/tmp/qdhil.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Ánh trăng Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả – tác phẩm Ánh trăng trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Bài thơ là câu chuyện nhỏ được kể theo trình tự thời gian từ quá khứ đến hiện tại gắn với các mốc sự kiện trong cuộc đời con người. Theo dòng tự sự ấy, mạch cảm xúc đi từ quá khứ đến hiện tại và lắng kết trong cái “giật mình” cuối bài thơ. Từ một câu chuyện riêng, bài thơ như một lời nhắc nhở chính mình, củng cố, cảnh tỉnh ở người đọc về thái độ sống “uống nước nhớ nguồn”, ân nghĩa thuỷ chung với qúa khứ.
1. Tác giả
– Nguyễn Duy (1948) tên thật là Nguyễn Duy Nhuệ
– Quê quán: Xã Đông Vệ, huyện Đông Sơn (nay là phường Đông Vệ – Thanh Hóa)
– Sự nghiệp sáng tác:
+ Nguyễn Duy làm thơ từ rất sớm, từ khi học cấp ba.
+ Năm 1973, ông đã đoạt giải nhất cuộc thi thơ tuần báo văn nghệ với chùm thơ vô cùng xuất sắc.
+ Ngoài việc sáng tác thơ ông còn viết tiểu thuyết và bút kí
+ Năm 2007, Nguyễn Duy được Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật
+ Những tác phẩm tiểu biểu: “Đãi cát tìm vàng”, “Bụi”, “Mẹ và em” …
– Phong cách sáng tác: Thơ Nuyễn Duy giàu chất triết lí, thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở, day dứt và suy tư.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
“Ánh trăng” là một bài thơ hay viết vào năm 1978 – 3 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam. Bài thơ được viết tại Thành phố Hồ Chí Minh, in trong tập “Ánh trăng”.
b. Bố cục
3 phần:
– 2 khổ đầu: Cảm nghĩ về vầng trăng quá khứ.
– 2 khổ giữa: Những thay đổi trong mối quan hệ của nhà thơ với vầng trăng.
– 2 khổ cuối: Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả.
c. Ý nghĩa nhan đề
– Ánh trăng là ánh sáng của vầng trăng, ánh sáng soi rọi lương tâm, soi vào những góc khuất trong tâm hồn con người khiến cho con người phải giật mình thức tỉnh nhận ra những sai lầm và vươn tới những điều tốt đẹp.
– Nhan đề thể hiện chủ đề của bài thơ: củng cố và gợi nhắc thái độ sống ân tình thủy chung với quá khứ, đó là truyền thống uống nước nhớ nguồn, ân tình thủy chung với quá khứ.
d. Giá trị nội dung
Bài thơ là sự nhắc nhở về những năm tháng gian lao đã qua của cuộc đời người lính gắn bó với thiên nhiên, đất nước rất bình dị, hiền hậu. Qua đó nhắc nhở người đọc phải có một thái độ sống “Uống nước nhớ nguồn”, thủy chung ân tình với quá khứ, nhớ quên là lẽ thường tình, quan trọng là biết thức tỉnh lương tâm.
e. Giá trị nghệ thuật
– Thể thơ năm chữ, bố cục rõ ràng, mạch lạc.
– Kết hợp nhuần nhuyễn giữa trữ tình và tự sự.
– Hình ảnh thơ vừa cụ thể, vừa sinh động vừa khát, giàu tính biểu cảm.
– Giọng điệu tâm tình tự nhiên như lời tâm sự của nhân vật trữ tình.
1. Cảm nghĩ về vầng trăng quá khứ (hai khổ đầu)
– Điệp từ hồi được lặp đi lặp lại ba lần → bắt đầu dòng hồi tưởng, gắn kết thời gian hiện tại với quá khứ ; làm cho giọng thơ như một lời thủ thỉ tâm tình.
– Ánh trăng gắn bó với kỉ niệm trong sáng của tuổi thơ.
