/tmp/bhidw.jpg
Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Mẹ tôi Ngữ văn lớp 7 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Mẹ tôi này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 7 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 7.
Câu hỏi: Văn bản “Mẹ tôi” được viết theo phương thức biểu đạt nào?
Trả lời:
Phương thức biểu đạt: tự sự kết hợp miêu tả và biểu cảm
Câu hỏi: Văn bản “Mẹ tôi” để lại trong em điều gì thấm thía và sâu sắc?
Trả lời:
Bài học: tình mẫu tử vô cùng thiêng liêng và cao quý đối với mỗi con người chúng ta, người mẹ có vai trò quan trọng trong gia đình vì thế cho nên tình yêu thương, sự kính trọng mẹ là điều cần thiết đối với mỗi người con. Và cần phải biết giữ gìn, trân trọng tình cảm gia đình hạnh phúc ấy.
Câu hỏi: Văn bản “Mẹ tôi” viết về chủ đề gì?
Trả lời:
Văn bản thuộc chủ đề: tình cảm gia đình
Câu hỏi: Văn bản là một bức thư của người bố gửi cho con, nhưng tại sao tác giả lại lấy nhan đề “Mẹ tôi”?
Trả lời:
Văn bản là một bức thư của người bố gửi cho con nhưng tác giả lại lấy nhan đề là “Mẹ tôi” vì:
● Hình thức của văn bản là bức thư của người bố gửi cho con nhưng nội dung mà bức thư đề cập đến lại là người mẹ. Người mẹ là hình ảnh trung tâm của câu chuyện, mang giá trị biểu cảm cho tác phẩm.
● Người bố viết thư vì thái độ vô lễ của con đối với mẹ. Vai trò cao cả và lớn lao của người mẹ là điều mà người bố muốn En-ri-cô hiểu được khi cậu trót vô lễ với mẹ. Vì vậy nhan đề “Mẹ tôi” là hoàn toàn chính xác.
● Thông qua người bố, En-ri-cô sẽ hiểu được một cách khách quan những gian khổ, hi sinh mà người mẹ đã âm thầm, lặng lẽ dành cho đứa con.
Câu hỏi: Thái độ của người bố đối với En-ri-cô đã được thể hiện như thế nào trong văn bản “Mẹ tôi”? Lí do gì đã khiến ông có thái độ ấy?
Trả lời:
Bố của En – ri – cô đã cảm thấy rất buồn bã, tức giận và ông tỏ ra nghiêm khắc với con. Lí do để người bố có thái độ như vậy vì:
● “Bố để ý sáng nay lúc cô giáo đến thăm, khi nói với mẹ, tôi có nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ” và điều đó:
● “Giống như một nhát dao đâm vào tim bố”
● Là một sự xấu hộ, nhục nhã, dấu vết của sự vong ơn bội nghĩa.
⇒ Điều này cho thấy ông là một người bố rất yêu con, xem con cái là niềm hy vọng tha thiết nhất của cuộc đời.
Câu hỏi: Trong văn bản “Mẹ tôi” có những hình ảnh, chi tiết nào nói về người mẹ của En-ri-cô? Qua đó, em hiểu mẹ của En-ri-cô là người như thế nào?
Trả lời:
Những hình ảnh, chi tiết nói về người mẹ:
● “Mẹ đã thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở vì nghĩ rằng có thể mất con”.
● “Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn”.
● “Người mẹ có thể đi ăn xin để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con”.
⇒ Những chi tiết này cho thấy, mẹ En-ri-cô là một người dịu dàng hiền từ, giàu tình thương yêu và đầy trách nhiệm. Một người yêu thương con và có thể làm tất cả vì con. Mẹ En-ri-cô cũng như biết bao nhiêu người mẹ khác, luôn sẵn sàng hi sinh tất cả cho những đứa con yêu.
Câu hỏi: Trong văn bản “Mẹ tôi”, theo em tại sao người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà phải viết thư?
Trả lời:
Người bố không nhắc nhở En-ri-cô trực tiếp mà lựa chọn cách viết thư, vì:
● Nhắc nhở trực tiếp thường rất khó kiềm giữ được sự nóng giận.
