/tmp/ojfyv.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Cảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong Mã Giám Sinh mua Kiều gồm dàn ý chi tiết, 4 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn 9.
Đề bài: Cảm nghĩ về nhân vật Mã Giám Sinh trong “Mã Giám Sinh mua Kiều”.
1. Mở bài
– Giới thiệu đôi nét về tác giả Nguyễn Du và đoạn trích:
+ Nguyễn Du (1765 – 1820), là người có hiểu biết sâu rộng, có vốn sống phong phú. Sự ngiệp văn học rất phong phú và đồ sộ.
+ Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều: nằm ở phần đầu kiếp đoạn trường của người con gái họ Vương.
– Khắc họa nhân vật Mã Giám Sinh
2. Thân bài
– Nghệ thuật sử dụng từ ngữ, bút pháp miêu tả của Nguyễn Du.
+ Mã Giám Sinh được Nguyễn Du miêu tả đúng với bản chất của một tên buôn người.
– Nhân vật Mã Giám Sinh
+ Diện mạo và cử chỉ “ ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
– Vẻ ngoài chải chuốt, không phù hợp với lứa tuổi, cử chỉ và thái độ bất lịch sự, trơ trẽn, hỗn láo.
+ Bản chất
– Giả dối từ lai lịch đến tướng mạo, tính danh
– Bản tính con buôn, lưu manh
⇒ Bút pháp tả thực, cùng các từ tượng hình, tượng thanh làm cho Mã Giám Sinh hiện lên là một kẻ giả dối, vô học, con buôn, mất lịch sự.
– Hình ảnh tội nghiệp của Thúy Kiều
+ Tình cảnh tội nghiệp của Thúy Kiều
– Nàng là một món hàng để người ta trao đổi, mua bán.
– Ý thức được nhân phẩm.
+ Nỗi đau đớn, tái tê
⇒ Tâm trạng đau khổ, xấu hổ, đan đớn.
– Tấm lòng của tác giả
+ Khinh bỉ, căm phẫn tố cáo thế lực vì đồng tiền mà chà đạp lên nhân phẩm của con người.
+ Tác giả có cái nhìn mỉa mai, châm biếm, lên án diện mạo và cử chỉ thô lỗ, sỗ sàng của Mã Giám Sinh.
– Tác giả thể hiện niềm cảm thương sâu sắc trước thực trạng con người bị hành hạ, bị chà đạp.
– Hóa thân vào nhân vật để nói lên nỗi tủi hổ, đau đớn của Kiều.
3. Kết bài
– Nội dung: Bằng nghệ thuật tả ngoại hình, cử chỉ và ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật, bóc trần bản chất xấu xa, đê tiện của Mã Giám Sinh. Qua đó lên án những thế lực tàn bạo đã chà đạp lên tài sắc và nhân phẩm của người phụ nữ.
– Nghệ thuật:
+ Sử dụng hình ảnh tượng trưng, ước lệ.
+ Dùng bút pháp tả thực để khắc họa, miêu tả và xây dựng nhân vật.
Trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Thúy Kiều thể hiện nhân vật Mã Giám Sinh là một nhân vật mua phấn bán hương, buôn bán người trên thân thể phụ nữ để kiếm tiền.
Đoạn thơ được miêu tả chi tiết sống động như thời xưa, thể hiện bút pháp nghệ thuật tài tình của thiên tài ngôn ngữ Nguyễn Du. Tác giả Nguyễn Du đã vô cùng tinh tế thể hiện sự đặc sắc trong miêu tả con người, từ vẻ ngoài tới tính tình bên trong. Người khách tới mua Thúy Kiều là một người khách từ phương xa tới được bà mối đưa vào để vấn danh thể hiện tên tuổi của mình. Xin cưới Vương Thúy Kiều một cách đường đường chính chính, một cách trang trọng, uy nghi.
Nhưng sự thật thì có phải Mã Giám Sinh thật sự muốn lấy vợ hay chỉ là một trò bịp bợm giả vờ, lừa đảo chứ thực chất chỉ là một kẻ buôn phấn bán hương, lợi dụng thân xác phụ nữ để kinh doanh mưu lợi bất chính.
“Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.”
