/tmp/fplms.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Giải thích câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 7.
Đề bài: Giải thích ý nghĩa của câu tục ngữ Thất bại là mẹ thành công.
I. Mở bài
– Giới thiệu vấn đề cần giải thích
II. Thân bài
1. Giải thích ý nghĩa câu tục ngữ
– Thất bại: không đạt được mong muốn, mục tiêu đề ra
– Thành công: đạt được những mục tiêu, nguyện vọng đã đặt ra
– Mẹ: người thai nghén, sinh thành.
→ Thất bại sinh ra thành công.
2. Giải thích vì sao “Thất bại lại là mẹ thành công”
– Để đạt được mục đích nào đó trong cuộc sống, con người phải trả qua nhiều giai đoạn, giai đoạn khởi đầu thường rất khó khăn.
– Trong cuộc sống, không phải lúc nào con người cũng gặp những thuận lợi.
– Thất bại làm con người trưởng thành hơn, rút ra những kinh nghiệm cần thiết, tìm ra những nguyên nhân thất bại để loại trừ, nhìn ra những điều còn thiếu cho chiến thắng từ đó bổ sung nó, hoàn thiện nó.
– Thất bại giúp rèn luyện sự kiên nhẫn, khiêm tốn, cẩn thận
– Thất bại giúp mài mòn sự tự kiêu, hiếu thắng, kiêu ngạo quá mức ở một số cá nhân
3. Chứng minh trong văn chương, thực tế
– Văn bản “Đừng sợ vấp ngã” (SGK trang 41 – 42) chỉ ra rằng:
+ Vấp ngã là chuyện bình thường
+ Nhiều người nổi tiếng cũng từng vấp ngã, nhưng họ vẫn trở thành người nổi tiếng:
• Oan Đi-xnây: nhà làm phim hoạt hình Mĩ nổi tiếng từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Trước khi sáng tạo nên công viên giải trí khổng lồ, ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần.
• Lu-i Pa-xtơ: nhà khoa học Pháp, người đặt nền móng cho ngành vi sinh vật học cận đại lúc còn học phổ thông cũng chỉ là một học sinh trung bình.
• Lép Tôn-xtôi: Nhà văn Nga vĩ đại trước đó từng bị đình chỉ học đại học vì “vừa không có năng lực, vừa thiếu ý chí học tập”
• Hen-ri Pho – người sáng lập một tập đoàn kinh tế lớn ở Mĩ: thất bại và cháy túi tới năm lần trước khi thành công.
• En-ri-cô Ca-ru-xô: danh ca I-ta-li-a, trước khi nổi tiếng, “từng bị thầy giáo cho là thiếu chất giọng và không thể nào hát được”.
– Tố Hữu viết “Dậy mà đi” để động viên mình và đồng chí đứng lên sau thất bại, vươn lên chiến thắng:
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
……………………………………..
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người
– Bác Hồ nêu cao ý chí và nghị lực vượt lên khó khăn, gian khổ:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.
– Dẫn chứng trong chính cuộc sống của bản thân.
III. Kết bài
– Khẳng định lại vấn đề
Trong cuộc sống, mấy ai là không một lần gặp thất bại. Nhưng có người bị vấp ngã, bị thất bại đã chán nản, bỏ cuộc; có người lại biết đứng dậy, bước tiếp và thành công. Nói về vấn đề này, ông cha ta có câu: “Thất bại là mẹ của thành công”. Câu tục ngữ là sự đúc kết kinh nghiệm của nhân dân ta từ thực tế cuộc sống, đồng thời cũng là lời khuyên hữu ích cho mỗi người trong cuộc sống.
Ngắn gọn và súc tích câu tục ngữ trên đã khẳng định những sai lầm, thất bại chính là nguyên nhân dẫn đến thành công tiếp theo của con người. Theo tôi, câu tục ngữ đã nêu lên một chân lý hoàn toàn đúng đắn.
