/tmp/cagfn.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Nghị luận Quan niệm của anh chị về vấn đề sống vô cảm gồm dàn ý chi tiết, 2 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài thi môn Ngữ văn lớp 12.
– Đặt vấn đề: Bạn đã bao giờ đi qua người gặp mà bỏ đi lạnh lùng? Đã bao giờ dừng chân trò chuyện với bà cụ ăn xin? Có bao giờ thương xót cho một đứa trẻ tật nguyền? Bạn có cảm xúc trước những vấn đề xung quanh không?
– Lối sống vô cảm đang dần ăn sâu vào đời sống con người. Liệu bạn đang có một lối sống vô cảm? Đừng nhìn từ bên ngoài mà phán xét lối sống ấy hãy tự mình suy ngẫm lại.
1. Giải thích
– Vô cảm là một trạng thái tinh thần mà khi đó con người không có một tình cảm mang tính nhân bản nào đối với sự vật sự việc diễn ra xung quanh, chỉ quan tâm đến quyền lợi bản thân.
2. Biểu hiện
– Thờ ơ, lạnh nhạt trước những nỗi đau của người khác, tàn nhẫn gây tổn thương đến người khác. VD: bắt gặp cảnh tai nạn ngoài đường không giúp đỡ mà chỉ quay video; có những kẻ máu lạnh sát hại cả gia đình vì tiền, vì dục vọng, …
– Không phẫn nộ trước cái xấu, cái ác và cũng không rung động trước cái đẹp, cái tốt. VD: Nhìn thấy cảnh bạo lực học đường không can ngăn hay giúp đỡ; bắt gặp kẻ móc túi trên xe buýt không lên tiếng…Không rung động trước những cái đẹp mục đích sống duy nhất chỉ là vật chất.
– Không quan tâm, tham gia hoạt động nào của đoàn thể, cộng đồng, ghét phải làm việc, giao tiếp trong môi trường tập thể.
– Không quan tâm đến những người thân của mình. VD: mọi người trong gia đình chỉ chú tâm vào trang mạng xã hội, con cái không biết yêu thương cha mẹ, chỉ đòi hỏi mọi thứ từ cha mẹ một cách thụ động
– Thờ ơ với chính bản thân mình. VD: sống không có ước mơ, không nỗ lực để đạt những điều mình muốn; không quan tâm đến sức khỏe của bản thân mình: thức khuya, sử dụng các loại chất kích thích; …
3. Nguyên nhân
– Sự phát triển nhanh chóng của xã hội khiến con người phải sống gấp hơn, xem nhẹ việc vun đắp những giá trị tinh thần, có ít cơ hội hơn để chia sẻ với nhau.
– Sự bùng nổ của khoa học công nghệ làm giảm sự tương tác giữa người với người.
– Do cách giáo dục chỉ thiên về lí thuyết, giáo điều, không thực sự tác động đến tư tưởng tình cảm của người học.
– Do cách giáo dục con cái không phù hợp của mỗi gia đình
– Do lối sống vị kỉ của mỗi con người, chỉ biết theo đuổi những giá trị vật chất mà quên đi những giá trị tinh thần.
4. Hậu quả
– Đối với mỗi cá nhân nó sẽ khiến họ giống như một cỗ máy không có tâm hồn, thành kẻ vô trách nhiệm, vô nhân tính.
– Cuộc sống mất đi những giá trị đích thực của nó, chỉ là sự tồn tại
– Đối với toàn xã hội, nó làm mất đi những giá trị đạo đức tốt đẹp của ông cha ta từ ngàn đời nay
– Nếu tình trạng này lan rộng ra phạm vi toàn nhân loại thì hành tinh này sẽ trở thành hành tinh của các cỗ máy
5. Giải pháp
– Có ý thức phê phán lên án những người có thái độ, hành động vô cảm trong xã hội.
– Mỗi người hãy mở lòng mình sống yêu thương, quan tâm đến gia đình, những người xung và chính bản thân mình
– Hạn chế sự phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ hiện đại, sử dụng chúng một cách hiệu quả.
– Nhà trường cần tăng cường giáo dục về đạo đức lối sống cho học sinh, chú ý vào thực hành, trải nghiệm để bồi dưỡng tình cảm cho học sinh.
