/tmp/czjch.jpg Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở năm 2021 - Giáo dục trung học Đồng Nai

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở năm 2021


Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở năm 2021

Bài văn Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.

Đề bài: Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao.

A/ Dàn ý chi tiết

I. Mở bài

– Giới thiệu tác giả Nam Cao và tác phẩm Chí Phèo: Một tác giả lúc nào cũng trăn trở về cách sống và cách viết, luôn nhìn đời bằng con mắt của tình thương. Chí Phèo là một tác phẩm Nam Cao đã dùng tình thương để nhìn và để viết nên như vậy.

– Với cái nhìn đầy tình thương, Nam Cao đã để cho sự lương thiện một lẫn nữa quay trở về với Chí sau khi gặp được Thị Nở

II. Thân bài

1. Khái quát về hoàn cảnh Chí Phèo trước khi gặp Thị Nở

– Chí Phèo đã từng là một người nông dân lương thiện

– Sau khi bị Bá Kiến hãm hại, Chí Phèo bị bắt vào tù

– Nhà tù Thực dân đã biến Chí từ một người nông dân 20 tuổi lương thiện trở thành một người thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính

– Làm tay sai cho Bá Kiến

⇒ Trước khi gặp Thị Nở, Chí Phèo bị coi là “con quỷ dữ của làng Vũ Đại”

2. Cuộc gặp gỡ giữa Chí Phèo và Thị Nở

– Hoàn cảnh gặp gỡ:

+ Không ai đáp lại lời chửi của Chí Phèo nên “hắn” rẽ vào nhà Tự Lãng uống rượu

+ Khi đã hả hê, Chí Phèo lảo đảo ra về

+ Hắn gặp một người đàn bà ngủ quên ở bờ sông gần nhà (Thị Nở)

+ Trong cơn say, Chí Phèo ăn nằm với Thị Nở và ngủ say dưới trăng

⇒ Cuộc gặp gỡ định mệnh này đã đem đến những biến chuyển tâm lí rõ nét trong Chí Phèo

3. Diễn biến tâm trạng nhân vật Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở

a. Thức tỉnh

– Sau cuộc gặp gỡ với Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thực sự “tỉnh”

+ Chợt nhận ra ở trong cái lều ẩm thấp của Chí sẽ thấy “chiều lúc xế trưa và gặp đêm khi bên ngoài vẫn sáng”

+ Bâng Khuâng như tỉnh dậy sau một cơn say rất dài

+ Tỉnh để cảm thấy miệng đắng và “lòng mơ hồ buồn”

+ Cảm thấy “sợ rượu” ⇒ dấu hiệu của sự thức tỉnh rõ ràng nhất

+ Cảm nhận những thanh âm của cuộc sống: âm thanh của tiếng chim hót, tiếng người cười nói…

+ Hắn đủ tỉnh để nhận thức hoàn cảnh của mình, để thấy mình cô độc

⇒ Cuộc gặp với Thị đã làm Chí Phèo thực sự tỉnh táo sau những cơn say triền miên

b. Niềm vui, hi vọng, ước mơ quay trở về

– Niềm hi vọng của thời trẻ quay trở lại: mong muốn một gia đình nho nhỏ, chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải; nuôi lợn, khá giả thì mua dăm ba sào ruộng

– Khi thấy bát cháo hành của Thị Nở, Chí Phèo ngạc nhiên và thấy “mắt mình như ươn ướt” ⇒ xúc động vì lần đầu tiên có người chăm sóc

– Thấy Thị Nở có duyên, cảm thấy vừa vui vừa buồn

– Hắn muốn làm nũng với Thị, thấy lòng thành trẻ con

– Chí Phèo thèm lương thiện: Tình yêu của Thị Nở làm hắn nghĩ bản thân có cầu nối để trở về

– Tình yêu với Thị Nở khiến hắn đủ hi vọng và mong ước có một gia đình: “Hay là mình sang ở với tớ một nhà cho vui”

⇒ Gặp Thị Nở, Chí Phèo đã trải qua những cảm xúc chưa hề có trong đời, mang đến niềm vui, niềm hi vọng và mong ước trở về làm người lương thiện trỗi dậy

c. Thất vọng, đau đớn

– Tình yêu bị ngăn cấm bởi bà cô thị Nở, bởi vậy, khi Thị Nở từ chối, Chí Phèo thất vọng và đau đớn:

+ “Ngẩn người”, “ngẩng mặt”: Thái độ biểu thị sự hiểu ra, nhận thức được tình cảnh của mình ⇒ đáng thương

+ Thoáng thấy hương cháo hành: hồi tưởng về tình yêu đã trải qua

+ Hành động: Nắm lấy tay Thị ⇒ mong muốn níu kéo hạnh phúc

+ Hắn tìm đến rượu rồi “ôm mặt khóc rưng rức”

⇒ Mong muốn trở về làm người lương thiện không còn nữa, Chí đau đớn, tuyệt vọng

d. Phẫn uất

– Mong muốn quay trở lại làm người lương thiện không thể thực hiện được, niềm phẫn uất trong Chí đẩy lên cao

– Hắn quyết định đến nhà thị Nở “để đâm chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó”.

– Nhưng “hắn không rẽ vào nhà thị Nở mà thẳng đường đến nhà Bá Kiến và nói thẳng với Bá Kiến: niềm phẫn uất đã khiến Chí Phèo xác định đúng kẻ thù của mình

⇒ Hành động tự kết liễu thể hiện sự phẫn uất và tuyệt vọng đến tột cùng

III. Kết bài

– Khái quát lại diễn biến tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở

– Liên hệ trình bày suy nghĩ bản thân

B/ Sơ đồ tư duy

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở năm 2021

C/ Bài văn mẫu

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở – mẫu 1

Tình yêu là ngọn nguồn của mọi hạnh phúc cũng như khổ đau. Tình yêu còn giúp con người trở nên mạnh mẽ, lạc quan, giúp ta hướng thiện. Truyện ngắn Chí Phèo của nhà văn Nam Cao tuy chuyện tình yêu giữa Chí Phèo và thị Nở chỉ là một lát cắt nhỏ nhưng lại có ý nghĩa hết sức quan trọng. Nó là một khởi đầu mới cho Chí, đem Chí trở về cuộc sống của một con người lương thiện mà lâu nay Chí đánh mất.

Chí Phèo là một đứa trẻ mồ côi, nghèo khổ và bất hạnh. Từ khi lọt lòng đã bị mẹ bỏ rơi, Chí Phèo lớn lên trong sự yêu thương, đùm bọc của người làng Vũ Đại. Lớn lên Chí là một thanh niên khỏe mạnh, làm thuê ở nhà Bá Kiến. Vì bà ba dâm đãng hãm hại, Chí bị Bá Kiến đẩy vào nhà tù thực dân và bị đánh mất nhân hình và nhân tính của mình, ra tù lại trở thành tay sai cho Bá Kiến, là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Nhưng khi thị Nở xuất hiện, cuộc đời Chí được lật sang một trang mới, đẹp đẽ, hạnh phúc, mà cũng đầy khổ đau, bất hạnh.

Thị Nở sống cùng bà cô. Thị là một người phụ nữ quá lứa, sinh ra trong mả hủi, tính dở hơi. Không chỉ vậy thị xấu ma chê quỷ hờn, nên đã nhiều tuổi mà chẳng có được hạnh phúc cho riêng mình.

