/tmp/namfs.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn Tả cô y tá, bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân gồm dàn ý chi tiết, 5 bài văn mẫu được tuyển chọn từ các bài văn đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài viết Tập làm văn lớp 3.
Đề bài:Tả cô y tá, bác sĩ đang chăm sóc bệnh nhân.
– Giới thiệu về cô y tá/ bác sĩ mà em định tả
– Em gặp cô y tá/ bác sĩ đó trong hoàn cảnh nào?
– Ngoại hình của cô y tá/ bác sĩ đó ra sao? ( khuân mặt/ dáng người/ trang phục/ làn da/…)
– Thái độ của cô y tá/ bác sĩ đó khi khám bệnh cho bệnh nhân ( ân cần/ dịu dàng/ nghiêm túc…)
– Cảm nhận, tình cảm của em với cô y tá đó.
Ba tôi là một y sĩ. Một y sĩ kỳ cựu, một người thầy thuốc hết lòng tận tụy vì bệnh nhân. Có những lần thức giấc giữa đêm, tôi nhận ra ánh đèn phòng ba tôi vẫn sáng. Nhẹ nhàng đẩy cánh cửa phòng, ba tôi vẫn không hề hay biết. Tôi chợt ngỡ ngàng, tôi không nhận ra ba tôi nữa mà thay vào đó tôi thấy một vị bác sĩ mái tóc hoa râm đang cặm cụi trên bàn làm việc. Hình ảnh ấy thật vĩ đại, thật to lớn làm sao. Trong ánh đèn bàn sáng rực, người y sĩ ấy còn rực rỡ hơn nhiều. Tấm áo blouse trắng vẫn khoác trên vai từ lúc từ bệnh viện về đã được xắn lên quá khuỷu tay. Ba nói dạo này bệnh viện nhiều việc, hễ về đến nhà là lao ngay vào phòng làm việc, cặm cụi với những hồ sơ bệnh án, với những nghiên cứu y học. Đôi tay hý hoáy ghi chép vào sổ cá nhân đã chằng chịt những tên bệnh, những tên thuốc. Đôi mắt chăm chú nghiên cứu từng con chữ, chiếc kính hơi trễ xuống theo ánh nhìn. Những nếp nhăn hơi xô lại giữa hai đầu lông mày chứng tỏ sự tập trung cao độ. Thỉnh thoảng, ba hơi dừng lại, dường như để suy nghĩ điều gì đó, rồi quay về phía chiếc máy tính được bật sẵn, tìm kiếm một lời giải đáp. Trước mặt ba, trên bàn làm việc ngổn ngang những giấy tờ, ảnh, tranh minh họa, những hồ sơ của bệnh nhân. Tôi thật mong sau này có thể được như ba, được trở thành một bác sĩ giúp đỡ mọi người, cống hiến cho cuộc đời.
Mới đây, theo mẹ vào thăm dì Tư đang nằm bệnh viện, em mới có dịp biết cô Tuyên, nữ y tá của bệnh viện Thị Xã. Trang phục của cô toàn màu trắng. Chiếc áo bờ – lu dài tới đầu gối màu trắng quần trắng, nón trắng, đôi găng tay cũng màu trắng. Chỉ có hình chữ thập và dòng chữ thêu tên cô trên ngực là màu đỏ. Từ người cô toát lên vẻ đẹp như một nhành hoa huệ trắng muốt và thanh cao, gương mặt cô trắng trẻo, đầy đặn trông rất phúc hậu. Đôi mắt cô đen láy, hiền hoà, thâm trầm giống như cô giáo em ở trường, nên nhìn cô em đem lòng kính trọng ngay. Cô dùng tay nhè nhẹ ấn vào các vùng trên bụng dì Tư để dò tìm bệnh trạng. Từ trong túi xách tay, cô lấy ra một vật giống như cuộn vải dày, gắn liền với chiếc đồng hồ và khám bệnh cho Dì Tư. Mỗi lần cô ấy đến, bệnh của Dì tôi hình như thuyên giảm thấy rõ. Tôi rất biết ơn những người y tá và bác sĩ, vì họ đã tận tình cứu chữa được biết bao người.
