/tmp/jjgzt.jpg
1. Văn bản thuyết minh trong đời sống con người
a) Văn bản Cây dừa Bình Định
– Văn bản này trình bày sự gắn bó của cây dừa Bình Định với người dân nơi đây và những ích lợi của nó đối với cuộc sống của con người.
– Đây là loại văn bản thường xuất hiện trong các bài viết, bài nói giới thiệu về sản vật hoặc cây cối tiêu biểu của từng địa phương.
b) Văn bản “Tại sao lá cây có màu xanh lục”
– Văn bản này giải thích nguyên nhân vì sao ta lại nhìn thấy lá cây có màu xanh lục.
– Đây là loại văn bản thường xuất hiện trong các bài viết, bài nói mang tính chất phổ biến, khoa học, dùng để giải thích một hiện tượng nào đó của tự nhiên rất phổ biến quanh ta nhưng còn nhiều người lại chưa hiểu rõ.
c) Văn bản Huế
– Văn bản này giới thiệu với bạn đọc vể mảnh đất cố đô, một trung tâm văn hóa nghệ thuật lớn của đất nước Việt Nam, một danh lam thắng cảnh nổi tiếng có sức quyến rũ đối với mọi người.
– Đây là loại văn bản thường xuất hiện trong các bài nói, giới thiệu danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, tỉnh thành của quê hương đất nước.
* Một số văn bản cùng loại: “Phong Nha – Kẻ Bàng”, “Hạ Long, đá và nước”
2. Đặc điểm chung của văn bản thuyết minh
a) Các văn bản trên không phải là văn bản tự sự, miêu tả, nghị luận, biểu cảm. Vì nó có những đặc điểm khác.
– Không viết về sự việc, diễn biến, hành động → không phải văn bản tự sự.
– Không trình bày tỉ mỉ, chi tiết sự vật, hiện tượng khiến con người hình dung được → không phải văn miêu tả.
– Không trình bày những lí lẽ, luận điểm → không phải văn nghị luận
– Không nêu lên tình cảm, cảm xúc → không phải văn biểu cảm.
b) Những đặc điểm chung của 3 văn bản trên để tạo thành một kiểu riêng:
– Nội dung là những tri thức khách quan
– Mục đích để cung cấp cho người đọc những tri thức thực tế, có tác dụng với cuộc sống con người.
c) Phương thức thuyết minh:
– Khách quan, mang tính trí tuệ, khoa học.
– Trình bày dễ hiểu, rõ ràng, không cần quá gọt giũa như các tác phẩm văn học.
d) Ngôn ngữ của 3 văn bản trên là ngôn ngữ khoa học, có độ chính xác cao.
Câu 1 (trang 117 sgk Văn 8 Tập 1):
a) “Khởi nghĩa Nông Văn Vân” là văn bản thuyết minh, vì nó cung cấp kiến thức lịch sử.
b) “Con giun đất” là văn bản thuyết minh, vì nó cung cấp tri thức khoa học về loài giun.
Câu 2 (trang 118 sgk Văn 8 Tập 1): Văn bản “Thông tin về Ngày Trái Đất năm 2000” là văn bản nghị luận, có sử dụng yếu tố thuyết minh.
– Yếu tố thuyết minh có vai trò cung cấp thêm tri thức làm văn bản thêm khách quan với những dẫn chứng, số liệu cụ thể.
Câu 3 (trang 118 sgk Văn 8 Tập 1): Dù là văn bản miêu tả, hay nghị luận hay tự sự, biểu cảm,… thì vẫn cần yếu tố thuyết minh. Bởi có yếu tố thuyết minh sẽ làm cho văn bản đó thêm khách quan, chân thực và có sức thuyết phục hơn.