Vẫn như mọi lần, Chí uống rượu say, trên đường trở về nhà, Chí thấy trong người khó chịu nên đã ra sông tắm. Còn thị Nở đi gánh nước, mệt nên nằm ngủ ngay cạnh bờ sông. Bởi vậy, đã tạo nên cuộc gặp gỡ tiền định này. Cuộc gặp gỡ đã thay đổi con người, suy nghĩ của Chí Phèo.

Cuộc sống của Chí Phèo đã thực sự thay đổi, sau bao nhiêu ngày chỉ biết đến say sưa, chỉ biết đến rạch mặt ăn vạ thì sau đêm gặp gỡ với Thị Nở đây là lần đầu tiên Chí tỉnh. Lần đầu tiên Chí nhận thức thế giới xung quanh, nhận ra sự tồn tại của mình và tương lai tăm tối của bản thân. Khi Chí Phèo mở mắt ra thì trời đã sáng lâu. Mặt trời chắc đã cao và nắng bên ngoài chắc là rực rỡ. Cứ nghe tiếng chim kêu ríu rít bên ngoài đủ biết. Nhưng trong cái lều ẩm thấp vẫn chỉ hơi lờ mờ […] chưa bao giờ Chí Phèo nhận thấy thế bởi chưa bao giờ hết say. Sự thức tỉnh của Chí Phèo bắt nguồn trước hết phải là từ sự tỉnh rượu, từ tỉnh rượu hắn mới tỉnh ngộ, mới nhận ra nhiều điều. Chí nhận thấy những âm thanh vui vẻ, ríu rít xung quanh mình là tiếng chim, tiếng của những người đi chợ. Âm thanh quen thuộc quá, mà bấy lâu nay trong cơn say triền miên Chí không hề nhận thấy. Hắn nhớ về ngày trước, nhớ về anh nông dân lương thiện, với những mơ ước thật giản dị về một gia đình ấm cúng và cuộc sống lao động cần mẫn. Nhưng chính hắn cũng phải tự giật mình về hoàn cảnh hiện tại của bản thân: Tỉnh dậy, hắn thấy hắn già mà vẫn cô độc. Buồn thay cho đời ! Có lí nào như thế được ? Hắn đã già rồi hay sao […] Chí Phèo hình như đã trông thấy tuổi già của hắn, đói rét và ốm đau, và cô độc, cái này còn đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau. Ngòi bút của Nam Cao đã lách sâu vào tâm hồn của Chí để nhận ra những thay đổi dù là nhỏ bé nhất.

Không chỉ vậy, Chí Phèo còn xúc động sâu sắc trước sự quan tâm, chăm sóc của Thị Nở dành cho mình. Thấy bát cháo hành Thị Nở đưa cho mình Thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt hình như ươn ướt. Chí Phèo xúc động đến tột cùng khi nhận được sự quan tâm chăm sóc từ một người khác. Đây cũng là lần đầu tiên ta thấy người vẫn bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại khóc. Đó là giọt nước mắt của niềm vui, của hạnh phúc khi được nhận hơi ấm tình người, bởi lần này là lần thứ nhất hắn được một người đàn bà cho , những thứ xưa nay hắn có được chỉ là do cướp giật, hắn chưa được ai quan tâm, chăm sóc bao giờ. Chí nhớ về bà ba và nỗi nhục khi phải bóp chân cho bà ba. Chính bởi vậy, bát cháo hành của Thị Nở làm hắn phải bâng khuâng, phải suy nghĩ nhiều. Ta có thể thấy rằng, phần nhân tính bị chìm khuất bao lâu nay của Chí nay đã dần dần xuất hiện trở lại do nhận được tình yêu thương của Thị Nở. Với việc phân tích diễn biến tâm lí hết sức sâu sắc và hợp lí, Nam Cao đã ngầm khẳng định bản chất lương thiện của người nông chỉ bị vùi lấp bởi những độc ác, xấu xa của cuộc sống, nó sẽ ngay lập tức được khơi dậy khi có điều kiện phù hợp.

Cuộc gặp gỡ với Thị Nở còn khơi dậy niềm hi vọng trong Chí Phèo. Niềm hi vọng được làm người lương thiện : Hắn thèm lương thiện, hắn muốn làm hòa với mọi người biết bao ! Thị Nở sẽ mở đường cho hắn. Thị có thể sống yên ổn với hắn thì sao người khác lại không thể được…. . Khát vọng làm người lương thiện của Chí thật chính đáng, hợp lí khi mà nhân tính của Chí đã quay trở lại. Bởi vậy, Chí đã đề nghị với Thị Nở sang đây ở với tớ một nhà cho vui. Năm ngày đó Chí sống trong sung sướng, hạnh phúc, đến ngày thứ sáu Thị Nở về xin phép bà cô và đó cũng là lúc khởi phát bi kịch. Sau những lời bà cô dè bỉu và nhất quyết không cho lấy Chí, Thị Nở sang nhà Chí Phèo nói hết những lời bà cô nói và quay về nhà, trước sự tuyệt vọng tột cùng của Chí. Chí Phèo lấy rượu uống, càng uống lại càng tỉnh, càng đau đớn, hắn ôm mặt khóc rưng rức. Đỉnh điểm của sự phẫn uất và tuyệt vọng Chí vác dao với ý định giết cả nhà Thị Nở, nhưng lại quen chân sang nhà Bá Kiến. Chí Phèo giết chết Bá Kiến và tự kết liễu mình. Chí Phèo rơi vào bi kịch đau đớn, muốn làm người lương thiện nhưng bị cự tuyệt. Cái chết của Chí Phèo là lời tố cáo đanh thép với xã hội thực nửa phong kiến đương thời.

Cuộc gặp gỡ với Thị Nở có ý nghĩa quan trọng với nhân vật Chí Phèo. Về nội dung, Thị Nở xuất hiện góp phần làm nổi bật nhân vật trung tâm và làm nổi bật chủ đề tác phẩm: Thị Nở đã giúp Chí Phèo hồi sinh, qua đó thể hiện giá trị nhân đạo của Nam Cao; nhưng chính Thị cũng đẩy Chí vào bi kịch, qua đó tố cáo xã hội thực dân nửa phong kiến. Về nghệ thuật, Thị Nở giúp thúc đẩy câu chuyện phát triển, đồng thời tình huống gặp gỡ này cũng giúp bộc lộ phẩm chất, tính cách, tâm hồn của nhân vật trung tâm.

Xem thêm:  Phân tích sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ năm 2021

Bằng ngòi bút phân tích, miêu tả tâm lí nhân vật sắc sảo, Nam Cao đã cho thấy sự biến đổi trong nhận thức của Chí Phèo, đó là sự phục sinh của nhân tính. Nhưng đồng thời cũng cho thấy bi kịch đau đớn của Chí khi bị cự tuyệt làm người, cự tuyệt về cuộc sống lương thiện.

