/tmp/bcbui.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn mẫu Miêu tả cảnh sông nước ở quê hương mình lớp 5 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết tập làm văn của học sinh lớp 5 trên cả nước. Hi vọng với bài văn mẫu này, các em sẽ biết cách triển khai ý, tích lũy thêm vốn từ để viết bài văn Miêu tả cảnh sông nước ở quê hương mình hay.
Đề bài: Miêu tả cảnh sông nước ở quê hương mình.
1. Mở bài:
– Dòng sông em định tả ở đâu, tên gì? (Sông…, huyện…).
2. Thân bài
– Tả cảnh bao quát: (giới thiệu sơ lược).
+ Sông… chảy qua xã…, huyện… Chính từ bãi sông màu mỡ này mà huyện… xưa kia phát triển thành thị xã ngày nay.
+ Toàn cảnh hai bên bờ sông là nhà của cư dân các xã và thị xã. Hai bên bờ lô nhô những rặng dừa xanh mát.
– Tả cảnh chi tiết:
+ Sáng sớm: nước sông trong trẻo, có thể nhìn thấy hòn cuội ở ven bờ.
+ Trưa: nước sông có màu đục nhờ nhờ, một vài thuyền câu cá giăng lưới (nông dân bắt cá để cải thiện bữa ăn). Nước triều cao, mặt sông nhấp nháy ánh mặt trời.
+ Chiều tà: mặt nước sông nhuộm màu vàng đất pha lẫn ánh vàng le lói của mặt trời sắp lặn.
+ Hai bên bờ sông: nhà cửa lô nhô, thỉnh thoảng có một bến nước để bà con lấy nước, một vài chị phụ nữ giặt quần áo, một hai chiếc xe bò kéo lấy cát ở bãi sông.
+ Chiều tắt nắng, nước triều rút mạnh, đàn cò trắng từ đâu bay đến, chúng đậu ở bãi cát, đi lững thững bắt tép tôm.
+ Sông đẹp nhất vào độ trưa, khi ánh nắng làm đẹp rặng dừa hai bên bờ và dòng sông óng ánh như có bạc.
– Nêu ích lợi của con sông:
+ Con sông đem lại khí hậu mát mẻ cho quê em.
+ Con sông là nguồn nước để tưới cho đồng ruộng, nuôi trồng thủy sản vùng nước ngọt.
3. Kết luận:
– Nêu lên tình cảm, suy nghĩ của em về dòng sông quê hương.
– Em làm gì để giữ gìn cho con sông mãi đẹp và trong lành? (Bảo vệ môi trường sạch đẹp, tuyên truyền để người dân chung sức giữ gìn bãi sông, nước được sạch.)
Bến sông quê hương lúc chiều về.
Chiều về là lúc bến sông quê tôi tấp nập nhất.
Đoàn thuyền chở các bà, các chị từ chợ huyện, chợ tỉnh về cập bến. Các bà các chị được đàn con ùa ra đón. Con lớn đỡ cho mẹ gánh hàng. Con nhỏ vòi mẹ chia quà. Tiếng cười nói rộn ràng cả một khúc sông. Rồi ai về nhà nây. Con thuyền neo vào bến đỗ. Đây cũng là lúc bọn trẻ chăn trâu lùa trâu xuống tắm. Bọn trẻ tắm cho trâu, rồi bọn trẻ giỡn nước. Chúng té nước cho nhau. Chúng chơi trò đánh trận. Một đứa kiếm đâu được trái bóng tròn. Thế là chúng ném bóng cho nhau. Một ý kiến được cả bọn chấp nhận: chơi bóng nước. Chúng chia làm hai phe, chuyền bóng cho nhau. Phe nào chuyền được 6 chuyền là thắng. Phe thua phải cõng phe thắng chạy dọc con sông suốt từ bến tắm đến tận gốc đa. Bến sông quê tôi cứ rộn ràng như vậy cho đến lúc mặt trời lặn phía chân trời mới có chút bình lặng.
