Tiếng nói của văn nghệ – tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý


Tiếng nói của văn nghệ – tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

Nhằm mục đích giúp học sinh nắm vững kiến thức tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ Ngữ văn lớp 9, bài học tác giả – tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ trình bày đầy đủ nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý phân tích, sơ đồ tư duy và bài văn phân tích tác phẩm.

A. Nội dung tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ

Tiếng nói của văn nghệ được tác giả Nguyễn Đình Thi viết năm 1948, tác giả đã tập trung vào 3 luận điểm:

– Văn nghệ phản ánh và thể hiện cuộc sống: Văn nghệ nảy sinh từ chính cuộc sống con người.

– Chức năng văn nghệ vô cùng tuyệt diệu.

– Tiếng nói văn nghệ cũng là tiếng nói của tư tưởng

B. Đôi nét về tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ

1. Tác giả:

– Nguyễn Đình Thi (1924-2003).

– Quê ở Hà Nội.

– Hoạt động văn nghệ khá đa dạng: làm thơ, viết văn, soạn kịch, sáng tác nhạc, viết lý luận phê bình…

– Năm 1996, ông được Nhà nước tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

2. Tác phẩm

a. Hoàn cảnh sáng tác

– Tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ được Nguyễn Đình Thi viết năm 1948 – Trong thời kỳ chúng ta đang xây dựng một nền văn học nghệ thuật mới đậm đà tính dân tộc đại chúng, gắn bó với cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân: Kháng chiến chống Pháp.

– In trong cuốn “Mấy vấn đề văn học” (xuất bản năm 1956).

b. Kiểu văn bản

– Kiểu văn bản nghị luận về một vấn đề văn nghệ.

c. Bố cục

– Phần 1 (từ đầu … cách sống của tâm hồn): Nội dung tiếng nói của văn nghệ.

– Phần 2 (còn lại): Sức mạnh lớn lao của văn nghệ trong đời sống con người.

d. Nội dung

Văn nghệ nối sợi dây đồng cảm kì diệu giữa nghệ sĩ với bạn đọc thông qua những rung động mãnh liệt, sâu xa của trái tim. Văn nghệ giúp con người được sống phong phú hơn và tự hoàn thiện nhân cách, tâm hồn mình.

e. Nghệ thuật

– Bố cục chặt chẽ, hợp lý.

– Cách viết giàu hình ảnh, nhiều dẫn chứng về thơ văn và về đời sống thực tế.

– Giọng văn toát lên lòng chân thành, niềm say sưa, cảm hứng dâng cao ở phần cuối.

C. Sơ đồ tư duy Tiếng nói của văn nghệ

Tiếng nói của văn nghệ - tác giả, nội dung, bố cục, tóm tắt, dàn ý

D. Đọc hiểu văn bản Tiếng nói của văn nghệ

1. Nội dung tiếng nói của văn nghệ

a. Luận điểm

Tác phẩm nghệ thuật lấy chất liệu ở thực tại đời sống khách quan nhưng không phải là sự sao chép giản đơn “sao chụp” nguyên xi thực tại ấy. Khi sáng tạo một tác phẩm, nghệ sĩ gửi vào đó một cách nhìn, một lời nhắn nhủ của riêng mình. Nội dung tác phẩm văn nghệ không chỉ là câu chuyện, là con người như ở ngoài đời mà còn mang tư tưởng, tấm lòng của nghệ sĩ gửi gắm trong đó: “Tác phẩm nghệ thuật … góp vào đời sống xung quanh”.

+ Hai câu thơ tả cảnh mùa xuân trong “Truyện Kiều” với lời bình:

“Hai câu thơ làm chúng ta rung động với cái đẹp lạ lùng mà tác giả đã miêu tả…”

“cảm thấy trong lòng ta có những sự sống tươi trẻ luôn luôn tái sinh ấy”

→ Đó chính là lời gửi, lời nhắn – một trong những nội dung của “Truyện Kiều”.

+ Cái chết thảm khốc của An-na Ca-rê-nhi-na (Trong tiểu thuyết cùng tên của L. Tôn-xtôi) làm cho người đọc “đầu óc bâng khuâng nặng những suy nghĩ trong lòng còn vương vấn những vui buồn không bao giờ quên được nữa → Đó chính là lời gửi, lời nhắn của L. Tôn-xtôi.

Xem thêm:  Nghệ thuật của “Câu cá mùa thu” có gì đặc sắc?

