/tmp/rjpgh.jpg
Trọn bộ câu hỏi ôn tập về bài Tấm cám Ngữ văn lớp 10 chọn lọc, cực hay. Với bộ câu hỏi bài Tấm cám này, học sinh sẽ ôn tập, nắm vững kiến thức môn Ngữ văn 10 để đạt điểm cao trong các bài thi môn Ngữ văn 10.
Câu hỏi: Trong truyện “Tấm Cám”, mâu thuẫn giữa Tấm và mẹ con Cám đã diễn ra như thế nào
Trả lời:
Xung đột truyện: quan hệ dì ghẻ – con chồng, giữa những người chị em cùng cha khác mẹ.
Từ đoạn truyện về chiếc yếm đỏ đến đoạn truyện Tấm đi xem hội: mâu thuẫn vật chất và tinh thần trong cuộc sống.
– Những mâu thuẫn trong gia đình:
+ Tấm bị mẹ con Cám bắt làm việc vất vả
+ Tấm bị lừa trút hết giỏ tép.
+ Mẹ con Cám ăn thịt cá bống
+ Mẹ con Cám đi hội, bắt Tấm ở nhà nhặt thóc trộn với gạo.
– Những mâu thuẫn xã hội (đẳng cấp):
+ Cái chết và sự hóa thân của Tấm (chim vàng anh, hai cây xoan đào, khung cửi, cây, quả thị)
– Diễn biến truyện cho ta hình dung sự phát triển của hai tuyến nhân vật:
+ Tuyến nhân vật phản diện- mẹ con Cám: càng ngày càng tàn nhẫn, độc ác.
+ Tuyến nhân vật Tấm: hành động và phản ứng yếu ớt, trở nên quyết liệt và chủ động hơn.
Câu hỏi: Hãy trình bày từng hình thức biến hóa của Tấm trong truyện “Tấm Cám”.
Trả lời:
Những lần biến hóa của Tấm:
– Chim vàng anh: ngày ngày bên cạnh vua
– Cây xoan đào: tỏa bóng mát cho vua
– Khung cửi: dằn mặt mẹ con Cám
– Cây thị: trở về làm người
Câu hỏi: Quá trình biến hóa của Tấm trong truyện “Tấm Cám” nói lên ý nghĩa gì?
Trả lời:
Những lần chết đi sống lại của Tấm phản ánh tính chất gay gắt, quyết liệt của cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác. Đồng thời thể hiện sức sống mãnh liệt không thể tiêu diệt của cái thiện.
Sự biến hóa, hồi sinh có thể bị ảnh hưởng từ thuyết luân hồi của đạo Phật, qua đó thể hiện ước muốn, khát vọng hạnh phúc của người dân lao động. Cô Tấm ở đây chết đi sống lại để giành và giữ hạnh phúc.
Câu hỏi: Em suy nghĩ như thế nào về hành động trả thù của Tấm đối với Cám trong truyện “Tấm Cám”?
Trả lời:
Hành động trả thù của Tấm đối với mẹ con Cám: là hành động gây nhiều ý kiến trái chiều- Tấm đúng, Tấm sai.
+ Tấm là nhân vật cổ tích, mang đặc trưng của kiểu nhân vật chức năng, không có tính cách riêng, thể hiện tinh thần, thái độ, cách đánh giá của nhân vật đều chịu sự chi phối.
+ Truyện “Tấm Cám” tập trung phản ánh đạo lý của nhân dân ta: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo. Mẹ con Cám liên tiếp gây ra cái chết cho Tấm nên chúng phải chết là hợp với logic truyện.
Câu hỏi: Bản chất của mâu thuẫn và xung đột trong truyện “Tấm Cám” đại diện cho các lực lượng đối lập nào, trong gia đình hay ngoài xã hội?
Trả lời:
Bản chất mâu thuẫn và xung đột trong truyện:
– Mâu thuẫn mẹ con Cám với Tấm là mâu thuẫn dì ghẻ con chồng- vấn đề thuộc về phạm trù đạo đức, nguyên nhân từ việc kế thừa khối lượng vật chất trong gia đình.
– Mâu thuẫn giữa cái thiện và cái ác, cái thật và cái giả. Tấm đại diện cho cái thiện, sự ngay thẳng, mẹ con Cám hiện thân của cái ác, giả dối, lười biếng
– Mâu thuẫn giai cấp: mâu thuẫn giữa người bị áp bức với kẻ áp bức.
⇒ Cuộc đấu tranh quyết liệt của Tấm chính là cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, vì công bằng.
