/tmp/ulele.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Phân tích đặc sắc nghệ thuật của bài thơ Khi con tu hú của Tố Hữu gồm dàn ý chi tiết, 3 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 8.
I. Mở bài
– Giới thiệu tác giả Tố Hữu và bài thơ “Khi con tu hú”: Bài thơ “Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu là một trong những bài thơ hay và đặc sắc nhất được ra đời trong thời gian tác giả bị giam tù.
2. Thân bài
– Giới thiệu về đặc sắc nghệ thuật của bài thơ:
+ Tố Hữu là một nhà thơ lớn của Việt Nam, thơ văn của ông có sức ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn học nước nhà.
+ Trong thơ của Tố Hữu, ẩn chứa những nét riêng độc đáo của một thi nhân nổi tiếng Việt Nam
+ Bài thơ “Khi con tu hú” của ông với những đặc sắc nghệ thuật đã phần nào thể hiện được phong cách và nghệ thuật thơ của Tố Hữu.
– Nghệ thuật miêu tả và trí tưởng tượng của nhà thơ:
+ Cách tưởng tượng của nhà thơ cho thấy sức sống và sinh khí của mùa hè đang trỗi dậy mãnh liệt,
+ Không hề thấy bóng dáng của người tù bị giam cầm trong nhà lao mà chỉ thấy hình ảnh con người đứng giữa trời đất bao la, khoáng đạt tận hưởng không gian rộng lớn.
– Nghệ thuật kết hợp không gian:
+ Dưới ngòi bút và sự tưởng tượng của nhà thơ, bức tranh mùa hè có tiếng ve râm ran, có sân ngô phơi vàng, bầu trời xanh cao rộng và tiếng sáo diều vi vu.
+ Đó là một bức tranh có cảnh gần – xa, cảnh cao – thấp và tràn ngập màu sắc, âm thanh. Đó quả là những vần thơ đẹp, đầy mộng tưởng tình tứ.
3. Kết bài
– Ý nghĩa của đặc sắc nghệ thuật đối với bài thơ: Hai khung cảnh với những cảnh vật khác nhau đã tạo ra sự dồn nén, đẩy niềm khát khao tự do của người tù cộng sản lên đỉnh điểm. Bài thơ để lại những tiếng kêu vang vọng trong lòng người đọc, đó chính là tiếng chim tu hú và tiếng thân uất hận của nhà thơ.
Khi con tu hú là bài lục bát ngắn, gồm mười câu thơ khá nổi tiếng của Tố Hữu, được đưa vào chương trinh Ngữ văn THCS trong suốt một thời gian dài. Bài thơ là nỗi lòng của tác giả trong những tháng ngày bị giam cầm ở Huế. Không khó để nhận thấy bài thơ được cấu tứ từ hai bức tranh đối lập: hiện thực cuộc sống tươi đẹp ngoài kia và những tâm tư của tác giả trong tù.
Nếu như những xúc cảm bực bội, uất hận ở bốn câu thơ cuối: Ta nghe hè dậy bên lòng / Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi/Ngột làm sao, uất chết thôi/ Con chim tu tú ngoài trời cứ kêu biểu hiện cho ý chí kiên cường, tinh thần đấu tranh cách mạng đến cùng của người tù cộng sản Nguyễn Kim Thành thì sáu câu thơ đầu lại mang những nét đặc trưng trong nghệ thuật lục bát của nhà thơ Tố Hữu, đặc biệt trong việc miêu tả thiên nhiên.