Người khách kia tự giới thiệu mình là người có học, là một kẻ sĩ của trường Quốc Tử Giám chỉ nói họ nhưng không xưng tên, không nói rõ, vẻ ngoài của anh ta luôn tỏ ra là một người quý tộc, quê quán của hắn ở huyện Thanh Lâm.
Hai chữ “rằng” nối tiếp thể hiện thái độ vô cùng cao ngạo, kiêu kỳ coi thiên hạ bằng nửa con mắt, có thể một tay che trời. Khẩu ngữ đối đáp của người khách lạ kia vừa hợm hĩnh thô bạo, thiếu lịch sự, khiếm nhã vô cùng.
“Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Trong tuyệt tác Truyện Kiều của Nguyễn Du người ta tỏ rõ nguồn gốc viễn khách kia Mã Giám Sinh với mụ Tú Bà thực chất chỉ là người buôn bán dẫn khách, buôn thịt bán người kiếm tiền mà thôi. Hắn tự xưng mình là kẻ sĩ của trường Quốc Tử Giám là một trường nho sĩ vô cùng tên tuổi của Trung Quốc. Thực chất hắn chỉ là kẻ khoe khoang, bịp bợm, hợm hĩnh mà thôi.
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao.”
Trong hai câu thơ này thể hiện một diện mạo vô cùng dung tục của một kẻ tầm thương, cái bảnh bao bên ngoài chỉ thể hiện qua bộ quần áo thể hiện một tính cách giả dối. Hình ảnh mày râu nhẵn nhụi thể hiện nét giả dối châm biếm của tác giả Nguyễn Du dành cho nhân vật này, thể hiện ra hắn là con người chải chuốt nhưng không đáng tin, hắn giấu diếm một điều gì đó.
“Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang,
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng.”
Tác giả Nguyễn Du thể hiện lối viết cái lối ngồi tót thể hiện hành động vô cùng hợm hĩnh của những người buôn thịt bán người, những kẻ lấy thân thể của người phụ nữ làm nguồn kinh doanh lợi nhuận. Từ “sỗ sàng” của Nguyễn Du thể hiện sự thiếu lịch sự, thiếu nhân cách, thiếu tự trọng của những kẻ ít học luôn coi mình là nhất.
Qua hành động này người đọc có thể thấy rằng Mã Giám Sinh dần dần lộ rõ bộ mặt thật của mình là kẻ lõi đời, thiếu học thức chỉ là kẻ quanh năm buôn bán thân xác phụ nữ mà thôi, chứ không phải là người học ở trong Quốc Tử Giám như hắn giới thiệu:
“Đắn đo cân sức cân tài,
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ.
Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.”
Trong cảnh Mã Giám Sinh mua Thúy Kiều đã thể hiện cái tài của Nguyễn Du và lòng nhân văn cao thượng của tác giả. Thông qua nhân vật Mã Giám Sinh nhà thơ Nguyễn Du muốn tố cáo lên án xã hội cũ khi để những nhà chứa, kỹ viện, thanh lâu hoạt động một cách công khai, là chốn mua vui cho người có tiền và quan công, vua chúa. Thể hiện thân phận nhỏ bé của người phụ nữ khi sống trong xã hội cũ. Tài sắc của người phụ nữ trở thành một món hàng kiếm lợi nhuận cho những kẻ buôn người kiếm tiền phi pháp.
Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp nghệ thuật hiện thực lựa chọn nhiều chi tiết đặc sắc đắt giá, dáng vẻ cử chỉ ngôn ngữ khi tìm cách buôn bán người phụ nữ để khắc họa nhân vật Mã Giám Sinh. Một kẻ phong tình, giả dối, một người buôn người chính hiệu. Hình ảnh nhân vật Mã Giám Sinh trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du đã trở thành một điển hình cho bọn buôn người trong xã hội phong kiến, thông qua đoạn trích này tác giả muốn tố cáo tội ác của xã hội phong kiến.
“Tiếng đàn xưa đứt ngang dây
Hai trăm năm lại càng say lòng người”.
