/tmp/ithgg.jpg
Nội dung bài viết
Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát Ngữ văn lớp 11, bài học tác giả – tác phẩm Bài ca ngắn đi trên bãi cát trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.
Phiên âm
Trường sa phục trường sa,
Nhất bộ nhất hồi khước.
Nhật nhập hành vị dĩ,
Khách tử lệ giao lạc.
Quân bất học tiên gia mĩ thụy ông,
Đăng sơn thiệp thủy oán hà cùng!
Cổ lai danh lợi nhân,
Bôn tẩu lộ đồ trung.
Phong tiền tửu điếm hữu mĩ tửu,
Tỉnh giả thường thiểu túy giả đồng.
Trường sa, trường sa nại cừ hà?
Thản lộ mang mang úy lộ đa.
Thính ngã nhất xướng cùng đồ ca,
Bắc sơn chi bắc sơn vạn điệp,
Nam sơn chi nam ba vạn cấp.
Quân hồ vi hồ sa thượng lập?
Dịch nghĩa
Bãi cát dài, lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời lặn mà vẫn còn đi.
Khách (trên đường) nước mắt lã chã rơi.
Anh không học được ông tiên có phép ngủ kĩ
Cứ trèo non lội nước mãi, bao giờ cho hết ta oán!
Xưa nay hạng người danh lợi,
Vẫn tất tả ở người đường sá.
(Hễ) quán rượu ở đầu gió có rượu ngon,
(Thì) người tỉnh thường ít mà người say vô số!
Bãi cát dài, bãi cát dài, biết tính sao đây?
Bước đường bằng phẳng thì mờ mịt, bước đường ghê sợ thì nhiều.
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam sóng muôn đợt.
Anh còn đứng làm chi trên bãi cát?
Dịch thơ
Bãi cát lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,
Lữ khách trên đường nước mắt rơi.
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi!
Xưa nay, phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?
1. Tác giả
– Cao Bá Quát (1809 – 1855) tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, Mẫn Hiên, người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc quận Long Biên, Hà Nội).
– Thuở nhỏ, Cao Bá Quát sống trong cảnh nghèo khó, nhưng nổi tiếng là trẻ thông minh, chăm chỉ và văn hay chữ tốt.
– Khoảng tháng 6, tháng 7 âm lịch năm Giáp Dần 1854, nhiều tỉnh ở miền Bắc gặp đại hạn, lại bị nạn châu chấu làm cho mùa màng mất sạch, đời sống người nhân dân hết sức cực khổ; Cao Bá Quát bèn vận động một số sĩ phu yêu nước, các thổ hào ở các vùng Quốc Oai, Vĩnh Phúc, Cao Bằng, Lạng Sơn… cùng nhau tôn Lê Duy Cự làm minh chủ chống lại nhà Nguyễn.
– Cao Bá Quát làm quốc sư, họp với thổ mục Sơn Tây là Đinh Công Mỹ và Bạch Công Trân dựng cờ nổi dậy tại Mỹ Lương, thuộc vùng Sơn Tây chống lại triều đình đương thời.
– Đang trong quá trình chuẩn bị khởi nghĩa, do có người tố giác nên kế hoạch bị bại lộ. Trước tình thế cấp bách, Cao Bá Quát buộc phải phát lệnh tấn công vào cuối năm 1854. Tuy giành được một số thắng lợi, nhưng sau khi quan quân triều đình tập trung phản công thì quân khởi nghĩa liên tiếp bị thất bại.
– Ông đã mất trong cuộc khởi nghĩa chống lại chế độ phong kiến nhà Nguyễn.
– Cao Bá Quát là một nhà thơ có tài năng và bản lĩnh, được người đương thời tôn là Thánh Quát (Thần Siêu, Thánh Quát).
– Thơ văn ông bộc lộ thái độ phê phán mạnh mẽ chế độ phong kiến trì trệ, bảo thủ và chứa đựng tư tưởng khai sáng có tính chất tự phát, phản ảnh nhu cầu đổi mới của xã hội Việt Nam trong giai đoạn giữa thế kỉ XIX.
– Ngay sau khi cuộc nổi dậy ở Mỹ Lương (tỉnh Sơn Tây) bị thất bại (1855-1856), các tác phẩm của Cao Bá Quát đã bị triều đình nhà Nguyễn cho thu đốt, cấm tàng trữ và lưu hành, nên đã bị thất lạc không ít.
– Hiện còn 1353 bài thơ và 21 bài văn xuôi, gồm 11 bài viết theo thể ký hoặc luận văn và 10 truyện ngắn viết theo thể truyền kỳ.
– Về chữ Nôm, có một số bài hát nói, thơ Đường luật và bài phú Tài tử đa cùng (Bậc tài tử lắm cảnh khốn cùng). Về chữ Hán, khối lượng thơ nhiều hơn, được tập hợp trong các tập: Cao Bá Quát thi tập, Cao Chu Thần di thảo, Cao Chu Thần thi tập, Mẫn Hiên thi tập.
2. Tác phẩm
a. Hoàn cảnh sáng tác
– Cao Bá Quát đỗ cử nhân năm 1831 tại trường thi Hà Nội. Sau đó, ông nhiều lần vào kinh đô Huế thi Hội nhưng không đỗ.
– Bài ca ngắn đi trên bãi cát có thể được hình thành trong những lần Cao Bá Quát đi thi Hội, qua các tỉnh miền Trung đầy cát trắng như Quảng Bình, Quảng Trị.
b. Thể loại
– Bài thơ viết theo thể hành (còn gọi là ca hành).
