/tmp/gjfmw.jpg Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt năm 2021 - Giáo dục trung học Đồng Nai

Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt năm 2021


Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt năm 2021

Bài văn Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện Vợ nhặt gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 12.

Đề bài: Phân tích nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

A/ Dàn ý chi tiết

a) Mở bài

– Giới thiệu nhà văn Kim Lân và tác phẩm Vợ nhặt

– Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ: đại diện cho vẻ đẹp của những người nông dân, người mẹ Việt Nam.

b) Thân bài

* Giới thiệu nhân vật bà cụ Tứ

+ Là một bà mẹ nghèo khổ, góa bụa, già nua – ốm yếu, là dân ngụ cư (dân ở nơi khác đến, thường bị dân bản sứ coi rẻ).

+ Bà sống với anh con trai – chỉ là một anh phụ xe nghèo.

+ Ngoại hình: dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, vừa đi vừa ho húng hắng, lẩm nhẩm tính toán theo thói quen người già.

* Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ

– Trước sự đon đả của đứa con trai ngờ nghệch “bà lão phấp phỏng” -> tâm lý bất an, phân vân hồi hộp; “đứng sững lại” – bà giật mình bởi vì sự xuất hiện của người đàn bà lạ mà con trai mang về; “hấp háy cặp mắt” – thói quen của người có tuổi – đây là hình ảnh gợi tả sự ngạc nhiên và tò mò muốn nhìn rõ hơn.

-> Bà không hề hay biết chuyện anh con trai đã nhặt một người vợ về, thấy người đàn bà lạ trong nhà, bà rất ngạc nhiên, tâm lí bị động trước sự việc.

– Sau khi hiểu ra:

+ Bà thương, buồn tủi cho con trai phải lấy vợ nhặt

+ Bà cũng thấy hờn tủi cho chính mình, có lỗi với con trai bởi không thể lo được chuyện dựng vợ gả chồng cho con chu đáo.

+ Bà cảm thương cho người đàn bà khốn khổ cùng đường mới phải lấy con trai bà, thương cho cả sự ngờ nghệch của đứa con trai

– Bà mừng vì con trai đã yên bề gia thất, chấp nhận đứa con dâu vừa được nhặt về.

– Bà cụ Tứ dần lo lắng cho cuộc sống các con sau này

– Bà đối xử tốt với nàng dâu mới bằng sự cảm thông, trân trọng:

+ Ân cần quan tâm con: “Con ngồi đây… đỡ mỏi chân”

+ Nói về tương lai với niềm lạc quan “biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”

+ Bảo ban các con làm ăn

=> Bà cụ Tứ là người mẹ nghèo hiền từ, chất phác, vị tha, nhân hậu, âm thầm hi sinh vì hạnh phúc của con. Bà là nhân vật tiêu biểu cho những phẩm chất tốt đẹp của người mẹ nghèo Việt Nam.

c) Kết bài

– Cảm nhận riêng về hình tượng bà cụ Tứ.

B/ Sơ đồ tư duy

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ năm 2021

C/ Bài văn mẫu

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – mẫu 1

Bốn bát bánh đúc thành lễ cưới thật rồi

Xin từ điển hãy thêm từ “vợ nhặt’

Ngòi bút Kim Lân tưởng như đùa như khóc

Đói quắt quay nhưng tha thiết con người.

Chỉ với bốn câu thơ thôi nhưng cũng đủ để gợi lên trong chúng ta thật nhiều suy nghĩ về truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân – cây bút chuyên hướng ngòi bút truyện ngắn của mình về cuộc sống và người dân quê. Và để rồi, khi đọc truyện ngắn “Vợ nhặt”, người đọc sẽ đồng cảm với số phận, cảnh ngộ và trân trọng vẻ đẹp tâm hồn của người nông dân trong nạn đói năm 1945 và một trong số đó chính là nhân vật bà cụ Tứ.

Chắc hẳn, khi đọc truyện ngắn “Vợ nhặt” điều đầu tiên khiến người đọc tiếp xúc với bà cụ Tứ đó chính là ở dáng người lọng khọng với tiếng “húng hắng ho”, “vừa đi vừa lẩm bẩm tính toán gì trong miệng”. Bà sống cùng người con trai là người dân của xóm ngụ cư, sống cùng nhau trong một căn nhà tồi tàn, “vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại”. Nhưng có lẽ, điều để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người đọc về bà cụ Tứ không phải ở ngoại hình nhân vật, ở hoàn cảnh sống của bà mà ở chính những diễn biến tâm trạng, những cung bậc cảm xúc của bà. Chắc hẳn, những ai đã đọc truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân sẽ không thể nào quên được bối cảnh khủng khiếp của nạn đói năm 1945 – người chết nằm ngổn ngang khắp lều chợ, không khí vẩn lên mùi ẩm thối, âm thanh của tiếng quạ kêu, của tiếng người khóc hờ trong đêm và hình ảnh của những người sống dắt díu nhau, xanh xám, trông như những bóng ma. Ấy vậy mà, giữa cái bối cảnh thê lương, u ám, tối tăm ấy, Tràng – một người dân xóm ngụ cư xấu xí lại nhặt được vợ. Và buổi chiều hôm ấy, khi bà cụ Tứ về đến nhà thì bỗng thấy người đàn bà lạ xuất hiện trong ngôi nhà của mình và Tràng – con trai bà giới thiệu rằng thị là vợ Tràng, là con dâu của bà. Chính sự kiện này là yếu tố ngoại cảnh tác động và làm nảy sinh những diễn biến tâm lí, những cung bậc cảm xúc phức tạp của bà cụ Tứ.

