/tmp/eeftt.jpg
Bài văn Giải thích bài ca dao Rủ nhau xuống bể mò cua … gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
Đề bài:
"Rủ nhau xuống bể mò cua Đem về nấu quả mơ chua trên rừng Em ơi chua ngọt đã từng Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau"
Em hãy giải thích ý nghĩa của bài ca dao trên, để thấy rõ lối sống tình nghĩa của nhân dân ta.
Trong nhịp sống ồn ào hiện thời, có lẽ chúng ta đã quen với những âm thanh sôi động hối hả của các loại nhạc pop, rock… mà cứ tưởng như tâm hồn ta được nuôi dưỡng, được lớn lên từ những khúc nhạc hiện đại này. Trong đời bạn, đã bao giờ bạn đọc đi đọc lại để suy ngẫm về ý nghĩa của một bài ca dao nào đó để những âm hưởng ngọt ngào, dịu nhẹ lắng đọng trong tâm hồn? Nơi đó là cội nguồn và bản sắc làm nên vẻ đẹp độc đáo cho văn học, cho âm nhạc của dân tộc mình. Cũng không cần phải tìm kiếm ở đâu xa lạ, ta hãy đến với sự kì diệu của thơ, của ngôn ngữ, của nhạc điệu trong bài ca dao sau:
Rủ nhau xuống bể mò cua, Đem về nấu quả mơ chua trên rừng. Em ơi chua ngọt đã từng, Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.
Tìm hiểu sâu ý nghĩa của bài ca dao, ta mới cảm nhận được hết sự mộc mạc chân chất và tinh tế trong tâm hồn dân tộc.
Để hiểu rõ ý nghĩa ẩn chứa trong bài ca dao, ta cần nắm được nội dung của bài. Phải chăng đây là một lời tâm tình, nhắn nhủ của người xưa về lòng chung thủy. Lòng chung thủy là biểu hiện cao nhất, đẹp đẽ nhất trong đạo lí làm người. Tác giả dân gian đã dùng hình ảnh ẩn dụ để nói về cuộc sống mà nơi đây có hai con người đã gắn bó với nhau trong gian khổ, trong sung sướng.
Rừng, bể là những nơi thường xảy ra bão táp, sóng gió, luôn có mối nguy hiểm rình rập con người. Họ cùng rủ nhau xuống bể, cùng đem về, từ ngữ mang ý nghĩa thật hàm súc mà bình dị. Nó giúp ta hình dung được đây là một cuộc sống hạnh phúc. Hai con người gắn bó cùng nhau, đi đâu cũng có nhau, cùng trải qua bao vui buồn sướng khổ. Họ đã từng trải qua những gian khó, lúc lên thác xuống ghềnh, luôn có nhau. Thực tế đã chứng minh tấm lòng chung thủy của họ:
Rủ nhau xuống bể mò cua, Đem về nấu quả mơ chua trên rừng.
Đôi lứa ở đây đang sống trong vị ngọt của tình yêu, tuy rằng vẫn còn đó những vị đắng của cuộc đời. Ở hai câu sau, ta gặp hai cụm từ non xanh, nước bạc. Khi nói về non và nước, chúng ta thường liên tưởng đến sự vĩnh hằng của thiên nhiên. Nhưng ở đây non xanh, nước bạc chỉ sự đổi thay.
Từ câu ca dao này, ta hiểu được rằng cuộc sống dù có nhiều đổi thay, nhưng cuối cùng người ta vẫn hướng về sự thủy chung, gắn bó. Trái tim không tự đếm nhịp đập của mình, nhưng ta có thể đo được tần số nhịp đập cùa trái tim khi ta muốn tìm hiểu về nó. Cũng như khi sáng tác bài ca dao, tác giả dân gian có lẽ cũng không trải qua quá trình giải thích, phân tích tình cảm của mình. Nhưng ta tìm hiểu ý nghĩa của bài ca dao để không mơ hồ, không thờ ơ với những lời nói như gan ruột của người xưa gửi gắm trong ca dao. Có lẽ ít khi ta dừng lại để ngẫm nghĩ rằng mình đã và đang sống như thế nào. Nhưng khi đọc bài ca dao, ta thấy được lòng chung thủy, sự gắn bó trong tình người. Đó là sức mạnh giúp con người có thể vượt qua mọi gian khổ để đi tới hạnh phúc, và khi đạt được hạnh phúc cần có ý thức giữ gìn.
Tôi thường liên tưởng đến một ý thơ của nhà thơ Chế Lan Viên:
Hãy biết ơn vị muối của đời cho thơ chất mặn.
Phải chăng vị muối làm nên chất mặn cho ca dao đó là cuộc sống với bao đắng cay nhọc nhằn của người lao động và trong cuộc sống đó, tâm hồn của họ luôn lấp lánh một tình yêu cuộc sống. Có lẽ lớn lao hơn hết là những lời nhắn nhủ sâu thẳm của người xưa về đạo lí, nghĩa tình. Đến bây giờ và mãi mãi về sau, ta còn cảm nhận được sức ngân vang đến vô cùng của những vần thơ dân dã.