Tả một người thợ mộc đang làm việc năm 2021


Tả một người thợ mộc đang làm việc năm 2021

Bài văn mẫu Tả một người thợ mộc đang làm việc lớp 5 được chọn lọc, tổng hợp từ những bài viết tập làm văn của học sinh lớp 5 trên cả nước. Hi vọng với bài văn mẫu này, các em sẽ biết cách triển khai ý, tích lũy thêm vốn từ để viết bài văn Tả một người thợ mộc đang làm việc hay.

Dàn ý Tả một người thợ mộc đang làm việc

1. Mở bài

Giới thiệu về người thợ mộc

2. Thân bài

– Ngoại hình của người đó
– Tính cách và cách ứng xử của người đó với người xung quanh
– Hành vi, cử chỉ của người thợ mộc khi làm việc
– Em ấn tượng gì về người đó.

3. Kết bài

Khẳng định lại tình cảm của mình với bác thợ mộc.

Tả một người thợ mộc đang làm việc – mẫu 1

Cạnh nhà em có nhà bác Phúc, bác ấy là một thợ mộc lâu năm, rất nhiều kinh nghiệm và tay nghề cao.

Năm nay, bác Phúc đã ngoài năm mươi, tóc bạc khá nhiều. Là dân lao động từ nhỏ nên bác có thân hình vạm vỡ, chiếc ngực lực lưỡng, bắp tay săn chắc. Suốt ngày chăm chú vào công việc, bác ít tiếp xúc với mọi người. Dù vậy, tính tình bác rất cởi mở, em có dịp được trò chuyện và nhìn ngắm bác làm việc.

Bác có tinh thần làm việc rất cao. Bác thường bảo: “Làm nghề gì cũng phải có cái tâm và lòng yêu nghề.” Để hoàn thành một sản phẩm như tủ, bàn ghế, phải qua nhiều công đoạn. Công việc đầu tiên là chọn gỗ tốt rồi mang đi phơi cho chín. Khi làm việc, cạnh bên bác có đủ thứ đồ nghề: cưa, bào, đục, búa, kềm, đinh vít

Một thanh gỗ sần sùi, lam nham được bác đặt lên một băng ghế dài gọi là con ngựa. Một chân buông thõng xuống đất, chân kia gác lên ghế, bác cúi rạp người xuống như phi ngựa để bào. Các dăm bào cuồn cuộn tuôn ra như từng lọn tốc xoăn tít thơm nồng mùi gỗ. Bác dừng lại, lấy chiếc bút chì trên vành tai xuống để kẻ rồi đo lại cho chính xác, bác tiếp tục bào, đánh giấy nhám, từng vân gỗ hiện lên rất đẹp mắt. Tỉ mỉ và khéo léo nhất là lúc bác đục các mộng để ráp khung. Rất chính xác và tài tình. Công việc cứ thế tiếp diễn đến khi hoàn thành sản phẩm. Chiếc tủ được khoác cái áo nâu bóng bằng lớp véc-ni được bác đánh rất đều tay. Có nhìn tận mắt mới thấy hết cái tài của người thợ mộc.

Xem thêm:  Tư tưởng Đất Nước của Nhân dân trong Đất nước của Nguyễn Khoa Điềm

Nghề nào cũng quý, cũng mang lợi ích đến cho mọi người, em luôn quý trọng những người lao động chân chính, người luôn vươn lên bằng nghị lực của chính bản thân mình.

Tả một người thợ mộc đang làm việc – mẫu 2

Bà nội em sinh được bốn người con, ba người đi làm ăn xa, chỉ còn chú Út ở nhà với ông bà. Chú Út năm nay hai mươi tám tuổi, dáng người thanh mảnh, nhanh nhẹn. Khuôn mặt vuông vức, đôi mắt trong sáng và nụ cười cởi mở. Cả nhà duy nhất có chú nối nghiệp cha làm nghề chạm khắc và tạc tượng gỗ. Chú cùng mấy người bạn trong ấp lập một xưởng nhỏ chuyên sản xuất đồ gỗ thủ công mĩ nghệ.