– Đây là một thể thơ cổ, có tính chất tự do phóng khoáng, không bị gò bó về số câu, độ dài của câu, niêm luật, bằng trắc, vần điệu.
c. Phương thức biểu đạt: Tự sự, biểu cảm.
d. Bố cục: 3 phần
– Phần 1 (4 câu đầu): Hình ảnh đi trên bãi cát và người đi trên bãi cát.
– Phần 2 (6 câu tiếp theo): Tâm trạng suy tư của người đi đường.
– Phần 3 (còn lại): Sự bế tắt của người đi đường.
e. Giá trị nội dung
– Bài thơ là sự chán ghét đối với con đường mưu cầu danh lợi tầm thường.
– Tâm trạng bi phẫn của kẻ sĩ chưa tìm thấy lỗi thoát trên đường đời. Phê phán lối học thuật, sự bảo thủ trì trệ của triều Nguyễn.
f. Giá trị nghệ thuật
– Bài thơ giàu hình ảnh tượng trưng (bãi cát, quán rượu, người đi đường, mặt trời).
– Âm điệu bi tráng (vừa buồn, vừa có sự phản kháng, âm thầm, quyết liệt đối với xã hội lúc bấy giờ).
1. Hình ảnh người đi đường trên bãi cát – cuộc đời
Bãi cát lại bãi cát dài,
Đi một bước như lùi một bước.
Mặt trời đã lặn, chưa dừng được,
Lữ khách trên đường nước mắt rơi
– Không gian: Bãi cái dài lại bãi cát dài
+ Bãi cát dài, mênh mông, vô tận, mịt mờ, khó xác định.
+ Từ lại nhấn mạnh sự nối dài tít tắp của bãi cát, không biết đâu là giới hạn đồng thời cũng thể hiện thái độ ngán ngẫm, chán chường của nhân vật trữ tình.
– Thời gian: mặt trời đã lặn → Chiều tà.
– Tư thế con người: đi một bước như lùi một bước.
→ Gợi sự vất vả, gian truân, nhọc nhằn. Người đi trên cát là biểu tượng của người đi tìm chân lí giữa cuộc đời mờ mịt. Tuy là chưa thể tìm ra một con đường nào khác nhưng con người đi trên cát ấy đã nhận thức rõ ràng mỗi bước đi trên cát ấy là mỗi bước lùi, con đường công danh đầy gian khó, thử thách và chông gai kia là một mê lộ mà người đi trên cát đang trăn trở để thoát khỏi nó.
– Nỗi niềm: nước mắt rơi → Tâm trạng mệt mỏi, buồn bã, kiệt sức nhưng vẫn cố gắng đi tiếp.
2. Thực tế cuộc đời đầy cay đắng, vô vị
Không học được tiên ông phép ngủ,
Trèo non, lội suối, giận khôn vơi
Xưa nay, phường danh lợi,
Tất tả trên đường đời.
Đầu gió hơi men thơm quán rượu,
Người say vô số, tỉnh bao người?
– Nỗi niềm ưu thời của nhân vật trữ tình được diễn tả qua điển cố về Hạ Hầu Ấn để ca thán, ai oán cho tình cảnh của mình giận khôn vơi.
→ Thể hiện tấm lòng đa mang cùng đại cuộc, không thể làm ngơ trước hoàn cảnh ngổn ngang của xã hội.
– Quy luật: xưa nay – phường danh lợi – tất tả ngược xuôi.
– Dùng hình ảnh bóng gió:
+ quán rượu ngon: Danh lợi;
+ người say: Người đi tìm danh lợi.
– Người đi tìm chân lí – người tỉnh ít: Người có trách nhiệm với cuộc đời, với thời cuộc, với xã hội lại cô độc, trơ trọi trên hành trình cao cả.
→ Danh lợi cũng là một thứ rượu dễ làm người ta say, trót say lại phải chạy ngược chạy xuôi nhọc nhằn, bám víu với bao người đời tầm thường khác.
ð Tác giả đã khái quát, nêu lên nhận định về những kẻ tham danh lợi, đồng thời thể hiện thái độ, quyết tâm thoát khỏi con đường danh lợi vô nghĩa tầm thường, nhưng cũng tại đây, ông nhận ra sự đơn độc trên hành trình mới.
3. Sự bế tắc và nỗi tuyệt vọng của người đi đường
Bãi cát dài, bãi cát dài ơi!
Tính sao đây? Đường bằng mờ mịt,
Đường ghê sợ còn nhiều, đâu ít?
Hãy nghe ta hát khúc “đường cùng”,
Phía bắc núi Bắc, núi muôn trùng,
Phía nam núi Nam, sóng dào dạt.
Anh đứng làm chi trên bãi cát?
– Tâm trạng boăn khoăn đến thảng thốt biết tính sao để rồi lâm vào con đường đường cùng.
+ Đường ghê sợ nhiều – đường bằng ít.
+ Phía bắc – núi muôn trùng;
+ Phía nam – sóng dào dạt;
→ Sự bế tắc không lối thoát.
– Câu hỏi Anh đứng làm chi trên bãi cát?:
+ Khát khao một sự đổi mới, thay đổi cuộc sống đương thời.
+ Không thể tiếp tục đi trên con đường cũ, phải có một con đường mới.