Những buổi sáng đẹp trời, nhất lại là những ngày phiên chợ, dòng sông mới nhộn nhịp làm sao! Quê em chợ huyện họp một tháng bốn phiên vào chủ nhật hàng tuần. Những ngày đó, dòng sông là một ngày hội. Ngay từ sáng sớm, khi mặt trời chỉ mới ló lên sau rặng tre phía xa thì từng đoàn thuyền đã đưa các bà, các chị lên chợ huyện, cách làng em chừng nửa tiếng đi đò. Những ngày nghỉ học, em được chị hai cho đi theo. Thuyền đi trong sương sớm, ngồi trên thuyền, các bà các chị không ngớt lời trò chuyện. Dòng sông vang lên tiếng người cười nói. Từng đoàn thuyền đánh cá dong buồm thả lưới trắng xóa cả dòng sông. Những tiếng hò, tiếng hát vang lên như gọi mặt trời thức dậy. Những ngày không đi chợ cùng chị, em lại cùng các bạn đi cào hến, dậm trai ở ven sông. Những bữa được nhiều, em lại mang cho cu Tít hàng xóm, thằng bé không may bị bại liệt hai chân sau một trận sốt ác tính. Mặt trời lên, dòng sông trở lại cảnh bình yên của đồng quê. Nước trôi, cuốn theo những cụm bèo lục bình. Bình yên, phẳng lặng như cuộc sống thanh thản chốn làng quê.
Nhà bà ngoại nhìn ra bến phà. Sáng sớm nhìn ra bờ sông, con nước đục ngầu phù sa, hiền hòa chảy. Trên mặt nước, từng đám lục bình trôi dập dềnh, những cánh hoa phơn phớt tím, rung rinh trong gió. Thỉnh thoảng, vài con thuyền chở đầy hàng hóa xuôi theo dòng nước, vài chiếc xà lan nặng nề chở cát, tưởng như sắp bị dòng sông nuốt chửng. Hai bên bờ sông, dãy dừa nước lao xao, ẩn hiện sau đó là vài nóc nhà. Náo động nhất có lẽ là bến phà. Từng chuyến phà lớn, chở đầy người và xe cộ, hàng hóa chăm chỉ qua lại hai bờ sông. Hai bên bờ, hành khách chờ xuống phà, tiếng người xen lẫn tiếng xe, tạo thành dòng âm thanh ồn ào, náo nhiệt,… Nắng sớm mai lấp lóa như dát vàng mặt nước. Dòng sông vẫn cuồn cuộn chảy đỏ sậm phù sa, mang nặng nghĩa tình của con sông đối với người và đất miền Tây.
Dưới chân Tháp Bà Ponagar, dòng sông Cái hiền hòa chảy ra biển. Hai bên bờ sông, nhà cửa lô nhô. Lác đác, vài cụm dừa mọc choài ra sông, tàu lá lao xao trong gió. Giữa sông, cù lao Hải Đảo rợp bóng dừa như một ốc đảo xanh lục giữa làn nước xanh lam. Cầu Bóng bắc qua sông nườm nượp xe cộ. Dưới chân cầu, nơi con sông đổ ra biển là cầu Cá. Thuyền đi biển sơn hai màu xanh đỏ, đậu san sát gần một mỏm đá nổi lên như hòn non bộ. Vài chiếc tàu máy chạy trên sông. Tiếng còi ô tô gay gắt lẫn tiếng ghe máy chạy ì ầm làm dòng sông ồn ã lên. Nắng trưa bàng bạc lên dòng sông, mặt nước sông như dát một thứ ánh kim xanh biếc màu trời. Con sông, cửa biển và bến thuyền gắn bó bao đời là một trong những cảnh đẹp của thành phố Nha Trang được nhiều người biết đến.
Quê hương em nằm bên bờ sông Đuống hiền hòa. Mỗi sớm mai, mặt sông phẳng lặng như gương. Dòng sông giống hệt dải lụa mềm mại trải dài tít tắp. Thấp thoáng trong sương mù, từng đoàn thuyền đang từ từ rời bến. Phóng tầm mắt ra xa, hai bên bờ sông, những bãi ngô, rặng tre xanh mờ mờ. Từ trên đê nhìn xuống, những dãy thuyền chài neo đậu san sát, đang nổi ánh lửa ban mai. Chỗ bến đò, tiếng cười nói xôn xao, tiếng mái chèo khua nước ven sông, người lên bờ, xuống thuyền nhộn nhịp như mắc cửi. Mặt trời đã lên. Ánh nắng rực rỡ chiếu lấp lánh làm cho dòng sông rạng rỡ giống như người thiếu nữ đầy sức sống. Sông Đuống quê em đẹp như một bức tranh. Dòng sông là người bạn thân thiết gắn bó với tuổi thơ êm đềm của em.