500 bài mẫu hay nhất

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở – mẫu 2

Nam Cao viết văn từ những năm 30 của thế kỉ XX nhưng đến năm 1941 ông mới khẳng định vị trí của mình trong nền văn học nước nhà bằng truyện ngắn Chí Phèo. Ông là nhà văn hiện thực xuất sắc tràn đầy tinh thần nhân đạo, chuyên viết về hai đề tài: người trí thức nghèo sống mòn mỏi, bế tắc trong xã hội cũ và người nông dân bị bần cùng hóa, lưu manh hóa trước Cách mạng tháng Tám. Chí Phèo là kiệt tác của Nam Cao, thuộc đề tài người nông dân nghèo. Tác phẩm viết về tấm bi kịch của nhân vật Chí Phèo. Bi kịch của Chí Phèo gồm hai bi kịch nối tiếp nhau. Trước hết là bi kịch tha hóa từ một người lương thiện trở thành kẻ bất lương, thậm chí thành quỷ dữ. Tiếp nối là bi kịch bị từ chối làm người lương thiện. Đoạn mô tả từ buổi tối sau khi gặp Thị Nở đến khi kết thúc cuộc đời thuộc bi kịch từ chối quyền làm người.

Chí Phèo nguyên là một đứa trẻ khốn khổ, bị bỏ rơi trong cái lò gạch cũ bỏ không. Năm hai mươi tuổi, hắn làm canh điền cho nhà lí Kiến. Đây là một canh điền khỏe mạnh, nhưng hiền lành như đất, không những hiền lành anh ta còn nhút nhát, chính Bá Kiến khi đó là lí Kiến đã tận mắt chứng kiến cảnh Chí Phèo vừa bóp đùi cho bà Ba vừa run run. Anh ta cũng có những ước mơ rất giản dị và lương thiện như trăm ngàn người nông dân khác là có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn nuôi để làm vốn liếng. Khá giả thì mua thì mua dăm ba sào ruộng làm. Ở một xã hội bình thường, những con người như thế hoàn toàn có thể sống một cách lương thiện và yên ổn. Nhưng chỉ vì ghen tuông vu vơ, bá Kiến đã nhẫn tâm đẩy người thanh niên hiền lành, chất phác ấy vào tù. Nhà tù thực dân đã tiếp tay cho tên cường hào, sau 7- 8 năm đã biến một nông dân hiền lành, khỏe mạnh, lương thiện và tự trọng thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Từ đây, Chí Phèo bị cướp đi cả nhân hình lẫn nhân tính. Chí Phèo đã bị cướp mất hình hài của con người: Cái đầu thì trọc lóc, cái răng cạo trắng hớn, cái mặt thì đen và rất câng câng, hai mắt gờm gờm… Cái ngực phanh, đầy những nét chạm trổ… Không những thế tính cách Chí cũng khác hẳn khi xưa. Chí không còn là một anh canh điền ngày xưa mà bây giờ Chí là một thằng liều mạng. Hắn có thể làm tất cả mọi việc như một thằng đầu bò chính cống: kêu làng, rạch mặt ăn vạ, đập phá, đâm chém…

Cứ tưởng Chí Phèo mãi mãi sống kiếp thú vật, rồi sẽ kết thúc bằng cách vùi xác ở một bờ bụi nào đó nhưng bằng tài năng và nhất là bằng trái tim nhân đạo của một nhà văn lớn, Nam Cao đã để Chí Phèo trở về sống kiếp người một cách tự nhiên. Dưới ngòi bút sắc sảo của chủ nghĩa hiện thực, quá trình thức tỉnh lương tâm, nhân tính của một con người bị tha hóa, lầm lạc đã diễn ra không hề đơn giản, một chiều, dễ dãi mà do hoàn cảnh khá đặt biệt. Trong một lần say rượu không bình thường đã vô tình đưa Chí Phèo đến gặp thị Nở – một người đàn bà xấu xí và quá lứa lỡ thì. Lần say rượu đặc biệt ấy cùng với trận ốm thập tử nhất sinh đã khiến Chí Phèo có những biến đổi mạnh mẽ về cả tâm lí lẫn sinh lí. Thêm nữa, chút tình thương yêu mộc mạc, cử chỉ giản dị chân thành của thị Nở đã đốt cháy lên ngọn lửa lương tri còn sót lại nơi đáy sâu tâm hồn Chí, đánh thức bản chất lương thiện vốn có bên trong con người lầm lạc. Lúc đầu, thị chỉ hấp dẫn Chí vì đơn giản thị là đàn bà, còn Chí là thằng đàn ông say rượu. Hai người ân ái với nhau thế rồi nửa đêm Chí Phèo đau bụng nôn mửa. Thị Nở dìu Chí Phèo vào nhà và đi nhặt nhạnh tất cả những manh chiếu rách đắp cho hắn. Sáng hôm sau, Chí Phèo tỉnh dậy khi trời đã sáng từ lâu. Và kể từ khi mãn hạn tù trở về đây là lần đầu tiên con quỷ dữ của làng Vũ Đại hết say và hoàn toàn tỉnh táo. Chí thấy miệng đắng, chân tay uể oải và lòng mơ hồ buồn. Lâu lắm hắn mới cảm nhận cuộc sống đời thường với những cảnh sắc, âm thanh bình dị: tiếng cười nói của những người đi chợ, tiếng anh thuyền chài đuổi cá, tiếng chim hót…Những tiếng quen thuộc ấy hôm nào chả có. Nhưng hôm nay hắn mới nghe thấy, vì chỉ đến hôm nay hắn mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới hoạt động bình thường. Những âm thanh ấy chính là tiếng gọi thiết tha của cuộc sống và đã lay động sâu xa tâm hồn Chí Phèo… Khi tỉnh táo, Chí Phèo nhìn lại cuộc đời của mình cả trong quá khứ, hiện tại, tương lai. Trước hết, hắn nhớ lại những ngày rất xa xôi hắn mơ ước có một gia đình nho nhỏ. Chồng cuốc mướn cày thuê. Vợ dệt vải. Chúng lại bỏ một con lợn để làm vốn liếng. Khá giả thì mua năm sào ruộng làm. Mơ ước của Hắn thật nhỏ bé và giản dị nhưng suốt ba năm qua nó vẫn chưa trở thành hiện thực. Thì ra, những ước mơ tốt đẹp của Chí Phèo không hề bị mất đi mà nó chỉ chìm sâu vào một góc tăm tối nào đó của tâm hồn Chí. Hiện tại của hắn thật đáng buồn. Buồn vì Chí Phèo thấy mình đã già đã sang cái dốc bên kia cuộc đời, có thể đã hư hỏng nhiều thế mà hắn vẫn đang cô độc. Tương lai của hắn lại đáng buồn hơn, bởi hắn có quá nhiều sự bất hạnh đói rét ốm đau và cô độc. Đối với Chí, cô độc còn đáng sợ hơn nhiều đói rét và ốm đau. Từ khi đi tù về, Chí bao giờ cũng say, say vô tận. Giờ đây lần đầu tiên hắn tỉnh táo suy nghĩ nhận thấy tình trạng bi đát, tuyệt vọng của cuộc đời mình.

