/tmp/zklnv.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Ngắm trăng Ngữ văn lớp 8, bài học tác giả – tác phẩm Ngắm trăng trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Phiên âm
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa,
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt,
Nguyệt tòng song khích khán thi gia.
Dịch nghĩa
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?
Người hướng ra trước song ngắm trăng sáng,
Từ ngoài khe cửa, trăng ngắm nhà thơ.
Dịch thơ
Trong tù không rượu cũng không hoa,
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ.
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ,
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ.
1. Tác giả
– Hồ Chí Minh (1890- 1969), tên khai sinh là Nguyễn Sinh Cung
– Quê quán: làng Kim Liên (làng Sen), xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
– Bác là nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà thơ nhà văn lớn của dân tộc.
– Phong cách sáng tác: Thơ Bác hay viết về thiên nhiên đất nước với tình yêu tha thiết, niềm tự hào, lời thơ nhẹ nhàng bay bổng lãng mạn.
2. Tác phẩm
a, Hoàn cảnh sáng tác: Trích trong tập “ Nhật kí trong tù” được Bác sáng tác lúc đang bị giam trong nhà tù Tưởng Giới Thạch, Trung Quốc
b, Bố cục: 2 phần
– Phần 1: 2 câu đầu: Hoàn cảnh ngắm trăng của Bác
– Phần 2: 2 câu sau: Sự giao hòa đặc biệt giữa người tù thi sĩ và trăng
c, Phương thức biểu đạt: Tự sự + Miêu tả + Biểu cảm
d, Thể thơ : Thất ngôn tứ tuyệt
e, Ý nghĩa nhan đề: Vọng nguyệt là một thi đề trong thơ xưa. Thi nhân gặp trăng đẹp thì làm thơ, có rượu có hoa thì càng hoàn mĩ. Chỉ ngắm trăng khi tâm hồn thư thái thảnh thơi.
f, Giá trị nội dung: Bài thơ đã thể hiện tình yêu thiên nhiên, tinh thần lạc quan và phong thái ung dung tự tại của Bác trong cảnh ngục tù tối tăm.
g, Giá trị nghệ thuật:
– Sử dụng thể thơ thất ngôn tứ tuyệt giản dị
– Hình ảnh thơ trong sáng, đẹp đẽ
– Ngôn ngữ lãng mạn
– Màu sắc cổ điển và hiện đại song hành
1. Hoàn cảnh ngắm trăng của Bác:
– Hoàn cảnh
+ Thời gian: nửa đêm
+ Không gian: trong tù, nơi chỉ có 4 bức tường tối tăm và xiềng xích.
+ Điều kiện: không rượu, không hoa
→ Hoàn cảnh đặc biệt thiếu thốn, gian khổ,
– Tâm trạng của Bác: “khó hững hờ”: tâm trạng bối rối, xao xuyến
→Tình yêu thiên nhiên, tâm hồn nhạy cảm tinh tế của Bác
2. Sự giao hòa đặc biệt giữa người tù thi sĩ và trăng
+ Người ngắm trăng : Bác vượt qua song sắt nhà tù để tìm đến với trăng
+ Trăng nhòm, ngắm nhà thơ: Trăng chủ động tìm đến với Bác
– Câu trúc đối giữa câu 3,4, nghệ thuật nhân hóa → sự giao thoa, hòa quyện giữa Bác với ánh trăng, với thiên nhiên trong mọi hoàn cảnh.
→Tình yêu thiên nhiên, tình bạn tri âm tri kỉ đầy xúc động giữa nhà thơ với trăng.
– Trong cảnh ngục tù tối tăm, Bác vẫn ngắm trăng, vẫn hòa mình vào thiên nhiên dù tay chân đang bị kìm kẹp bởi xiềng bởi xích.
→ Phong thái ung dung, tự tại, ý chí nghị lực phi thường của người chiến sĩ cách mạng.
– Ánh trăng ấy hay chính là ánh sáng tự do là niềm hi vọng mãnh liệt của một người chiến sĩ cách mạng một lòng muốn giải phóng dân tộc.