Đầu tiên đó chính là sự ngạc nhiên, “quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu”. Có lẽ, sự ngạc nhiên đã được thể hiện một cách chân thực và rõ nét qua hàng loạt câu hỏi liên tiếp của bà cụ Tứ trong một đoạn văn rất ngắn “Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u?… Ai thế nhỉ?” Những câu hỏi ấy của bà cụ Tứ không phải để kiếm tìm một câu trả lời mà hơn hết nó dùng để thể hiện sự ngạc nhiên đến tột cùng của bà cụ Tứ. Sự ngạc nhiên ấy của bà không phải vì bà thực sự không hiểu chuyện gì đang xảy ra mà bởi tất cả mọi thứ đến quá nhanh, quá đột ngột, việc Tràng có vợ đối với bà là một điều xa vời với bà nên khiến bà không thể tin nổi đấy là sự thật.

Từ sự ngạc nhiên, “tỏ ý không hiểu ấy” bà cụ Tứ dần hiểu và “lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”. Lòng người mẹ ấy “vừa ai oán, vừa xót thương cho số kiếp đứa con trai mình”. Nỗi lòng người mẹ ấy thật đáng thương biết bao “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên, làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt mày sau này. Còn mình thì…”. Một câu văn được bỏ lửng giữa chừng nhưng đã mở ra trong lòng người đọc biết bao nỗi niềm, bao cơ sự, bao nỗi ngổn ngang, rối bời trong lòng người mẹ ấy. Có lẽ, bà đang tự trách chính bản thân mình vì đã không lo nổi cho con có cuộc sống như bao người. Và rồi, bà khóc “Trong kẽ mắt kèm nhèm của bà rỉ xuống hai dòng nước mắt… Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cái cơn đói khát này không”. Những giọt nước mắt trên gương mặt khắc khổ ấy của bà cụ Tứ là giọt nước mắt của lòng thương con, lo lắng cho con và cả sự tủi thân vì bà không làm trong trách nhiệm, bổn phận của một người mẹ nhưng đồng thời, đó còn là giọt nước mắt, là tiếng khóc của niềm vui, của sự hạnh phúc khi con trai bà đã có vợ.

Đồng thời, đằng sau giọt nước mắt của cả niềm vui và nỗi buồn trộn lẫn vào nhau ấy, bà cụ Tứ mở lòng, vui vẻ chấp nhận nàng dâu mới với tấm lòng yêu thương, cảm thông. Bà nói với “nàng dâu mới” bằng cái giọng nhẹ nhàng “Thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”. Với bà cụ Tứ, cuộc hôn nhân của Tràng và thị cũng đẹp đẽ, cũng đáng trân trọng như những cuộc hôn nhân khác bởi lẽ cuộc hôn nhân nào cũng bắt nguồn từ cái duyên, cái phận với nhau. Dường như, ở đây, bà cụ Tứ không chọn điểm nhìn của người mẹ chồng dành cho nàng dâu mà bà lựa chọn điểm nhìn của những con người cùng chung cảnh ngộ, cùng chung số phận để thấu hiểu, để cảm thông. Chính những điều đó đã cho chúng ta thấy, bà cụ Tứ không chỉ là người yêu thương con, luôn dành cho con tình yêu thương vô bờ bến mà bà còn có tình người, lòng yêu thương với những người nghèo khổ. Đặc biệt, tâm trạng bà cụ Tứ đã có nhiều thay đổi, vui vẻ và rạng rỡ hơn trong buổi sáng hôm sau – “Bà mẹ Tràng cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Giờ đây, niềm hạnh phúc, vui sướng và phấn khởi của bà cụ Tứ đã hiện rõ trên khuôn mặt khắc khổ, u ám, buồn bã thường ngày của bà. Đặc biệt, niềm vui sướng, hạnh phúc ấy của bà còn được thể hiện rõ nét trong bữa cơm sớm. Mặc dù, bữa cơm ngày đói trông thật thảm hại, chỉ có “độc một lùm rau chuối thái rối và một đĩa muối ăn với cháo” nhưng dường như cả nhà đều ăn rất ngon lành và vui vẻ. Thêm vào đó, trong bữa cơm sớm, “bà nói toàn chuyện vui, chuyện sung sướng về sau này”. Tất cả những điều đấy phải chăng đều xuất phát từ niềm vui, niềm hạnh phúc không xiết ở trong bà và bà cụ Tứ đã gieo vào lòng con lòng lạc quan, yêu đời, khát khao sống và niềm tin về một ngày mai tươi sáng, tốt đẹp hơn. Có thể nói, tâm lí nhân vật bà cụ Tứ đã được Kim Lân miêu tả một cách hợp lí, phù hợp với logic phát triển tâm lí của nhân vật: từ ngạc nhiên, không hiểu tới hiểu và hiểu ra bao cơ sự. Đồng thời, từ tâm lí nhân vật bà cụ Tứ chứng tỏ Kim Lân là nhà văn rất am hiểu về tâm lí nhân vật, dường như, ông đã nhập mình vào nhân vật để cảm nhận và nói hộ những sắc thái tình cảm, những diễn biến tâm lí phức tạp và đầy suy tư, trăn trở trong sâu thẳm lòng mình của nhân vật.

