/tmp/qtqnu.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Phân tích hình ảnh người phụ nữ Việt Nam trong văn học trung đại hay nhất gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.
Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại mang vẻ đẹp ở cả ngoại hình lẫn tài năng và nhân cách. Trong tác phẩm của Nguyễn Dữ, nhân vật Vũ Nương đã được tác giả thái độ rất trân trọng khi dành những lời giới thiệu về nàng đầy thiện cảm: “Vũ Thị Thiết, người con gái quê ở Nam Xương, tính đã thùy mị, nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.
Chính vì những nét đẹp đó của Vũ Nương mà Trương Sinh đem lòng yêu mến và “xin với mẹ đem trăm lạng vàng cưới về”. Qua lời giới thiệu của tác giả, có thể cảm nhận được vẻ đẹp của Vũ Nương rất đỗi thuần khiết, trong sáng, nàng xuất hiện như một mẫu hình, mực thước của vẻ đẹp người con gái truyền thống trong quan niệm của dân tộc ta.
Đến với trang thơ của Hồ Xuân Hương, hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại lại được đặc tả bằng những nét vẽ hoàn mĩ, tràn đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Chỉ với hai tình từ “trắng”, “tròn”, nữ sĩ Xuân Hương cũng phác họa một bức chân dung của người phụ nữ với vẻ đẹp viên mãn, đầy đặn. Trong một tác phẩm khác, bà cũng lại một lần nữa tái hiện nét đẹp sáng tươi, trong trắng của người con gái không rõ bao nhiêu tuổi mà cứ thấy ngời lên sắc xuân xanh:
“Hỏi bao nhiêu tuổi hỡi cô mình?
Chị cũng xinh mà em cũng xinh
Đôi lứa như in tờ giấy trắng
Nghìn năm còn mãi cái xuân xanh.”
(“Đề nhị mỹ nhân đồ” – Hồ Xuân Hương)
Khi đề cập tài năng miêu tả vẻ đẹp chân dung, thật thiếu sót nếu không kể đến Nguyễn Du vì thông qua những dòng mở đầu ông viết về hai nhân vật Thúy Vân, Thúy Kiều, thật sự đại thi hào đã để lại trình diện trước mắt người đọc tuyệt phẩm của vẻ đẹp. Vân đã rạng ngời:
“Vân xem trang trọng khác vời
Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang
Hoa cười ngọc thốt đoan trang
Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da”
Kiều lại càng thêm bừng sáng:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà,
So bề tài sắc lại là phần hơn:
Làn thu thủy, nét xuân sơn,
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh.”
Không chỉ đẹp về ngoại hình, nhân vật nữ của văn học trung đại còn đẹp về nhân cách lẫn tài năng, đây mới là những điều khiến nét vẽ về bức chân dung của người phụ nữ trở nên hoàn thiện. Chẳng hạn như trong lời giới thiệu về Vũ Nương, tác giả cũng đã giới thiệu về tính cách của Vũ Nương trước khi nhắc đến “tư dung tốt đẹp” của nàng.
Trong “Bánh trôi nước”, hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại hiện lên với nhân cách về sự son sắt, thủy chung, trước sau như một được thể hiện bằng câu thơ: “Mà em vẫn giữ tấm lòng son”. Và những nét đẹp về những người phụ nữ này cũng thường đi liền với tài năng của họ mà Thúy Kiều chính là một trong những gương mặt đại diện của sự toàn sắc, toàn tài, bao gồm cả cầm, kì, thi, họa:
“Thông minh vốn sẵn tính trời,
Pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm.
Cung thương làu bậc ngũ âm,
Nghề riêng ăn đứt hồ cầm một trương.”
Người phụ nữ chịu nhiều bi kịch, đắng cay của cuộc đời
Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại còn hiện lên với qua bi kịch “hồng nhan bạc phận”. Dù xinh đẹp, tài năng và có những phẩm chất quý giá, thế nhưng họ cũng là nạn nhân của biết bao bi kịch cuộc đời để rồi phải ngậm đắng, nuốt cay. Đó là bi kịch của chế độ xem trọng nam giới, còn nữ nhi xếp vào thứ yếu. Thế nên trong hôn nhân, họ phải chịu sống kiếp làm lẽ và hạnh phúc trọn vẹn đối với họ mà nói dường như chỉ là một định nghĩa quá mong manh.