(“Kính gửi cụ Nguyễn Du” – Tố Hữu)
Ra đời hơn hai trăm năm nhưng cho đến bây giờ và muôn đời sau, “Truyện Kiều” vẫn là “món ăn tinh thần” không thể thiếu được đối với con người Việt Nam, vẫn là một tác phẩm bất hủ, vẫn làm “say lòng người”, gắn bó với cuộc sống của mọi thế hệ. Một trong những yếu tố làm cho tác phẩm ấy đi sâu vào lòng người là bởi tiếng nói khẳng định yêu thương và bênh vực giá trị của con người thông qua việc tố cáo xã hội phong kiến mục nát đương thời đầy rẫy những kẻ “bán thịt buôn người” và nhất là thế lực đồng tiền đã ngự trị tất cả. “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một trong những đoạn tiêu biểu.Đoạn trích không chỉ khiến chúng ta xốn xang rơi lệ cho tâm trạng của Kiều trước bi kịch gia đình và bi kịch tình yêu “trâm gãy bình tan” mà còn khiến cho ta căm giận trước hình ảnh một kẻ bất nhân trơ tráo như Mã Giám Sinh.Bị thằng bán tơ vu oan, cha và em trai bị tra khảo, tài sản gia đình bị bọn sai nha “sạch sành sanh vét cho đầy túi tham”. Trước cảnh gia biến, Kiều đã quyết định: “Liều đem tấc cỏ quyết đền ba xuân”. Đây là một trong những đoạn thơ thành công về nghệ thuật tả người của thiên tài Nguyễn Du – đặc biệt là nhân vật phản diện, tiêu biểu là Mã Giám Sinh.Trước hết tác giả giới thiệu y là “viễn khách” đến làm lễ “vấn danh” – khách phương xa đến hỏi vợ và xin cưới:
“Gần miền có một mụ nào
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh”
Cách giới thiệu có vẻ trang trọng. Hai câu thơ tiếp theo là lời hỏi – đáp:
“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh”
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”
Cách trả lời của hắn thật cộc lốc, khiếm nhã. Kỳ thực Mã Giám Sinh vốn chung lưng với Tú Bà mở lầu xanh:
“Chung lưng mở một ngôi hàng
Quanh năm buôn phấn bán hương đã lề”
Hắn ở Lâm Tri nhưng nói dối là quê ở “Lâm Thanh”. Ở trên hắn nói với mụ mối là “viễn khách”, bây giờ lại nói là “cũng gần”. Đích thực là người ăn nói gian ngoa. Hắn chỉ là tên buôn thịt người nhưng lại khoe hão là sinh viên trường Quốc Tử giám, họ Mã. Lai lịch của y thật mập mờ. Nhân cách hé lộ dần…
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao
Trước thầy sau tớ lao xao
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra”
Ngoài bốn mươi tuổi mà vẫn trai lơ lố bịch: “nhẵn nhụi” và “bảnh bao” là hai nét vẽ châm biếm. Cũng “thầy” cũng “tớ”, cũng “trước” cũng “sau”, có vẻ sang trọng lắm, đi đâu một bước là có kẻ hầu người hạ, nhưng thầy, tớ của tên “khách viễn phương” này sao mà “lao xao” chẳng có nền nếp, lễ giáo gì !Đặc biệt là cái cử chỉ ngồi “sỗ sàng” đường đột ở “ghế trên” thể hiện hắn là người không biết giữ ý tứ, không biết lễ phép. Nếu là sinh viên trường Quốc Tử giám thật, thì hắn ta rất kém sĩ hạnh. Chữ “tót” ở đây mang sắc thái khinh bỉ. Nói như nhà phê bình Hoài Thanh “chỉ một từ “lẻn” cho Sở Khanh, chữ “tót” cho Mã Giám Sinh, Nguyễn Du đã thâu tóm toàn bộ bản chất của nhân vật”. Ở đây tác giả không dùng những từ ngữ trang nhã, hình ảnh ước lệ mà sử dụng từ ngữ bình dân mang tính chất tả thực và có ẩn chứa cả thái độ mỉa mai, châm biếm, khinh bỉ của tác giả. Cách miêu tả ở đây khác hẳn với cách khắc họa nhân vật chính diện. Chẳng hạn một Thúy Vân:
“Khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang”