Tác giả chọn lọc, đưa ra hai dẫn chứng tiêu biểu dẫn từ hai tác phẩm nổi tiếng cùng với những lời phân tích, bình luận sâu sắc.

b. Lời gửi (nhắn nhủ) của nghệ thuật

– Tác phẩm văn nghệ không cất lên những lời lí thuyết khô khan mà nó chứa đựng những say sưa, vui buồn, mơ mộng của nghệ sĩ. Nó mang đến cho người tiếp nhận bao rung động, bao ngỡ ngàng trước những điều tưởng chừng đã rất quen thuộc: “Lời gửi của nghệ thuật không những là một bài học luân lí hay một triết lý về đời người”.

→ Tác giả đưa ra 2 dẫn chứng (“Truyện Kiều”, tiểu thuyết “An-na Ca-rê-nhi-na”)

– Nội dung của văn nghệ còn là những rung cảm và nhận thức của người tiếp nhận. Nó sẽ được mở rộng, phát huy vô tận qua từng thế hệ người đọc, người xem…”. Mỗi tác phẩm lớn như rọi vào ta một ánh sáng riêng, không bao giờ nhòa đi, ánh sáng ấy bây giờ biến thành của ta…”

Như vậy: Nội dung của văn nghệ khác với các môn khoa học khác: xã hội, lịch sử, địa lí… Văn nghệ tập trung khám phá, thể hiện chiều sâu tính cách, số phận con người, thế giới bên trong của con người. Nội dung chủ yếu của văn nghệ là hiện thực cụ thể, sinh động, là đời sống tình cảm của con người qua cái nhìn tình cảm có tính, cá nhân của nghệ sĩ.

2. Con người cần đến tiếng nói của văn nghệ

– Văn nghệ với đời sống quần chúng nhân dân – những con người Việt Nam đang chiến đấu, sản xuất trong thời kì đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp: “những người rất đông … bị tù trung thân trong cuộc đời u tối, vất vả không mở được mắt”

+ Khi con người bị ngăn cách với cuộc sống, tiếng nói văn nghệ là sợi dây buộc chặt với cuộc sống bên ngoài, với tất cả những sự sống, hoạt động, những vui buồn, gần gũi.

VD: Ngắm trăng – Nhật kí trong tù, Khi con tu hú, Vào nhà ngục quảng Đông cảm tác, Đập đá ở Côn Lôn…

+ Văn nghệ góp phần làm tươi mát sinh hoạt khắc khổ hằng ngày, giúp con người vui lên, biết rung cảm và biết ước mơ trong cuộc đời còn vất vả cực nhọc (những người đàn bà nhà quê lam lũ, đầu tắt mặt tối… họ biến đổi khác hẳn khi hát ru con, hát ghẹo nhau bằng câu ca dao, hay khi say sưa xem buổi chèo…)

Như vậy, văn nghệ giúp cho con người có được cuộc sống đầy đủ hơn, phong phú hơn với cuộc đời và với chính mình.

3. Con đường văn nghệ đến với người đọc

a. Bản chất của văn nghệ

Nghệ thuật là “tiếng nói tình cảm”. Tác phẩm văn nghệ chứa đựng “tình yêu ghét, niềm vui buồn” của con người chúng ta trong đời sống thường ngày. “Nghệ thuật còn nói nhiều với tư tưởng” nhưng là tư tưởng không khô khan, trừu tượng mà lắng sâu, thấm vào những cảm xúc, những nỗi niềm.

b. Con đường đến với người tiếp nhận, tạo nên sức mạnh kì diệu của văn nghệ

– Tác phẩm văn nghệ lay động cảm xúc, đi vào nhận thức, tâm hồn chúng ta qua con đường tình cảm…

– Đến với một tác phẩm văn nghệ, chúng ta được sống cùng cuộc sống miêu tả trong đó, được yêu, ghét, vui, buồn, đợi chờ… cùng các nhân vật và người nghệ sĩ “nghệ sĩ không không đến mở một cuộc thảo luận lộ liễu và khô khan… nghệ thuật không đứng ngoài trỏ vẽ cho ta đường đi, nghệ thuật vào đốt lửa trong lòng chúng ta, khiến chúng ta phải tự bước lên đường ấy”.

– Văn nghệ giúp mọi người tự nhận thức mình, tự xây dựng mình. Như vậy, văn nghệ thực hiện các chức năng của nó một cách tự nhiên, có hiệu quả lâu bền và sâu sắc: “Chức năng nhận thức, chức năng giáo dục, chức năng thẩm mĩ…”

VD: Bài học qua bài thơ “Ánh trăng”, bài học qua “Lặng lẽ Sa Pa”.