Họ cũng hiểu, số phận đó không chỉ của riêng một người nào mà là số kiếp chung của tất cả những người phụ nữ khi sống trong xã hội trọng nam, khinh nữ. Họ không trách những người phụ nữ khi chia sớt hạnh phúc của mình, có trách là trách quan niệm của lễ giáo khắc nghiệt:
“Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng
Chém cha cái kiếp lấy chồng chung
Năm chừng mười họa hay chăng chớ
Một tháng đôi lần có cũng không
Cố đấm ăn xôi xôi lại hỏng
Cầm bằng làm mướn mướn không công”
(“Lấy chồng chung” – Hồ Xuân Hương)
Nếu được chồng yêu thương, thì họ lại phải chịu cảnh xa cách, chia lìa bởi hoàn cảnh chiến tranh. Ngày tiễn biệt thấy sao đầy lưu luyến:
“Người lên ngựa, kẻ chia bào
Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san.”
(“Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn)
Với người phụ nữ, khi được sống trong sung túc nhưng hạnh phúc chỉ là những gì chắp vá, tạm bợ thì họ cũng chẳng thiết tha. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại còn hiện lên với người cung nữ trong tác phẩm của Nguyễn Gia Thiều. Dù sống trong nhung lụa nhưng đối với họ đó lại là những tháng ngày vô cùng buồn bã, cô đơn vì sự lạnh lùng, ruồng bỏ của vua. Tuổi xuân của họ cứ hết ngày này qua tháng khác bị chôn vùi trong cung cấm với nỗi hờn tủi, xót xa:
“Một mình đứng tủi ngồi sầu,
Đã than với nguyệt lại rầu với hoa.”
“Hoa này bướm nỡ thờ ơ,
Để gầy bông thắm, để xơ nhị vàng.”
(“Cung oán ngâm” – Nguyễn Gia Thiều)
Và sau khi tiễn người chinh phu trong quyến luyến, người chinh phụ hiện lên với tâm trạng cô đơn, lẻ loi đằng đẵng. Không ai có thể chia sẻ nỗi lòng cùng nàng, trong gian phòng đầy ắp những thổn thức, nhớ thương chỉ còn một ngọn đèn leo lét bầu bạn nhưng cũng không thể giúp nàng khôn nguôi nỗi nhớ:
“Đèn có biết dường bằng chẳng biết
Lòng thiếp riêng bi thiết mà thôi
Buồn rầu nói chẳng nên lời
Hoa đèn kia với bóng người khá thương.”
(“Chinh phụ ngâm” – Đặng Trần Côn)
Người chinh phu có ra đi, nhưng dẫu sao cũng còn có thể hi vọng có ngày trở về cùng người vợ yêu quý trong đoàn viên. Còn Vũ Nương trong truyện “Người con gái Nam Xương”, nàng đã đợi được ngày vợ chồng đoàn tụ sau những ngày dài chồng đi tòng quân nơi xa xứ, nhưng hạnh phúc lại chẳng tày gang khi Trương Sinh lại là một người chồng đa nghi cho tiết hạnh của nàng. Mặc cho Vũ Nương hết lời minh oan nhưng Trương Sinh vẫn sắt đá không hề lay chuyển. Chính vì vậy, vợ chàng phải tìm đến cái chết như một sự chứng giám cho phẩm giá trong sạch của mình.
Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại còn thể hiện qua những lời tự sự về cuộc đời Kiều qua những trang viết của Nguyễn Du, ta càng đau đớn hơn khi nàng phải sống lưu lạc đến tận mười lăm năm trời, tiếc nuối hơn đó là mối tình như hoa như mộng của nàng với Kim Trọng phải chịu cảnh trâm gẫy gương tan. Bi kịch của Kiều là bi kịch được tạo nên bởi sự dồn đuổi của các thế lực độc ác, nhẫn tâm của xã hội nàng sống. Xã hội đầy áp bức, bất công đó đã khiến cho nàng, một người con gái tài sắc vẹn toàn mất đi niềm hạnh phúc mà nàng xứng đáng có được.