– Biện pháp điệp : với + Biện pháp liệt kê : đồng ; sông ; bể → thiên nhiên bao la khoáng đạt, con người sống gắn bó chan hòa với thiên nhiên
– Ánh trăng gắn với kỉ niệm năm tháng kháng chiến gian khổ
+“Hồi chiến tranh ở rừng” → những năm tháng gian khổ, ác liệt thời chiến tranh,
+ Biện pháp nhân hóa (vầng trăng thành tri kỉ) → trăng là người bạn thân thiết, tri âm tri kỉ, là đồng chí cùng chia sẻ những vui buồn, khó khăn gian khổ trong kháng chiến với người lính.
-Biện pháp nhân hóa, so sánh (Trần trụi với thiên nhiên/ hồn nhiên như cây cỏ) → vẻ đẹp bình dị, mộc mạc, trong sáng, rất đỗi vô tư, hồn nhiên của vầng trăng. Đó cũng chính là hình ảnh con người lúc bấy giờ (vô tư, hồn nhiên, trong sáng, sống hòa mình với thiên nhiên).
– Ngỡ không bao giờ quên/Cái vầng trăng tình nghĩa :
+ Biện pháp nhân hóa (vầng trăng tình nghĩa) → con người luôn coi trăng là người bạn tri kỉ của mình và đinh ninh không bao giờ quên.
+ Ngỡ : tưởng vậy mà thực tế về sau không phải như vậy. Con người đinh ninh không bao giờ quên trăng nhưng thời gian trôi đi, con người đã lãng quên.
→ Vầng trăng đã gắn bó thân thiết với con người từ lúc nhỏ đến lúc trưởng thành, cả trong hạnh phúc và gian lao.
+ Trăng là vẻ đẹp của đất nước bình dị, hiền hậu của thiên nhiên vĩnh hằng, tươi mát, thơ mộng.
→ Vầng trăng vừa là người bạn tri kỉ vừa biểu tượng cho quá khứ nghĩa tình, thủy chung, cho sự đùm bọc của nhân dân, đất nước đối với những người lính trong những năm kháng chiến gian khổ.
2. Những thay đổi trong mối quan hệ của nhà thơ với vầng trăng
– Hoàn cảnh dẫn đến thay đổi :
+ Xa cách về thời gian
+ Thay đổi về không gian sống (thành phố) : nơi phồn hoa, đô hội. Biện pháp hoán dụ: ánh điện cửa gương gợi cuộc sống đầy đủ tiện nghi, hiện đại.
→ Không gian sống thay đổi → con người sống cách biệt với thiên nhiên, vầng trăng; thời gian xa cách → con người đã quen với cuộc sống mới tiện nghi, hấp dẫn.
– Biệp pháp nhân hóa : vầng trăng đi qua ngõ → trăng vẫn thủy chung âm thầm, lặng lẽ.
– Biện pháp so sánh: như người dưng qua đường → Tình cảm của con người dành cho vầng trăng đã thay đổi: Vầng trăng từ người bạn tri kỉ → trở thành người dưng qua đường. Con người hờ hững thờ ơ, lãng quên và vô tình với trăng.
→ Sự cách biệt về thời gian và không gian sống → khiến cho tình cảm giữa người và trăng thay đổi. Con người hờ hững thờ ơ, lãng quên và vô tình với trăng, cũng chính là quên đi gian khổ, nghĩa tình trong quá khứ. Nét tâm lí này không phải là hiếm gặp, nên người ta vẫn thường nhắc nhở nhau: ngọt bùi nhớ lúc đắng cay.
* Khổ 4 : Tình huống gặp lại vầng trăng
– Từ láy thình lình + biện pháp đảo ngữ → nhấn mạnh tình huống bất ngờ làm chuyển đổi mạch cảm nghĩ: tình huống gặp lại trăng do đèn điện tắt. Đến lúc ấy con người nhận ra sự chật hẹp, bức bách, ngột ngạt của không gian đô thị và như một phản ứng tự nhiên, nhân vật trữ tình vội bật tung cửa sổ tìm nguồn sáng.
