/tmp/cgdid.jpg
Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Những câu hát châm biếm Ngữ văn lớp 7 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Những câu hát châm biếm này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 7 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 7.
Câu hỏi: “Những câu hát châm biếm” có điểm gì giống với truyện cười dân gian?
Trả lời:
– Những câu hát châm biếm nói trên có điểm tương đồng với truyện cười dân gian ở đối tượng châm biếm và nghệ thuật châm biếm.
– Đối tượng châm biếm của những câu hát châm biếm và truyện cười dân gian là những thói hư tật xấu của các hạng người và sự việc mâu thuẫn, đáng cười trong xã hội.
– Cả truyện cười dân gian và những câu hát châm biếm đều sử dụng các thủ pháp nghệ thuật giống nhau như các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, biện pháp nói ngược, thủ pháp phóng đại,…
Câu hỏi: Bài ca dao số 1 “Những câu hát châm biếm” giới thiệu về “chú tôi” như thế nào? Bài này châm biếm hạng người nào trong xã hội?
Trả lời:
Chân dung của chú tôi:
– Là người nát rượu nghiện ngập (“hay tửu hay tăm”)
– Là người thích hưởng thụ ăn chơi (“hay chè đặc, hay ngủ trưa”)
– Là người lười biếng lao động (“ước ngày mưa, ước đêm thừa”)
Bài ca dao là lời chế giễu những hạng người lười biếng, thích ăn chơi rượu chè. Hạng người này ở thời đại nào cũng có, cần phải lên án và phê phán.
Câu hỏi: Bài ca dao số 2 “Những câu hát châm biếm” nhại lại lời của ai nói với ai? Bài ca này phê phán hiện tượng nào trong xã hội?
Trả lời:
– Đọc bài ca dao số 2 ta nhận thấy: Tác giả dân gian nhại lại lời của thầy bói khi thầy phán cho người đi xem bói. Vì vậy, nó vừa mang tính khách quan lại vừa có tác dụng gây cười và châm biếm rất sâu cay.
– Mặc dù tác giả dân gian không bình luận, nhưng bài ca vẫn toát lên ý nghĩa châm biếm sâu sắc về hiện tượng mê tín dị đoan trong xã hội đối với những hạng người hành nghề mê tín, lợi dụng lòng tin của người khác để lừa bịp kiếm tiền, trong khi bản thân thầy bói cũng dốt nát. Bên cạnh đó, bài ca dao còn châm biếm những kẻ mê tín một cách mù quáng do ít hiểu biết.
Câu hỏi: Việc chọn các con vật để miêu tả, “đóng vai” trong bài ca dao số 3 “Những câu hát châm biếm” lí thú ở điểm nào? Bài ca dao này phê phán, châm biếm cái gì?
Trả lời:
Bài ca dao số 3 có nội dung phê phán châm biếm vừa kín đáo lại rất sâu sắc. Có được điều đó là nhờ vào việc chọn lựa các nhân vật để miêu tả, “đóng vai” rất lí thú ở các điếm sau:
– Làm cho cảnh tượng trở nên sinh động lí thú. Một xã hội loài người được thực hiện ra qua xã hội của loài vật.
– Từng con vật với những đặc điểm riêng đầy sinh động. Nó tiêu biểu cho các hạng người trong xã hội.
– Dùng thế giới loài vật đế ngụ ý nói về con người.
Qua đây, bài ca dao muốn tố cáo, phê phán và châm biếm những hủ tục ma chay trong xã hội cũ. Phê phán hủ tục ma chay vô lí làm khổ người dân.
Câu hỏi: Em có nhận xét gì về nghệ thuật châm biến của bài ca dao số 4 “Những câu hát châm biếm”?
Trả lời:
Nghệ thuật châm biếm:
– Miêu tả có tính chất điểm xuyết.
– Nghệ thuật phóng đại có tác dụng làm cho nhân vật cậu cai càng trở nên nực cười và thảm hại hơn: Ba năm được một chuyến sai, Áo mượn, quần thuê.
– Tác giả dân gian đã khéo léo chọn từ xưng hô là: cậu cai (một từ vừa có tính chất nịnh bợ, vừa có tính chất châm biếm).
Câu hỏi: Nhận xét về sự giống nhau của 4 bài ca dao “Những câu hát châm biếm”.
Trả lời:
– Cả bốn bài đều có nội dung và nghệ thuật châm biếm.
– Nội dung châm biếm của bốn bài ca dao là phơi bày các sự việc mâu thuẫn, phê phán những thói hư, tật xấu của các hạng người khác nhau cùng những sự việc đáng cười trong xã hội: loại người lười biếng, ham chơi, thích hưởng thụ; thói mê tín, dị đoan và những kẻ lợi dụng lòng tin của con người để trục lợi bất chính; những hủ tục lạc hậu khiến người nông dân khổ cực; thói sĩ diện, thích khoe mẽ của con người…
– Nghệ thuật trào lộng dân gian được thể hiện đặc sắc qua các hình ảnh ẩn dụ, tượng trưng, biện pháp nói ngược và phóng đại…
⇒ Vừa tạo nên tiếng cười châm biếm, vừa là sự phê phán nghiêm khắc những thói hư, tật xấu cũng như những sự việc đầy mâu thuẫn, đáng cười trong xã hội đương thời. Điều đó cũng đồng nghĩa với mong muốn những điều đó sẽ được thay đổi trong tương lai.