/tmp/rwxpm.jpg
Bài văn Miêu tả dòng sông quê em gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Miêu tả dòng sông quê em.
“Quá nửa đời phiêu dạt con lại về úp mạch vào sông quê, ơi con sông dạt dào như lòng mẹ chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn…” mỗi khi câu hát ấy vang lên lòng tôi lại rưng rưng xúc động nhớ về dòng sông quê hương. Dòng sông ấy đã ăn đời ở kiếp với người dân quê tôi từ bao đời nay. Tôi yêu con sông bởi nó chính là linh hồn của quê hương và tuổi thơ tôi.
Con sông quê tôi là một nhánh của sông Hồng, nằm vắt mình ở khu bãi trồng hoa màu cuối làng. Không biết nước sông đã thấm quyện vào mảnh đất quê tôi từ bao giờ chỉ biết cha ông tôi vẫn thường gọi nó sông Long Xuyên. Từ xa nhìn lại dòng sông như một dải lụa đào không lồ, nhấp nhô, uốn lượn từng đợt sóng. Hai bên bờ sông là những dãy tre xanh mượt, chiều chiều bắt gặp bóng tre soi mình dưới dòng sông như những thiếu nữ đang buông tóc chải đầu làm duyên làm dáng. Những khóm ngô khẳng khiu đứng thẳng như những người gác sông cần mẫn. Dưới dòng sông, thuyền bè của người dân qua lại tấp nập để bắt cá, thả câu và chở khách qua sông. Tiếng cười nói vui vẻ khiến cho dòng sông không bao giờ vắng lặng buồn tẻ. Những cơn gió bắt nguồn từ dòng sông thổi về đem lại cảm giác khoan khoái, mát mẻ đến lạ. Tôi thường xuyên bắt gặp khoảnh khắc hồn nhiên, tinh nghịch của con sông mỗi khi gió về, những đợt sóng lăn tăn thi nhau bơi vào bờ như những đứa trẻ mải miết chơi trò đuổi bắt trốn tìm. Tôi đặc biệt thích ngắm dòng sông mỗi độ hè về. Buổi sáng, sương mai nhẹ nhàng vờn trên mặt nước, sắc nước mang màu trắng đục mơ màng, huyền ảo trông rất tình tứ. Đến trưa, khi mặt trời lên cao những tia nắng rực rỡ, chói chang soi suống dòng sông, sắc nước được phủ lên một màu vàng óng, long lanh vô cùng rực rỡ. Chiều xuống, trời trong gió mát, nắng dịu dàng hơn khiến cho sắc nước trở nên trong xanh. Ngắm nhìn dòng sông mà tôi chỉ biết thốt lên: “dòng sông thật đẹp!”Thế nhưng, trái với vẻ hiền hòa, yêu kiều thường thấy, khi mùa lũ đến, dòng sông cũng biết giận dữ, nóng nảy sóng đập mạnh, nước xô tràn vào bờ bãi cho thỏa cơn thịnh nộ của mình. Tuy nhiên, sau những phút giây ấy, dòng sông như biết nhận ra lỗi lần của mình, nó lại đem đến những hạt phù sa màu mỡ để đắp bồi hoa màu ven sông. Vì lẽ ấy dòng sông đã trở thành một phần không thể thiếu của quê hương tôi.
Dòng sông quê hương còn đong đầy kỉ niệm tuổi thơ tôi. Tôi nhớ những buổi chiều theo chân bố ra sông câu cá, mỗi mùa nước lên, sông lại đem về những mẻ cá lớn cho người dân quê tôi. Cảm giác ngồi câu được những con cá lớn thích thú vô cùng. Rồi bao buổi trưa hè tôi cùng bạn rủ nhau ra sông tắm. Nước sông mát lạnh ôm ấp chúng tôi vào lòng. Đã bao cuộc thi bơi, lặn của chúng tôi đã diễn ra trên dòng sông ấy. Tiếng cười đùa ríu rít, tiếng gọi nhau í ới của lũ trẻ chúng tôi vẫn cứ vang vọng mãi trên dòng sông. Đặc biệt, dòng sông còn là nơi tôi đến để giãi bày tâm tình. Mỗi lúc có chuyện không vui, tôi lại tìm đến dòng sông, hét lên một tiếng thật lớn để giải tỏa ưu phiền. Dòng sông không biết nói lời sẻ chia nhưng đứng trước sự trầm tĩnh mà bao la của nó tâm hồn tôi như được gột rửa thanh thản hơn nhiều. Tuổi thơ tôi lớn lên bên dòng sông, những kỉ niệm cùng với nó sẽ mãi không bao giờ phải mờ trong tâm trí tôi.
Dòng sông là một phần không thể thiếu của quê hương tôi. Nó là con đường quan trọng để người dân quê tôi có thể giao lưu, buôn bán với những vùng đất khác, nó đem đến nguồn nước dồi dào, lượng phù sa màu mỡ làm tươi xanh bãi bồi. Dòng sông còn là người mẹ thiên nhiên tuyệt vời đem đến nguồn thủy sản quý giá cho quê hương. Đặc biệt vào dịp đầu xuân, quê tôi còn tổ chức hội đua thuyền trên dòng sông. Tiếng trống chiêng, tiếng nhịp phách rộn ràng cùng biết bao cờ hoa rực rỡ được giăng mắc kín cả dòng sông làm nên một không gian lễ hội đặc sắc. Con sông chính là một phần văn hóa của quê hương tôi. Những người con xa quê trở về chốn cũ, không ai là không nhớ tới con sông Long Xuyên, nó không chỉ đẹp, thơ mộng mà còn là bản sắc của làng quê.