– Động từ mạnh vội, bật tung → bộc lộ trạng thái cảm xúc mạnh mẽ, những hành động rất nhanh như phạn xạ tự nhiên tìm nguồn sáng.
– Từ láy : đột ngột + đảo ngữ → nhấn mạnh cảm giác ngỡ ngàng, thảng thốt của con người khi bất ngờ gặp lại vầng trăng bên ngoài cửa sổ. Vầng trăng vẫn tròn đầy, và đã ở đó tự bao giờ.
– Thực ra, vầng trăng tròn đâu phải chỉ khi đèn điện tắt mới xuất hiện. Chỉ có điều con người có nhận ra hay không. Như vậy hành động “bật tung cửa sổ” không chỉ đơn thuần là mở cánh cửa sổ phòng mình mà còn là mở cửa tâm hồn : Mình đối diện với tri kỷ với tình nghĩa mà bấy lâu nay mình dửng dưng. Đó hẳn là một cuộc “đối diện đàm tâm ” Đối diện với chính mình của quá khứ và đối diện với mình của hiện tại.
→ Trăng biểu tượng cho giá trị vĩnh hằng, không thay đổi.
3. Cảm xúc và suy ngẫm của tác giả
* Khổ 5: Những xúc động mạnh liệt của nhà thơ khi gặp lại trăng
– Mặt nhìn mặt → tư thế tập trung, có phần thành kính.
– Từ mặt thứ 2 trong câu thơ đầu được dùng với ý nghĩa chuyển theo phương thức ẩn dụ → mặt người đối diện với mặt trăng.
– Cuộc gặp mặt với vầng trăng → gọi về bao kỉ niệm:
+ Từ láy rưng rưng → trạng thái ngân ngấn lệ, sắp khóc, cảm xúc xao xuyến, bồi hồi gặp lại tri kỉ, đan xen niềm ân hận, day dứt, xót xa vì đã lỡ lãng quên trăng, có cả sự xót xa tiếc nuối.
+ Phép liệt kê : đồng, sông, bể + biện pháp so sánh : như là → nhịp thơ trở nên dồn dập, mạnh mẽ hối hả, diễn tả sự dâng trào của cảm xúc trước sự ùa về của kỉ niệm sống động trong kí ức: lúc ấy con người và vầng trăng sống chan hòa, là tri âm tri kỉ.
→ Trong khoảnh khắc bất ngờ gặp lại vầng trăng, vầng trăng đã gọi về những hồi ức cao đẹp, những xúc cảm trong trẻo thuần khiết của tuổi ấu thơ; gọi bao nhiêu cảnh tượng rộng lớn của thiên nhiên đất nước bình dị, và gọi về quá khứ nghĩa tình gian lao.
→ Nhà thơ đối diện với trăng là đối diện với tuổi ấu thơ, tuổi trưởng thành, tuổi hoa niên và một phần của cuộc đời
* Khổ 6: Suy ngẫm và triết lí sâu sắc của nhà thơ
– Hình ảnh ẩn dụ: “Trăng tròn vành vạnh” + phó từ cứ → trăng vẫn nguyên vẹn, không hề thay đổi, mang vẻ đẹp cho thiên nhiên vĩnh hằng. Hình ảnh này ẩn dụ cho tình cảm tròn đầy, vẹn nguyên của nghĩa tình quá khứ, của thiên nhiên, cuộc đời, đất nước, nhân dân nhân hậu bao dung.
– Biện pháp tương phản đối lập:
+ Trăng tròn vạnh vạnh >< Người vô tình → con người có thể vô tình lãng quên, nhưng thiên nhiên, nghĩa tình quá khứ thì luôn tròn đầy, bất diệt.
+ Đối lập trạng thái: cái im phăng phắc của vầng trăng và cái giật mình thức tỉnh của con người khi soi vào vàng trăng ấy.
