/tmp/kcghr.jpg
Với các mẫu Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng hay, ngắn gọn nhất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung chính của các tác phẩm qua đó dễ dàng soạn văn lớp 8 hơn.
A/ Nội dung bài Chiếc lá cuối cùng
Chiếc lá cuối cùng ca ngợi tình yêu thương cao cả giữa những con người nghèo khổ. Tôn vinh giá trị, sức mạnh của nghệ thuật chân chính mang đến niềm vui và hạnh phúc cho con người.
B/ 5 mẫu Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng
Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng – mẫu 1
Truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng kể về nhân vật chính là Giôn xi, cô bị mắc chứng bệnh sưng phổi và tuyệt vọng trước cuộc sống. Giôn xi tự nhủ rằng chừng nào chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân ở phía bên ngoài cửa sổ kia rụng xuống thì cũng là lúc cô ra đi, từ bỏ cuộc sống. Khi biết được ý nghĩ đó của Giôn xi thì cụ Bơ men – người thuê phòng ở tầng dưới, cũng là một họa sĩ già mắc chứng bệnh sưng phổi – đã vẽ nên kiệt tác chiếc lá cuối cùng trong đêm mưa bão để Giôn xi có niềm tin vào cuộc sống. Sáng hôm sau, cụ đã qua đời và Giôn xi thì cũng lấy lại được hi vọng khi tưởng rằng chiếc lá đó là thật, bởi cụ Bơ men đã vẽ nó bằng cả tấm lòng mình.
Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng – mẫu 2
Xiu và Giôn –xi là hai họa sĩ nghèo sống với nhau hòa thuận. Giôn-xi mắc bệnh viêm phổi, cô không chịu chữa trị, tuyệt vọng không muốn sống tiếp. Hằng ngày cô ngắm những chiếc lá thường xuân và đợi chiếc lá cuối cùng rơi là cô cũng lìa đời. Biết được ý định đó, cụ Bơ- men đã lặng lẽ vẽ chiếc lá thường xuân cuối cùng vào đêm mưa gió. Giôn-xi nhìn chiếc lá cuối cùng không rụng nên quyết tâm vực lại mình, cuối cùng cô khỏi bệnh. Còn cụ Bơ-men thì chết vì sưng phổi khi sáng tạo kiệt tác chiếc lá cuối cùng cứu sống Giôn-xi.
Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng – mẫu 3
Chiếc lá cuối cùng là câu chuyện nói về tấm lòng cao cả, của tình người dành cho nhau lúc khó khăn. Xiu và Giôn xi là hai người hoạ sĩ nghèo, Giôn xi bị mắc chứng bệnh sưng phổi nên không muốn sống nữa. Cô đã nghĩ rằng, khi chiếc lá cuối cùng trên cây thường xuân lìa cành thì cô cũng phải ra đi thôi. Sau đêm mưa tuyết, chiếc lá ấy vẫn còn trên cây, Giôn xi ngạc nhiên trước sức sống mạnh mẽ của nó và quyết tâm gượng dậy, nhanh chóng hồi phục. Hóa ra, chiếc lá ấy là kiệt tác do cụ Bơ men – một họa sĩ già cũng mắc bệnh sưng phổi – biết mình chẳng còn sống được bao lâu nên đã dùng hết tấm lòng và tâm huyết của bản thân để đem hi vọng đến cho cô gái ấy.
Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng – mẫu 4
Xiu và Giôn-xi là hai nữ họa sĩ trẻ sống trong một khu nhà trọ. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị bệnh viêm phổi rất nặng và cô tuyệt vọng tới mức quyết định sẽ kết thúc cuộc đời khi chiếc lá thường xuân cuối cùng rụng xuống. Nhưng sau cơn bão dữ dội, chiếc lá cuối cùng ấy vẫn không hề rụng và cô lấy lại tinh thần rồi dần khỏi bệnh. Một hôm, cô được Xiu cho biết chiếc lá cuối cùng ấy là kiệt tác của cụ Bơ- men, cụ mới mất vì chứng viêm phổi và cụ vẽ nó vào đêm chiếc lá cuối cùng rụng.
Tóm tắt bài Chiếc lá cuối cùng – mẫu 5
Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ Men là những họa sĩ nghèo sống cùng trong một căn hộ 2 tầng ở gần thành phố Oa-sinh-tơn. Mùa đông năm ấy, Giôn-xi bị chứng sưng phổi, cô tuyệt vọng tự nhủ rằng bao giờ chiếc lá thường xuân cuối cùng ngoài cửa sổ rụng thì cô cũng lìa đời. Biết được ý nghĩ ngu ngốc của Giôn-xi, Xiu và cụ Bơ-men vô cùng tức giận và lo lắng. Nhưng sau đêm mưa bão đầu tiên, chiếc lá vẫn còn đó. Rồi đêm thứ hai nữa. Giôn-xi chợt nhận thấy mình đã sai, cố gắng hồi phục. Tuy nhiên sau đó Xiu nhận được tin là cụ Bơ-men mất. Cô ôm chầm lấy Giôn-xi và kể rằng trong đêm mưa bão, cụ Bơ-men đã một mình vẽ nên chiếc lá cuối cùng đó để cứu lấy Giôn-xi. Đó chính là một kiệt tác của cụ Bơ-men, một kiệt tác mà cụ luôn mơ ước.
C/ Hoàn cảnh sáng tác và Giá trị
– Hoàn cảnh sáng tác: Đoạn trích nằm ở đoạn cuối của truyện “Chiếc lá cuối cùng”.
– Giá trị nội dung:
+ Tình yêu thương cao cả của những con người nghèo khổ với nhau.
+ Sức mạnh của tình yêu cuộc sống chiến thắng bệnh tật.
+ Sức mạnh và giá trị nhân sinh, nhân bản của nghệ thuật.
– Giá trị nghệ thuật:
+ Nghệ thuật kể chuyện đảo ngược tình huống.
+ Kết thúc bất ngờ, độc đáo.
+ Xây dựng tình tiết hấp dẫn, chặt chẽ, khéo léo.