Xem thêm:  Tả một ngôi chùa ở quê hương em năm 2021

Tóm lại, nhân vật bà cụ Tứ đã được nhà văn Kim Lân xây dựng thành công. Nhân vật bà cụ Tứ đã góp phần thể hiện chiều sâu nhân đạo sâu sắc của tác phẩm, đó chính là sự phát hiện và trân trọng những vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ nông dân nghèo khổ nhưng giàu lòng thương con, giàu tình thương người, giàu đức hi sinh và sự vị tha trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Đồng thời, nhân vật bà cụ Tứ đã in đậm dấu ấn nhân vật trong sáng tác của nhà văn Kim Lân – nhân vật của ông dù sống trong hoàn cảnh túng khó, nghèo khổ vẫn luôn lạc quan, yêu đời và tin vào một ngày mai tươi sáng.

500 bài mẫu hay nhất

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – mẫu 2

Vợ nhặt là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nhà văn Kim Lân. Trong tác phẩm ta không chỉ nhớ về anh cu Tràng và chị vợ nhặt mà còn nhớ đến bà mẹ tảo tần, chịu nhiều vất vả. Bà cụ Tứ là hình ảnh bà mẹ nông dân Việt Nam trước 1945. Ở nhân vật này, Kim Lân không chú ý vào hành động mà đi sâu vào khai thác tâm trạng nhân vật, qua đó khẳng định tài năng miêu tả tâm lí nhân vật của ông.

Diện mạo của bà cụ Tứ chỉ được tác giả phác họa bằng vài chi tiết “dáng đi lọng khọng, đôi mắt nghèn dử, vừa đi vừa húng hắng ho”. Nhưng chừng ấy cũng đã đủ để cho người đọc hình dung về một bà mẹ nhân dân lam lũ, vất vả đã bị cái đói cái nghèo đeo bám suốt cả cuộc đời.

Nhưng ngòi bút tập trung đi sâu miêu tả tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt là ở hai thời điểm: trong buổi tối cô vợ nhặt về nhà và buổi sáng hôm sau. Qua hai thời điểm đó đã cho thấy tài năng miêu tả tâm lí bậc thầy của Kim Lân. Khi bà cụ Tứ nhìn thấy cô con dâu, bà ngạc nhiên đến mức ngỡ ngàng vì chưa bao giờ bà thấy con trai bà mong ngóng bà về đến vậy. Sự ngạc nhiên tạo nên tâm lí phấp phỏng khi bà theo anh cu Tràng vào nhà và thấy một người đàn bà lạ ngồi trong nhà. Đến lúc này sự ngạc nhiên của bà đã lên đến đỉnh điểm, bà tự hỏi: “Quái, sao lại có người đàn bà ngồi trong ý nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u”. Sự ngạc nhiên, ngỡ ngàng đến mức bà không tin nổi vào mắt mình, phải dụi mắt để cho đỡ nhoèn.

Sau khi được anh con trai giải thích, tâm trạng bà ngổn ngang, rối bời. Bằng trái tim yêu thương của người mẹ, lòng bà dâng lên tình yêu thương con sâu sắc. Bởi bà hiểu người ta chỉ lấy vợ lấy chồng khi cuộc sống yên ổn, nhưng con bà lại lấy vợ vào thời điểm cái đói diễn ra ác liệt nhất. Cùng với đó bà nghĩ tủi cho phận người mẹ nghèo khi không làm tròn trách nhiệm lo lắng cho hạnh phúc của con. Tất cả những nỗi lòng ấy được dồn trong cái cúi đầu nín lặng. Sau tình yêu thương bà chuyển sang xót xa, lo lắng “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau vượt qua cơn đói khát này được không?”. Nạn đói đang hoành hành, những lo lắng của bà là hoàn toàn hợp lí. Từ lòng yêu thương, lo lắng cho con, tấm lòng nhân hậu của người mẹ còn chuyển sang người vợ nhặt. Dù Tràng không giới thiệu chi tiết, tỉ mỉ nhưng với kinh nghiệm sống của mình và hiểu đám cưới vội vã của người con dâu. Bà nhìn cô với ánh mắt đầy cảm thông, yêu thương: “Người ta có gặp bước khó khăn, đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có được vợ”. Như vậy bà không chỉ là hiện thân của tình mẫu tử thiêng liêng mà còn là hiện thân của tấm lòng bao dung, vị tha, sẵn sàng giúp đỡ những người có số phận bất hạnh, éo le.

