/tmp/iyotx.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương Ngữ văn lớp 11, bài học tác giả – tác phẩm Lưu biệt khi xuất dương trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Phiên âm
Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thuỳ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh liêu nhiên tụng diệc si!
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
Dịch nghĩa
Đã sinh làm kẻ nam nhi thì cũng phải mong có điều lạ,
Há lại để trời đất tự chuyển vần lấy sao!
Giữa khoảng trăm năm này, phải có ta chứ,
Chẳng nhẽ ngàn năm sau lại không có ai (để lại tên tuổi) ư?
Non sông đã chết, sống chỉ nhục,
Thánh hiền đã vắng thì có đọc sách cũng ngu thôi!
Mong đuổi theo ngọn gió dài đi qua biển Đông,
Ngàn đợt sóng bạc cùng bay lên.
Dịch thơ
Làm trai phải lạ ở trên đời,
Há để càn khôn tự chuyển dời.
Trong khoảng trăm năm cần có tớ,
Sau này muôn thuở, há không ai?
Non sông đã chết, sống thêm nhục,
Hiền thánh còn đâu, học cũng hoài!
Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,
Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.
TÔN QUANG PHIỆT dịch
1. Tác giả
– Tên: Phan Bội Châu (1867 – 1940), biệt hiệu chính Sào Nam.
– Quê quán: Làng Đan Nhiễm nay thuộc huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.
– Quá trình hoạt động kháng chiến:
+ Đỗ “Giải Nguyên độc bảng” năm 1900, học giỏi nhưng không ai ra làm quan mà nung nấu cho mình con đường cứu nước theo ý tưởng mới.
+ Là lãnh tụ các phong trào: Duy Tân, Đông Du, Việt Nam Quang Phục Hội.
+ Từ 1905 – 1925: bôn ba hoạt động ở nước ngoài mưu sự phục quốc nhưng việc không thành.
+ Năm 1925: ông bị bắt ở Thượng Hải rồi bị giam lỏng ở Huế cho đến cuối đời.
– Phong cách nghệ thuật:
+ Thơ văn Phan Bội Châu có hình thức cổ điển nhưng vẫn mới mẻ bởi nội dung tuyên truyền và cổ động cách mạng; làm rung động bao trái tim yêu nước bằng những vần thơ sôi sục, nhiệt huyết.
+ Trong vòng mấy chục năm đầu thế kỉ XX, Phan Bội Châu được coi là cây bút xuất sắc của văn thơ cách mạng
– Tác phẩm chính: Việt Nam vong quốc sử, Hải ngoại huyết thư, Ngục trung thư, Trùng Quang tâm sử, Phan Sào Nam văn tập, Phan Bội Châu niên biểu,….
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác: Bài thơ được sáng tác vào năm 1905 trước lúc tác giả sang Nhật Bản tìm một con đường cứu nước mới, ông làm bài thơ này để giã từ bè bạn, đồng chí.
b. Thể loại: Thất ngôn bát cú Đường luật.
c. Phương thức biểu đạt: Biểu cảm.
d. Ý nghĩa nhan đề:
– Xuất dương: Vượt biển đi ra nước ngoài
– Lưu biệt: Một bài thơ để đánh dấu sự ra đi của một người nào đó.
e. Bố cục: 4 phần
– Phần 1 (2 câu đề): Quan niệm mới về chí làm trai và tầm vóc tư thế của con người trong vũ trụ,.
– Phần 2 (2 câu thực): Ý thức cái tôi đầy trách nhiệm trước thời cuộc.
– Phần 3 (2 câu luận): Ý thức được nỗi nhục mất nước, sự lỗi thời của nền học vấn cũ.
– Phần 4 (2 câu kết): Khát vọng hăm hở, dấn thân trên hành trình cứu nước.
f. Giá trị nội dung: Bài thơ khắc họa vẻ đẹp lãng mạn, hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỉ XX, với tư tưởng mới mẻ táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi nổi và khát vọng cháy bỏng trong buổi đầu ra đi tìm đường cứu nước.
g. Giá trị nghệ thuật: Giọng thơ tâm huyết có sức lay động mạnh mẽ, chất lãng mạn toát ra từ nhiệt huyết cách mạng sôi nổi của nhà thơ.
1. Hai câu đề: Quan niệm mới về chí làm trai và tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ
Sinh vi nam tử yếu hi kì,
Khẳng hứa càn khôn tự chuyển di.
– Hi kì: phải lạ → Sống phi thường, hiển hách.
⇒ Khẳng định một lẽ sống đẹp: chí làm trai của con người xưa nay.
– Càn khôn: đất trời + câu hỏi tu từ → Tư thế, tầm vóc lớn lao có thể xoay chuyển cả vũ trụ. ⇒ Lẫm liệt, phi thường.
→ Quan niệm vừa kế thừa truyền thống, vừa mới mẻ, táo bạo.
⇒ Lí tưởng vì nước vì dân.
2. Hai câu thực: Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc.
Ư bách niên trung tu hữu ngã,
Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy.
– Khẳng định dứt khoát tu hữu ngã (cần có tôi): Vai trò của cái tôi trong việc cống hiến cho đời, lưu danh thiên cổ (trăm năm, muôn thuở).
– Khởi thiên tải hậu cánh vô thùy: Khích lệ, động viên thế hệ trẻ hướng đến tương lai.
⇒ Khẳng định ý thức trách nhiệm công dân chính đáng, cao cả, xuất phát từ lòng yêu nước sôi sục, thiết tha.
3. Hai câu luận: Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ.
Giang sơn tử hĩ sinh đồ nhuế,
Hiền thánh lưu nhiên tụng diệc si!
– Mối quan hệ giữa cá nhân với đất nước (nhục – chết).
– Nhận ra rằng sách vở thánh hiền không còn tác dụng gì trong thời cuộc mới của đất nước (nước mất nhà tan).
→ Tư tưởng mới mẻ, táo bạo tiến bộ, tiên phong. → Thái độ phủ nhận gay gắt quyết liệt.
⇒ Lời tự bạch về nỗi đau đớn, xót xa, nỗi tủi nhục mất nước nhưng hé mở con đường cách mạng rửa nhục cho đất nước.
4. Hai câu kết: Tư thế và khát vọng buổi lên đường.
Nguyện trục trường phong Đông hải khứ,
Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.
– Hình ảnh lớn lao, kì vĩ: Vượt biển Đông, cánh gió, muôn trùng sóng bạc.
– Con người “bay lên” tràn ngập cảm hứng lãng mạn, hào hùng.
⇒ Tư thế hăm hở, tự tin, đầy quyết tâm, dạt dào niềm lạc quan vào tương lai tươi sáng và nhiệt huyết thăng hoa của nhà thơ, nhà cách mạng.