Đúng lúc Chí đang vẩn vơ nghĩ mãi thì Thị Nở mang một nồi cháo hành còn nóng nguyên vào. Việc làm này của Thị Nở đã khiến Chí rất ngạc nhiên và xúc động đến mức trào nước mắt bởi vì đây là lần đầu tiên trong đời hắn được một người đàn bà cho. Hắn thấy cháo hành của thị Nở không như bát cháo hành bình thường mà trong đó còn hàm chứa tình yêu thương chân thành của thị dành cho hắn. Và như vậy, cũng có nghĩa hàm chứa cả hạnh phúc lứa đôi mà lần đầu tiên Chí cảm nhận được. Còn đối với Thị Nở, đây là bát cháo hành tình nguyện, bát cháo hành đem cho, đem tặng, bát cháo hành tình yêu, mở đầu cho hạnh phúc gia đình. Một mặt, bát cháo hành thể hiện tình cảm chan chứa nhân đạo của nhà văn. Mặt khác, nó cũng thể hiện tài năng nghệ thuật miêu tả, phân tích tâm lí nhân vật của Nam Cao. Nếu như ban đầu, người đàn bà xấu xí, quá lứa lỡ thì, lại dở hơi ấy chỉ khơi lại cái bản năng ở Chí Phèo thì sau đó điều kì diệu đã xảy ra, sự săn sóc đầy ân tình và yêu thương mộc mạc của Thị Nở đã làm thức dậy bản chất lương thiện tiềm ẩn trong con người Chí Phèo. Bát cháo hành của Thị Nở là món quà quý giá nhất mà lần đầu tiên Chí cảm nhận được trong đời mình. Hắn ăn và nhận thấy rằng cháo hành rất ngon. Hương vị cháo hành hay hương vị của tình yêu thương chân thành cảm động, của hạnh phúc giản dị mà có thật, lần đầu tiên đến với Chí Phèo?

Khi ăn bát cháo hành, Chí Phèo trở lại là anh canh điền ngày xưa và thấm thía nỗi đau của con người biết tự trọng khi bị vợ Bá Kiến sai làm những việc nhục nhã. Điều này chứng tỏ một lần nữa Chí Phèo có bản tính tốt lành, nhưng cái bản tính này trước đây bị lấp đi đến nay mới có cơ hội được thể hiện, bởi vì Chí Phèo vốn là người nông dân lương thiện có bản tính tốt đẹp. Mặc dù bị xã hội tàn ác – đại diện là bá Kiến và nhà tù thực dân dẫu có ra sức hủy diệt bản tính ấy nhưng nó vẫn âm thầm sống trong đáy sâu tâm hồn Chí Phèo, ngay cả khi nhân vật này tưởng chừng đã biến thành quỷ dữ. Khi gặp Thị Nở và cảm nhận được tình yêu mộc mạc chân thành của thị trong lúc yếu đuối và cô đơn, lại trong hoàn cảnh vừa qua một trận ốm thì bản chất ấy có cơ hội hồi sinh và nó đã hồi sinh. Từ đây, Chí sống đúng với con người thật của mình: khao khát tình thương và muốn trở thành những người lương thiện.

Con đường trở lại làm người lương thiện vừa mở ra trước mắt Chí Phèo đã bị đóng sầm lại. Sự mong ước được sống hiền lương của Chí Phèo một lần nữa lại không thành sự thật. Thị Nở không thể giúp gì thêm cho hắn, bởi lẽ bà cô thị kiên quyết ngăn cản mối tình này. Bà không thể đồng ý cho cháu bà đâm đầu đi lấy thằng Chí Phèo – con quỷ dữ của làng Vũ Đại, bấy lâu nay chỉ có một nghề rạch mặt ăn vạ, hắn mãi mãi chỉ là con quỷ dữ, không bao giờ có thể làm người. Cách nhìn nhận của bà cô thị cũng chính là cách nhìn của mọi người làng Vũ Đại lâu nay đối với Chí. Tất cả quen coi anh là quỷ dữ mất rồi. Nên hôm nay lương tri anh thức tỉnh, linh hồn người của anh đã trở về nhưng nào có ai nhận ra? Cho nên Chí Phèo thực sự rơi vào một bi kịch tinh thần vô cùng đau đớn – bi kịch bị cự tuyệt làm người lương thiện. Các hy vọng được sống với Thị Nở, sâu xa hơn là hy vọng được quay về với cuộc đời lương thiện như một đốm lửa vừa mới được nhóm lên thì đã bị ngay một gáo nước lạnh dội vào cho tắt ngấm. Mặc dù, khi nghe những lời bà cô mắng thì thị Nở thấy lộn ruột nhưng cũng phải nghe theo. Và thị đã giận dữ nói lại với Chí Phèo tất cả những lời của bà cô. Điều này khiến Chí ngẩn người vì thất vọng nhưng nhưng này có lẽ hắn chưa tuyệt vọng vì lúc đó hắn lại như hít thấy hơi cháo hành. Chí ngẩn người ra vì cay đắng, chua xót trước một sự thật phũ phàng: mọi người đã cự tuyệt, không chấp nhận, dứt khoát không coi hắn là một con người. Mùi cháo hành vẫn thoang thoảng đâu đây khiến hắn lại càng thêm đau xót, thấm thía. Hắn thấy rõ mọi con đường đều đang đóng chặt trước mặt hắn. Khi thị ra về, hắn đuổi theo thị, nắm lấy tay nhưng thị gạt ra. Điều đó chứng tỏ Chí luôn luôn khao khát tình yêu, thiết tha đến với Thị Nở, đến với cuộc đời lương thiện. Từ đây, Chí đã thấm thía sâu sắc bi kịch của con người sinh ra làm người nhưng không được làm người. Chí vật vã, đau đớn và tuyệt vọng. Thật là lạ khi thấy Chí ôm mặt khóc rưng rức. Những giọt nước mắt đau đớn, hối hận nhưng đã quá muộn màng. Không còn cách nào khác, Chí lại tìm đến rượu. Nhưng vì ý thức đã trở về, lần uống rượu này của Chí khác biết bao nhiêu lần uống rượu trước. Hắn càng uống lại càng tỉnh ra, hắn không ngửi thấy mùi rượu mà chỉ nghe thoang thoảng mùi cháo hành, càng uống càng thấm thía nỗi đau vô hạn của thân phận.

Xem thêm:  Mục đích sáng tác của truyện ngắn “Vi hành” là gì?

Trong cơn khủng hoảng và bế tắc, Chí Phèo lại càng thấm thía hơn tội ác của kẻ đã cướp đi của mình cả bộ mặt và linh hồn con người. Chí đã xách dao ra đi. Hành động muốn đi trả thù của Chí rất dữ dội, quyết liệt khiến Chí đi đến một hành động đâm chết cả nhà nó. Nhưng nó là ai? Tiềm thức mách bảo Chí đó là Bá Kiến. Trước đó, Chí không định đến nhà bá Kiến mà định đến nhà Thị Nở để đâm chết thị và bà cô thị cho hả giận nhưng cuối cùng Chí lại quên đến nhà Thị Nở mà đến nhà bá Kiến. Khi đến nhà bá kiến, Chí trợn mắt chỉ tay vào mặt lão, đanh thép kết tội tên cáo già này đòi làm người lương thiện, đòi một bộ mặt lành lặn. Câu hỏi cuối cùng của Chí Phèo: Ai cho tao lương thiện? là câu hỏi chất chứa niềm phẫn uất, đau đớn, còn làm day dứt người đọc: làm thế nào để con người sống cuộc sống con người trong cái xã hội tàn bạo, ngột ngạt, vùi dập nhân tính ấy? Thế rồi, Chí đâm chết kẻ thù. Hành động của Chí đã vượt khỏi suy nghĩ của tên địa chủ nổi tiếng khôn ngoan, gian hùng. Đây là cách hành động của người say không theo dự kiến ban đầu, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, Chí lờ mờ hiểu ra nguyên nhân sâu xa đâu phải vì Thị Nở hay bà cô thị mà cái kẻ làm ra Chí như thế này chính là Bá Kiến. Đến đòi quyền làm người lương thiện là phải đòi nơi lão bá, không đòi được thì phải trả thù. Tuy làm tay sai cho Bá Kiến nhưng ngọn lửa căm hờn vẫn âm ỉ cháy trong con người Chí Phèo. Khi Chí Phèo đã thức tỉnh thì hắn hiểu ra nguồn gốc bi kịch của mình nên ngọn lửa căm hờn càng bùng lên dữ dội. Do vây, Chí Phèo đâm chết bá Kiến không hẳn vì say rượu mà chính vì mối thù đã bừng cháy. Cái chết của Chí chứng tỏ Chí khao khát trở về cuộc sống lương thiện. Vì vậy cái chết của Chí Phèo có ý nghĩa tố cáo mạnh mẽ cái xã hội thực dân nửa phong kiến không những đẩy người dân lương thiện vào con đường bần cùng hóa, lưu manh hóa mà còn đẩy họ vào cái chết.

