/tmp/qubkh.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả – tác phẩm Đoàn thuyền đánh cá trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Bài thơ đã khắc họa nhiều hình ảnh tráng lệ, thể hiện sự hài hòa giữa thiên nhiên và con người lao động, bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước đất nước và cuộc sống.
1. Tác giả
– Huy Cận (1919 – 2005) tên đầy đủ là Cù Huy Cận.
– Quê quán: Làng Ân Phú – huyện Dụ Quang – tỉnh Hà Tĩnh
– Sự nghiệp sáng tác:
+ Huy Cận đã nổi tiếng trong phong trào thơ mới với tập thơ “Lửa thiêng”.
+ Ông tham gia cách mạng từ trước năm 1945 và sau cách mạng tháng Tám từng giữ nhiều trọng trách trong chính quyền cách mạng, đồng thời là một trong một trong những nhà thơ tiêu biểu của nền thơ hiện đại Việt Nam.
+ Huy Cận đã được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (1996)
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
Giữa năm 1958, Huy Cận có một chuyến đi thực tế dài ngày ở vùng mỏ Quảng Ninh. Từ chuyến đi thực tế ấy, hồn thơ Huy Cận thực sự nảy nở dồi dào cảm hứng về thiên nhiên đất nước. Bài thơ được sáng tác trong thời gian ấy và in trong tập “Trời mỗi ngày lại sáng”.
b. Bố cục
– Phần 1 (2 khổ đầu): Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi
– Phần 2 (4 khổ tiếp theo): Cảnh đoàn thuyền đánh trên biển
– Phần 3 (khổ cuối): Hình ảnh đoàn thuyền trở về.
c. Chủ đề
Có hai nguồn cảm hứng bao trùm:
+ Cảm hứng ngợi ca thiên nhiên vũ trụ.
+ Cảm hứng ngợi ca tinh thần lao động hăng say và tư thế làm chủ của người lao động trong cuộc sống mới.
d. Giá trị nội dung
Bài thơ là khúc tráng ca ca ngợi cuộc sống lao động tập thể của người dân chài trong công cuộc xây dựng và tái thiết đất nước, đồng thời bộc lộ niềm vui, niềm tự hào của nhà thơ trước khung cảnh thiên nhiên.
e. Giá trị nghệ thuật
Bài thơ có nhiều sáng tạo trong việc xây dựng hình ảnh bằng liên tưởng, tưởng tượng phong phú, độc đáo, có âm hưởng khỏe khoắn, hào hùng, lạc quan.
1. Cảnh đoàn thuyền đánh cá ra khơi
* Khổ 1:
– Hai câu đầu: Đoàn thuyền ra khơi trong cảnh hoàng hôn
+ Phép so sánh “mặt trời xuống biển” – “hòn lửa” → màu sắc đỏ rực và hình dạng tròn đầy của mặt trời
+ Liên tưởng vũ trụ → ngôi nhà lớn với màn đêm là cánh cửa còn sóng biển là then cài
→ Vũ trụ đang bước vào trạng thái nghỉ ngơi gợi sự bình yên, con người ra khơi vào thời điểm về đêm.
– Hai câu sau: Dân chài cất cao tiếng hát tạo sự khỏe khoắn
+ Người dân chài ra khơi theo một tập thể – “Đoàn thuyền”
+ Từ “lại” → một công việc thường xuyên, quen thuộc của họ, cứ màn đêm buống xuống thì họ lại ra khơi
+ Ẩn dụ “câu hát căng buồm” → câu hát cũng như có sức mạnh góp gió căng buồm đẩy con thuyền ra khơi
→ Con người bắt đầu ra khơi đánh cá với khí thế phơi phới và niềm vui đang chinh phục biển khơi.
* Khổ 2: mong ước đánh nhiều cá và niềm tự hào về sự giàu có của biển.
– “Cá bạc, cá thu” → sự giàu có phong phú của biển.
– So sánh: “cá thu biển đông như đoàn thoi” → từng đàn cá lao trên mặt biển như đoàn thoi mang ánh sáng lấp lánh dệt muôn luồng sáng trên tấm thảm biển.
– Ẩn dụ, nhân hóa “đêm ngày dệt biển” → tạo ra nhiều sắc màu chuyển động.
– Tiếng gọi cá: “đến dệt lưới ta đoàn cá ơi” → vừa là lời gọi vừa là niềm mong ước đánh được nhiều cá, vừa xen cả sự lạc quan tươi vui và tự hào về biển.
2. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trên biển
* Khổ 3: Người dân ra khơi với tư thế, tầm vóc lớn lao
– Nghệ thuật phóng đại “Lướt giữa mây cao với biển bằng” → con thuyền đánh cá vốn nhỏ bé qua cái nhìn của tác giả đã sánh ngang tầm vũ trụ.
– Nghệ thuật ẩn dụ: “lái gió với buồm trăng” → thiên nhiên hòa hợp, cùng con người lao động
→ Các biện pháp nghệ thuật trên làm nổi bật tầm vóc của con người và đoàn thuyền.