Dù trong lòng ngập tràn nỗi xót xa, nhưng bà vẫn luôn nói nhưng điều vui vẻ, hạnh phúc với người con dâu mới: “ừ, thôi thì các con đã phải duyên, phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng”. Câu nói vừa xóa đi cái ngượng ngùng cho người con dâu vừa là sự chào đón đầy ấm áp, nhân từ bà dành cho thành viên mới của gia đình. Dù miệng nói ra những điều phấn khởi, vui vẻ nhưng ám ảnh về cái đói, cái chết vẫn là quá lớn. Bởi vậy, khi chìm vào thế giới của riêng mình bà vẫn không khỏi lo lắng, xót xa, và không nén nổi thành dòng nước mắt chảy ròng ròng. Trong buổi sáng hôm sau, Kim Lân tiếp tục đi sâu khai thác tâm lí bà cụ Tứ, đặc biệt nhấn mạnh vào niềm tin, khát vọng tương lai. Cùng với sự thay đổi của Tràng và cô vợ nhặt, bà cụ Tứ cũng có sự thay đổi rõ ràng. Tràng đã cảm nhận thấy người mẹ của mình có dáng vẻ khác hẳn mọi khi, không phải sự nhếch nhác, khổ sở mà thay vào đó là dáng điệu nhẹ nhõm, tươi tỉnh. Bà dậy sớm cùng con dâu quét dọn nhà cửa. Những hành động tuy nhỏ nhưng có ý nghĩa lớn lao, nó thể hiện sự vun đắp, chăm lo của người mẹ cho hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ. Để tạo niềm tin và hi vọng vào tương lai cho vợ chồng Tràng, trong bữa cơm ngày đói bà lão toàn nói những chuyện sung sướng sau này. Sự tính toán của bà về việc mua lấy đôi gà để ngoảnh đi ngoảnh lại đã có đàn gà, khiến cho đôi vợ chồng có niềm tin vào tương lai. Nhưng dù dùng những câu chuyện vui, lạc quan thì bà lão vẫn không thay đổi được hiện thực là nồi cháo kia chỉ đủ cho mỗi người ăn hai lưng là hết. Và để vượt qua cái đói, bữa cơm đón cô dâu mới có thêm cả nồi cháo cám. Bưng nồi cháo cám ra, phản ứng tâm lí của bà vô cùng đáng thương, bà lật đật, lễ mễ, khuấy khuấy cùng với giọng nói đầy phấn khởi, để giấu bớt đi phần khắc nghiệt của hiện thực là bát cháo cám nghẹn ứ ở cổ. Những hành động đó của bà thật cảm động và đáng trân trọng.

Không phải ngẫu nhiên mà trong ba nhân vật, Kim Lân lại để một bà cụ gần đất xa trời nói về tương lai, nhưng điều tốt đẹp, sau đó còn ẩn chứa thông điệp: Dù thế nào cũng phải giữ lấy niềm tin và hi vọng. Đồng thời cũng là sự ngợi ca của tác giả trước sức sống khỏe khoắn, mãnh liệt của tâm hồn Việt. Người mẹ nghèo nhưng tính cách bao dung, nhân từ đã gieo mầm sự sống, hạnh phúc lứa đôi. Có thể coi bà cụ Tứ là điểm kết tinh của tác phẩm, thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc.

Xem thêm:  Bài văn Tả con vật mà em yêu thích năm 2021

Bằng nghệ thuật phân tích tâm lí nhân vật bậc thầy, Kim Lân đã lách sâu ngòi bút của mình để thấy được vẻ đẹp tâm hồn, tấm lòng bao dung nhân hậu của bà cụ Tứ với đôi vợ chồng trẻ. Bà cụ Tứ chính là hình ảnh đẹp đẽ nhất, đại diện tiêu biểu cho hàng triệu bà mẹ Việt Nam. Đồng thời qua nhân vật này cũng thể hiện giá trị nhân đạo sâu sắc của Kim Lân.

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – mẫu 3

Kim Lân với phong cách viết giản dị, gần gũi với đời sống của nhân dân nên ông được xem là nhà văn của làng quê Việt Nam. Những sáng tác của ông luôn chạm vào trái tim người đọc cảm xúc ấm áp, thân quen nhất. Truyện ngắn “Vợ nhặt” ra đời giữa bối cảnh đất nước ta đang lầm than, nạn đói hoành hành. Tác giả đã khắc họa thành công nhân vật bà cụ Tứ, một người mẹ khắc khổ nhưng tràn đầy tình yêu thương.

Bà cụ Tứ không xuất hiện ngay từ đầu tác phẩm, bà chỉ xuất hiện khi anh cu Tràng dẫn vợ vừa nhặt được về nhà. Có lẽ khoảnh khắc này người đọc sẽ bắt đầu nhận ra được người mẹ nghèo này có thái độ, tình cảm như thế nào dành cho con.