E. Bài văn phân tích Tiếng nói của văn nghệ

Thật đúng đắn khi nói rằng văn học là tiếng nói đầy nghệ thuật thuật của người nghệ sĩ. Chúng là những sợi dây vô hình gắn kết, truyền tải cảm xúc, tư tưởng của người nghệ sĩ đến với độc giả. Trong Tiếng nói của văn nghệ, Nguyễn Đình Thi đã lập luận một cách đầy thuyết phục quan điểm trên.

Xem thêm:  Soạn bài Câu trần thuật đơn có từ LÀ ngắn nhất

Nguyễn Đình Thi (1924-2003), quê gốc ở Hà Nội, ông là nhà thơ, nhà văn, nhà lý luận và phê bình. Tác phẩm Tiếng nói của văn nghệ được sáng tác năm 1948 và in trong tập Mấy vấn đề văn học (1956).

Trong phần đầu của tác phẩm, Nguyễn Đình Thi đi vào phân tích và làm rõ nội dung của văn nghệ. Ông cho rằng văn học là thực tại khách quan, là tất cả những gì tồn tại xung quanh chúng ta, mượn những vật liệu từ chính cuộc sống đa màu, đa vẻ, không phải là thứ gì bay bổng, cao xa.

Có lẽ, có tâm hồn đồng điệu với Nguyễn Đình Thi, nhà viết kịch Nguyễn Huy Tưởng cũng đã viết trong tác phẩm Vũ Như Tô rằng: “Nghệ thuật mà không gắn liền với đời sống thì nó chỉ là những bông hoa ác mà thôi” hay Nam Cao cũng có một quan điểm nghệ thuật rất hay: “Chao ôi, nghệ thuật không cần phải là ánh trăng lừa dối, không nên là ánh trăng lừa dối; nghệ thuật chỉ có thể là tiếng kêu đau khổ kia thoát ra từ những kiếp lầm than…”.

Thêm vào vào đó, nghệ thuật không chỉ đơn thuần là những ghi chép cứng nhắc, khô khan mà là những cảm nhận chân thực và sâu sắc từ tâm hồn của người nghệ sĩ. Thông qua lăng kính chủ quan của mình, người nghệ sĩ ấy đã biến những thứ vốn quen thuộc thành thứ nghệ thuật đầy mới mẻ. Chứng minh cho quan điểm của mình Nguyễn Đình Thi đã trích hai câu thơ do đại thi hào Nguyễn Du viết, rằng:

“Cỏ non xanh tận chân trời
Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Mùa xuân vốn là một hiện tượng tự nhiên của cuộc sống, câu thơ chỉ đơn thuần tả mùa xuân nhưng qua lăng kính chủ quan, tâm hồn yêu thiên nhiên, yêu đời và cảm nhận sâu sắc của Nguyễn Du, mùa xuân trở nên tràn đầy sức sống, lan tỏa trong từng câu chữ là vẻ đẹp tươi non, mơn mởn, căng tràn nhựa sống.

Cái chết của An-na Ca-rê-nhi-na là sự ám ảnh, bâng khuâng, buồn thương cho số phận của những con người trong xã hội, mà khi gấp trang sách lại, ta vẫn còn vương vấn như nghe, như thấy được tâm tư tình cảm của Tôn-xtôi khi viết nên những dòng chữ sâu sắc này.

Từ các dẫn chứng tiêu biểu như vậy ta có thể nhận ra rằng khác với khoa học xã hội, chỉ bao gồm những quy luật và những điều khách quan mang tính lý thuyết, thì văn nghệ lại đi sâu vào đời sống tinh thần con người và làm thay đổi những suy nghĩ, tình cảm ẩn chứa bên trong mỗi con người khác nhau.

Không chỉ nói về nội dung cốt lõi của văn nghệ Nguyễn Đình Thi còn trình bày quan điểm của mình về sức mạnh và ý nghĩa của văn nghệ. Văn nghệ có sức mạnh như là một sợi dây kết nối thế giới bên ngoài với con người bị ngăn cách khỏi cuộc sống, tiêu biểu như những người tù chính trị, bị giam cầm cả về thể xác lẫn tinh thần, bị ngăn cách bị tra tấn trong không gian chật hẹp, tù túng, đầy ngột ngạt.

Người nghệ sĩ trong hoàn cảnh ấy đã gửi tư tưởng mình vào thơ văn, coi đó là một thế giới mới, kết nối với thế giới bên ngoài. Hồ Chí Minh đã đánh rơi một viên ngọc quý xuống nền văn học Việt Nam với tập thơ Nhật ký trong tù, có đoạn thơ hóm hỉnh, đầy lạc quan như sau:

“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”

Cùng hoàn cảnh ấy, Tố Hữu cũng viết Khi con tu hú đầy tha thiết, rạo rực, khát vọng tự do cháy bỏng, có câu rất ấn tượng, đạt tới cảnh giới cảm xúc “Ngột làm sao, chết uất thôi.” Như vậy văn nghệ là cách để người nghệ sĩ giãi bày tâm trạng, cách nhìn nhận cuộc sống, đồng thời đem tới cho họ vũ khí sắc bén, cổ vũ tinh thần hiên ngang bất khuất, nuôi dưỡng tâm hồn người nghệ sĩ được trong sáng, vững vàng trước hoàn cảnh khốn khó, gian khổ.