hoặc một Thúy Kiều:
“Làn thu thủy, nét xuân sơn
Hoa ghen thua thắm, liễu hờn kém xanh”
Rõ ràng nghệ thuật tả nhân vật thật linh hoạt. Nhưng có lẽ chân tướng của y qua cuộc mua bán mới được bóc trần:
“Đắn đo cân sắc, cân tài
Ép cung cầm nguyệt, thử bài quạt thơ”
Những từ “cân”, “ép”, “thử” thường được dùng khi kiểm nghiệm hàng hóa. Vậy đích thực đây là cuộc mua bán được trá hình và qua những thao tác của y, ta phần nào hiểu được hắn là một tên buôn người khá lọc lõi… Những chữ ấy tưởng giản đơn, lạnh nhạt tưởng chừng như tác giả đang đứng ngoài cuộc làm nhiệm vụ quan sát nhưng kì thực nó đã chứa đựng biết bao tình cảm xốn xang, nhức nhối của một trái tim nhân đạo.Lời nói văn hoa của y cũng không che đậy được bản chất giả nhân giả nghĩa, tính cách thực dụng:
“Rằng: “Mua ngọc đến Lam Kiều
Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường”
Để rồi cuối cùng, tác giả đã lột trần chân tướng của hắn:
“Cò kè bớt một thêm hai
Giờ lâu ngã giá vâng ngoài bốn trăm”
Chỉ hai từ “cò kè” và “ngã giá” đủ làm cho gã họ Mã hiện nguyên hình là một kẻ buôn người ghê tởm. Và cũng nhờ đó, ta còn hiểu thêm được tính cách bủn xỉn của y. Tác giả đã khép lại cảnh tượng mua bán ấy bằng những từ xoay quanh việc hỏi cưới: “nạp thái”, “vu quy”, “canh thiếp”… nhưng cũng không quên hạ một câu mỉa mai, chua xót:
“Tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”
Đồng tiền – bạo lực đã khiến cho bọn quan lại áp bức dân lành, đồng tiền đã làm cho tử biệt sinh ly, thay đổi trắng đen, khuynh đảo cả một xã hội, đồng tiền đã chà đạp lên cuộc sống và nhân phẩm của một con người. Nàng Kiều tài hoa xinh đẹp đã trở thành hàng hóa điêu linh trước đồng tiền của tên Giám Sinh họ Mã.Qua nhân vật Mã Giám Sinh, ta càng thấy rõ bút pháp hiện thực trong nghệ thuật tả người của Nguyễn Du. Nét vẽ nào cũng sắc sảo tạo nên tính cách xấu xa, đồi bại của nhân vật Mã Giám Sinh. Chi tiết nào cũng rất sống, đằng sau nét vẽ là thái độ khinh bỉ của nhà thơ đối với loại người “bạc ác tinh ma” này ! Bức chân dung phản diện của Mã có giá trị tố cáo hiện thực sâu sắc, lên án bọn buôn thịt bán người vô nhân đạo, đạo đức giả trong xã hội phong kiến suy tàn, thối nát.Tóm lại: “Mã Giám Sinh mua Kiều” là một trong những đoạn thơ có giá trị tố cáo đanh thép và sâu sắc nhất trong “Truyện Kiều”. Qua nhân vật Mã Giám Sinh, Nguyễn Du đã dựng nên một bức tranh tả thực sắc sảo giúp chúng ta thấy rõ được bộ mặt tàn ác, ghê tởm của bọn buôn thịt bán người trong xã hội cùng với thế lực ngự trị của đồng tiền trong xã hội bấy giờ. Đó cũng chính là thành công về giá trị tố cáo hiện thực và nhân đạo của tác phẩm.
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều được trích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du là đoạn mở đầu cho quãng đời 15 năm lưu lạc đau khổ của Thúy Kiều. Đoạn thơ đã làm sống lại một cảnh buôn bán người thời trung cổ, thể hiện những nét đặc sắc trong nghệ thuật tự sự và tả người của thi hào Nguyễn Du. Đặc sắc nhất là khi tác giả tả nhân vật Mã Giám Sinh.
Vị khách đến mua Kiều là “người viễn khách”, được mụ mối đưa vào để “vấn danh” để ăn hỏi và xin cưới. Vị khách tự giới thiệu mình là “kẻ sĩ” – sinh viên của trường Quốc Tử Giám, chỉ nói họ chứ không xưng tên, rất kiểu cách quý tộc.