Bà cụ Tứ hiện lên là người đàn bà khắc khổ, nghèo đói với cái dáng “lòng khòng”, “khập khiễng bước từ ngoài cổng bước vào”. Với một loạt từ dùng để chỉ hình dáng và cử chỉ của bà như “hấp háy mắt”, “lập khập bước đi”, “lễ mễ” đã gợi lên trong lòng người đọc hình ảnh người mẹ già không còn khỏe mạnh và tinh anh nữa. Giữa xóm ngụ cư nghèo đói, giữa sự tan tác, hoang sơ của cảnh vật và con người, hình ảnh người mẹ này hiện lên khiến người đọc không khỏi xót xa. Mặc dù bà chỉ xuất hiện khi Tràng dẫn vợ về nhà nhưng lại ám ảnh đến người đọc khi đã gấp trang sách lại. Vì Kim Lân đã để cho bà xuất hiện với những nét tính cách và tình cảm yêu thương, cảm thông, chịu thương chịu khó hết mực. Bà là một người mẹ vĩ đại và tuyệt vời. Khi thấy một người đàn bà lạ xuất hiện trong nhà mình, tâm trạng của bà thất thường, không yên và luôn tự hỏi là ai. Khi biết được sự tình, bà cũng không lớn tiếng, cũng không xua đuổi. Bà chỉ lặng lẽ như chính cuộc đời của mình như vậy. Bà thương con mình, thương cho người đàn bà lạ kia. Một tình thương sâu thẳm và bao la. Bà chỉ lo “không biết chúng nó có sống nổi qua ngày không”. Nỗi lòng của người mẹ nặng trĩu âu lo khi cái nghèo dồn dập và cái tình người thì vẫn còn đong đầy. Thấy con lấy vợ, bà cũng mừng, nhưng bà lại tủi vì “người ta có gặp lúc khó khăn đói khổ này mới lấy con mình, con mình mới có vợ được”. Một sự nghiệt ngã đến đau lòng khiến bà càng yêu thương con tha thiết hơn, và thương thêm người đàn bà lạ nghèo khổ, tiêu điều kia.

Bà cụ Tứ còn là một người rất hiểu chuyện, không hề than vãn bất cứ điều gì. Bà chỉ nhẹ nhàng bảo “Vợ chồng chúng mày lo mà làm ăn, rồi trời thương. Ai giàu ba họ, ai khó ba đời bao giờ đâu”. Dù hiện thực nghiệt ngã, cái đói cứ đeo bám nhưng bà vẫn động viên, an ủi hai vợ chồng trẻ. Đó là điều mà không phải người mẹ nào cũng có thể can đảm nghĩ, can đảm động viên con như thế. Chính tấm lòng này của người mẹ khiến cho Tràng và người vợ mới thêm nhẹ lòng, không bị ràng buộc và khó khăn quá nhiều. Khi đó chúng ta mới thấy được tình người le lói giữa cảnh đời u tối như thế này thật đáng trân trọng biết bao nhiêu. Bà là một người mẹ tuyệt vời, dù cuộc đời này không được tốt đẹp như bà vẫn mong. Hình ảnh bà cụ Tứ “xăm xăm trong vườn” vào buổi sáng đầu tiên sau khi anh cu Tràng lấy vợ khiến người đọc vỡ òa. Dù chỉ là một hình ảnh nhỏ, rất bình dị thường ngày nhưng lại khiến cho khung cảnh ảm đạm suốt bao ngày qua trở nên thông thoáng, nhẹ nhõm và trong lành hơn. Nói đúng hơn, bà cũng đang vun vén và xây đắp cho hạnh phúc của con mình. Đặc biệt hình ảnh “nồi cháo cám” xuất hiện ở bữa cơm đầu tiên Tràng dẫn vợ về không những khiến vợ chồng Tràng nghẹn ứ ở cổ mà còn khiến người đọc không thể cầm nổi nước mắt. Hóa ra trong cái nghèo đói rình rập như vậy, chỉ một bát cháo “đắng chát” cũng đủ nhen nhóm lòng người như vậy. Thực sự đây là hình ảnh mang tính chất nghệ thuật và có sức ám ảnh lớn. Cũng giống như “bát cháo hành” trong truyện Chí Phèo thì “nồi cháo cám” trong truyện ngắn “Vợ nhặt” đều là những hình ảnh neo giữ thật sâu trong tâm trí người đọc.

Tâm trạng và nụ cười niềm nở của bà cụ Tứ trong buổi sáng hôm đó thực sự đã tràn niềm vui, sự ấm áp sang đôi vợ chồng trẻ. Bà còn bảo “Cháo cám đấy. Ngon đáo để. Trong xóm mình khối nhà còn không có mà ăn”. Sự vui vẻ của người mẹ nghèo làm bừng sáng lên không khí tăm tối những ngày qua. Thực sự chỉ tấm lòng của những người mẹ mới có thể khiến cho con cái yên lòng. Anh cu Tràng và thị thực sự là những người hạnh phúc, dù đói nghèo vẫn còn dai dẳng.

Như vậy, Kim Lân đã khắc họa thành công hình ảnh bà cụ Tứ bằng những chi tiết rất đời thường nhưng lại khiến cho người đọc có một sự nhìn nhận khác về người nông dân trong hoàn cảnh đất nước đói kém. Bà là người khiến nhiều người khác khâm phục và ngưỡng mộ.