– Ánh trăng im phăng phắc → trăng được nhân hóa thành người bạn, một chứng nhân tình nghĩa mà nghiêm khắc, trăng nghiêm khắc phê phán nhưng không một lời trách cứ, gợi ta liên tưởng tới cái nhìn nghiêm khắc mà bao dung, độ lượng của người bạn thủy chung, tình nghĩa. Chính sự nghiêm khăc, bao dung độ lượng của trăng đã cảm hóa khiến con người phải tự vấn lòng mình để mà giật mình nhận ra sự vô tình bạc bẽo của mình.
– Soi vào vầng trăng tròn vành vạnh lặng lẽ tỏa sáng, vừa độ lượng, vừa nghiêm khắc con người “giật mình”:
+ Giật mình, thấu hiểu hơn sự thủy chung, vẹn nguyên của vầng trăng và cũng nhận ra sự thay đổi của bản thân, sự vô tình bạc bẽo của bản thân đối với quá khứ ân tình.
+ Giật mình là sự tự vấn lương tâm để tự nhắc nhở tự cảnh tỉnh với chính mình để sống có ân nghĩa, thủy chung với quá khứ gian khổ mà đẹp đẽ của đồng đội, của nhân dân.
→ đây là sự ăn năn nhân bản, sự thức tỉnh của nhân cách.
– Tác giả dùng ánh trăng không phải vầng trăng → vì ánh trăng là ánh sáng dịu hiền, có khả năng len lẻn vào trong phần khuất lấp của tâm hồn → thức tỉnh con người hướng đến những giá trị tốt đẹp.
→ Triết lí : gợi nhắc và củng cố thái độ sống thủy chung ân tình với quá khứ, đó là đạo lí uống nước nhớ nguồn.
Nhà thơ Nguyễn Đình Thi đã từng nhận định “Tác phẩm vừa là kết tinh của tâm hồn người sáng tác, vừa là sợi dây truyền cho mọi người sự sống mà nghệ sĩ mang trong lòng”. Với bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy, nhận định đó trở nên đúng đắn và xác thực hơn bao giờ hết. Qua mạch cảm xúc dâng trào mãnh liệt, ta cảm nhận được một ngòi bút sâu sắc, một trái tim tinh tế rung động, trước những đổi thay nhỏ bé nhất, và cả một khát khao ước vọng truyền cho mọi người lẽ sống, cách sống trọn vẹn, tình nghĩa.
Nguyễn Duy sinh năm 1948, ông thuộc thế hệ nhà thơ trưởng thành từ kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thiên về chiều sâu nội tâm với những trăn trở day dứt, suy tư. Trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Duy, lung linh rực rỡ một “ánh trăng” tròn đầy. Ánh trăng ấy là lời thức tỉnh nhẹ nhàng mà hết sức sâu sắc về triết lí nhân sinh, lẽ sống thủy chung, tình nghĩa và những trăn trở suy nghĩ trước cuộc sống hiện đại đầy cám dỗ, đầy lãng quên và vô tình.
Hai khổ thơ đầu tiên gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm gắn bó giữa con người và vầng trăng trong quá khứ. Bốn câu thơ nhẹ nhàng như những lời thủ thỉ, tâm tình, kể về một quãng thời gian của tuổi thơ, tuổi trẻ, nhất là quãng thời gian chiến tranh gian khổ. Ngôn ngữ thơ mộc mạc, bình dị: “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh”. Câu thơ mở ra một không gian bao la, mênh mông sông nước, khoảng trời ấy nuôi lớn cả một tâm hồn tuổi thơ với bao khát vọng, khoảng rộng ấy được mở ra rồi thu lại khăng khít, gắn bó với quá khứ biết bao tình nghĩa. Điệp từ “với” được nhắc lại ba lần, nhấn mạnh sự thân thiết, gần gũi giữa con người với thiên nhiên:
Hồi nhỏ sống với đồng
với sông rồi với bể
hồi chiến tranh ở rừng
vầng trăng thành tri kỉ
Cuộc sống “hồi nhỏ”, “hồi chiến tranh” tuy khó khăn, vất vả mà chan hòa với thiên nhiên. Cuộc sống ấy bình dị, vô tư và mênh mông hoài bão như thiên nhiên, như cánh rừng mặt bể. Chợt nhận ra, ta có một người bạn hiền hòa, gắn bó, “tri kỉ” – vầng trăng tròn đầy, hiền dịu. vẻ đẹp của trăng xoa dịu những vết thương do chiến tranh gây ra, xoa dịu những mỏi mệt, buồn đau của cuộc sống ấy; trăng vỗ về cho con người bằng những sẻ chia lặng im, bằng những đêm sát cánh bên nhau “đầu súng trăng treo”. Trăng theo ta trên mọi bước đường đi, là người bạn đồng hành tin cậy nhất. Vì lẽ ấy, trăng chính là hiện thân của quá khứ, của kí ức chan hòa tình nghĩa:
Trần trụi với thiên nhiên
hồn nhiên như cây cỏ
ngỡ không bao giờ quên
cái vầng trăng tình nghĩa.