Chúng ta biết rằng, mỗi người để đạt đến một mục đích nào đó trong cuộc sống thì luôn phải trải qua nhiều giai đoạn. Giai đoạn khởi đầu thường là giai đoạn khó khăn nhất đối với chúng ta, bởi chúng ta sẽ phải bước những bước đi đầu tiên, thậm chí phải thử nghiệm những điều hoàn toàn mới lạ so với kinh nghiệm của chúng ta, không loại trừ cả những rủi ro, mạo hiểm. Do đó, thất bại là điều không ít người tránh khỏi,
Hơn nữa, trong cuộc sống, ai dám tự nhận rằng mình luôn luôn gặp những thuận lợi, êm xuôi, rằng may mắn lúc nào cũng mỉm cười với mình? Thiết nghĩ đó chỉ là điều ảo tưởng, phi thực tế. Cuộc sống đầy những điều bất ngờ, những sự ngẫu nhiên, những khúc rẽ quanh co khó lường, nên nguy cơ thất bại có thể luôn chờ đợi ta ở bất kì chặng đường nào trong cuộc đời chúng ta. Nói như nhà triết học Hy Lạp Xi-xê-rông: “Là con người thì có sai lầm, chỉ có kẻ ngu xuẩn mới cố chấp sai lầm của mình mà thôi”. Hay như V. Lênin đã nói: “Chỉ có ai không làm gì cả thì mới không mắc sai lầm”.
Khẳng định “Thất bại là mẹ của thành công” còn bởi lẽ sau mỗi lần vấp ngã hay thất bại, mỗi chúng ta có thể rút ra bài học kinh nghiệm cho bản thân những nguyên nhân nào dẫn đến thất bại, làm thế nào để tránh thất bại… Có thể nói, sau những va vấp đó, ta sẽ trưởng thành hơn, sẽ nhận được những bài học từ cuộc sống và vốn sống, vốn kinh nghiệm mà ta tích lũy và rút kinh nghiệm bản thân thì mặc dù “cái giá” mà họ phải trả cho những thất bại đó có thể là khá “đắt”, nhưng bù lại, họ đã nhận biết được cái nào đúng, cái nào sai, làm thế nào là hợp lý; và chắc chắn trên bước đường đi tiếp, họ sẽ tránh không đi vào những sai lầm mà mình đã từng trải qua đó nữa.
Thực tế đã chứng minh tính đúng đắn của câu tục ngữ này. Một đứa trẻ mới chập chững tập đi lúc đầu chắc chắn sẽ bị vấp ngã nhiều lần, nhưng nếu bé vịn giường, đứng lên đi tiếp thì chân bé sẽ cứng cáp hơn, bàn chân đặt trên mặt đất sẽ vững vàng hơn, và dần dần, bé sẽ đi vững và nhanh hơn.
Trên thế giới cũng có không ít tấm gương của các nhà khoa học, nhà kinh tế lớn đã thất bại nhiều lần mới có thể thành công và trở nên nổi tiếng. Nhà khoa học Pháp, Louis Pasteur cũng chỉ là một học sinh trung bình về môn Hóa trong trường phổ thông (xếp thứ 15/22 học sinh của lớp), vậy mà sau này trở thành người đặt nền móng cho ngành vi sinh vật học cận đại. Còn ca sĩ ô-pê-ra nổi tiếng người Ý, Enrico Caruso từng bị thầy giáo cho là thiếu chất giọng và không thể nào hát được. Như vậy, có thể nói, với những nhân vật nổi tiếng đó, thất bại không làm cho họ bị chùn bước mà trái lại là động lực đẩy họ bước tiếp đến thành công.
Nhìn vào cuộc sống ở quanh ta, có thể thấy hiện nay vẫn tồn tại không ít những người tự ti, thiếu lạc quan, dễ chán nản trong cuộc sống. Một nữ sinh lớp 12 tự tử vì thi trượt đại học, một người vợ tự tử vì chồng ngoại tình, một cô gái chết đi vì một lần lầm lỡ… đó là những con người không dám sống, không can đảm đối mặt với những thất bại của mình. Cái chết của họ thật vô nghĩa và chỉ để lại nỗi đau cho gia đình và người thân.
Vậy nên, yếu tố quan trọng để con người có thể gặt hái được thành công sau thất bại, đó là sự tự nhận thức và ý thức cao của con người; là ý chí, nghị lực vươn lên trong cuộc sống; là lòng kiên trì, can đảm đối mặt với thử thách và chiến thắng nỗi sợ hãi của chính mình để tiếp tục tiến lên. Đúng như Lênin đã nói: “Người thông minh không phải là người không mắc sai lầm mà là người phạm sai lầm không trầm trọng và biết mau chóng sửa chữa nó”. Ta cũng hiểu rằng: “Lòng can đảm của một người không phải là dám chết mà là dám sống”.
