/tmp/ozryw.jpg
Câu 1 (trang 61 sgk Văn 8 Tập 1):
– Bản liệt kê như sách giáo khoa đã nêu được những sự việc tiêu biểu và các nhân vật quan trọng của truyện Lão Hạc
– Tuy nhiên các ý sắp xếp còn lộn xộn. Có thể sắp xếp lại theo trình tự như sau:
b-a-d-c-g-e-i-h-k
– Tóm tắt
Lão Hạc là một người nông dân nghèo, hiền lành, tốt bụng. Vì không đủ tiền cưới vợ nên con trai lão đã bỏ đi đồn điền cao su, để lại cho lão con chó Vàng làm bạn. Khi hoàn cảnh khó khăn, không kiếm được việc làm, không đủ tiền nuôi bản thân và con chó, lão đành phải bán con chó. Lão đem hết số tiền dành dụm và mảnh vườn sang gửi ông giáo, khi nào con trai lão về thì ông giáo trao lại và phòng khi lão chết thì có tiền làm ma . Sau đó, lão sống rất khổ sở, kiếm được gì ăn nấy, khi thức ăn hết thì lão xin bả chó của Binh Tư. Ông giáo thoáng chút buồn vì nghĩ rằng lão làm điều xấu nhưng khi chứng kiến cái chết dữ dội của lão thì ông giáo mới nhận ra bản chất của lão và càng kính trọng lão hơn.
Câu 2 (trang 62 sgk Văn 8 Tập 1):
– Những sự việc chính trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ:
+ Cai Lệ và người nhà Lí Trưởng vào thúc sưu.
+ Chị Dậu van xin nhưng không được.
+ Chúng đánh chị Dậu và định trói anh Dậu.
+ Chị Dậu phản kháng, đánh lại cả Cai Lệ và người nhà Lí trưởng.
– Những nhân vật quan trọng: Chị Dậu, Cai Lệ, người nhà lí trưởng. Ngoài ra còn có anh Dậu, bà lão hàng xóm, cái Tỉu, thằng Dần.
– Tóm tắt
Vì thiếu tiền nộp sưu cho người em đã mất từ mấy năm trước, anh Dậu bị bọn tay sai đánh đập đến thập tử nhất sinh. Một bà lão thương cảnh cả nhà nhịn đói nên cho vay bát gạo. Chị Dậu nấu cháo cho chồng,nhưng anh Dậu chưa kịp ăn thì Cai Lệ và người nhà Lí trưởng xông vào. Chúng hung hãn đòi đánh trói anh Dậu, chị Dậu van xin nhưng không được. Cai Lệ còn đánh chị Dậu rồi định tới trói anh Dậu, chị Dậu liền túm cổ hắn ấn úi ra cửa, tên người nhà Lí trưởng thì bị chị túm tóc lẳng ngã nhào ra thềm.
Câu 3 (trang 62 sgk Văn 8 Tập 1): “Tôi đi học” và “Trong lòng mẹ” là hai văn bản tự sự nhưng ít sự kiện và nhân vật mà lại thấm đẫm chất thơ nên khó tóm tắt:
– “Tôi đi học”: Truyện được bố cục theo dòng hồi tưởng của nhân vật “tôi” về những kỉ niệm của buổi tựu trường. Đó là cảm giác hồi hộp, ngỡ ngàng với con đường, bộ quần áo, quyển vở mới, với sân trường, với các bạn; cảm giác vừa xa lạ, vừa gần gũi với mọi vật, và lớp học trong buổi học đầu tiên.
– “Trong lòng mẹ”: Văn bản được bố cục theo mạch tự truyện của nhân vật “tôi”. Gần đến ngày giỗ cha, người mẹ đi làm xa vẫn chưa về. Người cô xấu xa cứ nói những lời cay độc và xấu xa về mẹ để chia cắt tình mẹ con của Hồng nhưng Hồng càng thương mẹ hơn. Đến ngày mẹ Hồng về, Hồng vỡ òa trong sung sướng, nằm trọn trong vòng tay ấm áp của mẹ.