– Tuyên truyền rộng rãi, tổ chức các hoạt động xã hội với mục đích xóa bỏ “căn bệnh vô cảm”.
– Bạn có đang là người sống vô cảm? Hãy nhận thức lại bản thân, hãy thức tỉnh chính mình và những người xung quanh bởi lối sống vô cảm sẽ giết chết tâm hồn mỗi người một cách từ từ, đáng sợ.
Trịnh Công Sơn đã từng viết rằng: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng/ Để làm gì em biết không?/ Để gió cuốn đi”. Quả thực trong cuộc sống đầy những bất trắc bon chen này, ai cũng cần có một tấm lòng yêu thương, quan tâm, giúp đỡ mọi người. Nhưng một bộ phận không nhỏ trong xã hội hiện nay lại xuất hiện lối sống thơ ơ, vô cảm. Quả thực là tình trạng đáng báo động.
Vô cảm có thể hiểu là không có tình cảm, cảm xúc, không có tình yêu thương, không có động tâm trước hoàn cảnh, mảnh đời khó khăn. Đôi khi vô cảm cũng chính là không quan tâm đến chính tương lai của bản thân.
Cách đây không lâu, có lẽ ai cũng bàng hoàng khi đọc một tin tức, một bạn nữa sinh ngoài hai mươi tuổi sau khi sinh con đã đang tâm mà cho đứa bé vào túi rồi ném từ tầng ba mốt của một chung cư xuống. Quả thực đọc đến đó khiến cho chúng ta không khỏi lạnh gáy, sợ hãi. Sự vô cảm của con người lại đạt đến ngưỡng độ này rồi hay sao. Người ta vẫn thường nói hổ dữ không ăn thịt con, những hãy nhìn xem, người phụ nữ kia đang tâm đối xử với đứa con mình dứt ruột sinh ra như thế nào. Quả thực, sự tàn nhẫn, vô cảm của con người đã đến đô không thê khoanh tay đứng nhìn.
Vô cảm cũng có thể là khi bạn đi đường, thấy hiện tượng móc túi, hay dàn cảnh cướp giật trên đường. Nhưng tuyệt nhiên không mảy may bận tâm, hoặc sợ hãi nếu can thiệp sẽ bị vạ lây. Người bị hại chỉ biết đứng đó chân chối không nói một lời, cũng không thể cầu sự cứu giúp của người xung quanh. Cái ác được dịp lên ngôi, thừa cơ làm những điều tệ hại hơn nữa.
Quay video, thu hút sự quan tâm của mọi người trong khi người khác bị nạn lại trở thành một “trào lưu” trong giới trẻ. Quả là một trào lưu quái ghở. Họ đua nha lấy những chiếc điện thoại ra, quay chụp, cố sao cho chi tiết, rõ nét nhất, nhanh chóng tung lên mạng hòng nhận được sự chú ý của mọi. Nếu lúc đấy còn một chút nhân tính, thì chắc có lẽ họ sẽ không có những hành động vô cảm, thiếu lương tâm như vậy. Và cũng sẽ có không ít người bị chết oan uổng vì không được cứu chữa kịp thời, vì không có ai gọi xe cấp cứu. Thật đáng buồn thay.
Vô cảm còn là khi bạn bang quan với tương lai của chính mình. Sinh ra ai trong chúng ta cũng có mơ ước để là động lực không ngừng phấn đấu. Nhưng có rất nhiều kẻ lại như con “tằm” tình nguyện nằm trong kén mà không chịu bung mình để trở thành một chú bướm tự do. Cả cuộc đời họ chỉ luẩn quẩn, mặc kệ năm tháng trôi qua. Dường như họ chỉ tồn tại để chờ đến ngày cuối cùng của cuộc đời mình.