Bức tranh thiên nhiên tươi đẹp được bắt đầu bằng tiếng chim tu hú gọi bầy. Đây là một sự lựa chọn đúng đắn và hợp lí của Tố Hữu, vì khi buộc phải ở trong một không gian chật hẹp, hạn chế về thị giác thì sợi dây liên kết khả dĩ nhất của tác giả với thế giới là thính giác. Từ tiếng chim kêu ấy, nhà thơ đã hình dung ra cả một không gian tươi đẹp, tràn trề nhựa sống ở ngoài kia. Không gian đó dường như là vô cùng vô tận, trải dài theo cả ba chiều: chiều dài với những cánh đồng lúa mênh mông, vườn cây ăn trái xum xuê quả ngọt, chiều rộng và chiều cao lồng lộng đến vô cùng của bầu trời xanh. Và màu sắc cũng được nhà thơ huy động đến tối đa đêr làm cho bức tranh thiên nhiên ấy thêm tươi tắn, sống động, vui tươi. Miêu tả màu sắc là một trong những điểm mạnh nổi bật của thơ Tố Hữu nói chung và lục bát Tố Hữu nói riêng. Ông luôn có những câu thơ miêu tả màu sắc tuyệt hay. Trong bài Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, chỉ bằng hai câu thơ: Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng Tố Hữu đã miêu tả được năm màu sắc (xanh, hồng, lam, trắng, vàng), ở một bài lục bát khác, bài Tiếng hát sang xuân, Tố Hữu cũng có hai câu lục bát gợi nên những sắc màu gây ấn tượng mạnh với bạn đọc: Ngoài này nắng đỏ cành cam/ Chắc trong ấy nắng xanh lam ngọn dừa. Đặc biệt, ở bài lục bát “kinh điển” Việt Bắc qua mấy câu thơ: Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi / Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng / Ngày xuân mơ nở trắng rừng / Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang/ Ve kêu rừng phách đổ vàng / Nhớ cô em gái hái măng một mình /Rừng thu trăng rọi hòa bình / Nhớ ai tiếng hát ân tình thuỷ chung, Tố Hữu cũng miêu tả hàng loạt những màu sắc như xanh, đỏ, trắng và đặc biệt là màu vàng. Trong đoạn thơ này mặc dù chỉ có màu vàng của cây phách được miêu tả trực tiếp, nhưng lại có đến ba màu vàng khác bị ẩn đi. Đó là màu vàng của măng, của trăng và của sợi giang. Đây là nét tài hoa của nhà thơ Tố Hữu mà ít người có được. Và ở khổ thơ này, chúng ta lại một lần nữa bắt gặp hàng loạt những sắc màu như màu vàng đậm của lúa chiêm đang vảo vụ chín, màu vàng nhạt của hạt bắp, màu sáng trong của tia nắng đào, màu xanh của trời: Khi con tu hú gọi bầy/ Lúa chiêm đang chín trái cây ngọt dần/ Vườn râm dậy tiếng ve ngân/ Bắp rây vàng hạt đẩy sân nắng đào / Trời xanh càng rộng càng cao / Đôi con diều sáo lộn nhào từng không.
Về âm thanh, trong khổ thơ đầu, chúng ta bắt gặp âm thanh của tiếng chim tu hú, tiếng ve ngân và tiếng sáo diều. Ba âm thanh gợi mở ba trạng huống của mùa hè. Tiếng tu hú gọi bầy mang tính chất báo hiệu thời gian bắt đầu dịch chuyển từ xuân sang hè, tiếng ve ngân báo hiệu mùa hè đã thực sự bắt đầu. Như vậy, có thể thấy Tố Hữu đã sử dụng âm thanh để miêu tả thời gian một cách tài tình. Thời gian vật lí không được hiện lên qua các từ, cụm từ quen thuộc như sáng, trưa, chiều, tối, hay được phiếm chỉ qua các từ đầu, giữa, cuối mà bằng thanh âm của những loài vật. Sự miêu tả này vừa bộc lộ khả năng quan sát tinh tế các sự vật, hiện tượng trong đời sống, vừa thể hiện khả năng tái hiện chúng một cách tài tình của Tố Hữu. Nếu như hai âm thanh đầu mang chức năng tái hiện thời gian, thì âm thanh thứ ba (tiếng sáo diều) còn có nhiệm vụ quan trọng hơn. So với hai âm thanh kể trên, tiếng sáo diều có điểm khác biệt lớn. Đó là âm thanh không có sẵn trong tự nhiên, đó là âm thanh do con người tạo ra bằng tâm hồn nghệ sĩ và bàn tay tài hoa của mình. Sự xuất hiện của tiếng sáo diều báo hiệu rằng ngoài kia có người đang tự do, tự tại, ung dung hưởng thú vui tao nhã nơi “đồng chiều cuống rạ”. Và chỉ đến khi có âm thanh gợi nên bóng dáng của con người, thì mùa hè mới thật sự là mùa hè, mới thật sự toát lên tất cả sức sống mãnh liệt, sự vui tươi trẻ trung. Một mùa hè “chín” thật sự. Mặt khác, không phải ngẫu nhiên Tố Hữu để âm thanh sáo diều xuất hiện cuối cùng trong khổ thơ đầu, đó là âm thanh gợi nên mối liên hệ giữa người với người, làm ý chuyển để đến với tâm trạng tác giả ở khổ sau, nhằm nêu bật lên sự tương phản giữa người tự do và người tù cộng sản.
