/tmp/hkauy.jpg
Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người Ngữ văn lớp 7 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 7 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 7.
Câu hỏi: Trong bài ca dao số 1 “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người”, vì sao chàng trai, cô gái lại dùng những địa danh với những đặc điểm (của từng địa danh) như vậy để hỏi – đáp?
Trả lời:
Trong bài 1, chàng trai và cô gái lại dùng những địa danh để hỏi – đáp nhau, vì đây là lời mà các chàng trai và các cô gái hát giao duyên trong chặng hát đố – chặng hát thử tài hiểu biết của nhau về lịch sử, địa lí,…của các vùng miền.
Câu hỏi: Địa danh và cảnh trí trong bài ca dao số 2 “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người” gợi lên cho em điều gì?
Trả lời:
Địa danh và cảnh trí gợi cho người đọc nhớ đến truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc. Đây là địa danh nổi tiếng bậc nhất của chốn kinh kì ngàn năm văn vật, đã đi vào máu thịt tâm hồn của mọi người. Cảnh vừa có hồ (hồ Hoàn Kiếm) vừa có đền (đền Ngọc Sơn) vừa có cầu (cầu Thê Húc) lại vừa có Đài Nghiên, Tháp Bút, một quần thể thiên tạo và nhân tạo hài hòa với nhau, làm cho cảnh không chỉ hữu tình mà còn rất thiêng liêng bởi yếu tố văn hóa và lịch sử. Qua đó gợi tình yêu, niềm tự hào về quê hương đất nước.
Câu hỏi: Em hãy nêu ý hiểu của mình về đại từ “ai” trong bài ca dao số 3 “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người”.
Trả lời:
Đại từ “Ai” trong lời mời, lời nhắn gửi (“Ai vô xứ Huế thì vô”) là một từ phiếm chỉ (đa nghĩa, có thể chỉ trực tiếp người mà tác giả quen nhưng cũng có thể hiểu đó là lời nhắn gửi đến mọi người). Điều đó thể hiện tình yêu, lòng tự hào đối với cảnh đẹp xứ Huế và lời mời gọi mọi người hãy đến thăm xứ Huế đẹp mộng mơ.
Câu hỏi: Bài ca dao số 4 “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người” đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật nào? Nêu tác dụng của việc sử dụng ấy.
Trả lời:
Các biện pháp nghệ thuật: đảo ngữ, điệp ngữ và phép đối xứng giúp cho người đọc như đang đứng trước một cánh đồng không chỉ rộng lớn mà còn rất đẹp và đầy sức sống. Thể hiện sự sống căng nồng, tốt tươi của cánh đồng đang thì con gái.
Đứng bên ni đồng – Đứng bên tê đồng ⇒ Điệp từ và đối
Mênh mông bát ngát – Bát ngát mênh mông ⇒ Đảo ngữ
Câu hỏi: Bài ca dao số 4 “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người” là lời của ai? Người ấy muốn biểu hiện tình cảm gì?
Trả lời:
● Bài 4 là một cách bày tỏ tình cảm của chàng trai đối với cô gái, thông qua việc ca ngợi cánh đồng và vẻ đẹp của đối tượng trữ tình- một vẻ đẹp đầy sức sống, trẻ trung. Bởi vậy, có thể kết luận rằng đây chính là lời của chàng trai. Chàng trai thấy cánh đồng mênh mông bát ngát và thấy cô gái hồn nhiên, trẻ trung, đầy sức sống.
● Nhưng ngoài ra, còn có cách hiểu khác cho rằng đây là lời của cô gái. Trước không gian rộng lớn thì “chẽn lúa đòng đòng” lại trở nên nhỏ nhoi, vô định, nên đó phải chăng còn là tâm trạng lo âu của cô gái, cô không biết số phận của mình sẽ ra sao?
● Dù hiểu theo cách nào, ta cũng thấy được vẻ đẹp, sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên rộng lớn.
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về thể thơ trong bốn bài ca dao “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người”?