Trên thực tế, tình trạng vô cảm trong cuộc sống con người không phải chỉ gần đầy mới có. Mà chắc chắn đã manh nha từ rất lâu, nhưng lúc đó mới chỉ là những hiện tượng nhỏ lẻ, nhưng hiện nay với sự tác động của nhiều yếu tố. Lối sống vô cảm ngày càng trở thành một bệnh dịch, dễ dàng ăn lan vào nhận thức con người. Trước hết là do đời sống khoa học kĩ thuật phát triển, con người ngày càng bận bịu với việc làm ra của cải vật chất, mà quên đi việc bồi dưỡng cho tâm hồn, dần dần hình thành nên lỗi sống vô cảm. Thứ hai, do tiếp xúc với những văn hóa phẩm không lành mạnh, những hình ảnh, bộ phim mang tính chất bạo lực cao, cũng là nguyên nhân khiến lối sống vô cảm ngày càng phổ biến. Không chỉ vậy, cha mẹ mải mê kiếm tiền, không quan tâm tới con cái, khiến chúng sống trong cô đơn. Cuộc sống thiếu tình thương cũng khiến cho những đứa trẻ mất đi sự chia sẻ, cảm thông với mọi ngươi. Cuối cùng, do bản thân mỗi người còn thiếu kiến định, tu dưỡng đạo đức chưa tốt nên dễ dàng bị tác động bởi những yếu tố ngoại lai không tích cực.
Tuy là một bệnh dịch hết sức nguy hiểm, nhưng cũng không phải có cách khắc phục. Mỗi chúng ta cần phải tu dưỡng cho bản thân mình một lối lành mạnh. Luôn quan tâm, giúp đỡ mọi người. Sống chân thành, không vụ lợi, không giả dối. Khi gặp người bị nạn hãy nhiệt tình giúp đỡ họ. Thay vì xem những bộ phim bạo lực, hãy nghe một bản nhạc du dương, hãy đọc một câu chuyện cảm động, để tâm hồn mình được thanh sạch vaf trong sáng hơn.
Mỗi chúng ta, ai cũng có trong mình phần thiện lương, luôn biết yêu thương, sẻ chia với những người xung quanh. Nhưng do một vài yêu tố, tác động nên con người có thể sinh ra lối sống vô cảm. Hãy luôn mở rộng tấm long mình, chia sẻ, giúp đỡ những người xung quanh.
Beetoven đã từng nói rằng: “Trong cuộc sống không có cái gì cao quý và tốt đẹp hơn là đem hạnh phúc cho người khác”. Đó quả là một lối sống đẹp, vị tha và sẵn sàng hi sinh cho người khác. Nhưng hiện nay có một thực trạng vô cùng đáng buồn đó là lối sống vô cảm, thờ ơ với niềm đau, nỗi buồn, với cái xấu. Đây quả thực là tình trạng đáng báo động và nó như một căn bệnh dịch lan tỏa ngày càng nhanh trong xã hội.
Vô cảm tức là sự thờ ơ, dửng dưng, không có cảm xúc với bất cứ sự vật, hiện tượng và vấn đề xã hội xảy ra xung quanh. Họ thờ ơ, không quan tâm chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với những người quanh mình. Họ vô tâm trước lợi ích của cộng đồng và đôi khi thờ ơ với chính tình cảm, tương lai của chính mình. Sự vô cảm này cũng chính là biểu hiện của sự sa đọa về đạo đức, xuống cấp về nhân cách của con người. Đây là một lối sống tệ hại, đáng phê phán, lên án.
Lối sống vô cảm ngày càng trở nên phổ biến ở trong xã hội. Nó diễn ra ở khắp mọi nơi, mọi không gian và thời gian. Lối sống này tập trung nhiều nhất ở tầng lớp thanh niên, thế hệ mần nong của tương lai đất nước. Những người sống vô cảm thường vô tâm trước cái xấu, cái ác đang hoành hành, diễn ra trước mắt họ. Nếu họ vô tình nhìn thấy một người bị móc túi nơi công cộng, họ sẵn sàng ngó lơ, mặc kệ người bị hại, mặc kệ cái ác tung hoành. Với họ an toàn vẫn là trên hết, hơn thế nữa, việc người kia bị mất mát về tài sản cũng chẳng hề can hệ đến họ, bởi vậy họ dửng dưng đi qua.
Người sống vô cảm khi gặp những người có hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh thường làm ngơ, không quan tâm, đếm xỉa. Chắc hẳn hiện nay các bạn đã được xem rất nhiều video trên mạng xã hội, khi nhìn thấy người có ý định tự tử họ không cứu giúp khuyên ngăn mà lấy những chiếc điện thoại thông minh, ghi hình phát trực tiếp để “câu like” hay thấy những người bị tai nạn, họ cũng có những hành động tương tự. Quả thực, vô cùng đau lòng và xót xa khi tình trạng xuống cấp về đạo đức và lối sống lại nghiêm trọng đến như vậy.