“Hỏi tên, rằng: Mã Giám Sinh
Hỏi quê, rằng: Huyện Thanh Lâm cũng gần”
Hai chữ “rằng” trong lời giới thiệu đã bộc lộ một thái độ kiêu kì, coi thiên hạ bằng nửa con mắt của Mã Giám Sinh, khẩu ngữ đối đáp của hắn vừa hợm hĩnh lại thô lậu và khiếm nhã. Nguồn gốc của hắn thực chẳng phải kẻ sĩ gì cả, hắn đích thực là một kẻ buôn thịt bán người mà Nguyễn Du đã vẽ nên bức chân dung:
“Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao”
Vẻ nhẵn nhụi của Mã Giám Sinh gợi lên sự dung tục, tầm thường, sự bảnh bao của áo quần lại biểu lộ sự giả dối, đội lốt, tác giả đã vẽ những nét châm biếm trên chân dung của Mã Giám Sinh. Vị khách này cũng có kẻ tớ, đi một bước cũng có người hầu hạ, ra vẻ rất sang trọng, quan dạng. Nhưng giữa vị thầy và tớ của ông khách này có những điểm lạ thường, gây “lao xao” ồn ào và lộn xộn. Chúng không có chút lễ giáo, phép tắc và thiếu nề nếp, đáng khinh:
“Trước thầy sau tớ lao xao…
Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”
Chỉ qua các hành động ứng xử như “ngồi tót”, “sỗ sàng” đã bộc lộ rõ tư cách của những kẻ hạ lưu, thiếu nhân cách và thiếu lễ độ, đó là cách của phường buôn thịt và quân buôn người. Mã Giám Sinh là một kẻ buôn bán người đã lọc lõi “quanh năm buôn bán phấn hương đã lề”. Khi mụ mối “vén tóc, bắt tay” món hàng thì hắn “cân sắc cân tài” rồi “ép” và “thử”, bắt Kiều đánh đàn, làm thơ, đối với hắn dù có là người có quốc sắc thiên hương như Kiều cũng chỉ là một món hàng không hơn không kém, để hẳn mang ra mà cân đo đong đếm. Sau khi đã “mặn nồng một vẻ một ưu” hắn mới “tùy cơ dặt dìu” mua bán. Cảnh mua bán Kiều đã thể hiện được cả cái tâm và cái tài của Nguyễn Du, qua nhân vật Mã Giám Sinh, tác giả đã tố cáo và lên án một cách khinh bỉ quân buôn thịt bán người trong xã hội phong kiến thối nát. Câu thơ “Tiền lưng đã sẵn, chuyện gì chẳng xong” là một lời vạch trần những kẻ bất lương, làm giàu trên thân xác của người phụ nữ. Bằng bút pháp nghệ thuật hiện thực, nghệ thuật miêu tả người rất tài tình, tác giả đã khắc họa tính cách nhân vật Mã Giám Sinh, hắn là một kẻ phong tình, giả dối, keo kiệt và vô tình, bất nhân bất nghĩa.
Hình ảnh Mã Giám Sinh trong Truyện Kiều hay chính trong đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều đã trở thành một điển hình cho bọn “buôn phấn bán hương” trong xã hội phong kiến xưa, góp phần tô đậm giá trị hiện thực của tác phẩm.
Thành công của Nguyễn Du trong Truyện Kiều không chỉ ở tấm lòng nhân đạo cao cả, tình yêu thương vô hạn đối với con người mà còn thể hiện ở thái độ căm ghét đối với lũ người đe tiện, hèn hạ, vô nhân tính trong xã hội phong kiến đương thời. Trong đó, nhân vật Mã Giám Sinh là bức chân dung đầu tiên xuất hiện trong Truyện Kiều với những thói xấu, sự đê tiện, vô văn hóa, một kiểu con buôn điển hình.