500 bài mẫu hay nhất

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – mẫu 4

Trước và sau Cách mạng tháng Tám, dù viết không nhiều nhưng giai đoạn nào Kim Lân cũng có tác phẩm hay. Là một cây bút truyện ngắn vững vàng, ông đã viết về cuộc sống và con người ở nông thôn bằng tình cảm, tâm hồn của một nhà văn chân chất vốn là đứa con của đồng ruộng. Trong bối cảnh của nạn đói năm 1945, Kim Lân viết truyện ngắn Vợ nhặt. Tác phẩm là một đóng góp xuất sắc cho nền văn xuôi dân tộc. Với một cốt truyện đơn giản nhưng tình huống truyện độc đáo và hấp dẫn. “Vợ nhặt” đề cập đến một vấn đề lớn có tính hiện thực và nhân đạo sâu sắc; những con người Việt Nam lương thiện, trong tai họa đói kém khủng khiếp do thực dân, phát xít gây ra, đã cưu mang đùm bọc nhau và hi vọng, trông chờ vào sức mạnh giải phóng của cách mạng. Ấn tượng sâu đậm của người đọc với tác phẩm có lẽ là tấm lòng đáng quý của mẹ con Tràng và cũng là tấm lòng thật đáng quý của nhà văn đối với những người lao động nghèo khổ.

Anh Tràng có vợ trong một hoàn cảnh không bình thường. Không phải anh Tràng cưới vợ, cũng không phải là lấy vợ theo nghĩa thông thường mà là “nhặt vợ”, nói như người miền Trung và miền Nam là “lượm vợ” ở ngoài đường. Nhưng việc làm đó lại có ý nghĩa nhân ái của một lấm lòng nhân hậu. Thấy người đàn bà đói quá anh sẵn sàng cho ăn dù chẳng dư dật gì. Thấy người đàn bà quyết tâm theo mình, dù cũng sợ cho tương lai, anh vẫn không nỡ nào từ chối. Tràng dắt vợ về nhà trong một tâm trạng vừa lo lắng bâng quơ và sung sướng một cách mới mẻ, lạ lẫm…

Nhân vật thứ hai của câu chuyện, bà cụ Tứ, mẹ Tràng không được tác giả nói đến nhiều nhưng qua những nét đặc tả và tâm lý tính cách rất chân thật sinh động, nhân vật đã tạo được một sự cảm thông sâu sắc với người đọc. Cũng như Tràng, người mẹ khốn khổ, già yếu sống trong một xóm ngụ cư vất vưởng ấy là một người đàn bà nhân hậu. Vừa về đến nhà, thấy một người đàn lạ, bà cụ Tứ “đứng sững lại” hết sức ngạc nhiên, “thế là thế nào”. Bà không thể tin rằng con mình lấy vợ trong hoàn cảnh này. Nhưng khi hiểu ra cớ sự, “bà lão cúi đầu nín lặng”, bà hờn tủi xót thương cho số kiếp của đứa con mình và cho thân phận của mình. “Chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không?”. Rồi bà cảm thấy khổ tâm, nghèo quá lấy gì để ra mắt bạn bè lối xóm. “Kể có ra làm được dăm ba mâm thì phải đấy, nhưng nhà quá nghèo, cũng chả ai người ta chấp nhặt chi cái úc này… chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”. Và nỗi khổ tâm đau xót ấy cô đọng lại, biến thành những “dòng nước mắt chảy xuống ròng ròng” thật tội nghiệp. Trong truyện ngắn “Một đám cưới” của Nam Cao cảnh đời đã khổ (phải rước dâu vào ban đêm để mọi người khỏi thấy cô dâu rách rưới, nhờ có đám cưới con, cha mẹ mới được một bữa ăn no), ở chuyện này, cái khổ nhiều hơn gấp bội. Bữa ăn đầu tiên của gia đình thay cho đám cưới là một bữa “chè cám”.

Xem thêm:  Nội dung và nghệ thuật của văn bản “Ca Huế trên sông Hương”.

Đem một người đàn bà xa lạ về làm vợ trong một hoàn cảnh như vậy, mẹ nghĩ thế nào? Tràng lo lắm chứ. Khi biết mẹ đồng ý trước một sự việc đã rồi “Tràng thở phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi”. Bởi người mẹ ấy có quyền không đồng tình, có quyền trách mắng Tràng. Nhưng vì thương con bà cụ cũng thương dâu. Bà hiểu ra rằng dù sao người ta chịu lấy con mình cũng là điều đáng quý. Với những người già cả, trong môi trường xã hội phong kiến khắt khe, không phải ai cũng dễ dàng nhận ra điều ấy. Bà “nghĩ đến cuộc đời cơ cực khổ dài dằng dặc của mình” rồi nhìn đứa con dâu cũng cực khổ như mình “lòng đầy thương xót”. Trong không khí ngại ngùng, lúng túng của mọi người, bà đã có thái độ tế nhị, quan tâm đầy nhân hậu.