Vầng trăng đã được nhân hóa cao độ để trở thành người bạn tinh thần của nhà thơ, một người bạn tri âm tri kỉ tưởng chừng sẽ không bao giờ quên được. Thế nhưng, giữa dòng hồi tưởng tươi đẹp và bình yên, tác giả chợt bất ngờ có những băn khoăn, vướng bận, mơ hồ, báo hiệu cho sự xuất hiện của những biến chuyển trong câu chuyện. Từ “ngỡ” như điểm tiếp nối tinh tế giữa hai khổ thơ, làm bài thơ giữ được nét uyển chuyển trong cả nội dung và ngôn từ.
Khép lại nhẹ nhàng đẹp như mơ trong quá khứ ngòi bút tác giả đưa ta đến với hiện tại, với những đổi thay, xa cách trong lòng người. Chiến tranh qua đi, người lính trở về guồng quay xô bồ và náo nhiệt của cuộc sống. Tác giả nhận ra một quy luật đáng buồn của cuộc sống: khi được sống trong nhung lụa ấm êm, con người ta dễ quay lưng lại với quá khứ vất vả, nghèo nàn, dù đó có là một quá khứ mơ mộng, đẹp đẽ và đáng quý. Quy luật ấy đi từ sự lãng quên, đổi thay quá nhanh của con người:
Từ hồi về thành phố
quen ánh điện cửa gương
vầng trăng đi qua ngõ
như người dưng qua đường
“ánh điện, cửa gương” là cách nói hoán dụ cho cuộc sống tiện nghi hiện đại, xa rời thiên nhiên. Từ đổi thay trong hoàn cảnh sống, lòng người cũng dần đổi thay, khó nhận ra, mà hay là đã nhận ra nhưng cố tình quên đi. Vầng trăng từ chỗ là người bạn thân thiết gắn bó trở thành “người dưng qua đường”. Vầng trăng thì một mực thủy chung tình nghĩa “đi qua ngõ” như đợi người bạn cũ nhận ra, thế nhưng người bạn cũ ngày xưa nay đã quen với ánh sáng của đèn điện vàng bọt giả tạo, giam mình trong bốn bức tường bê tông gạch đá chật hẹp tù túng mà tưởng cuộc sống đã sung sướng hơn xưa. Người ta đã để cho xi măng láng trơn tuột đi những rung động, xúc cảm tinh tế của trái tim, và trát kín cả những khe sáng huyền diệu từ quá khứ rọi về. Sống cuộc sống như thế, phải chăng ta đang đánh đổi cái giàu có trong tâm hồn lấy những tiện nghi hiện đại phù phiếm xa hoa, khi mà hạnh phúc đích thực luôn là một trái tim tràn đầy tình yêu thương!
Sự lãng quên ấy có thể là mãi mãi nếu không có một chuyển biến bất ngờ: thành phố bị mất điện. Hoàn cảnh bài thơ là bước ngoặt tạo cảm xúc dâng trào, giúp nhà thơ bộc lộ rõ nét cảm xúc, tư tưởng chủ đề của tác phẩm.
