/tmp/dtoyu.jpg
Bài văn Phân tích bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 11.
Đề bài: Phân tích bi kịch bị cự tuyệt làm người của Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao.
Nhân vật Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên của Nam Cao là kiệt tác của dòng văn học hiện thực Việt Nam. Chí Phèo đại diện cho những người nông dân cùng cực bị đẩy đến đáy cùng của xã hội. Những tưởng cuộc đời Chí sẽ chìm trong đêm tối nhưng sau khi gặp thị Nở Chí đã hồi sinh kiếp sống làm người. tuy nhiên éo le thay bởi định kiến của bà cô thị cũng là của toàn xã hội đã gây bi kịch bị cự tuyệt làm người cho Chí thật đau đớn, xót xa để lại cho độc giả nhiều ám ảnh bởi tiếng kêu “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này?”
Nam Cao thật tài tình khi đã khắc họa được tâm phức tạp của nhân vật khi bị thị Nở từ chối với những diễn biến tinh vi nhất bằng độc thoại bên trong, hành động bên ngoài và lời kể lời bình của tác giả…, đây là đoạn văn của đỉnh cao cho sự cởi nút thắt câu chuyện cũng là nút thắt trong cuộc đời nhân vật để cho hắn một lối thoát tất yếu cho bi kịch bị cự tuyệt làm người.
Năm ngày bên thị thật bình yên hạnh phúc tưởng rằng cuộc đời Chí được hoàn lương từ giây phút ấy nhưng thị lại là một người đàn bà dở hơi, ngẩn ngơ đem câu chuyện tình của mình xin ý kiến bà cô_một người mang trong mình những định kiến xã hội không tốt về Chí. Bà cô già vẫn chưa có chồng thấy thị hỏi thì bật cười tưởng đùa nhưng khi biết tất cả sự thật lại hoảng hốt và cảm thấy nhục cho ông cha nhà bà, bà chua xót, uất ức cho bản thân đã dùng những lời lẽ cay độc xỉa xói vào mặt thị. “Bà gào lên như con mẹ dại”, “Có lấy thì lấy ai chứ, đàn ông chết hết cả rồi hay sao, mà lại đâm đầu lấy một thằng không cha không mẹ. Ai lại lấy một thằng chỉ có một nghề là đi rạch mặt ăn vạ”. Thị nổi giận đùng đùng sang nhà nhân ngãi chút tất thảy những lời lẽ cay độc ấy vào mặt hắn rồi “ngoay ngoáy cái mông đít đi ra về”. Vậy là con đường hoàn lương của Chí vừa được hé mở đã nhanh chóng đóng sầm lại bởi định kiến xã hội tàn bạo không cho Chí cơ hội để trở lại làm người lương thiện, chân chính.
Chí đau đớn và thất vọng khi bị thị Nở chối từ. Hắn cứ ngồi ngẩn người, ngẩn mặt không nói gì. Điều đó cho thấy Chí đã hiểu về thói đời và cảnh ngộ của mình. Hắn ngửi thấy mùi cháo hành đây là một chi tiết độc đáo được lặp lại bởi đó là dư vị tình thương ít ỏi mà Chí đang rất cần. Tại sao nó lại chỉ xuất hiện “Thoáng một cái” trong lúc này như để trêu ngươi, chọc tức Chí. Hắn muốn níu giữ hương vị ấy, níu giữ tình người còn sót lại dù chỉ chút ít nên khi thị quay đi thì “Hắn sửng sốt đứng lên gọi lại… hắn đuổi theo thị nắm lấy tay” nhưng lại bị “Thị gạt ra, lại giúi thêm cho một cái. Hắn lăn khèo xuống sân” nỗ lực níu giữ đến cuối cùng cho con đường hoàn lương bởi chỉ có thị mới có thể mở đường cho hắn, thị là cầu nối cho hắn đặt chân lên nhịp cầu hi vọng nhưng một lần nữa hắn lại bị hắn hủi, ruồng bỏ phũ phàng, người đàn bà cho hắn tình thương và hạnh phúc, đặt trọn niềm tin và hi vọng nay cũng “dướn cái môi vĩ đại mà ném vào mặt hắn bao lời chửi mắng”. Như thế Chí Phèo thật sự rơi vào bi kịch tinh thần đau đớn, hắn đã bị xã hội cự tuyệt quyền làm người.
Từ tận cùng của nỗi đau là sự phẫn uất và tuyệt vọng. Điều đó được thể hiện rõ trong suy nghĩ và hành động cuối cùng của nhân vật. Cũng như bao lần trước “đã lăn ra thì hắn phải kêu” phải uốn, phải đập đầu rạch mặt ăn vạ nhưng “tức quá, càng uống lại càng tỉnh ra. Tỉnh ra, chao ôi, buồn!” hắn không ngửi thấy mùi rượu sặc sụa nhưng lại “thoang thoảng thấy hơi cháo hành”. Hơi cháo hành tình người lần thứ ba được nhắc đến làm cho lương tri Chí trỗi dậy mạnh mẽ để rồi “hắn ôm mặt khóc rưng rức”. Đã bao lâu rồi hắn mới có được cử chỉ và giọt nước mắt của con người. Từ hi vọng đến tuyệt vọng, khởi đàu là giọt nước mắt cảm động hạnh phúc khi bưng bát cháo hành trên tay và kết thúc cũng là giọt nước mắt đau khổ khi bị thị Nở bỏ rơi. Cuộc đời thật nhẫn tâm khi cho người ta hy vọng rồi lại ném vào trong tuyệt vọng, cuộc đời cũng thật tàn ác khi mở đường cho Chí hoàn lương làm người tử tế rồi lại biến Chí trở thành con quỷ tàn ác nhất ngay cả với chính mình.