Bà nói đỡ cho cô dâu còn xấu hổ: “Con ngồi xuống đáy, ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Bà lưu tâm ý tứ đến tình cảm riêng tư của con: “Hôm nào nghỉ ở nhà kiếm lấy ít nứa về đan cái phên mà ngăn ra mày ạ”.

Tấm lòng của người mẹ ấy thật đáng quý. Không lo nổi vợ cho con, nay nó có vợ thì bà cũng mừng và thấy phải có trách nhiệm với nó. Bà cố nén nỗi buồn, nỗi lo, động viên con tin ở sự sống và tương lai bằng việc làm chăm sóc của mình. Bà cùng cô dâu mới sửa sang dọn dẹp lại nhà cửa, động viên nhau bằng những chuyện vui, chuyện tương lai sáng sủa: Khi nào có tiền mua lấy đôi gà… này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem”. Trước cái hạnh phúc nhỏ bé của con, cuộc sống của bà mẹ dường như cũng được đổi khác, bà “cũng nhẹ nhõm, tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên”. Từ thái độ bao dung ấy, hạnh phúc đơn sơ nhưng tấm lòng đã đến với mọi người. Nhân vật bà cụ Tứ đã mang được một ý nghĩa khái quát lớn: ở thời đại nào, hoàn cảnh nào tâm trạng của những bà mẹ nghèo cũng thật tội nghiệp, họ hiểu con, thương con, lo lắng cho con nhưng vì nghèo khổ họ phải chịu đắng cay, chua xót.

Với một cốt truyện đơn giản nhưng tính cách nhân vật được xây dựng tinh tế, truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân đã nêu lên được những vấn đề có tính nhân bản sâu sắc. Con người lao động dù ở tình huống bi thảm đến đâu vẫn khao khát hạnh phúc và họ chỉ tìm thấy khi biết cưu mang giúp đỡ lẫn nhau. Cảm động biết bao, dưới cái nhìn nhân ái của nhà văn, những con người khốn khổ ấy đã có thể tìm thấy những hạnh phúc, dù nhỏ nhoi trong cuộc đời.

Vợ nhặt của Kim Lân như một sự tiếp nối tất yếu của những tác phẩm hiện thực phê phán của Nam Cao, Tô Hoài từ trước Cách mạng tháng Tám. Cảnh đời cũng vẫn là tối tăm, ngột ngạt, nhưng nhân vật của Kim Lân đã có được niềm tin và hi vọng vào cuộc sống. Và chắc chắn cuộc đời sẽ được đổi khác, hình ảnh cuối cùng của tác phẩm “lá cờ đỏ bay phấp phới” thể hiện niềm tin đó.

Phân tích nhân vật Bà cụ Tứ – mẫu 5

Đoạn trích Vợ nhặt của Kim Lân đã thành đề tài bàn luận không chỉ của tác giả mà còn của nhiều độc giả đón đọc. Thành công của tác phẩm không dừng lại ở việc khắc họa hiện thực xã hội đói nghèo và thiếu thốn, người chết như ngả rạ, khắp nơi bao trùm bởi không khí tang thương mà còn là vẽ ra những mảnh đời, những câu chuyện bình dị nhưng vô cùng ý nghĩa. Bên cạnh Tràng – nhân vật chính của câu chuyện, còn có chị vợ và bà cụ Tứ, mẹ của Tràng. Tuy xuất hiện ít hơn nhưng nhân vật bà cụ Tứ để lại nhiều ấn tượng và sự thương cảm trong lòng người đọc.

Qua miêu tả của Kim Lân, bà cụ Tứ là một bà cụ tuổi đã già, những cử chỉ của bà chứng tỏ bà là người bắt đầu bước sang tuổi già yếu, mắt kèm nhèm, vì hoàn cảnh đói nghèo thiếu thốn cho nên bà có khuôn mặt bủng beo, u ám, bước đi chậm rãi. Những hành động của bà không còn nhanh nhẹn mà chậm rãi và từ từ, như sợ mình không thể làm được mọi thứ một cách nhanh gọn như thời còn trẻ. Nhưng dáng vẻ đó của bà cụ Tứ thay đổi khi bà lần đầu nhìn thấy Tràng – đứa con trai tội nghiệp, vì đói nghèo, khổ ải mà không lấy được vợ, không gây dựng được hạnh phúc gia đình. Như lời bà nói thì đến cái thân mình còn lo chưa nổi nữa là lo đèo bòng. Nhưng số kiếp, duyên số đã vồ lấy nhau thì có muốn tránh cũng không được, mắt bà cụ hấp háy như thể xác minh lại điều mình thấy đã đúng chưa hay chỉ là do tuổi già. Người phụ nữ ngồi trên giường, tay vin vào áo, vừa e thẹn rồi lại cất tiếng chào u.