Thình lình đèn điện tắt
phòng buyn-đinh tối om
vội bật tung cửa sổ
đột ngột vầng trăng tròn
Tình huống tưởng như không có gì mới mẻ, lạ lẫm, nhất là những năm đầu giải phóng như thời điểm sáng tác bài thơ – năm 1978, nhưng đặt vào hoàn cảnh tác giả, nó làm nổi bật lên sự đối lập tương phản giữa ánh sáng và bóng tối. Các từ ngữ “thình lình”, “vội”, “bật tung” tạo nhịp thơ nhanh, mạnh; để rồi tất cả như sững lại, lặng đi bởi một vầng trăng tròn” “đột ngột” và lung linh. Chính khoảnh khắc ấy đã làm nổi bật lên ý nghĩa tuyệt đẹp của toàn bài: con người vội vã, gấp gáp với cuộc sống hiện đại khi nhận ra vẻ đẹp của thiên nhiên, cuộc sống thì thật bàng hoàng, sững sờ. Đã có “ánh điện” sáng trưng, người ta đâu cần ánh trăng huyền diệu lờ mờ nữa, chỉ đến khi thứ ánh sáng nhân tạo kia mất đi, người ta mới nhận ra người bạn cũ từng nguyện mãi mãi không quên và sững người trước người bạn trăng tròn đầy, vẹn nguyên, luôn chung thủy đợi chờ. Khoảnh khắc người và trăng mặt đối mặt thì tình xưa nghĩa cũ dâng lên đến tràn đầy. Cuộc hội ngộ bất ngờ tạo rung động mạnh mẽ và thức tỉnh lương tâm con người; cái “đột ngột” không phải ở trăng, mà ở chính tâm trạng tác giả – tâm trạng thảng thốt, ngỡ ngàng của con người trước sự đổi thay của lòng mình và sự vẹn tròn của trăng, để từ đó đi đến những day dứt, suy tư.
Nếu như khổ thơ thứ tư đẩy tình huống thơ đến cao trào thì khổ thơ thứ năm lại “rưng rưng” trong sự xúc động mãnh liệt của nhà thơ.
Ngửa mặt lên nhìn mặt
có cái gì rưng rưng
như là đồng là bể
như là sông là rừng
Nhà thơ đối diện với trăng trong cái lặng im có phần thành kính. Từ “mặt” cuối câu thơ là từ nhiều nghĩa tạo ý thơ, gợi mở cho người đọc. Nhà thơ đối diện với trăng hay thiên nhiên đối diện với con người? Và có lẽ cũng là hiện tại đối diện với quá khứ, bạc bẽo vô tình với thủy chung gắn bó. Bất ngờ gặp lại người bạn cũ, nhà thơ chợt nhận ra thứ mặt nạ của thời gian đã che lấp tất cả. Trong giây phút ấy, nhà thơ tưởng như “rưng rưng” xúc cảm – tự hổ thẹn với chính sự đổi thay vô tình của bản thân. Nhưng cũng đan xen vào nỗi hổ thẹn đó, một cảm xúc nghẹn ngào vui sướng đang len lỏi vào trái tim khô cằn bấy lâu nay của nhà thơ, gặp lại trăng – gặp lại người bạn cũ, ông chợt hồi tưởng lại một quãng thời gian thương nhớ, với đồng, với bể, với sông với rừng. Cuộc sống hiện tại như ngừng lại nhường chỗ cho dòng kí ức ùa về, nhường chỗ cho giây phút tự nhìn lại bản thân. Câu thơ trải dài bao quát cả quá khứ và hiện tại, thiên nhiên và con người, lao động và chiến đấu, thủy chung tình nghĩa và bạc bẽo vô tình. Trăng còn gợi đến hình ảnh của hiện tại, của vẻ đẹp thiên nhiên mơ màng hùng vĩ, gợi lên những bừng tỉnh đột ngột để nêu lên một khát vọng lớn lao vào tương lai. Nhịp thơ nhanh, với một loạt các từ ngữ liệt kê “đồng”, “biển”, “rừng”, “sông” cuốn vào mạch cảm xúc của bài thơ, giúp người đọc như cùng chung cảm xúc với nhân vật, với hoàn cảnh trữ tình.
