/tmp/snkpe.jpg
Nội dung bài viết
Bài văn mẫu Tả cây hoa cúc lớp 5 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết tập làm văn của học sinh lớp 5 trên cả nước. Hi vọng với bài văn mẫu này, các em sẽ biết cách triển khai ý, tích lũy thêm vốn từ để viết bài văn Tả cây hoa cúc hay.
a) Mở bài
b) Thân bài
* Tả khóm hoa
* Tả vẻ đẹp của hoa cúc
* Tác dụng của hoa cúc
c) Kết bài
Ai đó đã từng yêu thích những bông hoa sen bởi vẻ đẹp “Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng” của nó, có người lại yêu hoa hồng vì hoa hồng tượng trưng cho tình yêu của con người… Còn tôi, tôi lại yêu hoa cúc ngày Tết.
Tết đến xuân về, nhà nhà ai cũng sắm sửa để chuẩn bị đón một năm mới. Ngày cuối năm, em cùng mẹ ra chợ chọn hoa để cắm lên bàn thờ. Ngày Tết, chợ hoa rất đông người đến. Những bông hoa tươi được người bán hàng xếp thành hàng dài. Mẹ em chọn những bông hoa cúc vàng để cắm.
Mẹ em chọn những bông hoa chưa nở rộ hết vì như thế thì đến ngày đầu năm mới, chúng mới nở rộ. Khi đó, cánh hoa chưa xoè hết mà vẫn còn chụm vào nhau, tất cả như để che một cái gì đó bên trong. Mẹ em lấy nước sạch đổ vào bình hoa và cắt tỉa thật gọn gàng những bông hoa đó. Những chiếc lá xanh ở thân như tô điểm thêm vẻ đẹp của bông hoa cúc. Mẹ em chọn những bông hoa cúc màu vàng, chúng vàng như nắng mùa xuân vậy. Rồi đến ngày đầu năm mới, những bông hoa cúc kia mới nở rộ. Cánh hoa cúc rất mỏng, lớp này bọc lấy lớp kia.
Nhưng hoa cúc cũng rất nhanh tand. Khi đã nở rộ rồi, chỉ một ngày sau đó, những cánh hoa bắt đầu rơi rụng theo quy luật của thời gian cũng là quy luật của cuộc đời. Hoa cúc đã làm đẹp, làm duyên cho ngôi nhà của em mỗi khi Tết đến, xuân về. Hoa cúc đặt trên bàn thờ tạo nên một sự hài hoà và cân đối. Hoa cúc đã đem lại những cảm hứng sáng tạo cho biết bao văn nhân, nghệ sĩ. Hoa cúc cùng với tùng, trúc, mai đã trở thành bộ tranh tứ quý được rất nhiều gia đình sành nghệ thuật treo trong nhà.
Mỗi loài hoa đều có ý nghĩa tượng trưng riêng của nó. Em rất yêu cái mùa vàng của hoa cúc mỗi khi Tết đến, xuân sang. Hoa cúc còn là biểu tượng cho khí chất của người quân tử cùng với cây tùng, cây trúc, cây mai. Hoa cúc không chỉ có trong những ngày Tết mà còn có vào mùa thu. Hoa cúc cũng là biểu tượng của mùa thu, mùa của Tết Trung thu, của hương cốm mới. Ai đó đã từng say mê hoa cúc cũng bởi những lý do này chăng? Yêu hoa cúc, tôi càng yêu thiên nhiên, yêu đất trời. Tạo hóa thật kì diệu khi đã ban tặng cho con người một loài hoa đẹp đến như vậy…
Ngày Tết về với bao rạo rực, xốn xang trong lòng, với bánh chưng xanh, với phong bao lì xì đỏ. Tết cũng là mùa cây cối, trăm hoa đua nhau khoe sắc thắm, trong đó hoa cúc cũng không thua kém gì.