Để rồi, sau ngần ấy năm hi sinh vì gia đình, ngần ấy năm tủi nhục, ngày nàng trở về, trong nàng luôn có sự dằn vặt, đau đớn khi nhận hết mọi lỗi lầm phụ bạc người yêu về phía mình. Tình yêu đẹp đẽ một thời tuổi xuân, nay nàng xin chàng hãy xem là duyên “cầm cờ”. Những lời Kiều nói về phận đời của mình với Kim Trọng nghe mà nghẹn ngào, chua xót:
“Thiếp từ ngộ biến đến giờ,
Ong qua, bướm lại, đã thừa xấu xa.
Bấy chầy gió táp mưa sa,
Mấy trăng cũng khuyết, mấy hoa cũng tàn.
Còn chi là cái hồng nhan?
Đã xong thân thế, còn toan nỗi nào?”
Người phụ nữ ý thức về phẩm giá của mình và có khát vọng vươn lên
Dù bị bi kịch cuộc đời bủa vây có những lúc tưởng chừng như không còn lối thoát nhưng ở những người phụ nữ trong văn học trung đại vẫn luôn cho thấy ở họ có một ý thức sâu sắc về phẩm giá của mình cũng như khát vọng vươn lên để có được một cuộc sống tươi sáng hơn. Hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại với vẻ đẹp ấy còn sáng lên qua nàng Kiều trong lần bị đưa đến nhà chứa của Tú Bà, tình cảnh trớ trêu khiến nàng phải sống và chứng kiến cảnh “bướm lả ong lơi”, Kiều đã khóc thương cho bản thân mình:
“Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình mình lại thương mình xót xa.”
Và mặc cho lớp bùn hôi tanh có vùi dập, Kiều vẫn giữ vững tấm lòng sáng trong, tâm hồn thanh khiết:
“Mặc người mưa Sở mây Tần,
Những mình nào biết có xuân là gì.
Đòi phen gió tựa hoa kề,
Nửa rèm tuyết ngậm bốn bề trăng thâu.”
Còn người cung nữ nơi cung cấm, ý thức về thân phận, về phẩm giá đôi khi như có lúc như hóa thành hành động muốn tự tháo cũi sổ lồng để giải thoát cho bản thân:
“Đang tay muốn dứt tơ hồng,
Bực mình muốn đạp tiêu phòng mà ra!”
Đó là ước vọng, mong muốn chính đáng và thông qua hành động ấy, người phụ nữ như đã cất lên tiếng nói phản kháng trước những thế lực tàn nhẫn đã vùi hoa, dập liễu, khiến họ phải sống trong những tháng ngày triền miên đau thương, tủi hổ.
Nhận xét hình ảnh người phụ nữ trong văn học trung đại
Bằng những sáng tác cả về chữ Hán và chữ Nôm, bằng những thể loại đa dạng (truyện, thơ, ngâm khúc…), nghệ thuật khắc họa tâm lí nhân vật, các tác giả đã gửi gắm vào nhân vật của mình niềm thương cảm, chia sẻ với những đớn đau, tủi nhục mà họ phải gánh chịu.
Không chỉ vậy, các nhà văn, nhà thơ còn bày tỏ sự trân trọng những vẻ đẹp quý giá của họ. Đó là vẻ đẹp về cả ngoại hình, tài năng, nhân cách và đặc biệt hơn cả là dù sống trong hoàn cảnh như thế nào, họ vẫn cho thấy ở họ có một ý thức sâu sắc về thân phận của mình và khát vọng vươn lên để có được tự do và hạnh phúc.
Kết bài: Tóm lại, thông qua những nhân vật nữ, các tác giả văn học trung đại đã thể hiện tinh thần nhân đạo sâu sắc, đặc biệt là việc họ quan tâm đến số phận của con người trong hoàn cảnh trớ trêu, nghiệt ngã. Qua hình tượng người phụ nữ, họ đồng thời cũng cất lên tiếng nói tố cáo thế lực tàn bạo chà đạp lên hạnh phúc con người và ca ngợi những vẻ đẹp đạo đức quý giá mà đến mãi muôn đời, thiết nghĩ vẫn sẽ được gìn giữ, trân trọng.
1, Mở bài:
– Giới thiệu về nhân vật phụ nữ trong văn học Trung đại Việt Nam:
– Trong văn học Trung đại từ cuối thế kỉ XVII trở đi, hình tượng người phụ nữ bắt đầu được đưa vào thơ ca, văn xuôi nhiều hơn.
– Qua một số tác phẩm đã học trong chương trình ngữ văn THCS như thơ Hồ Xuân Hương, đoạn trích trong “Chinh phụ ngâm” của Đặng Trần Côn và Đoàn Thị Điểm, 3 đoạn trích trong “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, “Chuyện người con gái Nam Xương” của Nguyễn Dữ, đoạn trích “Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga” của Nguyễn Đình Chiểu cho thấy cụ thể hình ảnh người phụ nữ thời phong kiến; thể hiện nhiều tư tưởng nhân đạo.
2, Thân bài:
a, Vẻ đẹp của người phụ nữ Việt Nam
* Ngoại hình: các tác giả ca ngợi người phụ nữ với những nét đẹp riêng
– Hình ảnh phụ nữ trong thơ Hồ Xuân Hương mang vẻ đẹp phồn thực, khỏe khoắn đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn” (“Bánh trôi nước”).
– Hình ảnh phụ nữ qua ngòi bút của Nguyễn Du hiện lên trang trọng, quý phái: dùng một loạt hình tượng đẹp của thiên nhiên để tả vẻ đẹp của Thúy Vân như mây, tuyết, hoa, ngọc, trăng; tả Thúy Kiều đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đôi mắt trong như nước hồ thu, long mày đẹp như nét núi mùa xuân (đoạn trích “Chị em Thúy Kiều”).
– Trong “Chuyện người con gái Nam Xương”, Vũ Thị Thiết được miêu tả là người “tính đã thùy mị nết na, lại thêm tư dung tốt đẹp”.
⇒ Dù dùng bút pháp ước lệ tượng trưng, ẩn dụ hay chỉ bằng một câu văn ngắn gọn giới thiệu nhân vật, tất cả đều xây dựng những hình ảnh người phụ nữ đẹp, cho thấy sự yêu mến, quý trọng cái đẹp, quý trọng người phụ nữ của các tác giả.
* Tài năng:
– Người phụ nữ trong văn học Trung đại chủ yếu được ca ngợi về tài năng cầm, kì, thi, họa. Nguyễn Du xây dựng hình tượng Thúy Kiều tài sắc vẹn toàn, “pha nghề thi họa đủ mùi ca ngâm”. Đặc biệt là tài đàn của nàng, không chỉ đàn hay, Kiều còn tự viết nên “một thiên bạc mệnh” ai nghe cũng phải xiêu lòng.
– Chính người sáng tác như Hồ Xuân Hương cũng là minh chứng cho tài năng của người phụ nữ không thua kém gì so với đàn ông. Bà từng có những câu thơ khá “ngông” về tài phận của người phụ nữ xưa: “Ví đây đổi phận làm trai được/Thì sự anh hùng há bấy nhiêu” (Bài “Miếu Sầm thái thú”)
⇒ Trong khi miêu tả sắc đẹp và tài năng của người phụ nữ, các tác giả trên cũng thể hiện sự tiếc nuối, thương xót cho sắc đẹp, tài năng ấy không mấy người coi trọng.
* Phẩm hạnh, tâm hồn
– Hình tượng phụ nữ có cốt cách thanh cao, tâm hồn trong sáng: “mai cốt cách, tuyết tinh thần” (Chị em Thúy Kiều), dù trải bao sóng gió cũng vẫn “giữ tấm lòng son” (Bánh trôi nước).
– Hiếu thuận, chung tình:
+ Thúy Kiều vì cha mà bán mình, hi sinh tình cảm riêng tư.
+ Kiều Nguyệt Nga vâng lời cha, không quản đường xa nguy hiểm tới gặp cha để nghe cha thu xếp chuyện lập gia đình: “Làm con đâu dám cãi cha/ Ví dầu ngàn dặm đàng xa cũng đành”.
+ Vũ Nương một lòng chăm sóc mẹ chồng, khi mẹ chồng mất thương xót, lo ma chay như cha mẹ đẻ, một lòng chờ chồng chinh chiến quay về.
+ Người vợ trong “Chinh phụ ngâm khúc” nhớ thương chồng, đau buồn trước cảnh li tán: “Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai”.
– Coi trọng phẩm tiết:
+ Kiều Nguyệt Nga khi bị cướp chặn đường, được Lục Vân Tiên cứu đã tạ ơn “Lâm nguy chẳng gặp giải nguy/ Tiết trăm năm cũng bỏ đi một hồi”.
+ Thúy Kiều khi nhớ tới Kim Trọng cũng tủi hờn vì bản thân đã lâm vào kiếp trôi dạt, bị lừa bán: “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.
+ Vũ Nương khi bị chồng vu oan là không chung thủy, đã tự tử để chứng tỏ phẩm tiết: “Thiếp nếu đoan trang giữ tiết, trinh bạch gìn lòng, vào nước xin làm ngọc Mỵ Nương, xuống đất xin làm cỏ Ngu Mỹ. Nhược bằng lòng chim dạ cá, lừa chồng dối con, dưới xin làm mồi cho cá tôm, trên xin làm cơm cho diều quạ, chẳng những là chịu khắp mọi người phỉ nhổ”.
b, Thân phận người phụ nữ Việt Nam
– Thân phận bé nhỏ bị chà đạp, vùi dập:
+ Số phận long đong lận đận phụ thuộc vào cha mẹ, chồng, con theo quan niệm Tam Tòng thời phong kiến: Hồ Xuân Hương đã thể hiện số phận người phụ nữ gắn gọn qua hai câu “Bảy nổi ba chìm với nước non/ Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn”.
+ Thân phận bé nhỏ bị đồng tiền chi phối, chà đạp: Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh xem như một món hàng để trả giá mua bán, bị bán vào lầu xanh, bị lừa, đánh đập và bị ép trở thành kĩ nữ.
+ Luôn bị nghi ngờ về nhân phẩm: Trương Sinh không tin vợ, không nghe vợ giải thích, dẫn đến cái chết oan của Vũ Nương.
c, Giá trị nhân đạo thể hiện qua hình ảnh người phụ nữ
– Nguyễn Du luôn dự báo sóng gió sẽ tới với Thúy Kiều, các câu thơ luôn cho thấy thái độ thương xót của ông với nhân vật.
– Nguyễn Dữ để Vũ Nương được lập đàn minh oan ở cuối truyện, chi tiết này trong truyện kể dân gian không hề có.
– Nguyễn Đình Chiểu qua xây dựng đoạn hội thoại ngắn giữa Kiều Nguyệt Nga với Lục Vân Tiên cũng cho thấy thái độ trân trọng một cô gái có học thức, lễ tiết.
– Các tác giả còn tố cáo chiến tranh chia rẽ con người, tố cáo thế lực đồng tiền hạ thấp nhân phẩm con người.
3, Kết bài:
– Kết luận về nội dung: việc xây dựng hình tượng người phụ nữ trong thơ ca Trung đại đã góp phần khẳng định vẻ đẹp cả về ngoại hình lẫn tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam lúc bấy giờ; đồng thời cho thấy sự thức thời của các tác giả, cho thấy sự phát triển của cảm hứng nhân đạo trong văn học trung đại (bởi trước đó cảm hứng chủ đạo trong văn học Trung đại là ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, ngợi ca Vua và chế độ phong kiến, ngợi ca người quân tử… hầu như không có tác phẩm về thân phận phụ nữ)
– Kết luận về nghệ thuật: biện pháp nghệ thuật ước lệ tượng trưng được nâng lên một tầm cao mới, thủ pháp miêu tả nội tâm nhân vật phát triển
Nếu như trong các thế kỉ trước chủ nghĩa yêu nước là đề tài chiếm đa phần các sáng tác thì sang đến thế kỉ XVIII, ngòi bút của các tác giả trung đại tập trung về giá trị nhân đạo, với lòng cảm thương sâu sắc số phận của người phụ nữ. Họ – những người phụ nữ hội tụ đầy đủ công – dung – ngôn – hạnh nhưng lại phải chịu số phận hết sức đắng cay. Đó là nàng Kiều của Nguyễn Du, nàng Vũ Nương của Nguyễn Dữ, người phụ nữ trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương. Mỗi nhân vật trữ tình mang một nét riêng, nhưng ở họ đều là hình ảnh tiêu biểu nhất cho số phận cũng như vẻ đẹp người phụ nữ dưới chế độ phong kiến.
Trước hết họ là những người phụ nữ có vẻ đẹp ngoại hình, họ đều là những người phụ nữ xinh đẹp. Là vẻ đẹp khỏe khoắn, rắn rỏi, đầy sức sống: “Thân em vừa trắng lại vừa tròn”. Còn Vũ Nương chỉ được khái quát bằng câu văn rất ngắn: “tính đã thùy mị, nết na lại thêm phần tư dung tốt đẹp”. còn nàng Kiều, được Nguyễn Du ưu ái hơn cả, ông dùng những lời thơ đẹp đẽ nhất, tinh tế nhất để miêu tả vẻ đẹp ngoại hình của nàng:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn
Làn thu thủy nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”.
Nguyễn Du đã lấy những hình ảnh đẹp đẽ nhất của thiên nhiên để miêu tả nàng Kiều, đó là đôi lông mày lá liễu như dáng núi mùa xuân, là đôi mắt có hồn, ẩn chứa trong đó là cả thế giới nội tâm đa dạng, phong phú.
Những người con gái ấy không chỉ là đẹp người mà họ còn đẹp nết, đẹp về tâm hồn tính cách. Nàng Vũ Nương đoan trang, hiền thục, nết na đã khiến cho Trương Sinh cảm mếm về đức hạnh mà dùng trăm lạng vàng để lấy nàng về. Khi về làm dâu, nàng biết chồng có tính hay ghen và phòng ngừa quá sức nên luôn giữ gìn khuôn phép, đúng mực trong cách hành xử để hai vợ chồng không rơi vào cảnh bất hòa. Không chỉ vậy nàng còn là một người con dâu hiếu thảo, mẹ chồng luôn được nàng chăm sóc hết mực, khi bà ốm đau nàng thường dùng những lời nhẹ nhàng khuyên lơn để mẹ cố gắng ăn cháo, uống thuốc. Có mấy ai tạo được mối quan hệ mẹ chồng, nàng dâu tốt đẹp đến thế. Đến khi mẹ chồng chết nàng cũng lo tang ma chu toàn. Hơn thế, nàng còn là một người phụ nữ hết sức đảm đang. Chồng đi ra trận, nàng ở nhà một mình nuôi con, quán xuyến công việc gia đình một cách toàn vẹn nhất. Để con không phải chịu thiếu thốn tình cha, nàng còn tự chỉ vào bóng mình, để bé Đản được sống trọn vẹn trong tình yêu thương của cha mẹ. Có thể thấy Vũ Nương là hiện thân đầy đủ nhất của vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam trong xã hội phong kiến.
Nàng Kiều lại mang trong mình vẻ đẹp của tài năng và tâm hồn rất đỗi nhạy cảm. Tài năng của nàng đủ cầm – kì – thi – họa, tài nào nàng cũng đạt đến độ xuất sắc. Nhưng nổi bật nhất chính là tài đàn, những bản đàn của nàng làm say đắm biết bao người. Cung đàn bạc mệnh ấy vừa cho thấy tâm hồn nhạy cảm, vừa như một dự báo cho số phận tương lai của chính nàng. Không chỉ vậy, trong lúc gia đình gặp nguy biến, nàng đã sẵn sang xả thân bán mình chuộc cha và em:
Rẽ để cho thiếp bán mình chuộc cha
Và ngay cả những ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích nàng vẫn không thôi lo nghĩ cho cha mẹ, tuổi cao sức yếu không có ai chăm sóc: “Xót người tựa cửa hôm mai/ Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ/ Sân Lai biết mấy nắng mưa/ Có khi gốc tử đã vừa người ôm”. Trong trường hợp của Kiều, nàng là người đau khổ nhất, nhưng gạt đi nỗi đau cá nhân, Kiều vẫn một lòng nghĩ về những người thân yêu của mình. Đó là biểu hiện của trái tim nhân hậu, vị tha, bao dung cao cả.
Mặc dù, hội tụ đầy đủ vẻ đẹp về hình thức và tâm hồn, những tưởng những người phụ nữ ấy sẽ được hưởng cuộc sống yên ấm, hạnh phúc. Nhưng không, cả cuộc đời họ là những chuỗi tai ương nối tiếp nhau,. Quả đúng như Nguyễn Du đã từng tổng kết: “Chữ tài liền với chữ tai một vần” hay “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen”.
Người con gái trong bài thơ Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương dù có vẻ đẹp tròn trịa tràn đầy sức sống, có tâm hồn thủy chung, son sắt nhưng cuộc đời lại lênh đênh, phụ thuộc:
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Số phận của nàng Vũ Nương cũng chẳng khác gì cô gái kia. Lấy Trương Sinh không phải vì tình yêu, hơn thế lại có sự phân biệt về đẳng cấp. Ngay từ đầu đã báo hiệu một cuộc hôn nhân không lấy gì làm viên mãn. Khi nàng lấy chồng chưa bao lâu, chưa thỏa tình gối chăn thì chồng nàng bị gọi ra trận. Nàng sống thiếu thốn tình yêu thương lại phải một mình cáng đáng gia đình, nuôi con khôn lớn, chăm mẹ chồng già yếu. Nhưng tất cả nỗi đau về thể xác đó không đau đớn bằng việc Trương Sinh rũ bỏ, vu cho nàng cái tội mà nàng không có. Bị chồng nghi ngờ thất tiết, Vũ Nương đau đớn khôn cùng, và tận cùng của nỗi đau nàng đã lấy cái chết để giải thoát mình và chứng minh sự trong sạch của bản thân. Nàng chết đi, được Linh Phi cứu, sống cuộc đời bất tử song vẫn đầy bất hạnh, bởi tâm hồn nàng vẫn luôn hướng về ngôi nhà nhỏ, nơi có chồng và con nàng. Sống những chuỗi ngày dài, nhớ về quê hương, chẳng phải còn đáng thương hơn gấp bội đó sao.
Số phận nàng Kiều cũng bất hạnh không kém, sau khi bán mình chuộc cha, cuộc đời nàng bước vào mười lăm năm nổi lên, sóng gió. Ngày Mã Giám Sinh đến “Đắn đo cân sắc cân tài” ngã giá, lòng nàng đau như thắt lại “Thềm hoa một bước lệ hoa mấy hàng”. Những giọt nước mắt tủi cho thân phận bọt bèo của chính mình. Những ngày ở lầu Ngưng Bích nàng sống trong cảnh cô đơn, lặng lẽ, nàng nhớ về Kim Trọng – mối tình đầu trong trắng và đau đớn khi đã phụ bạc chàng. Nàng nhớ về cha mẹ, xót thương vì không thể chăm sóc cha mẹ khi họ già yếu. Và đặc biệt là dự cảm của nàng về số phận của mình khi ở lầu Ngưng Bích: “Buồn trông của bể chiều hôm/…/ Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”. Bức tranh khung cảnh dữ dội, gào thét như báo hiệu trước cuộc đời đầy sóng gió của nàng.
Bằng tất cả tình yêu thương và lòng trân trọng, các tác giả đã cho người đọc thấy vẻ đẹp phẩm chất và tâm hồn của người phụ nữ Việt Nam. Nhưng ẩn sau đó còn cho thấy số phận đầy sóng gió bất hạnh. Các tác phẩm vừa giàu giá trị hiện thực, tố cáo xã hội phong kiến đã đẩy con người vào bước đường cùng, cướp đoạt hạnh phúc của họ; đồng thời cũng là tiếng nói nhân đạo, thể hiện niềm cảm thương sâu sắc với người phụ nữ.