/tmp/dgpuo.jpg
Bài văn Phân tích bài thơ Sau phút chia li gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Phân tích bài Sau phút chia li của Đặng Trần Côn.
Đoạn trích Sau phút chia li của Đặng Trần Côn mang giá trị nhân đạo sâu sắc. Tuy ngắn ngủi nhưng cũng đủ để thể hiện tâm trạng, nỗi đau xót của người vợ sau phút chia li để chồng ra chiến trận. Qua đó tác phẩm còn thể hiện cái nhìn nhân văn, cảm thông sâu sắc của tác giả.
Khi đất nước xảy chiến tranh, người dân phải sống trong cảnh cơ cực, gia đình li tán. Khúc ngâm chính là nỗi lòng của người phụ nữa có chồng ra chiến trận. Bởi vậy mà mỗi câu thơ đều như những lời thở than, ai oán và bất lực khi tiễn chồng ra đi. Ngay từ những câu thơ đầu tiên tác giả đã vẽ nên khung cảnh chia li đầy đau đớn của đôi vợ chồng trẻ:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh
Sử dụng nghệ thuật đối lập: chàng đi – thiếp về, hai con người chia li về hai ngả, câu thơ vang lên đầy đau đớn, chua xót. “Cõi xa mưa gió” phải chăng chính là hiện thực chiến tranh khốc liệt với biết bao hiểm nguy, không hẹn ngày về; “Buồng cũ chiếu chăn” lại gợi không gian cô đơn, lẻ bóng đến tận cùng. Tình cảnh đối lập như cứa, như xát vào lòng người chinh phụ. Chỉ một phút chia li mà ngoảnh lại tưởng chừng đã cách xa vạn dặm, cách nói “tuôn màu mây biếc, trải ngàn núi xanh” cho thấy sự cách trở không chỉ còn hiện lên trong suy nghĩ, tâm tưởng mà là sự xa cách thực, khoảng cách về không gian, địa lý.
Bốn câu thơ tiếp theo diễn tả nỗi nhớ tha thiết, khắc khoải:
Chốn Hàm Dương chàng còn ngảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Bến Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng.
Nghệ thuật đối lập, tương phản tiếp tục được tác giả sử dụng một cách tài tình: chàng ngảnh lại – thiếp trông sang, cùng với đó là cách điệp ngữ: Tiêu Tương, Hàm Dương được lặp đi lặp lại đã khắc sâu, tô đậm nỗi buồn, cô đơn đầy ám ảnh của người chinh phụ. Sử dụng hai địa danh mang tính ước lệ Hàm Dương và Tiêu Tương cách xa nhau vạn dặm còn khắc họa, tô đậm sự xa cách của đôi vợ chồng. Đến những câu thơ cuối cùng sự xa cách ấy dường như không còn có thể đong đếm bằng khoảng cách địa lý được nữa: “Ngàn dâu xanh ngắt một màu” nỗi sầu chia li đã đẩy lên đến cực độ, gợi cảnh trời cao, đất rộng, thăm thẳm mênh mông không có giới hạn. Giữa không gian rợn ngợp, bao la ấy dù chàng hay nàng ngoảnh lại cũng chẳng còn thấy nhau được nữa. Tình cảnh thật bi thương, ái ngại. Kết thúc bài thơ là câu hỏi đầy chua xót: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai?”. Hỏi đấy mà thực ra lại là tự vấn chính mình. Câu hỏi nêu ra không phải để so sánh chàng sầu hơn hay thiếp sầu hơn mà nó chỉ nhằm khắc họa thêm nỗi sầu, nỗi đau đớn khi phải chia lìa.
Ngôn từ điêu luyện, hàm súc, mang tính ước lệ, lời ít ý nhiều. Sử dụng linh hoạt nghệ thuật đối lập tương phản cho thấy tâm trạng đau đớn của người chinh phụ phải tiễn chồng ra trận. Nghệ thuật điệp từ: chẳng thấy, Tiêu Tương, Hàm Dương,.. nhấn mạnh vào nỗi sầu, cô đơn khắc khoải của người chinh phụ.
Đoạn trích Sau phút chia li đã cho thấy nỗi sầu chia li, nỗi đau đớn, xót xa lúc tiễn chồng ra trận. Qua những dòng tâm sự thấm đẫm nước mắt của người chinh phụ còn gián tiếp lên án chiến tranh phi nghĩa đã khiến đôi lứa phải chia lìa, đồng thời thể hiện kín đáo khát vọng hạnh phúc lứa đôi. Tác phẩm thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.