Câu hỏi: Giá trị nội dung và nghệ thuật trong “Tấm Cám”
Trả lời:
1. Giá trị nội dung
– Sự biến hóa của Tấm đã thể hiện sức sống, sức trỗi dậy mãnh liệt của con người trước sự vùi dập của kẻ ác. Đây chính là sức mạnh của cái thiện thắng cái ác và cũng thể hiện niềm tin của nhân dân ta vào sự công bằng trong xã hội: ở hiền gặp lành, ác giả ác báo
– Mâu thuẫn và xung đột trong truyện đã phản ánh mâu thuẫn và xung đột trong gia đình phụ quyền thời cổ.
2. Giá trị nghệ thuật
– Sử dụng các yếu tố kì ảo, hoang đường với sự xuất hiện của ông Bụt và những lần biến thân của Tấm
– Sự chuyển biến trong những lần biến thân của Tấm là một dụng ý nghệ thuật: từ yếu đuối, thụ động đến kiên quyết đấu tranh giành lại sự sống và hạnh phúc cho mình. Đó cũng là chân lí trong cuộc sống và tâm lí của mỗi con người, có áp bức thì sẽ có đấu tranh.
Câu hỏi: Chủ đề của truyện “Tấm Cám” là gì?
Trả lời:
Chủ đề của truyện: Miêu tả cuộc đời bất hạnh và con đường dẫn đến hạnh phúc của Tấm. Thể hiện cuộc đấu tranh không khoan nhượng để giành hạnh phúc và bảo vệ hạnh phúc của người lương thiện.
Câu hỏi: Trong truyện “Tấm Cám”, những yếu tố kì ảo đóng vai trò như thế nào?
Trả lời:
Các yếu tố kì ảo đóng vai trò thể hiện ước mơ trong thế giới của truyện cổ tích. Đó là các yếu tố hư cấu, tưởng tượng phi hiện thực nhưng lại là các yếu tố tạo nên vẻ đẹp riêng hấp dẫn của truyện cổ tích, từ đó nuôi dưỡng tâm hồn con người.
Câu hỏi: Trong truyện “Tấm Cám”, sự trở về của Tấm ở cuối truyện nói lên quan niệm của người xưa về hạnh phúc như thế nào?
Trả lời:
Sự trở về của Tấm ở cuối truyện thể hiện quan niệm của nhân dân về hạnh phúc
– Tấm trở về với cuộc đời, trở thành Hoàng hậu phản ánh quan niệm “ở hiền gặp lành” của nhân dân.
– Sự hóa thân trở về cuộc đời của Tấm phản ánh ước mơ về công bằng xã hội, người lương thiện phải được hưởng hạnh phúc còn kẻ ác nhất định bị trừng phạt.
⇒ Đây chính là quan niệm của nhân dân về hạnh phúc, họ không tìm hạnh phúc ở đâu khác mà tìm ngay ở cõi đời này.
Câu hỏi: Truyện “Tấm Cám” phản ánh ước mơ gì của nhân dân lao động?
Trả lời:
Truyện phản ánh ước mơ của nhân dân:
– Ước mơ đổi đời của nhân dân lao động. Cô Tấm từ đứa trẻ mồ côi bị hắt hủi, hành hạ, bị tước bỏ quyền lợi vật chất và tinh thần đã vụt đứng dậy đấu tranh không khoan nhượng để giành hạnh phúc, cuối cùng trở thành Hoàng hậu trong xã hội phong kiến ngày xưa.
– Truyện thể hiện ước mơ thực hiện công bằng xã hội. Những người bị áp bức bóc lột như Tấm, những người hiền lành như bà cụ hàng nước đều được hưởng hạnh phúc.
⇒ Những ước mơ này thể hiện tâm hồn lãng mạn, niềm lạc quan, yêu đời của nhân dân ta khi sáng tạo truyện cổ tích.
Câu hỏi: Hãy nêu những đặc trưng của truyện cổ tích thần kì trong truyện “Tấm Cám”.
Trả lời:
Đặc trưng của truyện cổ tích thần kì trong truyện cổ tích Tấm Cám:
– Các yếu tố thần kì, hoang đường kì ảo:
+ Ông Bụt xuất hiện cứu giúp Tấm
+ Tấm hóa thân sau khi chết (cây xoan đào, chim vàng anh, khung cửi, quả thị)
– Phản ánh khát vọng về công bằng xã hội, cái thiện chiến thắng cái ác:
+ Cuộc đấu tranh và chiến thắng của Tấm phản ánh ước mơ của nhân dân
– Kiểu nhân vật chức năng:
+ Các nhân vật trong truyện không có nội tâm, hay diễn biến tâm lý sâu sắc. Nhân vật không có tính cách riêng.
Câu hỏi: Thái độ của Tấm trong truyện “Tấm Cám” thay đổi theo từng chặng biến hóa đã thể hiện điều gì?
Trả lời:
Thái độ của Tấm chuyển từ bị động sang chủ động, tiêu biểu cho người phụ nữ trong xã hội không chịu khuất phục trước cái ác.