Như vậy, câu tục ngữ “Thất bại là mẹ của thành công” thật chí lý và hữu ích, không phải cho một đối tượng nào, mà là cho tất cả chúng ta, cho những người đã, đang và sẽ đối mặt với những chông gai, gian khó trong cuộc sống. Ai đó đã nói: “Cuộc sống này không có thất bại, có chăng chỉ là cách chúng ta nhìn nhận mọi việc mà thôi”. Hy vọng rằng mỗi người trong chúng ta sẽ có cách nhìn nhận về thành và bại một cách cởi mở hơn, lạc quan hơn khi hướng về tương lai.
Không có con đường nào đến với thành công mà không phải trải qua sự thất bại. Bởi vậy mà câu “Thất bại là mẹ thành công” chính là một lời khuyên quý giá dành cho mỗi con người trong cuộc sống.
Thành công, đơn giản là khi bạn đạt được mọi mong muốn của bản thân. Mỗi người khác nhau có một định nghĩa khác nhau về thành công. Có người cho rằng có một công việc ổn định là thành công, có người cho rằng có một gia đình hạnh phúc là thành công nhưng cũng có người cho rằng có thể sống tự do tự tại là thành công. Con thất bại thì ngược lại, đó là khi chúng ta không thể đạt được mục tiêu, ước mơ của bản thân. Với từ “mẹ” – thành công và thất bại đã được đặt trong mối quan hệ gắn bó. Có thất bại thì mới có thành công. Nhờ có thất bại đã dạy cho con người kinh nghiệm quý giá, để tiến tới thành công.
Con người muốn đạt được thành công cần có bản lĩnh kiên cường. Bởi những mục tiêu, ước mơ luôn đặt ra những thử thách. Con đường không bằng phẳng, mà luôn thử thách chúng ta bằng những “mũi gai nhọn”. Có lẽ tất cả những người đạt được thành công đều đã từng phải nhận sự thất bại. Nhưng mỗi người lại có một cách đối mặt khác nhau. Có người sợ hãi, lùi bước và không dám tiếp tục sẽ chỉ chìm đắm trong thất bại. Có người dám vượt qua, bước tiếp và rút kinh nghiệm sẽ nhanh chóng đến đích.
Văn bản “Đừng sợ vấp ngã” (SGK trang 41 – 42) chỉ ra rằng: vấp ngã là chuyện bình thường. Nhiều người nổi tiếng cũng từng thất bại, nhưng họ vẫn trở thành người nổi tiếng. Điển hình trong số đó phải kể đến Oan Đi-xnây – nhà làm phim hoạt hình Mĩ nổi tiếng. Ông từng bị tòa báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Trước khi sáng tạo nên công viên giải trí khổng lồ, ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần. Lu-i Pa-xtơ – nhà khoa học Pháp, người đặt nền móng cho ngành vi sinh vật học cận đại lúc còn học phổ thông cũng chỉ là một học sinh trung bình. Lép Tôn-xtôi – nhà văn Nga vĩ đại trước đó từng bị đình chỉ học đại học vì “vừa không có năng lực, vừa thiếu ý chí học tập”. Hen-ri Pho – người sáng lập một tập đoàn kinh tế lớn ở Mĩ: thất bại và cháy túi tới năm lần trước khi thành công. En-ri-cô Ca-ru-xô: danh ca I-ta-li-a, trước khi nổi tiếng, “từng bị thầy giáo cho là thiếu chất giọng và không thể nào hát được”.
Tố Hữu viết “Dậy mà đi” để động viên mình và đồng chí đứng lên sau thất bại, vươn lên chiến thắng:
Ai chiến thắng mà không hề chiến bại
Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần?
……………………………………..
Một lần ngã là một lần bớt dại
Để thêm khôn một chút nữa trong người
Bác Hồ nêu cao ý chí và nghị lực vượt lên khó khăn, gian khổ:
Ví không có cảnh đông tàn
Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân.
Khi ta làm một việc lớn thì khó khăn lại càng lớn. Khó khăn có thể do chủ quan hoặc khách quan gây nên. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được thành công.