Một điểm hết sức thú vị trong đoạn thơ này là hệ thống vần. Như chúng ta đã biết vần của lục bát tuân thủ theo quy luật chặt chẽ. Chữ thứ sáu của câu lục hiệp vần với chữ thứ sáu của câu bát, chữ thứ tám của câu bát lại hiệp vần với chữ thứ sáu của câu lục tiếp theo, cứ như vậy liên tục xoay vòng cho đến hết bài. Đây là lối hiệp vần chân thường gặp ở một bài lục bát chuẩn. Lục bát cũng có trường hợp hiệp vần lưng ở chữ thứ tư của câu bát. Thơ Tố Hữu cũng có nhiều câu hiệp vần giữa tiếng thứ sáu của câu lục và tiếng thứ tư của câu bát ví như trong bài Phá đường, ông đã hiệp vần ở tiếng thứ tư ở câu bát hai lần liên tiếp:
Nhà em thóc lúa chưa khô
Ngô chửa vào bồ, sắn thái chưa xong
Nhà em con bế con bồng
Em vẫn theo chồng đi phá đường quan.
Nhưng ở bài Khi con tu hú, trong câu thơ:
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào từng không…
Chúng ta thấy Tố Hữu hiệp vần rất đặc biệt. Tiếng thứ sáu của câu lục (cao) hiệp vần với cả tiếng thứ tư (sáo) và tiếng thứ sáu của câu bát (nhào). Đây là hiện tượng hiệp vần kép, khá hiếm gặp trong lục bát hiện đại. Ba chữ này đều có vần “ao”. Theo hiểu biết của chúng tôi, duy chỉ có bài lục bát Ếch mà của Tản Đà cũng có lối hiệp vần như trên:
Phượng kêu trái núi bên tê
Hồng bay bốn bề, nhạn về nơi nào
Ở đây, ba chữ tê – bề – về hiệp vần “ê” với nhau. Cách hiệp vần này có thể coi là một biến thể về vần trong thể lục bát, đem lại sự thú vị cho người đọc, chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn ngữ điêu luyện của nhà thơ. Đến đây, có thể nói rằng chỉ bằng sáu câu lục bát, Tố Hữu đã dựng nên cả một bức tranh mùa hè sống động với âm thanh, màu sắc, hình ảnh tươi tắn và bộc lộ hết được sở trường, sự tài hoa của mình trong thể lục bát truyền thống của dân tộc. Đây có lẽ cũng là một trong những lí do Khi con tu hú được bạn đọc nhiều thế hệ yêu thích.
“Khi con tu hú” là bài thơ Tố Hữu làm khi ông bị giam trong nhà lao Thừa Phủ (Huế) năm 1939. Trong khoảng thời gian bị bắt giam từ tháng 4/1939 cho đến tháng 3/1942, Tố Hữu đã làm rất nhiều thơ in trong phần Xiềng xích của tập thơ Từ ấy. Đây là một bài thơ nói lên cảm giác mất tự do, ngột ngạt của nhà cách mạng trẻ tuổi và mang đặc sắc nghệ thuật rất riêng của tác giả Tố Hữu.
Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần.
Ta tưởng như hai câu thơ này không phải bay lên từ mái nhà tù mà đang tuôn ra từ cây bút đứng đầu một làng quê thật đẹp, có cánh đồng lúa, có cây quả chín vào mùa hè như vải, nhãn…
Cái sinh khí của mùa hè đang dậy lên mãnh liệt. Con chim hay ăn quả ngọt tíu tít gọi nhau, lúa chiêm đang chuyển từ màu xanh sang màu vàng và trên cây một hương vị ngọt ngào đang theo nắng, sương mà rót vào quả chuyển chất chua thành ngọt!
Lạ nữa là những câu thơ dưới đây vẫn chưa có cái bóng dáng gì về hoàn cảnh của người làm thơ đang ở trong tù, mà như ai đó đứng ngoài ánh sáng mới quan sát được cảnh vật mùa hè đang xao động trong một không gian rộng lớn:
Vườn râm dậy tiếng ve ngân
Bắp rây vàng hạt, đầy sân nắng đào
Trời xanh càng rộng càng cao
Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không.
Sức sống của mùa hè, dưới ngòi bút của nhà thơ là bức tranh phong cảnh của nông thôn ở độ dạt dào!
Tiếng ve ngân râm ran ở một cây nào đó, trước một sân phơi màu vàng ngô, lúa. Trời vào buổi sáng nên có nhiều tiếng chim kêu và ánh nắng còn non lửa mặt trời nên thành một thứ nắng đào: vàng hạt. Đó là trên mặt đất. Còn cái vòm trời cao rộng ngất ngưỡng kia thì có đôi con diều sáo chao đảo lộn nhào bên nhau… Như thế là bức tranh có cảnh gần cảnh xa, dưới thấp, trên cao, có màu xanh lục diệp của lá cây, màu vàng của bắp, màu ‘nắng đào’ của trời và ngập tràn ánh sáng cho đôi con diều tung hoành trong không gian.
Ôi! Những vần thơ thật là đẹp, tình tứ, đậm đà biết bao…
Nhưng đến mây câu thơ này thì những cảnh đẹp, những sinh lực, những ngọt ngào bỗng biến mất chỉ còn để lại một mùa hè oi bức, ngột ngạt mà nhà thơ người tù chỉ muốn đạp thật mạnh cho gian phòng tan ra:
Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!
Thì ra, trên kia nhà thơ ngồi trong tù tưởng tượng ra cái thiên nhiên như mình đang nghĩ đến. Đó lĩ. mảnh tự do của tâm hồn thoát khỏi song sắt mà thôi.
Thực trạng thì nhà thơ đang ở tù, đang bực dọc, bức bối, thế mà những vần thơ trên đây vẫn cụ thể, sống động.
Lạ thay ở chỗ thiên nhiên bên ngoài thì rực rỡ vẫy gọi, mà thực tế bên trong thì bị nhốt trong những bức tường vôi xám lạnh. Nếu mùa hè đã mang lại chút gì đó để hồn thơ vang vọng được với đất trời, thì mùa hè lại làm nhà thơ:
Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
Cảm xúc của nhà thơ bắt đầu bối rối, ngột ngạt đến tận cùng vì vẫn là: Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu.
Nghệ thuật đặc sắc của bài thơ là sự kết cấu hai tầng của không gian, (ngoài trời, trong tù) hai cảnh vật đối lập nhau, sự bung ra với sức dồn nén làm bật ra niềm khao khát tự do của người chiến sĩ trẻ trên cái nền của mùa hè đầy sinh lực.
Nếu không có một tâm hồn hòa quyện với thiên nhiên làm sao có thể miêu tả một mùa hè như vậy. Bài thơ để lại cho người đọc hai tiếng kêu: tiếng kêu của con chim tu hú và tiếng thét uất hận có tính chất phản kháng trong niềm khao khát tự do của người tù.