Đoạn trích Mã Giám Sinh mua Kiều nằm ở phần đầu thư hai Gia biến và lưu lạc, mở đầu kiếp đoạn trường của người con gái họ Vương. Sau khi gia đình Kiều bị tên bán tơ vu oan, Vương Ông và Vương Quan bị bọn sai nha bắt giữ, đánh đập dã man. Nhà cửa cũng bị chúng lục soát, của cải bị vơ vét đi hết. Vì để có đủ tiền cứu cha và em ra khỏi tình cảnh khốn khổ đó, Thúy Kiều đã quyết định bán mình để lấy tiền cứu cha và gia đình thoát khỏi tai họa. Đoạn này nói về việc Mã Giám Sinh đến mua Kiều qua mai mối mách bảo. Tác giả miêu tả thật kĩ lưỡng bức chân dung của nhân vật Mã Giám Sinh bằng những lời lẽ khinh bỉ nhất:
“Gần miền có một mụ nào,
Đưa người viễn khách tìm vào vấn danh.
Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.”
Viễn khách là khách ở xa đến. Mã Giám Sinh nghĩa là Giám Sinh họ Mã. Giám Sinh là tên học trò ở Quốc Tử Giám, trường lớn ở kinh đô thời xưa. Giám Sinh cũng có khi chỉ chức giám sinh người ta mua của triều đình. Giới thiệu Mã Giám Sinh, ngay từ đầu, tác giả đã mập mờ tung tích như chính cái bản chất đê tiện, đớn hèn của hắn.Bút pháp hiện thực miêu tả nhân vật phản diện Mã Giám Sinh hoàn chỉnh cả về diện mạo và tính cách. Hắn có lời nói cộc lốc, vô văn hóa, con nhà thất học, hoàn toàn ngược lại với danh tính mà hắn đã giới thiệu. Khi được hỏi, hắn trả lời nhát gừng, không có chủ ngữ, không thèm thưa gửi:
“Hỏi tên, rằng: “Mã Giám Sinh”,
Hỏi quê, rằng: “Huyện Lâm Thanh cũng gần”.
Quá niên trạc ngoại tứ tuần,
Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao.
Trước thầy sau tớ lao xao,
Nhà băng đưa mối rước vào lầu trang.”
Cái nhố nhăng, kịch cỡm và dối trá cũng thể hiện ngay trên dung mạo của hắn. Dù đã ngoài bốn mươi cái tuổi “quá niên trạc ngoại tứ tuần” nhưng Mã Giám Sinh vẫn cô tỏ ra trẻ trung “mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao” để đi cưới vợ. Với diện mạo của một gã trai râu cạo “nhẵn nhụi” (từ “nhẵn nhụi” thường được dùng cho đồ vật hơn là con người), ăn mặc “bảnh bao”, đỏm dáng, chải chuốt thái quá, có thể nói là diêm dúa, thành lố bịch, giả dối, không có dáng của một bậc chính nhân quân tử.Cảnh thầy tớ nhặng xị, nhâng nháo: “trước thầy sau tớ lao xao”. Có lẽ đây đều cùng một phường buôn người nên thầy tớ không phân minh, lễ nghi không được tuân giáo.Khi vào nhà, cử chỉ của hắn thật thô lỗ, quen thói “thị của khinh người”:
“Ghế trên ngồi tót sỗ sàng,
Buồng trong mối đã giục nàng kíp ra.”
Ghế trên là ghế dành cho bậc cao niên, trưởng bối, là chỗ ngồi tôn kính. Mã Giám Sinh đi hỏi vợ là hàng con cháu mà lại ngồi vào đó, không những bất kính mà cử chỉ thì rất nhanh và sỗ sàng của con nhà vô học, bất phúc. “Ngồi tót” là một từ ngữ rất tượng hình miêu tả hành động vô văn hóa ấy. Chi tiết này đã tố cáo Mã Giám Sinh đích thực là một kẻ vô học, tồi bại.Về bản chất, nhân vật Mã Giám Sinh là điển hình của bản chất con buôn lưu manh với đặc tính giả dối, bất nhân vì tiền. Giả dối từ lai lịch xuất thân mù mờ. Mã Giám Sinh xuất hiện trong vai người có học đi mua tì thiếp, tên họ và quê quán đều chẳng mấy rõ ràng. Mã Giám Sinh có thể hiểu là học sinh trường Quốc Tử Giám. Cũng có thể là chức giám sinh mua được của triều đình. Lại thêm không rõ hắn thuộc loại nào. Hắn giới thiệu quê ở xa “viễn khách” mà lại nói “cũng gần”. Như vậy, hắn đã hai lần nói dối để che dấu tung tích và dễ bề lừa gạt. Đến tướng mạo, tính danh cũng giả dối, tuổi tác đã nhiều nhưng lại cố tỏ ra tô vẽ ra cho trẻ, ra vẻ thư sinh, phong lưu, lịch sự mà “trước thầy sau tớ lao xao” rất láo nháo, ô hợp.Bản chất bất nhân vì tiền của nhân vật Mã Giám Sinh bộc lộ qua cảnh mua bán Thúy Kiều. Bất nhân trong hành động, thái độ đối xử với Kiều lạnh lùng, vô cảm trước nỗi đau, nhan sắc, tài hoa của Kiều, hắn coi Kiều như một món hàng, coi sắc, tài của nàng chỉ như giá trị của hàng hóa cái có thể khiến hắn kiếm lời.