Hôm nay là ngày thầy thuốc Việt Nam làm em nhớ đến một người thầy thuốc: bác sĩ Lê Thị Thanh Xuân, người đã trực tiếp chăm lo, săn sóc bệnh cho Nội của em hồi Nội nằm điều trị tại bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Bác sĩ Xuân có dáng người thanh tú. Khuôn mặt hình trái xoan, mái tóc đen nhánh luôn buông xõa xuống bờ vai. Đôi mắt tròn và vẻ mặt luôn tươi tỉnh. Cũng như các cần bộ y tế khác, bác sĩ Xuân mặc một chiếc áo khoác trắng dài đến đầu gối và đội chiếc mũ trắng, dáng đi nhanh nhẹn, hoạt bát. Ngay buổi đầu tiên Nội em nhập viện, bác sĩ đã ân cần thăm hỏi bệnh tình của Nội, đỡ Nội nằm xuống, cẩn thận sửa lại nệm, gối, lấy chiếc mền đắp lên người Nội như một người con chăm sóc cha, rồi bác sĩ quay lại nói với người y tá của mình, chuẩn bị dụng cụ để đo nhiệt độ cho Nội. Bác sĩ dặn đi dặn lại: “Cụ giữ ống nhiệt kế cho chặt, mười lăm phút sau cháu xin lại”. Chăm sóc Nội em xong, bác sĩ đi sang giường bệnh khác để thăm bệnh cho một bác đã lớn tuổi. Trong khi làm, nhìn gương mặt bác sĩ thật hiền từ, nhân ái. Em muốn mình sau này lớn lên cũng sẽ trở thành bác sĩ để cứu giúp mọi người, làm những điều thiện giúp đời.
Người mà em rất quý rất trọng và cũng rất gần gũi, đó là cô Lê Thị Thanh Xuân bác sĩ răng hàm mặt của bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Bác sĩ Xuân là bạn thân của mẹ em từ hồi học phổ thông trung học cho đến giờ. Hai người làm hai nghề khác nhau. Mẹ em vào sư phạm, ra trường về nhận nhiệm sở ở trường Cao đẳng sư phạm của tỉnh, còn cô đi vào ngành y rồi về công tác ở tỉnh nhà. Hàm răng em đều và đẹp cũng nhờ cô Xuân chăm sóc thường xuyên. Cô là một người tận tụy trong công việc và rất thương bệnh nhân. Những khách hàng đến trồng răng làm hàm, nhổ, trám… cô đều khám rất kỹ càng và luôn tỏ thái độ nhã nhặn, lịch sự với khách. Cô cũng đã từng đi tu nghiệp ở Nhật, nên tay nghề cô rất cao, tạo được uy tín với khách hàng. Mọi người thường tìm đến cô để khám và chữa bệnh răng.
Chiều hôm qua, mẹ em đi khám ở bệnh viện huyện; trong lúc chờ mẹ ngoài hành lang em chú ý đến cô y tá trong phòng điều dưỡng đang chăm sóc bệnh nhân. Cô y tá đó tỉ mi, cẩn thận hỏi han bệnh nhân và luôn tạo cảm giác thoải mái nhất cho người bệnh. Cũng vì thế mà em ấn tượng với cô y tá đó. Cô y tá mặc một bộ đồ màu trắng của bệnh viện, trên đầu đội mũ cũng màu trắng. Cô đi một đôi hài màu đen thấp. Dáng cô mảnh mai nên khi có yêu cầu gì khẩn cấp cô có thể chạy đi nhanh chóng. Trong lúc cô chăm sóc cho bệnh nhân, cô luôn nở nụ cười thật tươi và thật hiền. Giọng nói trầm nhẹ khi trò chuyện với bệnh nhân khiến người khác cảm thấy dễ chịu. Mặc dù trong phòng bệnh có rất nhiều người, ai cũng có nhu cầu chăm sóc, tuy nhiên cô vẫn không hề kêu ca, lần lượt chăm sóc người này sang người khác. Cứ từng người, từng người một đều do bàn tay của cô chăm sóc. Đối với những chị thực tập mới vào, cô cũng hướng dẫn rất nhiệt tình và chu đáo. Luôn động viên thực tập sinh phải cố gắng hết mình để hoàn thành tốt công việc. Cô y tá chăm sóc bệnh nhân này thực sự khiến cho em khâm phục vì đức tính cần cù, chịu khó cũng như có tấm lòng bồ tát với mọi người.