Bài thơ “Khi con tu hú” của nhà thơ Tố Hữu là một trong những bài thơ hay và đặc sắc nhất được ra đời trong thời gian tác giả bị giam tù. Bài thơ ra đời là tiếng lòng và tâm trạng của người chiến sĩ cộng sản khao khát cuộc sống tự do, tung hoành ngang dọc. Bài thơ đã cho người đọc cảm nhận một bức tranh mùa hè tươi sáng và rực rỡ sắc màu, âm thanh, đồng thời là tình yêu thiên nhiên, cuộc đời của tác giả.
Có thể nói, Tố Hữu là một nhà thơ lớn của Việt Nam, thơ văn của ông có sức ảnh hưởng sâu rộng tới nền văn học nước nhà. Chính vì vậy trong thơ của Tố Hữu, ẩn chứa những nét riêng độc đáo của một thi nhân nổi tiếng Việt Nam. Bài thơ “Khi con tu hú” của ông với những đặc sắc nghệ thuật đã phần nào thể hiện được phong cách và nghệ thuật thơ của Tố Hữu.
“Khi con tu hú gọi bầy
Lúa chiêm đang chín, trái cây ngọt dần”
Tác giả đang ở trong tù nhưng lại vẽ ra một cảnh tượng như đang đứng ở đầu làng quê yên bình, có cánh đồng lúa và có vườn cây trái. Có thể thấy, cách tưởng tượng của nhà thơ cho thấy sức sống và sinh khí của mùa hè đang trỗi dậy mãnh liệt, có tiếng chim nô nức gọi nhau, có lúa đang chín vàng cánh đồng và có mùi thơm của hoa trái. Không hề thấy bóng dáng của người tù bị giam cầm trong nhà lao mà chỉ thấy hình ảnh con người đứng giữa trời đất bao la, khoáng đạt tận hưởng không gian rộng lớn.
“Vườn râm dậy tiếng ve ngân…
Đôi con diều sáo lộn nhào tầng không”
Dưới ngòi bút và sự tưởng tượng của nhà thơ, bức tranh mùa hè có tiếng ve râm ran, có sân ngô phơi vàng, bầu trời xanh cao rộng và tiếng sáo diều vi vu. Đó là một bức tranh có cảnh gần – xa, cảnh cao – thấp và tràn ngập màu sắc, âm thanh. Đó quả là những vần thơ đẹp, đầy mộng tưởng tình tứ.
“Ta nghe hè dậy bên lòng
Mà chân muốn đạp tan phòng hè ôi!”
Câu thơ đã phản ánh rõ thực tại trong nhà tù của tác giả, mùa hè tươi đẹp bỗng biến mất, chỉ còn lại mùa hè oi bức, ngột ngạt khiến cho tác giả muốn “đạp tan phòng”. Đến lúc này, tâm trạng nhà thơ đã bị biến đổi, uất ức vì phải chịu cảnh giam cầm, chưa thoát khỏi được chốn lao tù:
“Ngột làm sao, chết uất thôi
Con chim tu hú ngoài trời cứ kêu!”
Tóm lại có thể thấy, mọi cảm xúc và tâm trạng của nhà thơ đều được bắt nguồn từ tiếng chim tu hú kêu, ở những thời điểm khác nhau, tiếng chim đã khiến tâm trạng tác giả có những biến chuyển khác nhau. Và nghệ thuật đặc sắc của bài thơ chính là sự kết hợp hài hòa của không gian, giữa bên trong và bên ngoài lao tù. Hai khung cảnh với những cảnh vật khác nhau đã tạo ra sự dồn nén, đẩy niềm khát khao tự do của người tù cộng sản lên đỉnh điểm. Bài thơ để lại những tiếng kêu vang vọng trong lòng người đọc, đó chính là tiếng chim tu hú và tiếng thân uất hận của nhà thơ.