Tình yêu của tôi đối với dòng sông quê hương không phải sự rung động, bộc phát nhất thời mà đó là thứ tình cảm tự nhiên mà sâu nặng mà thấm thía. Dù xa quê đã lâu nhưng tôi chưa khi nào thôi khát khao được trở về quê hương, được dòng nước mát lành của con sông tưới mát da thịt mình, được sống lại những khoảnh khắc bên dòng sông với bao kỉ niệm tươi đẹp. Trong trái tim tôi, vị trí của dòng sông sẽ không bao giờ thay đổi.
Thị xã Sơn Tây quê em nhỏ xinh và êm đềm nằm bên phải bờ sông Hồng, chỉ cách một con đê. Gọi là sông Hồng vì màu nước của nó quanh năm đỏ sắc phù sa chứ không trong xanh hay đục nhờ nhờ như các dòng sông khác. Nhà em ở dãy phố gần bến cảng nên dòng sông ngày ngày hiện lên trước mắt và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của em. Tình yêu dòng sông thấm vào máu thịt em lúc nào chẳng rõ.
Sông Hồng đẹp nhất là vào khoảng cuối xuân đầu hạ. Buổi sớm, sương mù giăng giăng trên mặt nước. Bờ dâu, bãi mía bên kia sông thấp thoáng, mờ ảo một vệt xanh như khói kéo dài tít tắp. Dãy thuyền chài cặp sát chân kè đá đã lấp lóe ánh nửa nấu cơm sáng. Chuyến đò ngang đầu tiên chở khách từ phía Vĩnh Phúc sang đang từ từ cập bến. Mấy bà, mấy chị người gánh chuối, kẻ gánh ngô hay mấy bu gà vịt, mấy mẻ tôm tươi, cá tươi roi rói, hối hả nối đuôi nhau dọc phố Hậu Bình, Lê Lợi để vào chợ Nghệ. Tiếng gọi nhau í ới, tiếng nước vỗ mạn thuyền róc rách, tiếng mái chèo gõ nhịp đuổi cá trên sông lan xa trong gió sớm tạo thành thứ âm thanh quen thuộc của cuộc sống yên bình.
Nắng đã lên cao, sương tan nhanh, mặt nước lấp lánh, xôn xao. Sông Hồng mải miết tải phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp cho vùng đồng bằng châu thổ thêm màu mỡ. Dọc hai bên triền sông là những xóm làng trù phú, tốt tươi. Nhịp điệu làm việc trên bến cảng càng lúc càng nhộn nhịp. Một dãy sà lan chở đầy than và xi măng được giở lớp bạt phủ ngoài cho hàng trăm người xuống chuyển lên bến. Các bác, các chú làm nghề bốc xếp da nâu bóng, bắp chân bắp tay săn chắc , vác trên vai bao xi măng nửa tạ mà vẫn bước vững chắc như người làm xiếc trên những tấm ván dài nối từ sà lan vào bờ. Bốn năm chiếc cần cẩu cần mẫn xúc từng gầu than đầy ắp đổ vào thùng những chiếc xe tải đang chờ sẵn. Không khí làm việc náo nhiệt, rộn ràng, tiếng động cơ hòa lẫn tiếng nói cười rộn rã. Trên sông, tàu thủy, ca nô, thuyền bè… xuôi ngược làm cho khung cảnh càng thêm sinh động.
Lúc chiều tà, ánh hoàng hôn đỏ sẫm phía trời Tây, in dáng núi Ba Vì sừng sững. Từ trong phố, từng tốp người lớn, trẻ con đổ ra bến để được thỏa thích bơi lội, ngụp lặn giữa dòng nước mát lạnh của sông Hồng. Đã bao đời nay, dòng sông bao dung mở rộng vòng tay vỗ về, ôm ấp, đem lại niềm sảng khoái cho con người sau một ngày lao động vất vả. Riêng đối với tuổi thơ chúng em, còn gì sung sướng hơn được túm năm túm bảy vui đùa trong sóng nước hay rủ nhu thuê một chuyến đò ngang sang bên kia sông bắt dế, bắt bướm hay mua ngô non về đốt lửa nướng ngay dưới chân đê, chia nhau vừa ăn vừa nô giỡn. Mùi ngô nướng thơm ngọt lan xa trong cơn gió lồng lộng thổi dọc triền sông, vấn vít trong những mái tóc trẻ thơ hoe vàng vì dãi nắng. Trời tối dần,mặt sông như rộng thêm ra, cảnh vật nhòa dần. Trên đầu, vòm trời bát ngát điểm muôn vạn ngôi sao li ti, nhấp nháy. Sông Hồng vẫn thức, vẫn mải miết trôi xuôi để hòa vào biển lớn.
Từ trên chiếc loa phóng thanh gắn ở cột điện ven đường, bài hát Trở về dòng sông tuổi thơ của nhạc sĩ Hoàng Hiệp đang vang lên: Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn bó với tuổi thơ đời tôi… Con sông tôi tắm mát. Con sông tôi đã hát. Con sông cho tôi đậm một tình yêu nước non quê nhà… Ôi những con thuyền giấy, những năm tháng tuổi thơ đã đi về đâu? Để mình tôi nhớ nhung bây giờ… Tiếng hát đằm thắm, tha thiết của ca sĩ Mỹ Trang như đang bày tỏ giùm em tình yêu sông Hồng, dòng sông làm nên vẻ đẹp khó quên của mảnh đất này.