Năm nay, gia đình em không lựa chọn những loại cây như quất, đào mà lại chọn một chậu hoa cúc đại đóa vàng để trong nhà. Chậu có tổng cộng năm bông, tượng trưng cho ngũ hành, cho sự sum vầy. Bông nào bông nấy to như cái bát, vàng rực như bóng đèn lớn thắp sáng cả gian nhà. Thân cây mảnh dẻ chỉ to bằng cái đũa, màu xanh thẫm như càng tôn lên màu vàng của hoa. Tấm áo ấy còn nhuốm lên cả những chiếc lá của cúc. Lá của hoa cúc khá mỏng manh chỉ cần cơn gió nhẹ cũng rung rinh. Thân cây đâm thẳng lên chừng một mét là tới các bông hoa. Các nàng hoa quý giá này được nâng đỡ bởi một chiếc đài xanh vững chãi để thỏa sức khoe sắc tỏa hương. Nếu hoa cúc thường đã nhiều cánh thì cúc đại đóa còn nhiều hơn. Các cánh dài, mịn màng, có một đường sọc ở giữa nhưng không tỏa ra mà lại khum khum, cong cong hướng vào trong. Bởi vậy mỗi cánh nhìn như một chiếc thuyền con bé xíu. Lớp này chồng lên lớp kia, tầng tầng, nhìn rất bồng bềnh gợi cảm giác quây quần đầm ấm. Nhìn cúc đại đóa không khác gì hình ảnh trong những bức tranh họa cổ của Trung Hoa thời xưa, vừa dịu dàng, vừa quý phái. Mùi hương của không nồng nàn mà nhẹ nhàng, phảng phất, thích hợp để trưng bày trong nhà. Chậu hoa nhà em còn có một vài nụ e ấp ẩn mình trong chiếc áo xanh thấp thoáng chút màu vàng rực. Có lẽ, những nàng công chúa nhỏ ấy đang say ngủ, chờ nàng xuân tới gần hơn chút đánh thức. Những nụ hoa tròn xoe như những chiếc cúc áo xinh xắn trên bộ đầm của nàng xuân. Ngày Tết, hoa cúc còn được trang trí thêm bởi những chiếc đèn lòng hay những câu chúc màu đỏ nhỏ xíu. Màu đỏ hòa với màu vàng càng làm không khí Tết trở nên rộn ràng. Sở dĩ nhà em chọn hoa cúc vì nó tượng trưng cho lòng biết ơn và màu vàng cũng là hi vọng cho một cuộc sống đủ đầy thịnh vượng.
Vào Tết, mỗi loài hoa như càng trở nên lung linh hơn, hoa cúc cũng vươn mình đóng góp sắc đẹp và hương thơm vào trong bức tranh muôn màu muôn sắc của mùa xuân.
Những người trồng hoa ở Đà Lạt, ở ngoại thành Nam Định, ở làng Hà Lũng, Hải Phòng… ngày nay có thể trồng cúc và cho cúc nở quanh năm. Nhưng chỉ có cúc mùa thu mới đẹp. Một vẻ đẹp vừa quyến rũ vừa dịu dàng.
Màu sắc đặc trưng của cúc là màu vàng. Các nhà lai cúc đã tạo nên nhiều giống cúc quý: hoa cúc đỏ, hoa cúc trắng, hoa cúc phấn hồng, hoa cúc tím…, có bông cúc to như cái bát gốm hàng mấy chục cánh hoa, xếp chồng xếp khít vào nhau, nở xòe ra rực rỡ. Có bông cúc rất nhỏ chỉ bằng hạt đậu, hạt ngô, bằng cái cúc xinh xắn gồm hàng trăm cánh hoa long la long lanh. Cúc thật kì diệu: có bông đơn, bông kép… chúng đua sắc khoe hương, làm cho cánh ong, cánh bướm vương vấn, quyến luyến, làm cho người đi ngắm cảnh dạo bước dọc các luống hoa, xem mãi không chán.
Tác giả cuốn sách “Thực vật”cho biết, hơn tám năm về trước mới chỉ có 26 loài cúc, nhưng ngày nay các nhà trồng hoa Trung Quốc đã sáng tạo, lai tạo được trên 1990 loại cúc. Có những bông cúc xanh óng a óng ánh, thơm ngát, giống như hoa mẫu đơn, được dân sành chơi ưa chuộng; mỗi bông cúc xanh phải mua tới 10 – 20 đô la! Cái đẹp thật là vô giá.
Cúc rất quý, để làm thuốc, trà cúc, rượu cúc. Cúc phơi khô kết hợp với cam thảo, nấu lên xông, hoặc để tắm, làm cho da thiếu nữ thêm mịn màng, thêm nõn nà. Trà cúc là một thứ nước uống hấp dẫn như trà sen. Cúc còn là hương liệu để chế thành rượu. Tú Xương có câu thơ:
“Rượu cúc nhắn đem, hàng biếng quẩy,
Trà sen mượn hỏi, giá còn kêu”…
Có một vài bông cúc cắm vào lọ, có vài chục đóa cúc xếp lên đĩa, đặt lên bàn, cảnh nhà thêm sang trọng, cuộc sống thêm đậm đà, thêm sắc màu ý vị. Tình yêu cúc làm cho tháng ngày dài ra, tâm hồn thanh cao, thư thái. Hãy đến với cúc.
Cứ mỗi dịp Tết đến, nhà em lại tràn ngập các loại hoa, quả để đón Tết. Trong số những loại hoa mà mẹ em mua, em thích nhất là chậu cây hoa cúc đại đóa của mẹ em. Cây hoa không chỉ đẹp và còn rực rỡ.