● Nhắc nhở trực tiếp khó có thể bày tỏ được những tình cảm sâu sắc và tế nhị. Đồng thời khi viết thư, có thể khiến En-ri-cô có thể đọc và suy ngẫm những lời dạy bảo của cha
● Nhắc nhở trực tiếp có thể khiến người mắc lỗi cảm thấy bị xúc phạm quá lớn vào lòng tự trọng. Từ đó có thể dẫn đến những suy nghĩ tiêu cực ở đứa trẻ, khiến cho những lời nhắc nhở không phát huy được mục đích giáo dục như mong muốn.
⇒ Bởi vậy ông thật thông minh khi tâm sự với con qua lá thư: vừa kín đáo, tế nhị lại vừa có thể bộc lộ tình cảm sâu sắc, chân thành.
Câu hỏi: Em hãy viết đoạn văn về bài học rút ra cho bản thân từ văn bản “Mẹ tôi”.
Trả lời:
Cha mẹ là những người cho chúng ta cuộc sống này. Trải qua bao tháng năm cuộc đời, mẹ không quản ngại mọi gian khó để nuôi dưỡng chúng ta nên người. Vì vậy, hãy suy ngẫm thật kĩ trước khi nói điều gì, không được nói những lời lẽ vô lễ, thiếu tôn trọng cha mẹ. Những lời nói vô tình của chúng ta sẽ khiến mẹ buồn và tổn thương rất nhiều. Cần hiếu thảo, kính trọng và biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Luôn ngoan ngoãn, nghe lời và yêu thương, quan tâm, chăm sóc cha mẹ. Hãy trân trọng những giây phút cha mẹ còn ở bên cạnh mình bởi cuộc đời này rất ngắn. Đừng để nước mắt mẹ cha phải rơi vì những phút giây vô tâm của mình bạn nhé!
Câu hỏi: Em thích nhất chi tiết nào trong văn bản “Mẹ tôi”? Tại sao?
Trả lời:
Văn bản “Mẹ tôi” là một câu chuyện xúc động, đã thức tỉnh những tình cảm yêu thương trong trái tim mỗi người về mẹ. Chi tiết để lại nhiều cảm xúc nhất trong em là lời nói của người bố: “Con hãy nhớ rằng, tình yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó”. Đó là lời nhắc nhở với mỗi chúng ta cần luôn giữ tấm lòng hiếu thảo với cha mẹ. Tình cảm ấy thiêng liêng và bất tử, bởi cha mẹ đã sinh ra ta, vất vả nuôi dưỡng ta nên người. Từng bước đi đầu tiên, từng miếng cơm mẹ bón, từng cái ôm ấm áp khi trời đông lạnh… đều luôn có mẹ cha dõi mắt theo. Vậy khi ta khôn lớn ắt phải có trách nhiệm báo đáp công ơn sinh thành dưỡng dục. Đó cũng chính là truyền thống đạo lí uống nước nhớ nguồn cao đẹp của dân tộc. Kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó, đối xử thiếu lễ độ, coi thường mẹ cha thật đáng xấu hổ và nhục nhã. Thái độ ấy là sự vô ơn, bất hiếu và ngược đãi với đấng sinh thành, cần đáng lên án và phê phán. Vì vậy, cần luôn kính trọng và yêu thương cha mẹ bằng những hành động, lời nói đúng mực, lễ phép. Hãy luôn trân trọng từng phút giây khi được cùng cha mẹ sống trong cuộc đời này!
Câu hỏi: Trình bày giá trị nội dung và nghệ thuật của văn bản “Mẹ tôi”
Trả lời:
Giá trị nội dung:
● Người mẹ luôn có vai trò to lớn và quan trọng trong gia đình và đặc biệt là đối với những đứa con
● Tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý nhất đối với mỗi người. “Con hãy nhớ rằng, tình cảm yêu thương, kính trọng cha mẹ là tình cảm thiêng liêng hơn cả. Thật đáng xấu hổ và nhục nhã cho kẻ nào chà đạp lên tình yêu thương đó.”
Giá trị nghệ thuật:
● Sáng tạo nên hoàn cảnh xảy ra câu chuyện: En-ri-cô mắc lỗi với mẹ.
● Lồng trong câu chuyện một bức thư có nhiều chi tiết khắc họa tận tụy, giàu đức hi sinh, hết lòng vì con.
● Lựa chọn hình thức biểu cảm trực tiếp, có ý nghĩa giáo dục, thể hiện thái độ nghiêm khắc của người cha đối với con.