“Đắn đo cân sắc cân tài,
Ép cung cầm nguyệt thử bài quạt thơ.”
Sau khi đã đắn đo cân sắc, cân tài, ép đàn “ép cung cầm nguyệt”, thử tài thơ “thử bài quạt thơ”. Bằng lòng vừa ý, hắn mới “tùy cơ dắt dìu”. Bất nhân trong tâm lý lạnh lùng, vô cảm trước gia cảnh của Kiều và tâm lý mãn nguyện, hơm hĩnh: “tiền lưng đã sẵn việc gì chẳng xong”. Lời nói lúc đầu nghe có vẻ văn hoa, lịch sự, biết người biết của: “Rằng mua ngọc đến Lam Kiều – Sính nghi xin dạy bao nhiêu cho tường?”. Nhưng chỉ được có một câu và sự mua bán vẫn lộ liễu:
“Cò kè bớt một thêm hai,
Giờ lâu ngã giá vàng ngoài bốn trăm.”
Với con buôn, tiền nong là chuyện sinh tử nên đến lúc này hắn buộc phải nói nhiều đến việc mặc cả, dìm giá, tìm cách mua hàng với giá “hời nhất”. Hắn lập tức giở thói “cò kè bớt một, thêm hai” đến “giờ lâu” mới “ngã giá”. Câu thơ gợi cảnh kẻ mua, người bán đưa đẩy món hàng. Túi tiền được cởi ra, thắt vào, nâng lên, đặt xuống. Chi tiết mặc cả một cách đê tiện và trắng trợn, vừa thể hiện thực chất màn kịch “lễ vấn danh” chỉ là cảnh buôn thịt bán người trắng trợn, vừa tố cáo Mã Giám Sinh đích thị là kẻ buôn người lọc lõi đáng ghê tởm. Cái mặt nạ hỏi vợ của hắn lúc đã rơi tuột từ lúc nào.
Nhân vật phản diện Mã Giám Sinh được miêu tả bằng ngôn ngữ trực diện, bút pháp hiện thực. Nguyễn Du kết hợp nghệ thuật kể chuyện với miêu tả cảnh ngoại hình, cử chỉ, ngôn ngữ đối thoại để khắc họa tính cách nhân vật hoàn hảo cả về diện mạo và tính cách, rất cụ thể, sinh động, mang ý nghĩa khái quát về một hạng người giả dối, vô học, bất nhân trong xã hội. Tất cả làm nổi bật bản chất con buôn lọc lõi của hắn. Vì tiền, y sẵn sàng chà đạp lên nhân phẩm con người lương thiện.Mã Giám Sinh mua Kiều là một bức tranh hiện thực về xã hội đồng thời thể hiện tấm lòng nhân đạo của Nguyễn Du trên cả hai phương diện: vừa lên án các thế lực xấu xa, tàn bạo vừa thương cảm, xót xa trước sắc đẹp, tài năng, nhân phẩm của người phụ nữ bị chà đạp. Đoạn trích còn cho thấy tài năng, nghệ thuật của Nguyễn Du: miêu tả nhân vật phản diện bằng ngòi bút hiện thực, khắc họa tính cách nhân vật qua diện mạo, cử chỉ (khác với nhân vật chính diện bằng bút pháp ước lệ lý tưởng hóa nhân vật).