Trả lời:
● Cả bốn bài thơ đều sử dụng thể thơ lục bát – sự sáng tạo độc đáo của nhân dân ta. Đặc trưng của thể thơ lục bát là sự cân đối trong thanh bằng trắc, sự đăng đối giữa các tiếng trong câu, và các tiếng giữa các cặp câu với nhau. Chính sự đăng đối, cân bằng ấy đã tạo ra nhịp điệu cho thể thơ, khiến cho thơ lục bát rất giàu nhạc tính. Đồng thời, thể thơ này cũng phù hợp với việc thể hiện cảm xúc, bày tỏ tình cảm của nhân vật trữ tình.
● Cả bốn bài thơ đều sử dụng thể thơ lục bát, đây cũng là dụng ý của tác giả dân gian. Bởi lẽ, tình yêu quê hương, đất nước, con người là tình cảm muôn thuở và thiêng liêng của mỗi dân tộc cho nên, không có thể thơ nào có thể thích hợp với việc bày tỏ cảm xúc thiêng liêng ấy hơn thể lục bát.
● Thêm nữa, văn học dân gian được sáng tạo bởi những người dân lao động, chủ yếu tồn tại theo phương thức truyền miệng nên thơ phải dễ nhớ, dễ thuộc, có vần và nhạc điệu. Những câu ca dao về tình yêu quê hương, đất nước, con người sở dĩ gần gũi, thân thuộc và có sức sống bền bỉ đến tận bây giờ có lẽ cũng là nhờ thế.
Câu hỏi: Tình cảm chung thể hiện trong bốn bài ca dao “Những câu hát về tình yêu quê hương, đất nước, con người” là gì?
Trả lời:
Tình cảm chung trong cả bốn bài ca dao là tình yêu chân chất, tinh tế và lòng tự hào vô hạn của nhân dân đối với con người và quê hương, đất nước. Tình cảm ấy được ẩn đằng sau những câu hỏi, lời đáp, lời mời, lời nhắn gửi và các bức tranh phong cảnh của những mảnh đất, vùng quê trên khắp dải đất hình chữ S này.
Câu hỏi: Tìm thêm những câu ca dao nói về tình yêu quê hương, đất nước.
Trả lời:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba
Dù ai buôn bán gần xa
Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười
Ngày xuân cái én xôn xao
Con công cái bán ra vào chùa Hương
Chim đón lối, vượn đưa đường,
Nam mô đức Phật bốn phương chùa này.
Rủ nhau xem cảnh Kiếm Hồ
Xem cầu Thê Húc, xem chùa Ngọc Sơn
Đài Nghiêng, Tháp Bút chưa mòn
Hỏi ai gây dựng nên non nước này?
Ai về đến huyện Đông Anh,
Ghé xem phong cảnh Loa Thành Thục Vương.
Cổ Loa hình ốc khác thường,
Trải qua năm tháng, nẻo đường còn đây
Bình Định có núi vọng phu,
Có đầm Thị Nại, có cù lao xanh.
Em về Bình Định cùng anh,
Được ăn bí đỏ nấu canh nước dừa
Cần Thơ gạo trắng nước trong,
Ai đi đến đó lòng không muốn về.
Nhất cao là núi Ba Vì,
Thứ ba Tam Đảo, thứ nhì Độc Tôn.
Sâu nhất là sông Bạch Đằng,
Ba lần giặc đến, ba lần giặc tan.
Cao nhất là núi Lam Sơn
Có ông Lê Lợi trong ngàn bước ra.
Bắc Cạn có suối đãi vàng,
Có hồ Ba Bể, có nàng áo xanh.
Phồn hoa thứ nhất Long Thành
Phố giăng mắc cửi, đường quanh bàn cờ.
Hỡi cô thắt lưng bao xanh,
Có về Vạn Phúc với anh thì về.
Vạn Phúc có cội cây đề,
Có sông uốn khúc, có nghề quay tơ.
Kẻ Dầu có quán Đình Thành,
Kẻ Hạc ta có Ba Đình, Ba Voi.
Mười tám cất thuyền xuống bơi,
Mười chín giã bánh, hai mươi rước thần.
Bát Tràng có mái đình cong.
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Trông lên thấy dãy hàng cà
Bánh đúc, bánh đậu, bánh đa, xôi vò
Trông lên thấy dãy thịt bò
Chú bồi, chú khách đợi chờ bán mua
Trông lên thấy dãy hàng cua
Em xách một rỏ, anh mua mấy hào
Trông lên dãy phố Hàng Đào
Miệng chào hớn hở anh vào cùng em.