Với nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã đặt ra bi kịch của người nông dân trước cách mạng: đó là bi kịch con người sinh ra là người mà không được làm người. Đồng thời qua nhân vật Chí Phèo, Nam Cao đã hai lần tố cáo cái xã hội thực dân phong kiến: xã hội đó cướp đi những gì Chí Phèo có và đã cướp những gì Chí Phèo muốn. Điều này thể hiện sự cảm thông sâu sắc của Nam Cao với khát vọng lương thiện trong con người và sự bế tắc của những khát vọng trong hiện thực xã hội ấy. Ngoài ra, tác phẩm còn đặt ra một vấn đề nhân sinh mang tính triết lí sâu sắc: làm thế nào để con người sống đúng nghĩa là người trong cái xã hội tàn bạo phi nhân tính đương thời. Với thành công của truyện ngắn này, Nam Cao đã trở thành cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học hiện thực 1930 – 1945.

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở – mẫu 3

Nam Cao là nhà văn hiện thực lớn, một nhà nhân đạo chủ nghĩa lớn. Sáng tác của ông đã vượt qua được những thử thách khắc nghiệt của thời gian, càng thử thách lại càng ngời sáng. Trong đó nổi bật hơn cả phải nhắc đến tác phẩm “Chí Phèo”. Tác phẩm là sự kết tinh của tài năng nghệ thuật, là cái nhìn hiện thực sắc sảo và tấm lòng nhân đạo cao cả của nhà văn. Đặc biệt, diễn biến tâm trạng và hành động của Chí Phèo từ khi gặp Thị Nở đến lúc tự tay cầm dao kết liễu đời mình là một thành công lớn trong nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật của Nam Cao.

Ngay từ thuở ấu thơ, Chí Phèo đã có hoàn cảnh vô cùng đáng thương. Sinh ra trong một lò gạch, nơi không được coi là ngôi nhà, Chí thậm chí còn không biết cha mẹ mình là ai, chỉ cô độc lớn lên như thế dưới bàn tay chăm sóc mà thiếu tình thương của mọi người trong làng. Tuy vậy, ông trời vẫn cho Chí bản chất lương thiện, giàu lòng tự trọng cùng ước mơ mái ấm gia đình thật bình dị. Nhưng rồi, nhà tù thực dân đã biến một người tốt thành một tên lưu manh, rồi lại bị Bá Kiến, tên địa chủ cường hào già đời đục khoét biến tiếp thành con quỷ dữ. Bị tước mất quyền làm người, đời Chí tàn rồi trượt dài qua những cơn say rượu triền miên. Duy chỉ khi gặp được Thị Nở, lần đầu tiên Chí Phèo thật sự tỉnh rượu, tỉnh cả tâm tính của một con người với bản chất lương thiện dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi.

Lúc đầu, cuộc gặp gỡ của Chí Phèo với thị Nở chỉ là sự chung chạ do cái bản năng của người đàn ông bị rượu đánh thức. Đến sáng hôm sau, cũng như bao người say tỉnh rượu khác, hắn cảm nhận chính xác được cảm giác miệng đắng, chân tay uể oải và lòng mơ hồ buồn. Nhưng với Chí, đây là cảm giác, cảm xúc khi vừa được đánh thức không chỉ mỗi cơn say. Có lẽ lâu lắm rồi hắn mới cảm nhận được cuộc sống đời thường với những cảnh sắc, âm thanh quen thuộc: tiếng người đi chợ, tiếng anh thuyền chài đuổi cá, tiếng chim hót, ánh nắng rọi vào cái lều nát… Tất cả những hình ảnh, âm thanh ấy khi nào mà chả có, nhưng đây là lần đầu tiên Chí có thể cảm nhận được, bởi rước giờ hắn chưa từng hết say. Nhịp sống trở lại đưa Chí Phèo nhớ lại quá khứ xa xôi với những ước mơ bình dị như biết bao người dân quê khác. Chí mơ ước có một gia đình nhỏ, một cuộc sống gia đình hạnh phúc được tạo dựng từ bàn tay lao động cần cù của chính mình. Rồi Chí nghĩ đến hiện tại, nghĩ về tương lai cô độc với tuổi già đau ốm… hắn càng và càng lo hơn, bởi nửa cuộc đời từng trải đủ để hắn hiểu được cô độc còn đáng sợ hơn là đói rét và ốm đau. Đó lần đầu tiên hắn trở lại làm người, suy nghĩ , lo lắng như một người nông dân nghèo bản chất lương thiện. Một cách tự nhiên, mọi suy nghĩ của Chí Phèo lại hướng về thị Nở, khi Thị bước vào lều với bát cháo hành.

Không ngoa khi nói rằng, thị xấu, xấu lắm, thị xấu đến ma chê quỷ hờn. Vậy mà sự chăm sóc của thị dành cho Chí sao mà ân cần, chân thành, mộc mạc đến thế. Ấy nên khi nhận bát cháo hành xoàng xĩnh đó, Chí phèo vừa húp vừa khóc: “thằng này rất ngạc nhiên. Hết ngạc nhiên thì hắn thấy mắt mình ươn ướt“. Đúng thế, trong Chí giờ đây tồn tại rất nhiều tâm trạng khác nhau, trước hết là ngạc nhiên, đến vô cùng. Hắn thật không thể nghĩ đến, không thể ngờ. Một người như Chí, nỗi sợ hãi và căm ghét của cả dân làng, là con quỷ làng Vũ Đại trước giờ muốn ăn thì chỉ có giành lấy cướp lấy của người khác. Vậy mà giờ đây, có người đem đến cho hắn, đến gần hắn mà không sợ hãi hay căm ghét và còn mang lại đời sống mới cho hắn. Sau đó, sự cảm động đến mức không thể kìm nén dâng trào: hình như hắn khóc. Đây là lần đầu tiên Chí được người ta chăm sóc, lại bởi bàn tay của một người đàn bà. Có thể sự chăm sóc của Thị là một cử chỉ bình thường của một con người dành cho một con người. Thế nhưng đối với Chí phèo, đây là lòng tốt hiếm hoi, duy nhất mà Chí được hưởng từ ngày về làng. Chí cũng cảm thấy thật bâng khuâng, vừa vui vừa buồn, như là ăn năn, hối hận vì những việc ác mà mình đã làm. Nhưng với hiện tại như bây giờ, Chí tràn ngập niềm vui mới mẻ. Hắn thấy lòng như trẻ con, muốn làm nũng thị như bao đứa trẻ làm nũng mẹ. Rồi như một lẽ tự nhiên bất chợt, Chí thấy “thèm lương thiện, muốn làm hoà với mọi người biết bao! Mong muốn thị Nở sống chung…” Vậy là hương vị bát cháo hành, nụ cười tin cẩn cùng với tình người mộc mạc đơn sơ đã đánh thức bản chất trong trắng, lương thiện của anh canh điền năm xưa. Khi tỉnh rượu cũng chính là lúc Chí Phèo bắt đầu tỉnh ngộ, lại khao khát một gia đình hạnh phúc, một cuộc sống thiện lương sẽ được thực hiện cùng thị Nở. Thì ra, trong bản chất của con quỷ dữ làng Vũ Đại vẫn là một con người rất đáng thương luôn khao khát được làm người lương thiện, chính tình thương giữa người với người đã làm thức tỉnh điều đó.