Mẹ em mua chậu cây này cách đây không lâu, từ khi mẹ mới mang chậu cây về, em đã vô cùng ấn tượng trước vẻ đẹp dễ thương mà rực rỡ của nó. Hoa được chia làm nhiều cành to, thân cây xanh thẫm, dày, cứng cáp. Trên thân mọc ra những chiếc lá xanh ngắt, mỏng manh, từ gốc cho đến tận đầu cành. Mỗi một thân hoa lớn lại có hai, ba cành tỏa ra khiến chậu hoa trông đầy đặn, mà càng rực rỡ hơn. Cúc đại đóa khác với loại cúc bình thường. Thay vì tỏa rộng và xẹp dần ở giữa nhụy hoa, những cánh hoa lại chụm về một điểm chính giữa, khiến bông hoa to dần từ trong ra ngoài, che kín đi nhụy hoa nhỏ nhắn, tựa như những cục bông vàng. Cánh hoa nhỏ, mỏng manh, vàng tươi, xếp chụm vào nhau tỏa sắc chói lóa, bông nào bông nấy đều như mái tóc xù của người thiếu nữ vậy. Bông to thì đã nở rộ, còn bông nhỏ thì mới chúm chím nhỏ nhắn nơi đầu cành, chờ thời điểm để bung tỏa những cánh hoa của mình. Những bông hoa đua nhau khoe sắc, hương hoa nhè nhẹ bay bổng trong không gian, mang đến cho người ta một cảm giác dễ chịu vô cùng.
Hoa cúc mang màu vàng tươi, mẹ em bảo rằng, nó rất hợp với không khí ngày Tết trong gia đình, tượng trưng cho sự đầy đủ, hạnh phúc, tươi mới, tràn đầy sức sống của một năm mới an lành. Để cây thêm sinh động và rực rỡ hơn, em đặt thêm những món đồ trang trí ngày Tết đỏ thắm trên những cành cây, cành lá. Màu vàng của hoa cùng với màu đỏ của đồ trang trí khiến chậu cây càng tráng lệ, tràn ngập không khí của Tết. Những ngày trước Tết, em chăm chỉ tưới nước cho cây để cây luôn được tươi tốt, mẹ bảo rằng cây phải tươi thì đầu năm mới may mắn.
Đến đêm giao thừa, những bông hoa cuối cùng cũng đã nở rộ, cả chậu hoa đua nhau khoe sắc như cũng đang chào mừng một năm mới đến. Chậu hoa cúc đại đóa ấy đã khiến cho nhà em thêm sức sống tươi mới, đầy màu sắc hơn vào những ngày Tết vui vẻ, vì là vào mùa xuân nên nó càng rực rỡ hơn. Sắc hoa như tô điểm cho mùa xuân thêm tươi đẹp, mùa của sức sống mới, của sự sống mới đang tràn đầy trong vạn vật.
Chậu hoa cúc đại đóa của mẹ quả thật mang một vẻ đẹp vừa rực rỡ lại vừa tràn đầy sức sống. Nó đã tô điểm cho nhà em vào những ngày Tết thiêng liêng. Em rất yêu thích hoa cúc đại đóa. Em mong rằng Tết năm sau, nhà em sẽ lại có một chậu hoa cúc đại đóa khác để gia đình lại tràn đầy màu sắc và sức sống.
Vườn nhà em có trồng rất nhiều hoa bởi mẹ em là một người rất yêu thực vật. Căn nhà nhỏ lúc nào cũng tràn ngập hương thơm và màu sắc. Trong số tất cả những loài hoa mẹ trồng, em lại thích nhất là hoa cúc.
Hoa cúc mẹ em trồng có 2 màu là màu trắng và màu vàng. Hoa cúc có rất nhiều cánh. Hồi còn bé em từng nghĩ đến xem hoa cúc có tất cả bao nhiêu cánh nhưng đếm một hồi lại loạn bởi nó có nhiều cánh quá. Cánh hoa cứ nhỏ dần khi gần sát với nhị hoa bên trong. Cánh hoa cúc hình bầu dục hơi dẹt, cong cong, từng cánh hoa xếp cạnh nhau thành một vòng lại một vòng chồng lên nhau như nhiều vòng tròn lớn nhỏ.
Thân cây hoa cúc màu xanh sậm tối, không chỉ vậy lại còn rất cứng. Mỗi lần cắt hoa mẹ em đều phải dùng kéo cả. Lá hoa cũng màu xanh, mọc đơn lẻ chứ không mọc cùng với những lá khác. Lá hơi xẻ ra như hình lông chim vậy, mặt dưới còn có một lớp lông mỏng sờ vào hơi nhột nữa. Mẹ em nói hoa cúc có quả nhưng em vẫn chưa được thấy qua bao giờ cả, có lẽ là lạ lắm.
Mỗi buổi sáng, mẹ em đều mang theo kéo và giỏ mây ra vườn cắt những bông hoa cúc đẹp nhất về cắm vào trong lọ để trên bàn thờ. Hàng ngày em đều mang bình tưới ra tưới nước cho cây. Cuối mỗi tuần, em đều cùng mẹ ra vườn nhặt cỏ, xới đất giúp cho cây hô hấp dễ dàng hơn. Khi hoa ra nụ lại sắp nở, em cùng mẹ dành cả một ngày để dùng giấy bao hoa bao hoa lại để tránh bị côn trùng làm hỏng, giữ những bông hoa thật đẹp.
Em rất yêu những khóm cúc mẹ trồng. Những bông cúc khiến em thêm yêu cây trồng hơn, yêu công việc làm vườn hơn rất nhiều.