Nỗi tuyệt vọng dâng đến đỉnh điểm tột cùng của căm uất với hành động kết thúc “Hắn ra đi với một con dao ở thắt lưng”. Cũng như mọi lần hắn vừa đi vừa chửi và dọa giết “nó”. Nó trong suy nghĩ ban đầu của Chí chính là thị “Hắn phải tự đến nhà con đĩ Nở kia. Để đam chết cả nhà nó, đâm chết cái con khọm già nhà nó” nhưng không biết vì điều gì mà hắn lại xông xông vào nhà cụ Bá. Dường như lúc này Chí không còn là một tên say rượu mà hắn đang rất tỉnh táo, chỉ có khi tỉnh táo thật sự mới có thể cảm nhận được nỗi đau đến vô cùng và hiểu rõ tội ác của kẻ thù đã hủy hoại đời hắn. Chí Phèo đã “trợn mắt chỉ tay” vào mặt Bá Kiến vênh vênh cái mặt kiêu ngạo mà khẳng định: “Tao đã bảo là tao không đòi tiền” mà dõng dạc đòi làm người lương thiện, đòilại bộ mặt người đã bị vằm nát của mình. Tiếng kêu thống thiết trước khi giết Bá Kiến và tự kết liễu đời mình đòi quyền làm người, đòi được sống trở lại ngay cả khi đang khi đang thở ở đoạn cuối tác phẩm: “Ai cho tao lương thiện? Làm thế nào cho mất được những mảnh chai trên mặt này? Tao không thể làm người lương thiện nữa. Biết không! Chỉ còn một cách…biết không! Chỉ còn một cách là…cái này biết không!” Lời nói của Chí đanh thép đầy căm uất và phẫn nộ, tiếng thét lên từ bi kịch của nỗi đau và hình ảnh hắn giẫy đành đạch giữa bao nhiêu là máu tươi để lại ám ảnh cho người đọc bởi điều đó thể hiện cho một chân lí giọt nước đã tràn ly, tức nước thì vỡ bờ đó là điều tất yếu.
Cái chết của Chí Phèo là hành động minh chứng cho sự khủng hoảng và bế tắc, tuyệt vọng không lối thoát, nó là kết quả cho sự hồi sinh và thức tỉnh của Chí, đó cũng là con đường duy nhất để Chí được làm người lương thiện bởi chỉ có kết thúc được những tháng ngày của quỷ dữ mới có thể bắt đầu để sống đúng nghĩa cuộc đời mình. Chí chết về ý thức nhân phẩm đã trở về, Chí không thể chấp nhận kiếp sống của thú hoang đành đóng cánh cửa cuộc đời này lại để mở ra cuộc sống mới ở kiếp làm người sau. Hoàn cảnh của Chí Phèo phản ánh một hiện thực mâu thuẫn, xung đột gay gắt của người nông dân với bọn địa chủ cường hào ở nông thôn Việt Nam trước cách mạng tháng Tám. Cái chết của Chí cảnh cáo cho xã hội phong kiến nửa thuộc địa nếu không thay đổi sẽ không biết còn có bao nhiêu người như Năm Thọ, Binh Chức, Chí Phèo rồi còn những Chí Phèo con_bản sao của Chí Phèo bố chưa ra đời. Nam Cao cũng chỉ ra một chân lí khách quan trong xã hội mà Karl Marx từng nói: “Ở đâu có áp bức, ở đó có đấu tranh”.
Nam Cao với tấm lòng của nhà nhân đạo chủ nghĩa đã lựa cho Chí Phèo một lối thoát cho con đường hoàn lương hợp lí nhất. Chí Phèo không những được kể lại bằng ngôn ngữ của tác giả mà còn cả ngôn ngữ của các nhân vật khác như thị Nở, bà cô thị hay dân làng Vũ Đại. Nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật được nhà văn tái bút thành công. Qua bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Nam Cao muốn đặt câu hỏi lớn về quyền sống và quyền làm người: làm thế nào để con người sống đúng nghĩa làm người trong một xã hội phi nhân tính chỉ toàn sự chà đạp, lừa dối và bất công như thế? Câu hỏi ấy vẫn còn là những suy tư trăn trở trong lòng độc giả mà bấy lâu nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng. Liệu rằng có một kết thúc khác cho truyện ngắn “Chí Phèo” được không?
Như vậy bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người của Chí Phèo được Nam Cao thể hiện rất sinh động, cuốn hút để lại người đời nhiều suy ngẫm. Cái chết của Chí và tiếng thét đòi làm người lương thiện sẽ ám ảnh mãi trong lòng độc giả bởi Chí Phèo là đại diện tiêu biểu cho tầng lớp nông dân với mâu thuẫn giai cấp trong lòng xã hội cũ, nhà văn đã phẩn ánh sự cùng cực không lối thoát của họ băng ngòi bút hiện thực sắc sảo và sự cảm thông xót thương chân thành.