Nhưng niềm vui của Chí Phèo không kéo dài được bao lâu, sự trở về của lương tri lại nhanh chóng đẩy Chí Phèo đến đỉnh điểm của bi kịch. Chí phèo đã bán đi nhân hình lẫn nhân tính, bộ mặt người lẫn linh hồn người để rồi trở thành hiện thân của con quỷ dữ – cực điểm của sự tha hoá. Thủ phạm là Bá Kiến, nhưng tham gia vào đó còn có định kiến của xã hội – lực lượng không kém phần tàn bạo, đẩy Chí đến cùng quẫn, bế tắc. Đại diện cho định kiến xã hội ấy chính là bà cô của Thị Nở. Bà ta đã kiên quyết ngăn cản mối tình này khiến con đường trở lại làm người lương thiện của Chí Phèo bị chặn đứng. Đối diện với sự tàn bạo của xã hội, tình người thoáng thật mong manh và dễ bị tiêu tan. Và đúng như vậy, Chí Phèo lại bị cự tuyệt. Hắn bị một người xấu đến tột bậc cự tuyệt, bị chính hy vọng duy nhất, khát khao cháy bỏng còn sót lại cự tuyệt. Chí “ngẩn người”, “sửng sốt”, “gọi thị lại, nắm lấy tay”nhưng không được. Đau đớn cùng cực, Chí Phèo mang rượu ra uống nhưng “càng uống càng tỉnh ra” và “tỉnh ra, chao ôi, buồn”. Rượu không thể làm tê liệt tâm trí của hắn nữa, rượu chỉ càng làm cho hắn thấm thía nỗi đau khôn cùng của thân phận. Hắn “ôm mặt khóc rưng rức và quyết định trả thù kẻ đã gây cho hắn ra nông nỗi này”. Lúc đầu Chí tính giết cả nhà Thị, hay không cũng ăn vạ kêu làng cho bẽ mặt cái con đĩ thị đó. Thế nhưng trong tiềm thức từ cơn say, Chí nhận ra Bá Kiến mới chính là kẻ cướp đi quyền làm người, bộ mặt người và linh hồn của hắn. Đây có thể coi là giây phút tỉnh táo nhất của Chí từ khi ra tù về, tỉnh táo để xác định kẻ thù: “Ai cho tao lương thiện ?”,tỉnh táo để thể hiện mong muốn cháy bỏng của bản thân: “Tao muốn làm người lương thiện !” và tỉnh táo với sự thật phũ phàng trước mắt: “Tao không thể làm người lương thiện được nữa”. Những câu nói ấy như vừa thể hiện quyết tâm trả thù, vừa bộc lộ niềm phẫn uất, bế tắc của Chí Phèo. Chí dõng dạc kết án Bá Kiến, và đâm chết hắn. Nhưng trả thù rồi thì sự thật vẫn không thể thay đổi. Cuối cùng, Chí Phèo chỉ còn con đường duy nhất là cái chết để được giải thoát, để chấm dứt cái bi kịch khốn cùng vì bị cự tuyệt quyền làm người này. Vì thế hắn tự đâm mình, chết mà vẫn uất ức, vẫn muốn nói ra điều gì đó trong khát vọng bao thuở của hắn nhưng không thể phát thành lời.

Cái chết bi thảm của Chí Phèo chứng tỏ ý thức nhân phẩm của hắn đã trở về. Nếu trước đây để bám lấy sự sống, Chí phải bán rẻ linh hồn thì hiện tại, để được sống như một con người đúng nghĩa, Chí phải từ bỏ mạng sống của mình. Cái chết của Chí cũng chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc. Nó thể hiện niềm khát khao cháy bỏng được sống lương thiện của Chí Phèo và cũng là lời tố cáo mãnh liệt xã hội thực dân phong kiến không những đẩy người nông dân vào con đường cùng bần hoá, mà còn đẩy họ vào chỗ chết. Nam Cao thật tài tình khi phát hiện và miêu tả được những phẩm chất tốt đẹp của người nông dân ngay khi họ đã bị biến thành thú dữ, và trả một cái giá đắt để quay lại làm người. Qua đó, nhà văn gửi gắm lời kêu cứu khẩn thiết: Hãy cứu lấy con người, bảo vệ quyền được làm người của mỗi cá nhân trước mọi thế lực xấu xa của cuộc sống. Đây chính là chiều sâu tư tưởng và là giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Xem thêm:  Cảm nghĩ của em về thầy cô giáo năm 2022

Cả đoạn văn không chỉ thành công về mặt nội dung mà còn cả về nghệ thuật: kết cấu truyện vô cũng chặt chẽ, logic; tình tiết hấp dẫn, biến hoá giàu kịch tính, ngôn ngữ sống động, linh hoạt. Có thể đáng giá, đoạn văn viết về sự thức tỉnh của linh hồn Chí Phèo sau đêm gặp gỡ Thị Nở là một đoạn tuyệt bút, đầy chất thơ và tập trung tư tưởng nhân đạo sâu sắc, bất ngờ của Nam Cao. Và một câu hỏi lớn được đặt ra : làm thế nào để con người được sống một cuộc sống con người? Điều đó chẳng những Bá Kiến không hiểu nổi mà cả xã hội bấy giờ cũng không thể trả lời được. Sự day dứt, bức thiết của câu hỏi ấy cũng chính là nét đặc sắc nhất đánh dấu “Chí Phèo” trở thành một trong những văn xuôi bậc nhất của văn học hiện đại Việt Nam.

500 bài mẫu hay nhất

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở – mẫu 4

Nam Cao là một trong những tác giả hiện thực nổi tiếng trong trường phái hiện thực. Ông được mệnh danh là bậc thầy trong việc miêu tả nội tâm nhân vật, luôn đi tìm kiếm ” con người trong con người”. Tác phẩm của ông dù là viết về tri thức hay nông dân đều đi sâu vào bên trong nhân vật. Tác phẩm Chí Phèo là một trong những truyện ngắn nổi tiếng thể hiện tài năng của Nam Cao khi phân tích nhân vật Chí Phèo. Trong đó Nam Cao rất xuất sắc khi khắc họa tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở.

Chí Phèo xưa là đứa con hoang, bị bỏ tại cái lò gạch cũ và được người trong làng truyền tay nuôi. Chí hiền lành, làm người ở cho nhà Bá Kiến nhưng sau này, vì bị nghi ngờ dính líu với bà Ba nên hắn bị Bá Kiến vu oan phải vào tù. Sau khi về, chẳng còn ai nhận ra hắn vì nhân dạng đã biến đổi hoàn toàn. Hắn đinh ninh sẽ trả thù Bá Kiến nhưng rồi lại bị Bá Kiến mua chuộc làm tay đâm thuê chém mướn. Giờ đây hắn tha hóa cả về nhân hình lẫn nhân cách trở thành một con quỷ của làng Vũ Đại. Nhưng rồi, khi Thị Nở xuất hiện, Chí đã thay đổi hoàn toàn bởi lần đầu tiên có người tự nguyện cho hắn thứ gì đó mà hắn không phải xin hay dọa dẫm.

Hắn tỉnh dậy sau cơn say, cảm nhận hết thảy tất cả những gì đang diễn ra trong buổi sớm mà từ trước đến nay hắn không hề hay biết. Để rồi hắn nhớ về quá khứ và ước mơ giản dị mà xa vời. Khi Thị Nở bưng bát cháo hành đến cho hắn, Chí rất ngạc nhiên, xúc động bởi lần đầu tiên hắn được chăm sóc , bởi bát cháo hành tỏa ra hương thơm ngào ngạt. Chắc rằng chỉ có hắn trong thời khắc ấy mới cảm nhận được vị ngon tuyệt vời của bát cháo và vị thơm của “tình người”. Trong lòng hắn rung động, bâng khuâng trước Thị, người đàn bà xấu xí, dở hơi và ế chồng và cảm thấy ăn năn với Thị vì những chuyện mình đã làm trong quá khứ, khiến bao gia đình tan vỡ,… Dường như những cảm nhận khi ăn bát cháo hành ấy chính là cầu nối tâm hồn giữa Chí Phèo và Thị Nở. Trong hắn trào lên những cảm xúc khinh miệt khi nghĩ về con người Bà Ba, một con quỷ dữ đội lốt một người đàn bà xinh đẹp. Hắn thấy nhục và thấy khinh mọi hành động mà bà ta đã làm. Nghĩ về Thị Nở dù xấu ma chê quỷ hờn nhưng sẵn một lòng lương thiện, còn bà Ba kẻ ăn trắng mặc trơn lại là mặt người dạ thú. Nam Cao qua những khắc họa tâm trạng của Chí, tạo ra sự tương phản giữa hai người đàn bà đã cho ta một bài học khi nhìn nhận ai đó, nhất định không được ” nhìn mặt mà bắt hình dong”.

Chí Phèo được Thị Nở chăm sóc, thức tỉnh bởi hương vị của cháo hành, hắn nhận thức được thực tại sau trận ốm này, hắn không còn mạnh như trước và muốn làm hòa với mọi người, hắn tin rằng Thị Nở chính là người mở đường cho hắn, sẽ giúp hắn bắc nhịp cầu đến bến bờ thiên lương. Trong nội tâm hắn bỗng tràn lên những khát khao hoàn lương mãnh liệt, cái mầm nhân tính trong Chí Phèo có thể bị che lấp bởi sự tha hóa nhân phẩm, bởi những con say và những lần rạch mặt đòi nợ thuê nhưng nó không hề bị mất đi. Dường như dưới ngòi bút sắc sảo am tường của Nam Cao, tính cách của Chí Phèo được hiện rõ và ông cũng thể hiện sự đồng cảm, thấu hiểu và luôn đặt niềm tin vào bản chất thiên lương ăn sâu trong tận xương tủy của những người dân lao động dù họ có bầm dập, bị tha hóa đến nhường nào.

Luôn có những khát khao hoàn lương, luôn có một mái ấm như bao người nhưng kết cục chẳng mấy tốt đẹp với Chí Phèo. Bởi hắn bị Thị Nở từ chối sống chung. Điều gì khiến Thị thay đổi đến vậy? Có lẽ không phải do Thị bạc tình, không muốn thành đôi với Chí mà do bà cô của Thị nói những lời độc địa, ngăn cấm Thị. Bà cô như một cái loa phát ngôn cho những thứ hẹp hòi, ích kỉ của người làng Vũ Đại và cả xã hội phong kiến đương thời. Chí Phèo chỉ còn biết ngẩn người trước lời của Thị Nở, trong hắn lại thoang thoảng hương cháo hành, dư vị tình yêu thoáng qua mong manh và yếu ớt. Tình yêu ấy không có sức mạnh để có thể vượt qua nổi thực tại trớ trêu. Dù hắn muốn níu kéo tình yêu nhưng chẳng thể làm được, đổi lại bản tính trong hắn lại trỗi dậy, đập gạch ăn vạ, uống rượu say khướt, hơi rượu không sặc sụa mà chỉ thấy thoang thoảng hương cháo hành. Đó là tình yêu ám ảnh cả tâm hồn lẫn thể xác của Chí. Hắn chỉ biết khóc, ôm mặt khóc như một đứa trẻ, đòi xách dao đi giết Thị Nở, giết bà cô nhưng thực chất hắn đến nhà Bá Kiến. Có thể nói hành động của Chí là sai đường nhưng đúng hướng. Hắn tuyệt vọng vì bị từ chối sống chung, cũng như từ chối làm người lương thiện. Hắn đau đớn biết bao vì lương chi đã tỉnh, ý thức sâu sắc thực tại rằng hắn bị từ chối nguyên nhân sâu xa không phải tại Thị Nở mà tại Bá Kiến, người xua tay đuổi hắn là cả những định kiến của người làng Vũ Đại.

Hắn xách dao đến giết Bá Kiến cũng là lúc hắn tự kết liễu đời mình. Đó là một lựa chọn duy nhất để quay về. Tuy hắn không được sống như một người lương thiện nhưng hắn chết để làm người lương thiện. Quả thật, cái giá của thiên lương là cái giá cắt cổ đối với những kẻ như Chí, có lẽ phải đánh đổi bằng cả mạng sống của mình. Qua cái chết tức tưởi của Chí, Nam Cao lên án xã hội bất lương, tàn bạo và cảm thông với những người nông dân nghèo trong xã hội cũ. Những người sống no đủ đã khó, sống thiên lương còn khó hơn bội phần

Nam Cao, một nhà tâm lí tài ba với ngòi bút tinh tế, ông đã khắc họa tâm trạng của Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở rất xuất sắc. Qua đó giúp độc giả có thêm những bài học nhận thức sâu sắc về con người.

Phân tích diễn biến tâm trạng Chí Phèo sau khi gặp Thị Nở – mẫu 5

Số phận khốn khổ của người nông dân là đề tài quen thuộc của văn học hiện thực (1930-1945). Là một cây bút sáng tạo là yêu cầu sống còn của văn chương, Nam Cao có những tìm tòi, đổi mới đáng trân trọng. Không dừng lại ở nỗi khổ sưu cao thuế nặng như các tác phẩm cùng thời “Tắt đèn”, “Bước đường cùng”, Nam Cao đi sâu vào hiện tượng người nông dân bị tha hóa, bị cự tuyệt quyền làm người. Đồng thời, Nam Cao phát hiện và khẳng định bản chất lương thiện của người nông dân bị tha hóa. Những sáng tạo của Nam Cao được kết tinh từ nhân vật Chí Phèo. Đặc biệt là trong những trang văn diễn tả tâm trạng Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở.

Có thể nói, dấu mốc quan trọng nhất tạo nên bước ngoặt quyết định trong cuộc đời Chí Phèo đó là cuộc gặp gỡ với Thị Nở. Trước khi gặp Thị Nở, từ cố nông lương thiện, Chí bị đẩy xuống và nhấn chìm trong vũng bùn tha hóa. Sau khi gặp Thị, Chí đã vực dậy rũ bùn tha hóa, thức tỉnh hoàn lươn. Vậy Thị Nở là ai? Là người như thế nào mà lại có tác động lớn lao đến cuộc đời Chí Phèo như vậy? Theo ngòi bút của Nam Cao, Thị Nở là người xấu ma chê quỷ hờn, ngẩn ngơ như người đần trong truyện cổ tích. Lại sinh ra trong gia đình nghèo truyền kiếp, có mả hủi. thị chẳng khác gì con vật lạ. Nhưng Thị lại là người duy nhất trong làng Vũ Đại vô tình, vô cảm ấy đã tự nguyện kết thân yêu thương Chí chân thành. Dĩ nhiên, không phải ngay từ khi gặp Thị, tâm hồn Chí đã thức tỉnh, cái lốt quỷ dữ được lột bỏ. Là một nhà văn am hiểu sâu sắc tâm lí nhân vật, Nam Cao đã khám phá, miêu tả, phân tích diễn biến nội tâm của Chí Phèo từ sau khi gặp Thị Nở một các chân thực, sống động và đầy xúc cảm.

Ban đầu, cuộc chung chạm với Thị Nở chỉ đánh thức bản năng gã đàn ông cho Chí Phèo. Nhưng sau đó, sự chăm sóc giản dị đầy ân tình và lòng yêu thương mộc mạc mà chân thành của người đàn bà khốn khổ ấy đã làm bản chất lương thiện trong con người Chí thức dậy. Tâm hồn Chí Phèo dần thức tỉnh rồi hồi sinh mãnh liệt. Nhưng ngay sau đó, Chí Phèo lại lâm vào bi kịch đau đớn nhất của cuộc đời mình, là bi kịch từ chối, cự tuyệt quyền làm người. Sau đêm ái ân với Thị Nở, Chí Phèo tỉnh dậy muộn, hết say và hoàn toàn tỉnh táo. Sau bao nhiêu năm sống trong u mê dằng dặc, lần đầu tiên những cảnh vật, âm thanh của cuộc sống bỗng dội vào tâm hồn Chí tạo nên những vang động sâu xa. Chí thấy nắng rực rỡ, tiếng chim hót vui vẻ quá, tiếng cười nói của người đi chợ, tiếng anh thuyền chèo đuổi cá. Lòng Chí bâng khuâng, mơ hồ buồn.

Tỉnh rượu rồi Chí tỉnh ngộ, từ chỗ tê liệt ý thức, Chí bỗng ngộ ra bao điều về đời mình. Chí đã có cái nhìn chính xác về cuộc đời dằng dặc của mình từ quá khứ, hiện tại, tương lai. Nghĩ về những ngày xa xôi, Chí nao nao buồn. Hình như có một thời, Chí ao ước có một gia đình nho nhỏ , chồng cuốc mướn, cày thuê, vợ dệt vải… Nhưng ước mơ nhỏ bé giản dị ấy đã tuột khỏi tay Chí từ lúc nào, về phương trời xa xăm nào. Ngẫm về hiện tại, Chí thấy buồn thay cho đời. Chí đã già, đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời mà vẫn cô độc, trắng tay. Chí không nhà, không cửa, không vợ, không con. Đời chí đâu chỉ là con số 0 tròn trĩnh mà còn là con số âm khủng khiếp, đời Chí chồng chất biết bao nhiêu là tội ác. Tương lai phía trước còn đáng buồn hơn. Chỉ có tuổi già đói rét, ốm đau và cô độc. Và Chí sợ nhất là sự cô độc, mà sợ cô độc nghĩa là Chí thèm khát tình người. Thèm khát tình người đồng nghĩa với việc là tính người đang trở lại trong Chí.

Có thể nói ‘‘Đoạn văn viết về sự thức tỉnh của linh hồn Chí sau đêm gặp gỡ với Thị Nở là một đoạn tuyệt bút đầy chất thơ và tập trung thể hiện tư tưởng nhân đạo sâu sắc, bất ngờ của ngòi bút Nam Cao”. Không chỉ dừng lại ở đó, những diễn biến tâm trạng vô cùng phức tạp tinh vi của Chí Phèo đã được nhà văn diễn tả chân thực, chính xác, tài tình đến cảm động. Từ hình tượng nhân vật Chí Phèo, giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm được bộc lộ sâu sắc mới mẻ và lớn lao.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu

Bài viết hay nhất

Câu 10. Tại sao phải dạy học tích hợp? Chủ trương dạy học tích hợp có gì mới? Những thuận lợi, khó khăn và cách khắc phục khi thực hiện dạy học tích hợp? | Myphamthucuc.vn
Câu 10. Tại sao phải dạy học tích hợp? Chủ trương dạy học tích hợp có gì mới? Những thuận lợi, khó khăn và cách khắc phục khi thực hiện dạy học tích hợp? | Myphamthucuc.vn
Mối quan hệ biện chứng giữa cái chung và cái riêng? Vận dụng ý nghĩa phương pháp luận trong giải quyết mối quan hệ trên để phân tích mối quan hệ giữa chủ nghĩa Mác-Lênin với thực tiễn cách mạng Việt Nam? | Myphamthucuc.vn
Câu 11. Tại sao phải thực hiện dạy học phân hóa? Chủ trương dạy học phân hóa trong CT mới có gì khác CT hiện hành? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dạy học phân hóa hiện và cách khắc phục? | Myphamthucuc.vn
Câu 11. Tại sao phải thực hiện dạy học phân hóa? Chủ trương dạy học phân hóa trong CT mới có gì khác CT hiện hành? Những thuận lợi và khó khăn trong việc thực hiện dạy học phân hóa hiện và cách khắc phục? | Myphamthucuc.vn
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm
Các Kiểm Tra Hạn Sử Dụng Của Kem Chống Nắng Skin Aqua Nhật Bản
Các Kiểm Tra Hạn Sử Dụng Của Kem Chống Nắng Skin Aqua Nhật Bản
Bài thơ “Ngắm trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Bài thơ “Ngắm trăng” được sáng tác trong hoàn cảnh nào?
Câu hỏi ôn tập bài Sau phút chia li chọn lọc chi tiết
Phân tích tâm trạng nhân vật Liên khi chờ tàu năm 2023
Giới thiệu về Ngô Gia văn phái năm 2023
Kem Dưỡng Estee Lauder Thật Giả Qua Các Dung Tích, So Sánh Và Nhận Biết Serum Advance Night Repair
Kem Dưỡng Estee Lauder Thật Giả Qua Các Dung Tích, So Sánh Và Nhận Biết Serum Advance Night Repair
Nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ
Nhân vật Mị sau khi về làm dâu nhà thống lí Pá Tra trong Vợ chồng A Phủ
Phân tích bức tranh tứ bình trong bài Nhớ rừng của Thế Lữ năm 2023
Viết thư cho Cô giáo cũ nhân ngày 20/11 năm 2023
Soạn bài Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ
Chủ đề của truyện Tấm Cám là gì
Chủ đề của truyện Tấm Cám là gì

jun88

Liên hệ telegram @hanievu