– Không khí lao động đang trở nên hứng khởi “Ra đậu dặm xa dò bụng biển” – mặc đêm tối, mặc gió khơi người dân chài vẫn ra khơi dò lồng cá trong lòng biển.
– Ẩn dụ: “Dàn đan thế trận”- cuộc sống đánh cá của người dân chài như một trận chiến đấu ác liệt
→ sự kết hợp giữa hiện thực (đoàn thuyền) với chất lãng mạn (thuyền lái gió, trăng treo trên cánh buồm) tạo nên những vần thơ đẹp và sâu sắc.
* Khổ 4: Cảnh biển đẹp trong đêm
– Liệt kê những loài cá quý của biển: cá nhụ, cá chim, cá đé → sự phong phú và quý giá của biển.
– Nghệ thuật nhân hóa “Cái đuôi e quẫy” + tính từ chỉ màu sắc → lời thơ thêm sinh động
– Phép so sánh “đuôi cá” với “ngọn đuốc” → thú vị, giàu liên tưởng.
– Gọi cá bằng cách gọi rất dịu dàng – “em” → ẩn chứa sự yêu mến với cá và biển cả quê hương.
– “Đêm thở sao lùa nước Hạ Long” → Màn đêm trước biển như một sinh mệnh.
→ Thiên nhiên trên biển đêm rực rỡ sắc màu như một bức tranh sơn mài.
* Khổ 5: Tinh thần lao động hăng say và lòng biết ơn biển
– “Ta hát bài ca gọi cá vào” → Người dân chài biến công việc nặng nhọc thành bài ca vui tươi. Tiếng hát của người dân chài có khả năng kì diệu là gọi cá vào lưới.
→ Bút pháp lãng mạn khi miêu tả giúp cho công việc đánh cá đêm trở nên thơ mộng.
+ Những người dân chài vô cùng biết ơn biển cả: “biển cho ta cá như lòng mẹ”.
+ So sánh: biển – lòng mẹ → rộng lớn, bao la, nhân từ như người mẹ hiền luôn bao bọc, chở che.
→ Lòng tự hào và biết ơn biển.
* Khổ 6: Cảnh thu hoạch cá
– “sao mờ kéo lưới kịp trời sáng” → người dân hăng say thu hoạch cá vào lúc trơi gần sáng.
– “Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng”: công việc trở nên khẩn trương với hi vọng đón chờ chùm cá nặng → hình dung những cánh tay săn chắc, cuồn cuộn, tư thế hiên ngang, làn da nhuộm nắng gió, nhuộm cả vị mặn mòi của biển cả.
– Kéo lưới lên là khi trời đã sáng, bình minh lên là kết thúc công việc đánh cá
→ Bút pháp lãng mạn được sử dung làm nổi bật vẻ thơ mộng khi đã kết thúc công việc đánh cá đêm.
– “Vẩy bạc đuôi vàng lóe rạng đông”: mọi vật đều tràn ngập sức sống
→ Cảnh biển vào lúc mình minh bao la kì vĩ → Đoàn thuyền đang khẩn trương để trở về.
3. Cảnh đoàn thuyền đánh cá trở về
– “Câu hát căng buồm với gió khơi”: gió thổi đưa câu hát của người dân chài bay cao, bay xa trên biển
– “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời”: Đoàn thuyền lướt sóng trở về như đua cùng thời gian để nhanh chóng trở về bến cảng
→ Câu hát lúc trở về say sưa hơn bao giờ hết, vì một đêm lao động vất vả đã được đền đáp một cách xứng đáng.
– “Mặt trời đội biển nhô màu mới”: niềm hi vọng, sự ngợi ca cuộc sống mới. Người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, được làm chủ cuộc sống của mình.
– Từ láy “huy hoàng” → ánh sáng huy hoàng của niềm vui, niềm tin vào một cuộc đời tốt đẹp.
→ Vẻ đẹp của con người, thiên nhiên hòa hợp nhuần nhuyễn thành vẻ đẹp thực sự tráng lệ
Nếu trước cách mạng, Huy Cận đi tìm nỗi buồn rơi rải rác để kết thành những trang thơ âu sầu ảo não, thì sau cách mạng cái tôi Huy Cận đã hòa nhập hơn với cuộc sống, nguồn thơ ông trở nên tươi vui, tràn đầy không khí của thời kì xã hội đổi mới, “Đoàn thuyền đánh cá” chính là những câu thơ thể hiện đậm nét sự lột xác trong hồn thơ ông.
“Mặt trời xuống biển như hòn lửa.
Sóng đã cài then, đêm sập cửa.
Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,
Câu hát căng buồm cùng gió khơi”
Không gian hoàng hôn rực rỡ mà cũng diễm lệ như một bức tranh thủy mặc. Trên nền của bức tranh ấy là hình ảnh mặt trời như khói lửa đỏ rực khổng lồ đang từ từ lặn xuống để đi vào thế nghỉ ngơi. Cách so sánh của Huy Cận khiến cho hình ảnh mặt trời trở nên đẹp, hùng vĩ tráng lệ, khối lửa nóng đỏ rực giống như khí thế hừng hực của đoàn thuyền đánh cá ra khơi. Đại dương bao la bỗng trở thành bến đỗ bình yên, giang tay đón những người con của biển trên hành trình vượt biển xa xăm. Biện pháp nhân hóa khiến cho hình ảnh vũ trụ rộng lớn trở nên gần gũi. Nó không còn là nỗi ám ảnh không gian với nỗi sầu thiên cổ mà bình dị hơn, mộc mạc hơn, hòa vào cuộc sống của người dân lao động. Đoàn thuyền đánh cá “lại” ra khơi, từ “lại” phần nào nhấn mạnh: hành trình của những người lao động là cuộc hành trình dài, thường xuyên, đồng thời cho thấy khát vọng chinh phục đại dương thẳm sâu, mãnh liệt của họ. Cánh buồm no gió cho ta thấy không khí rạo rực, hăng say lao động của người dân trong thời kỳ đổi mới. Cánh buồm ấy thắm đượm tình yêu lao động, và cũng đầy niềm tự hào về sự giàu có của đại dương bao la:
“Hát rằng: Cá bạc biển Đông lặng
Cá thu biển Đông như đoàn thoi
Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.
Đến dệt lưới ta, đàn cá ơi!”
Thuyền ta lái gió với buồm trăng
Lướt giữa mây cao với biển bằng,
Ra đậu dặm xa dò bụng biển,
Dàn đan thế trận lưới vây giăng”.
Những người dân lao động căng buồm ra khơi, đánh cá, không đơn thuần chỉ là công việc lao động chân tay nặng nhọc mà thấm đẫm lời ca tiếng hát reo vui, như một khúc hùng ca rạo rực. Công cuộc lao động ấy không chỉ đòi hỏi sự miệt mài chăm chỉ mà còn đòi hỏi cả trí tuệ. Những người dân lao động không chỉ hăng say trong công việc mà còn đang hòa cùng vẻ đẹp hùng vĩ, thơ mộng của thiên nhiên, biến cuộc hành trình của mình trở thành cuộc hành trình đi tìm cái đẹp, chất thơ nơi đại dương sâu thẳm. Họ như đang tái hiện hình tượng cha ông ta ngày trước, chiến đấu, chinh phục tự nhiên, đào núi lấp biển.
“Sao mờ, kéo lưới kịp trời sáng,
Ta kéo xoăn tay chùm cá nặng.
Vảy bạc đuôi vàng lóe rạng đông,
Lưới xếp buồm lên đón nắng hồng”
Huy Cận đã giúp người đọc phần nào hình dung được vẻ đẹp khỏe khoắn, tráng kiện của người thanh niên trai tráng trong hành trình chinh phục biển khơi. “Kéo xoăn tay chùm cá nặng” là động tác vừa thể hiện sự bền bỉ, cường tráng, mà cũng phần nào thấy được sự nhọc nhằn trong đó. “Chùm cá nặng” là thành quả mà người lao động đạt được trong hành trình chinh phục biển khơi. Thiên nhiên cũng như rạo rực trước khí thế ấy của con người, như muốn đồng điệu cùng với nhịp sống vội vàng, khẩn trương, reo vui ấy khi đoàn thuyền đánh cá trở về:
“Câu hát căng buồm với gió khơi,
Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời.
Mặt trời đội biển nhô màu mới,
Mắt cá huy hoàng muôn dặm phơi”.
Tiếng hát hòa cùng điệu tâm hồn tươi vui, nhịp đập rộn ràng hối hả của con người, khiến cho bức tranh lao động vừa đẹp vừa hùng vĩ mà cũng mang đậm hơi thở của cuộc sống. Tưởng như thiên nhiên với con người đang hòa làm một, không còn thấy sự cô đơn quạnh hiu, đôi ngả giữa thiên nhiên và con người như trong thế giới thơ âu sầu ảo não của Huy Cận trước đó. Tiếng hát ấy là sự cổ vũ của thiên nhiên, là tiếng reo vui của hồn người, cũng là tiếng lòng hối hả, tràn đầy sức sống mới của hồn thơ Huy Cận sau những chặng bế tắc, lạc lối. “Đoàn thuyền chạy đua cùng mặt trời” chính là nhân hóa sức mạnh, vẻ đẹp của những người lao động. Đoàn thuyền đánh cá ra đi khi vũ trụ đã vào thế nghỉ ngơi, trở về khi thiên nhiên đã bừng tỉnh giấc, con người, thiên nhiên cùng hát lên bài ca bất tận về công cuộc lao động, xây dựng, phát triển.
“Đoàn thuyền đánh cá” là bài thơ nhỏ Huy Cận gửi tặng chính Huy Cận của những năm trước cách mạng, cô đơn, chán nản, bế tắc. Nay, cái tôi ấy đã tìm thấy sự thức ngộ, tìm thấy niềm tin vào công cuộc xây dựng cuộc sống mới.