Thực tế cuộc sống đã thể hiện điều đó. Vậy xin chớ lo thất bại. Điều đáng sợ hơn là chúng ta bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình. Lời khuyên đó giúp ta vững vàng trong cuộc sống. Chúng ta cần phải rèn luyện ý chí, sự kiên trì ngay từ khi còn nhỏ, cả những việc bình thường trong cuộc sống.
Thất bại luôn có giá trị của thất bại, không phải thất bại nào cũng là tay trắng, thậm chí có thể nói rằng thất bại là một bài học vô cùng quý giá. Tại sao lại nói như vậy? Sau khi vấp ngã, chúng ta học được cách để trưởng thành hơn, trở nên mạnh mẽ hơn trước những sóng gió. Đó chính là điều mà một người chưa từng va vấp , chưa từng trải qua không thể nào có được. Sau vấp ngã, ta đứng dậy và mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Khi thất bại, ta còn có được một kho tàng kinh nghiệm vô cùng quý giá, đó là những kinh nghiệm về những sai lầm để chúng ta không lặp lại nữa, đó là những bí quyết để thành công hơn. Không chỉ vậy, thất bại còn là động lực để chúng ta tiếp tục tìm tòi, học hỏi. Những người có ý chí không dễ dàng chịu đầu hàng. Thất bại khiến niềm kiêu hãnh và lòng tự trọng của họ bị tổn thương. Chính điều đó thúc đẩy họ tìm tòi, học hỏi và làm việc nhiều hơn nữa để thực hiện bằng được công việc của mình.
Nhà bác học Edison là một minh chứng cho việc đứng dậy sau thất bại, để tạo ra chiếc bóng đèn mà ngày nay chúng ta đang thắp sáng, Edison đã trải qua hàng nghìn thí nghiệm thất bại.Nếu không đủ kiên trì kiên nhẫn thì làm sao có đủ động lực đứng lên sau hàng trăm lần thất bại như vậy không. Chính những thất bại đó đã sinh ra thành công quý giá đó. Đó chính là những minh chứng cho câu tục ngữ: Thất bại là mẹ thành công”.
“Thất bại là mẹ thành công”.Thật vậy! Trong thực tế, để có được thành công, không ai không từng trải qua thất bại, không ai giành được thành công lớn ngay từ đầu. Để có được điểm mười tuyệt đối, chắc hẳn bạn đã làm sai dạng đó một vài lần. Trước khi cho ra đời những con tiện đẹp mắt, chắc chắn người thợ tiện cũng đã nhiều lần bị trầy xước ở bàn tay và tạo ra những con tiện có hình thù méo mó, sai kích thước.
Những bậc vĩ nhân trên thế giới cũng vậy. A. Nô-ben từng làm nổ phòng thí nghiệm vài lần trước khi chế tạo ra được loại thuốc nổ mà nhân loại đang có. Lu-I Patx-tơ cũng đã vài lần thất bại trước khi tìm ra loại vắc xin phòng chống bệnh dại. Hay như A. Anhxtanh, bộ óc vĩ đại nhất của thế kỉ XX, thở nhỏ ông lại bị coi là chậm phát triển do thành tích học tập quá tệ.
Nhưng với tất cả mọi người, dù là người thường hay những bậc vĩ nhân, điều quan trọng là sau những thất bại, chúng ta nhìn thẳng vào đó để tìm nguyên nhân và rút ra những bài học quý giá. Những kinh nghiệm ấy vô cùng quý báu, nó là tri thức cho những lần thực hành sau giúp ta thực hành thành công.
Khác nhau giữa người thành công và người thất bại, người thành công biết đứng dậy sau thất bại, còn người thất bại gục ngã sau thất bại. Cuộc sống là muôn vàn khó khăn vất vả. Nếu không có ý chí thì dễ dàng bị đào thải và chìm đắm trong thất bại. Khi gặp khó khăn, thất bại mà ngã lòng thì chắc chắn sẽ thất bại hoàn toàn, mất hết ý chí, ảnh hưởng đến công việc và cuộc đời. Ngược lại, nếu vững vàng, lấy thất bại làm bài học để rút kinh nghiệm thì ý chí vững vàng, kinh nghiệm dày dặn hơn, tiếp tục vươn lên và đạt được nhiều thành công hơn. Đó chính là ý nghĩa mà câu “Thất bại là mẹ thành công”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” dạy chúng ta.
Câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công” là một bài học quý giá cho tất cả chúng ta. Trên con đường lập nghiệp, đầy rẫy những khó khăn thử thách, phải có ý chí, bền vững chắc lòng thì mới biến thất bại trở thành động lực của thành công. Sau thất bại, ta đứng dậy và trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
Chặng đường nào trải bước trên hoa hồng
Bàn chân cũng thấm đau vì những mũi gai
Đường vinh quang đi qua muôn ngàn sóng gió
Lời hứa ghi trong tim mình
Vẫn bước đi hiên ngang đầu ngẩng cao
Và con tim ta đã ước nguyện cùng nhau mãi mãi
Niềm vinh quang ta chia sẻ cùng nhau…”
Đó là những lời trong bài hát “Đường đến ngày vinh quang” của cố nhạc sĩ Trần Lập. Quả thật có thành công nào mà không phải nếm trải mùi vị của sự thất bại. Điều ấy cũng được thể hiện trong câu tục ngữ: “Thất bại là mẹ thành công”.
Trước hết, câu tục ngữ sử dụng hai khái niệm đối lập nhau: “thất bại – thành công”, được đặt trong một mối quan hệ gắn bó qua từ “mẹ”. Cần phải hiểu thất bại là lần vấp ngã, khó khăn trong công việc và cuộc sống. Đó là khi ta đặt ra một mục tiêu nhưng lại không thể thực hiện được. Còn thành công là khi con người đạt được những kết quả theo ý muốn trong học tập, công việc hay cuộc sống. Người thành công luôn nhận được sự ngưỡng mộ và kính trọng của người khác. Còn người thất bại thì ngược lại. Vậy tại sao “thất bại” lại là “mẹ của thành công”. Đơn giản là khi thất bại, con người sẽ biết rút ra những bài học quý báu, từ đó có được kinh nghiệm để tránh mắc phải những sai lầm. Sau mỗi lần thất bại, con người trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn và hoàn thiện bản thân mình hơn. Từ đó, con đường đến với thành công sẽ dễ dàng hơn. Thất bại cũng giống như người mẹ – dạy dỗ cho con người những bài học để có thể trưởng thành – đạt được thành công.
Trong đời mỗi người, không ai là chưa từng thất bại. Có người lựa chọn trốn tránh hay chấp nhận thất bại. Những người như vậy chắc chắn sẽ không thể đạt được thành công. Nhưng có người lại dám dũng cảm đối mặt với thất bại. Họ biết nhìn nhận lại bản thân, tìm ra sai lầm và rút kinh nghiệm. Thành công chẳng đến một cách dễ dàng nhưng nếu con người luôn kiên trì, nó sẽ chờ đợi bạn ở cuối con đường. Đó chính là thái độ mà câu tục ngữ này muốn khuyên nhủ đến con người.
Chắc hẳn tuổi thơ của con người không ai là không biết đến những bộ phim hoạt hình của hãng phim Walt Disney. Nhưng có lẽ ít ai quan tâm đến cuộc đời của ông chủ hãng phim này. Walt Disney – ông chủ của hãng phim này đã từng chia sẻ về thất bại trong cuộc đời mình. Ông từng bị đuổi việc khỏi Kansas City Star chỉ vì “Ông thiếu trí tưởng tượng và không có những ý tưởng tốt”. Công ty Laugh-O-Gram animation studio của ông phải đối mặt với việc bị phá sản. Ông đã phải trải qua rất nhiều khó khăn trước khi thành lập được công ty Walt Disney – công ty đã đem đến lợi nhuận hàng tỷ đô mỗi năm cho ông. Gần gũi nhất với nhân dân Việt Nam, có lẽ chính là Bác Hồ – vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam. Người đã từng bôn ba suốt ba mươi năm ở nước ngoài, từng làm đủ các nghề để kiếm sống. Cũng như từng nhiều lần bị bắt khi hoạt động cách mạng. Nhưng cuối cùng bằng lòng yêu nước, nghị lực phi thường, sự kiên trì không ngại khó khăn và việc rút kinh nghiệm từ những sai lầm của thế hệ đi trước, Bác Hồ đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn cho nhân dân ta. Để từ đó, dân tộc ta đã đấu tranh và giành lại độc lập dân tộc.