Xem thêm:  Phân tích nhân vật chị Dậu trong đoạn trích Tức nước vỡ bờ năm 2021

Ngoài ra trong các tác phẩm của Nam Cao hay Thạch Lam còn là sự cổ vũ tinh thần của những con người khốn khổ hãy sống trong cảnh bị áp bức bóc lột, cổ vũ tinh thần đấu tranh, thay đổi cuộc sống, hướng tới một cái gì đó tốt đẹp hơn. Văn nghệ gắn với lao động sản xuất, gắn với thiên nhiên. Đối với những con người lam lũ vất vả văn nghệ đem tới cho họ ánh sáng hi vọng, lay động tình cảm, như những câu hát than thân, những câu hát về tình yêu thương cuộc sống, những câu hát về tình yêu thiên nhiên đất nước.

Tất cả đều là tác phẩm của những người nông dân chân lấm tay bùn, thông qua lao động vất vả, họ tìm ra được những quy luật cuộc sống và đưa vào ca dao tục ngữ, truyền miệng từ đời này sang đời khác để làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần, thắp sáng tâm hồn. Tay làm mà miệng nhẩm vài câu ca dao, bỗng cảm thấy yêu đời đến thế, mệt mỏi bỗng chốc tan biến, đấy chính là sức mạnh của văn nghệ.

Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng và Nam Cao đều có chung một quan điểm, một ý nghĩ về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống con người. Văn nghệ không thể xa rời cuộc sống, văn nghệ mượn chất liệu từ cuộc sống để làm nên nghệ thuật, đấy mới là thứ nghệ thuật chân chính có giá trị sâu sắc. Nghệ thuật cũng gắn liền với tư tưởng của con người, nghệ thuật không phô bày ngay trước mắt mà nó ẩn sâu trong lớp vỏ của cuộc sống hằng ngày, “náu mình, yên lặng” chờ một tâm hồn đủ sức để khai phá chúng.

Và để làm được như vậy người đọc phải tự mình cảm nhận, không áp đặt, lộ liễu, khô khan. Nam Cao viết: “…nhà văn không được trốn tránh nghệ thuật mà phải đứng trong lao khổ mở hồn ra đón lấy những vang động của đời”, muốn hiểu thì phải trầm mình vào, mở rộng lòng mà cảm nhận, thế mới cảm nhận được thứ nghệ thuật chân chính nhất.

Chung quy lại, nghệ thuật là tiếng nói của tình cảm, từ vui, buồn, giận dữ, hay tuyệt vọng, hăng hái, … tất cả đều có thể thông qua nghệ thuật mà bày tỏ, truyền đạt. Nghệ thuật đốt lửa trong lòng chúng ta, những đốm lửa đầy nhân văn, sưởi ấm những tâm hồn lạnh giá, cô tịch nhất, giải phóng con người, giúp con người tự thoát khỏi cái gông xiềng tăm tối vô hình của bản thân. Tạo cho tâm hồn con người sự sống mãnh liệt, làm phong phú thế giới nội tâm, khiến con người biết yêu thương hơn cuộc sống này.

Trong tác phẩm Ý nghĩa của văn chương có đoạn: “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta chưa có, luyện cho ta những tình cảm sẵn có, …”, đây cũng là một phần tác dụng của nghệ thuật gắn liền với đời sống rất sâu sắc và đáng giá. Vậy chính ra nghệ thuật đóng vai trò to lớn nhất trong việc xây dựng đời sống tâm hồn xã hội, dựa trên nền tảng của cuộc sống xã hội!

Tiếng nói của văn nghệ trải qua hơn nửa thế kỷ đầy biến động, thế giới văn chương có phần đổi khác những những quan điểm của Nguyễn Đình Thi chưa bao giờ là cũ, mà nó luôn trường tồn với thời gian. Điều đó cho thấy, thời nào cũng vậy văn nghệ luôn có những đặc điểm chung nhất, mà người nghệ sĩ phải nắm rõ để sáng tác ra những tác phẩm nghệ nghệ thuật chân chính, có giá trị, thế mới là người nghệ sĩ có tâm và có tầm.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu