/tmp/akowi.jpg
Bài văn Chứng minh văn học dân tộc luôn ca ngợi những ai biết thương người như thể thương thân gồm dàn ý chi tiết, bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
Đề bài: Chứng minh văn học dân tộc luôn ca ngợi những ai biết thương người như thể thương thân và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.
Hoài Thanh đã từng khẳng định: “Nguồn gốc cốt yếu của văn chương chính là lòng yêu thương con người”, xuất phát từ tình yêu thương, rất nhiều tác phẩm văn học đã ra đời. Đó cũng chính là lí do vì sao văn học dân tộc luôn ca ngợi những ai biết thương người như thể thương thân và nghiêm khắc phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn.
Văn học dân tộc luôn ngợi ca những ai “thương người như thể thương thân” tức là văn chương luôn có thái độ đề cao, coi trọng, trân trọng những người biêt quan tâm , yêu thương, đối xử với người khác tốt đẹp như đối với chính bản thân mình. Đây là quan điểm xuyên suốt mà ta có thể tìm thấy trong tất cả các tác phẩm văn chương đề cập tới con người.
Thực tế, trong các tác phẩm văn học, lúc nào ta cũng thấy sự ngợi ca, trân trọng ấy. Ngay từ xưa, trong những câu ca dao, tục ngữ, ông cha ta cũng đã đúc kết chân lí: “Lá lành đùm lá rách” hay:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Trong những câu chuyện cổ tích, luôn có những nhân vật xuất hiện với chức năng giúp đỡ những người khác như ông Tiên, bà Tiên, ông Bụt. Đây là những nhân vật luôn được nhìn nhận với cái nhìn ngưỡng mộ và trân trọng. Thạch Sanh luôn được đề cao, chàng tốt bụng, luôn giúp đỡ mọi người nên cuối cùng có được kết cục tốt đẹp và viên mãn. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người sống suốt đời “vì nước quên mình”, Bác sống cho đất nước, nhân dân. Văn học ngợi ca điều đó nên những vần thơ viết về Bác luôn là những vần thơ ngợi ca:
“Bác sống như trời đất của ta
Yêu từng ngọn lúa mỗi nhành hoa
Tự do cho mỗi đời nô lệ
Sữa để em thơ lụa tặng già”
Văn chương luôn ngợi ca những người hết lòng vì người khác, nhưng đồng thời cũng luôn lên án và phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người gặp hoạn nạn. Lí Thông luôn dửng dưng trước khó khăn mà Thạch Sanh gặp phải, bởi vậy hắn phải chịu kết cục bị biến thành bọ hung. Đọc Sống chết mặc bay của Phạm Duy Tốn, thấm đẫm trong từng trang văn là thái độ phê phán, chán ghét đến tận cùng của tác giả với những tên quan lại và tay sai mải chơi bài bạc, bỏ mặc cảnh lầm than của nhân dân khi chống chọi và đương đầu với lũ lụt, đê vỡ. Trong “Thời thơ ấu” của Nguyên Hồng, tác giả luôn lên án và phê phán người cô dửng dưng thờ ơ chỉ biết gieo vào đầu đứa trẻ sự thù ghét với người mẹ,…Văn chương, xét đến cùng phê phán những người dửng dưng thờ ơ trước khó khăn hoạn nạn như vậy, cũng chính bởi xuất phát từ tình thương yêu con người.
Hiểu rằng văn học ca ngợi, trân trọng và đứng về tình yêu thương, chúng ta cần tiếp nhận tư tưởng của những tác phẩm văn học như thế nào cho đúng đắn? Đối với những tác phẩm nói về những con người giàu tình yêu thương, ta tiếp nhận với thái độ ngợi ca, coi đó là tấm gương để học tập luyện rèn. Còn đối với những nhân vật văn học đại diện cho cái xấu, cái ác, ta tiếp nhận với thái độ phê phán, lên án.
Cần khẳng định chắc chắn rằng văn học đã, đang và sẽ tiếp tục ngợi ca những ai thương người, nhân hậu và cũng sẽ tiếp tục phê phán những kẻ thờ ơ, dửng dưng trước người khó khăn hoạn nạn. Trong cuộc sống, mỗi chúng ta cũng cần có thái độ dứt khoát và rõ ràng như thế để xã hội này, người tốt sẽ ngày càng tốt hơn còn điều xấu, điều ác sẽ không còn nữa.