Đối với một học sinh, cần phải có được thái độ đúng đắn khi gặp phải những khó khăn trong học tập: “Thắng không kiêu, bại không nản”. Chúng ta hãy luôn kiên trì vượt qua mọi khó khăn, dũng cảm đối đầu với thử thách mới có thể gặt hái được những “trái ngọt” của thành công.
Quả là câu tục ngữ “Thất bại là mẹ thành công” đã gửi gắm bài học sâu sắc. Chính vì vậy, mỗi người hãy ghi nhớ bài học đó trên hành trình tìm đến với thành công của mình.
Có ai đó đã từng nói rằng: “Muốn thành công thì khao khát thành công phải lớn hơn nỗi sợ bị thất bại”. Bởi vậy mới có câu “Thất bại là mẹ thành công” để nhắc nhở thế hệ sâu bài học về sự thành công cuộc sống.
Không có một định nghĩa nào cố định về thành công. Nhưng nếu hiểu theo cách đơn giản nhất, “thành công” là khi con người đạt được những mong muốn của bản thân, đạt được mục tiêu đã đề ra hay hoàn thành tốt công việc được giao phó… Còn “thất bại” là khi vấp phải khó khó khăn, thử thách để rồi không đạt được những điều mà chúng ta mong muốn. Còn “mẹ” là người đã sinh ra mỗi người, nuôi dưỡng và dạy dỗ chúng ta. Thành công và thất bại được đặt trong một mối quan hệ gắn bó nhờ từ “mẹ”. Qua đó câu tục ngữ khẳng định rằng, thất bại đã dạy cho con người những bài học quý giá. Sau khi trải qua thất bại con người sẽ rút kinh nghiệm từ đó, nỗ lực hơn trước để tiếp tục chinh phục đích đến của sự thành công.
Hành trình đến với thành công chẳng bao giờ là điều dễ dàng. Bởi vậy mà con người luôn phải nỗ lực rèn luyện để đạt được điều đó. Nhưng có đôi khi, chúng ta phải đối mặt với thất bại. Dù vậy, thì cách đối mặt với thất bại vẫn là điều quan trọng nhất. Có lẽ không ai quên được cái tên Thomas Edison. Với khoảng 1.093 bằng sáng chế mang tên mình, Thomas Edison được mệnh danh là nhà phát minh vĩ đại nhất mọi thời đại. Các phát minh của ông thực sự đã làm thay đổi lịch sử toàn nhân loại. Tuy nhiên, có mấy ai biết được rằng thuở còn đi học, các giáo viên dạy Edison đã cho rằng ông “quá ngu ngốc nên không thể học bất cứ điều gì”. Ông đã trải qua giai đoạn trưởng thành nhờ sự dạy dỗ của người mẹ. Khi nghiên cứu để phát minh ra chiếc bóng đèn – một phát minh đã làm thay đổi cả thế giới loài người. Thomas Edison đã làm thí nghiệm thất bại đến 10.000 lần. Chiếc bóng đèn mà Thomas Edison tạo ra được thắp sáng bằng chính sự kiên trì, cố gắng không mệt mỏi và đam mê với công việc của ông. Ông từng nói rằng: “Rất nhiều thất bại trong cuộc sống đều do người ta không nhận ra rằng họ đã gần với sự thành công tới chừng nào và họ chấp nhận từ bỏ công việc của mình”. Trở về với Việt Nam, Trịnh Long Vũ – một MC nổi tiếng của gameshow chiếc nón kỳ diệu, anh là một tấm gương sáng cho chân lý “nếu theo đuổi đam mê, thành công sẽ theo đuổi bạn”.
Bản thân mỗi người khi đạt được thành công đều phải luôn cố gắng trau dồi, rèn luyện bản thân để chinh phục được mục tiêu mà mình đã đặt ra. Không chỉ vậy, chẳng có thành công nào là mãi mãi nên khi đạt được thành công chúng ta không nên tự thỏa hiệp mà dễ dàng ngủ quên trên chiến thắng của ngày hôm qua.
Như vậy, thất bại và thành công luôn có mối quan hệ với nhau. “Thất bại là mẹ thành công” – một lời khuyên sâu sắc, ý nghĩa dành cho mỗi con người.