người hiền ắt làm sứ giả cho thiên tử”. Lập luận của tác giả hết sức chặt chẽ, một mặt ông vừa đề cao vai trò của kẻ sĩ, vừa thức tỉnh ý thức trách nhiệm của họ đối với đất nước. Để nhấn mạnh hơn nữa, vế sau Ngô Thì Nhậm một lần nữa khẳng định: “Nếu như che mất ánh sáng, giấu đi vẻ đẹp, có tài mà không được đời dùng, thì đó không phải ý trời sinh ra người hiền tài vậy”. Như vậy, với lập luận này Ngô Thì Nhậm đã bước đầu đánh trúng tâm lí của những người hiền tài.
Sau khi nói lên trách nhiệm của người hiền tài, ông đã chỉ rõ thực trạng thái độ của họ đối với triều đại Tây Sơn. Ông tỏ ra là người hiểu rõ lẽ xuất xử của người xưa: khi đời thuận thì ra làm việc, khi đời suy vi thì lui về ở ẩn để bảo toàn danh tiết. Ông hết sức thông cảm với những nhà nho như vậy. Nhưng mặt khác ông lại chỉ rõ: có những kẻ ra làm việc cho triều đình mới những vẫn “kiêng dè không dám lên tiếng” hoặc làm việc hết sức cầm chừng, không có sự hăng hái. Với cách diễn đạt hình ảnh, lấy trong sách kinh điển nho gia một mặt vừa thể hiện sự uyên bác của tác giả, mặt khác khiến cho các sĩ phu Bắc Hà nể trọng, tự phải xem lại thái độ của bản thân với triều đại mới. Tiếp đến, ông thể hiện những lời mong mỏi chân thành, tha thiết của nhà vua: “Trẫm đang ghét chiếu lắng nghe, ngày đêm mong mỏi những người học rộng tài cao chưa thấy có ai tìm đến. Hay trẫm ít đức khong đáng để phò tá chăng? Hay đang thời đổ nát chưa thể ra phụng sự vương hầu chăng?”. Lời lẽ đã đánh trúng tâm lí sĩ phu Bắc Hà khiến họ không khỏi phải suy nghĩ.
Sau đó, tác giả nói lên yêu cầu bức thiết cần người hiền tài của triều đại mới: công việc triều chính còn bộn bề lo toan, do đây là một triều đại mới. Nhà vua cũng ý thức được rằng, công việc thì nhiều, một người không thể giải quyết hết, cần đến những người hiền tài ra giúp sức xây dựng đất nước: “Một cái cột không thể đỡ nổi tòa nhà lớn, mưu lược một người không thể dựng nghiệp trị bình, cứ cái ấp mười nhà ắt phải có một người trung thành tín nghĩa”. Lời lẽ vô cùng chân thành, thể hiện thiện tâm của nhà vua đối với những người hiền tài. Không chỉ vậy lời nói ấy còn hết sức khiêm nhường, tha thiết đã thức tỉnh lương tri của người hiền tài, khiến họ không thể không ra hợp tác với triều đại mới.
Đường lối kêu gọi người hiền tài của Quang Trung hết sức rộng mở, bất cứ ai có tài năng đều có thể giới thiệu, tiến cử, tự tiến cử,… để phục vụ cho đất nước. Cuối bài chiếu một lần nữa tỏ ra thông cảm, bao dung với sự bất hợp tác với những sĩ phu Bắc Hà trước đây và nêu lên lời kêu gọi, hứa hẹn, kích lệ đối với họ.
Qua văn bản Chiếu cầu hiền của Ngô Thì Nhậm người đọc càng ý thức được rõ hơn vai trò của người hiền tài đối với việc xây dựng đất nước. Người hiền tài quả là nguyên khí của quốc gia đúng như Thân Nhân Trung đã từng nói. Đất nước là một bộ máy vô cùng cồng kềnh, không thể chỉ có một người cai quản, lo liệu là xong mà cần phải có sự giúp sức của nhiều người tải giỏi. Chỉ như vậy mới có thể điều hành đất nước một cách thuận lợi. Khi người hiền tài nhiều, đem hết sức mình ra cống hiến cho đất khi ấy đất nước sẽ hưng thịnh, ngược lại với triều đại rối ren, là do không có người hiền tài ra giúp sức, thế nước tất yếu suy vi và dẫn đến bại vong. Để có được người hiền tài ra giúp sức cũng cần phải có những chính sách phù, hợp đúng đắn để thu hút nhân tài, tạo điều kiện thuận lợi cho họ đem tài năng phục vụ đất nước. Khi ấy một vị vua sáng sẽ là vô cùng quan trọng. Chỉ khi kết hợp đầy đủ hai yếu tố vua sáng tôi hiền thì khi ấy đất nước mới phát triển hưng thịnh.
Chiếu cầu hiền là bài văn nghị luận mẫu mực, với logic lập luận chặt chẽ đã cho thấy ý nghĩa vai trò to lớn của người hiền tài đối với sự phát triển của đất nước. Trong thời điểm hiện tại, đất nước ta đang bước vào thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì yếu tố người hiền tài càng có vai trò quan trọng hơn bao giờ hết.