Từ những hồi tưởng và thức tỉnh, nhà thơ đi đến suy ngẫm và triết lí nhân sinh sâu sắc khái quát nội dung toàn bài thơ:
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Trong cuộc gặp mặt bất ngờ, trăng và người như có sự đối lập. Trăng trở thành biểu tượng của sự vĩnh hằng bất biến, vầng trăng “cứ tròn vành vạnh” tượng trưng cho sự tròn đầy, trọn vẹn tình nghĩa của thiên nhiên, cuộc sống và con người trong quá khứ dù cho con người nay đã đổi thay “vô tình”. Ánh trăng được nhân hóa “im phăng phắc”, gợi cái nhìn bao dung, độ lượng mà nghiêm khắc của người bạn thủy chung. Hình ảnh thơ được lấy từ hiện thực – thiên nhiên bất biến, vĩnh hằng để khái quát nên một lẽ sống cao đẹp 1 tình nghĩa, trọn vẹn, chung thủy và vị tha. Tấm lòng đáng trân trọng ấy là tấm lòng của những người đồng chí đồng đội một thời sống chết vì nhau của đồng bào nhân dân đã san sẻ từng “chia nhau củ sắn bùi/ Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”. Cao đẹp biết bao là tình người vị tha, bao dung, độ lượng, vị tha để, người bạn vô tình được “giật mình” thức tỉnh và kịp có một cơ hội níu giữ quá khứ, níu giữ tấm lòng trong sạch, thanh cao.
Có lẽ vì thế mà chỉ ánh nhìn “im phăng phắc” là đã đủ, câu thơ cuối dồn nén nghẹn ngào tạo âm vang lớn trong lòng người đọc về những bừng tỉnh suy tư.
Ánh trăng gây nhiều xúc động bởi cách diễn tả bình dị, thủ thỉ tâm tình, giọng thơ trầm tĩnh. Bài thơ không chỉ giống một câu chuyện nhỏ mà còn như một áng văn nghị luận xã hội đầy chất thơ. Sự mạch lạc tuần tự của tự sự và nghị luận giúp bài thơ đi vào tâm trí người đọc thật dễ dàng, tự nhiên, khắc sâu triết lí sống cao đẹp, thủy chung có tình có nghĩa, bộc lộ niềm băn khoăn trăn trở trước thực tại:
Mình về thành thị xa xôi
Nhà cao còn nhớ núi đồi nữa chăng
Phố đông còn nhớ bản làng
Sáng đèn còn nhớ mảnh trăng giữa rừng
Chất tự sự và chất trữ tình đan xen hòa quyện vào từng âm điệu, dòng thơ. Các chữ đầu dòng thơ không viết hoa thể hiện dòng cảm xúc mãnh liệt của tác giả. Nhịp thơ khi ngân nga, vang, vọng, khi dồn dập, mạnh mẽ, lúc trầm lắng ăm ắp suy tư tạo cho tác phẩm sự trôi chảy, mượt mà, tự nhiên và nhịp nhàng trong dòng cảm xúc dâng trào.
Câu chuyện của nhà thơ không chỉ dành riêng cho chính bản thân ông, nó còn có sức khái quát rất lớn với cả một thế hệ trải qua những năm dài mất mát của chiến tranh, nơi đạn bom, gian khổ. Câu chuyện của vầng trăng còn gặp lại nhiều câu chuyện khác – cùng với nỗi xót xa, trăn trở về cuộc sống đổi thay, như Ăn mày dĩ vãng với Ba Sương và Hai Hùng của Chu Lai, như Việt Bắc với “mình” và “ta” của Tố Hữu. Tất cả như đồng lòng nhất trí chung sức rung một hồi chuông lớn đến người đọc: đừng bao giờ quên quá khứ, đừng bao giờ sống bạc bẽo vô tình. Cuộc sống dẫu có đổi thay, lòng người dẫu có xa khác, nhưng đừng bao giờ quên đạo lí thủy chung “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, đừng bao giờ đánh đổi tình nghĩa sâu nặng lấy những phù phiếm hão huyền.