Không chỉ vậy, người sống vô cảm còn chỉ biết “nhận” của người khác chứ không biết “cho” đi. Họ chỉ luôn nghĩ về những lợi ích mà bản thân, họ không mảy may quan tâm đến lợi ích của cộng đồng. Lợi ích của bản thân là mục đích tối thượng mà họ hướng đến. Bởi vậy, đôi khi những người này bất chấp thủ đoạn, bằng mọi giá để đạt được nguyện vọng của chính mình.
Ngoài ra, người vô cảm thường sống lạnh nhạt, thờ ơ với những người xung quanh: cha mẹ, bạn bè, hàng xóm. Họ luôn muốn thu mình vào vỏ ốc chật hẹp, lười giao tiếp. Niềm vui với họ là được ở một mình, làm việc một mình. Họ ngại chia sẻ, yêu thương, không muốn gắn bó với bất cứ ai.
Có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến lối sống vô cảm ngày càng trở nên phổ biến. Đầu tiên phải kể đến là sự phát triển của nền kinh tế thị trường, với tư tưởng thực dụng ngày càng ăn sâu, bám rễ vào tư tưởng của con người. Thương trường như chiến trường, con người ta phải cạnh tranh khốc liệt để sinh tồn bởi vậy họ bất chấp thủ đoạn để được thành công, không quan tâm đến nghĩa tình bạn bè, đồng nghiệp. Thứ hai, có thể kể đến là những hạn chế trong giáo dục. Hệ thống giáo dục dường như nặng nề, thiên về dạy kiến thức hơn là dạy về đạo đức. Đối với mỗi chúng ta, đầu tiên phải là một người tốt trước khi trở thành một người giỏi. Sự lệch lạc này cũng khiến cho căn bệnh vô cảm ngày càng trở nên nhiều hơn. Bên cạnh đó là sự chiều chuộng của bậc cha mẹ, phụ huynh chiều con quá mức. Đáp ứng mọi yêu cầu của con, có những hành xử thiếu đúng đắn khiến đứa trẻ nảy sinh tính ích kỉ, không biết quan tâm, sẻ chia với những người xung quanh. Và cuối cùng là do chính bản thân mỗi người, không có đầy đủ kĩ năng, kinh nghiệm sống, sống ích kỉ, kĩ năng ứng xử, giao tiếp kém. Sống vị kỉ thiếu tình yêu thương với những người xung quanh.
Lối sống vô cảm đã để lại những hậu quả khôn lường với xã hội. Hãy thử tưởng tượng một xã hội chỉ toàn người vô cảm thì xã hội ấy sẽ ra sao khi cái xấu, cái ác sẽ lên ngôi và thống trị. Cuộc sống khi thiếu đi tình thương yêu các giá trị nhân văn tốt đẹp sẽ đảo lộn, bị triệt tiêu hoàn toàn. Đó quả là một viễn cảnh không ai muốn trở thành hiện thực song nếu căn bệnh này vẫn còn thì viễn cảnh kia trong tương lai sẽ trở thành sự thật.
Nhưng không phải là không có cách để khắc phục tình trạng trên. Ngay từ bây giờ hãy tạo nên một môi trường sống đầy tình yêu thương, mọi người luôn quan tâm, chia sẻ và giúp đỡ lẫn nhau. Hệ thống giáo dục không chỉ hướng đến đào tạo những con người tài giỏi mà còn phải để học sinh trước hết là những công dân có đạo đức, nhân cách. Lên án, phê phán những kẻ sống thờ ơ, chỉ biết đến lợi ích cá nhân.
Đối với mỗi học sinh chúng ta cần ra sức tu dưỡng nhân cách và đạo đức để trở thành con người tốt của xã hội. Sống hòa đồng, yêu thương và san sẻ với những người xung quanh. Có một trái tim rộng mở biết đồng cảm với những nỗi đau, nỗi bất hạnh của mọi người.
Sống vô cảm là lối sống sai trái, lệch lạc và ẩn chứa đầy nguy hiểm đối với xã hội. Bản thân mỗi người cần xây dựng lối sống lành mạnh, tích cực, sống hòa đồng và yêu thương những người xung quanh. Sống trong tình yêu thương và bằng tình yêu thương xã hội này sẽ ngày một trở nên tốt đẹp hơn.