/tmp/nmmsg.jpg
Với các mẫu Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt hay, ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 12 hơn.
A/ Nội dung bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Hồn Trương Ba, da hàng thịt muốn gửi tới người đọc thông điệp: Được sống làm người quý giá thật, nhưng đưuọc sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết dấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
B/ 5 mẫu Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt
Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt – mẫu 1
Trương Ba rất giỏi đánh cờ. Nam Tào đã xoá tên ông trong sổ Trời. Sau đó, Nam Tào và Đế Thích đã cho hồn Trương Ba tái sinh nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Từ đó, hồn Trương Ba trú ngụ trong xác hàng thịt, xác hàng thịt mang hồn Trương Ba. Cũng từ đó xảy ra bao chuyện lộn xộn. Lí trưởng sách nhiễu. Vợ hàng thịt đòi chồng. Vợ, con, cháu của Trương Ba cảm thấy chồng, cha, ông của mình sao mà xa lạ, vụng về và cục cằn. Bản thân Trương Ba có quá nhiều thay đổi: Nhiễm nhiều thói xấu, trở nên tha hoá, sống lạc lõng. Có nhiều lúc hồn Trương Ba và xác hàng thịt cãi nhau, nặng lời với nhau. Vợ Trương Ba chán ngán đòi bỏ đi. Cái Gái, cu Tị, hai đứa cháu đều ghét ông. Chị con dâu đau khổ nói với hồn Trương Ba về sự tan hoang, đổ vỡ của gia đình, “đau đớn thấy… mỗi ngày thầy một đổi khác dần, mất mát dần…”. Hồn Trương Ba bải hoải bài hoài, thắp hương xin gặp Đế Thích. Gặp Đế Thích, hồn Trương Ba nói về thân phận cay đắng “sống nhờ” của mình và xin được chết cho thảnh thơi. Đế Thích hết lời khuyên giải, nhưng hồn Trương Ba vẫn không nghe. Vừa lúc đó, cái Gái chạy đến oà khóc, báo tin cu Tị con chị Lụa đã chết. Nam Tào, Bắc Đẩu báo tin Ngọc Hoàng đã tha cho Đế Thích cái tội nhập hồn Trương Ba vào xác hàng thịt và cho phép hồn Trương Ba được sống trong xác hàng thịt. Nhưng hồn Trương Ba xin được chết để cu Tị sống lại. Hồn Trương Ba an ủi, dặn dò vợ con rồi nhắm mắt qua đời.
Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt – mẫu 2
Trương Ba bị sự tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu mà chết nhầm. Vì muốn sửa sai nên Nam Tào và Bắc Đẩu cho hồn của Trương Ba nhập vào da hàng thịt. Từ đây, hồn Trương Ba da hàng thịt bắt đầu có những mâu thuẫn. Trương Ba còn phải chịu sự xa lánh của con dâu và cháu trai, bị con trai lên mặt. Trương Ba vô cùng đau khổ. Hơn thế nữa, Trương Ba cảm thấy tâm hồn trong sạch của mình không hề hòa hợp với những hành động vụng về, thô lỗ của anh hàng thịt kia. Trước cuộc đấu lí với thân xác, hồn của Trương Ba bị đuối lí, cảm thấy những hành động của thể xác thật ti tiện, không đúng với cái tâm lương thiện vốn có của ông. Được sống nhưng không phải là chính mình, cuối cùng Trương Ba đã lựa chọn cái chết, ông không nhập vào xác anh hàng thịt nữa, cùng không nhập vào xác cu Tị mà chọn cách ra đi để bảo toàn cái tâm mà ông vẫn luôn giữ. Chính sự đối lập giữa thể xác và tâm hồn đã khiến cho tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt mang đến một giá trị nội dung cho bạn đọc, rằng: Con người phải biết đấu tranh chống lại nghịch cảnh, với chính bản thân mình, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt – mẫu 3
Trương Ba bị Nam Tào bắt chết nhầm. Vì muốn sửa sai, nên Nam Tào và Đế Thích cho hồn Trương Ba sống lại, nhập vào xác anh hàng thịt vừa mới chết. Trú nhờ linh hồn trong thể xác anh hàng thịt Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái: lí trưởng sách nhiễu, chị hàng thịt đòi chồng, gia đinh Trương Ba cũng thấy anh xa lạ…; bản thân Trương Ba thì khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo. Đặc biệt thân xác hàng thịt làm Trương Ba nhiễm một số thói xấu, một số nhu cầu vốn không phải của chính bản thân mình. Trước nguy cơ tha hoá về nhân cách và sự phiền toái do mượn thân của kẻ khác. Trương Ba quyết định trả lại xác cho hàng thịt và chấp nhận chết, để “không còn cái vật quái gở mang tên: Hồn Trương Ba da hàng thịt nữa.
Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt – mẫu 4
Tác phẩm xoay quanh một tình huống kịch khá đặc biệt: do sự vô tâm và tắc trách của Nam Tào, Bắc Đẩu (hai vị quan trên thiên đình) mà Trương Ba – một người làm vườn tốt bụng, hiền lành, khỏe mạnh, giỏi đánh cờ bỗng dưng bị chết đột ngột. Vì thương quý Trương Ba mà tiên cờ Đế Thích đã hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết. Từ đó Trương Ba gặp rất nhiều phiền toái, rắc rối: lí trưởng sách nhiễu, con trai hư hỏng, vợ đòi bỏ đi, cháu gái không nhận ông. Còn tính nết Trương Ba thay đổi, trở nên phũ phàng, thô lỗ, bị mọi người xa lánh. Cuối cùng Trương Ba chọn cái chết, không nhập vào xác ai nữa. Đây là cách ông thấy mình được sống toàn vẹn bên cạnh những người thân yêu.
Tóm tắt bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt – mẫu 5
Hồn Trương Ba, da hàng thịt là vở kịch xoay quanh một tình huống kịch khá đặc biệt: Trương Ba, gần 60 tuổi – một người làm vườn chất phác, cần cù, yêu vợ, quý cháu và giỏi đánh cờ bỗng nhiên lăn ra chết do sự tắc trách nhầm lẫn của Nam Tào, Bắc Đẩu trên thiên đình. Đế Thích – một ông Tiên quý trọng tài cờ của Trương Ba đã hóa phép làm cho ông sống lại bằng cách để hồn Trương Ba nhập vào xác anh hàng thịt mới chết. Sống nhờ trong thân xác của một người khác khiến hồn Trương Ba gặp nhiều rắc rối, phiền toái. Ông ngày càng trở nên xa lạ, đáng sợ trong mắt vợ, con dâu và cháu nội. Ba tháng sống trong thân xác anh hàng thịt hồn Trương Ba có nguy cơ bị thân xác lấn át. Ông phải đấu tranh chật vật với những ham muốn bản năng, dục vọng thấp hèn của anh hàng thịt. Bản thân Trương Ba rất đau khổ vì phải sống trái tự nhiên, giả tạo và không được làm chính mình. Cuối cùng Trương Ba quyết định trả lại thân xác cho hàng thịt và không chấp nhận nhập vào xác cu Tị để bảo toàn sự trong sạch của mình. Ông kiên quyết tìm đến cái chết và khước từ sự sống không phải của mình cho dù sự sống là muôn phần đáng quý.
C/ Hoàn cảnh sáng tác và Giá trị
– Hoàn cảnh sáng tác:“Hồn Trương Ba, da hàng thịt” viết năm 1981 nhưng đến năm 1984 mới ra mắt công chúng, là một trong số những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ, đã công diễn nhiều lần trên sân khấu trong và ngoài nước. Đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.
– Giá trị nội dung: Qua đoạn trích vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ muốn gửi tới người đọc thông điệp: Được sống làm người quý giá thật, nhưng đưuọc sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn. Con người phải luôn luôn biết dấu tranh với những nghịch cảnh, với chính bản thân, chống lại sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị tinh thần cao quý.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Xây dựng tình huống, xung đột kịch độc đáo, hấp dẫn.
+ Đối thoại kịch đậm chất triết lí, giàu kịch tính, tạo nên chiều sâu ý nghĩa cho vở kịch.
+ Hành động kịch của nhân vật phù hợp với tính cách, hoàn cảnh, góp phần thúc đẩy tình hống, xung đột kịch phát triển.
+ Nghệ thuật độc thoại nội tâm giúp nhân vật bộc lộ tính cách và quan niệm về lẽ sống đúng đắn.