Bà cụ Tứ dù sống trong kiếp sống nghèo khổ nhưng không thể phủ nhận rằng, ở bà vẫn tồn tại một nỗi niềm và tình yêu thương vô bờ bến mà bà đã dành cho con của mình. Từ bây giờ đứa con dâu kia cũng trở thành con một nhà. Hoàn cảnh thiếu thốn nhưng không có gì là không làm được. Từ hai bàn tay có thể làm được nhiều điều hơn nữa, không chỉ dừng lại ở việc lôi nhau về rồi cuối cùng chịu số phận kiếp nạn đói nghèo mãi được. Bà rơi nước mắt vừa mừng vừa tủi cho bọn chúng – đứa con trai và con dâu tội nghiệp của bà. Khóc vì cuối cùng con trai bà cũng lấy được vợ, nhưng khóc vì tương lai đói nghèo, cái đói còn đeo đuổi những con người này tới bao giờ. Bà rồi mai này già yếu bà không lo, nhưng còn những đứa con, không biết cái đói sẽ khiến bà đi tới đâu về đâu.

Dù sống trong hoàn cảnh nào nhưng bà cụ Tứ vẫn lạc quan niềm tin yêu vào cuộc đời, và tương lai của hai đứa con của bà. Niềm vui nho nhỏ của một người mẹ già yếu chính là thấy những đứa con của mình no ấm hạnh phúc. Bạn muốn thay đổi diện mạo cuộc sống, muốn mọi thứ trở nên sạch sẽ và tinh tươm, không còn tù mù như trước nữa. Dặn dò những đứa con của mình, bà cũng mong muốn chúng bắt đầu cuộc sống và bước sang một trang mới. Cuộc sống của dâu mới không được danh chính ngôn thuận cưới về, không có mâm bàn mời bà con lối xóm, nhưng chắc chắn một điều rằng, từ nay trở đi bà đã có thêm một đứa con. Sáng sớm tinh mơ mọi thứ được dọn dẹp sạch sẽ, bụi quang rậm cũng được phát bỏ. Một chi tiết được tác giả gây dựng khiến độc giả vừa ngậm ngùi thương xót chính là hình ảnh mà bà cụ Tứ lễ mễ bưng một nồi nghi ngút. Bữa cơm đón dâu mới theo lời bà cụ nói là “chè“ nhưng thực chất chỉ là cám. Miếng cám đến mặn chát và đắng ngắt khiến cho cô con dâu nghẹn ứ, mặt xám lại, không ai nói với ai một lời. Nhưng thông qua lời nói của bà, cách bà gọi đây là chè khiến cho cuộc sống nghèo khổ bớt nhạt nhẽo.

Như vậy, bà cụ Tứ tuy xuất hiện ít trong đoạn trích nhưng những gì bà để lại khiến bản thân chúng ta phải suy ngẫm. Đó là một người phụ nữ giàu lòng thương yêu và đức hi sinh. Cuộc đời bà như thế nào cũng được nhưng còn con của bà, chúng phải thay đổi và cuộc sống của chúng sẽ tốt lên. Bà cụ Tứ còn gieo vào những người con của mình một niềm tin yêu, lạc quan vào cuộc sống và về tương lai sau này.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu

Bài viết hay nhất

Câu 10. Tại sao phải dạy học tích hợp? Chủ trương dạy học tích hợp có gì mới? Những thuận lợi, khó khăn và cách khắc phục khi thực hiện dạy học tích hợp? | Myphamthucuc.vn
Câu 10. Tại sao phải dạy học tích hợp? Chủ trương dạy học tích hợp có gì mới? Những thuận lợi, khó khăn và cách khắc phục khi thực hiện dạy học tích hợp? | Myphamthucuc.vn
Mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng? Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận trong giải quyết mối quan hệ trên để phân tích mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam? | Myphamthucuc.vn
Câu 11. Tại sao phải thực hiện dạy học phân hóa? Chủ trương dạy học phân hóa trong CT mới có gì khác CT hiện hành? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dạy học phân hóa hiện và cách khắc phục? | Myphamthucuc.vn
Câu 11. Tại sao phải thực hiện dạy học phân hóa? Chủ trương dạy học phân hóa trong CT mới có gì khác CT hiện hành? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dạy học phân hóa hiện và cách khắc phục? | Myphamthucuc.vn
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Các Kiểm Tra Hạn Sử Dụng Của Kem Chống Nắng Skin Aqua Nhật Bản
Các Kiểm Tra Hạn Sử Dụng Của Kem Chống Nắng Skin Aqua Nhật Bản
Bài thơ “Ngắm trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Bài thơ “Ngắm trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Câu hỏi ôn tập bài Sau phút chia li chọn lọc chi tiết
Phân tích tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu năm 2023
Giới thiệu về Ngô Gia văn phái năm 2023
Kem Dưỡng Estee Lauder Thật Giả Qua Các Dung Tích, So Sánh Và Nhận Biết Serum Advance Night Repair
Kem Dưỡng Estee Lauder Thật Giả Qua Các Dung Tích, So Sánh Và Nhận Biết Serum Advance Night Repair
Nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ
Nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ năm 2023
Viết thư cho Cô giáo cũ nhân ngày 20/11 năm 2023
Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Chủ đề của truyện Tấm Cám là gì
Chủ đề của truyện Tấm Cám là gì

jun88

Liên hệ telegram @hanievu