Bước vào sân, em đã thấy những khúc gỗ đủ mọi kích cỡ đặt la liệt khắp nơi. Dưới mái che bằng bạt, chú Út say mê tạc tượng một em bé cưỡi trâu thổi sáo. Ba em kể rằng ngay từ nhỏ, chú đã tỏ ra rất có năng khiếu nên ông nội đã truyền nghề cho chú. Hai cha con em thực sự bị cuốn hút vào công việc tỉ mỉ, khó khăn nhưng đầy thú vị. Chú Út một tay cầm đục, một tay cầm chiếc dùi bằng gỗ, thận trọng gõ từng nhát một. Những miếng dăm gỗ nhỏ xíu rơi lả tả xuống đất. Chỉ một lát sau, hình thù cậu bé và con trâu đã hiện ra nhưng còn xù xì đơn giản. Chú Út lấy một con dao nhỉ thật sắc, gọt tỉa từng đường cong mềm mại. Mỗi động tác của chú đều toát lên sự cần mẫn, tài hoa lạ lùng.

Đến chiều, bức tượng nhỏ đã hoàn thành. Chú lấy giấy nhám đánh cho nhẵn rồi thoa véc ni màu nâu bóng. Từng đường vân gỗ hiện lên thật đẹp mắt. Chú Út nâng bức tượng ngang tầm mắt, ngắm nghía kĩ lưỡng và đôi môi chú nở nụ cười mãn nguyện. Chú bảo em muốn thành công trong mọi việc, phải có sự say mê và tính cần cù, chịu khó.

Xem thêm:  Phân tích bài thơ Chiều tối của Hồ Chí Minh năm 2021

Nhìn bức tượng cậu bé đội chiếc nón lá đang thổi sáo, ngồi vắt vẻo trên lưng con trâu mộng có cặp sừng cong vút, đầu cúi xuống như đang thong dong gặm cỏ, em càng mến phục tài nghệ của chú em và những người thợ có bàn tay vàng như chú đang góp phần làm đẹp cho đời.

Tả một người thợ mộc đang làm việc – mẫu 3

Căn nhà nhỏ bé của ông tôi lúc nào cũng thơm mùi gỗ. Không gì thú vị bằng được ngồi xem ông làm việc. Tôi chăm chú ngắm nhìn từng động tác của ông. Hai tay ông cầm cái bào, đám vỏ bào ùn lên cứ y như những sợi bánh đa cua. Những sợi bánh đa cua lúc thì cong vồng, lúc thì xoăn xoăn, đợt thì màu trắng, đợt thì màu nâu rồi thì màu hồng ùn lên phía trước và nhẹ rơi xuống đất. Khi ông cưa, cái cưa ngoan ngoãn khoe sự điều khiển của ông. Tiếng lưỡi cưa kêu xoèn xoẹt nghe thật vui tai. Mùn cưa rắc nhẹ từng đống xôm xốp tựa như hoa sữa mùa thu rụng xuống sân trường. Bàn tay ông thật tài tình. Mảnh gỗ xù xì đã biến thành thanh gỗ vuông vắn, nhẵn bóng. Ông nheo mắt lại, đưa thanh gỗ lên sát mắt, ngắm nghía rồi lại đẽo, gọt. Ông còn sửa bàn, ghế, chuồng gà, chuồng lợn, cánh cửa hỏng cho bà con trong xóm. Lúc rảnh rỗi ông dạy tôi sửa chữa bàn ghế hỏng. Tôi đã biết dùng miếng gỗ mỏng để chêm lại cái ghế bị lỏng chân ở lớp.

Bây giờ ở quê tôi còn rất ít người làm thợ mộc. Riêng ông tôi vẫn hàng ngày đẽo, gọt, sửa chữa đò dùng cho mọi nhà. Tôi thấy vui và tự hào khi nghe mọi người trong xóm gọi ông một cách thân thương là “ông phó mộc”.

Tả một người thợ mộc đang làm việc – mẫu 4

Cậu Tám của em là một thợ mộc giỏi, lành nghề. Em đã có lần được xem cậu bào chuốt gỗ và đóng tủ.

Cậu Tám vừa đúng bốn mươi tuổi, cậu đã có hơn mười lăm năm làm nghề mộc. Cậu em người dong dỏng cao, nước da ngăm ngăm rám nắng. Mới bốn mươi tuổi nhưng tóc cậu đã có sợi bạc. Khuôn mặt cậu đầy đặn phúc hậu. Dưới đôi lông mày to bản như con tằm nằm, đôi mắt cậu to, lông mi dài và cong. Sống mũi cậu cao, hơi bè bè,đường nhân trung rộng làm khuôn mặt cậu có nét hiền lành, dễ mến. Bàn tay cậu Tám to, ngón tay thon dài, lúc nào cũng cắt ngắn sạch sẽ. Cậu có dáng đi hơi khập khiễng, kết quả của một lần bị ngã nặng. Cái lần ngã đó làm sức khoẻ cậu giảm sút. Dù vậy, tay nghề của cậu ngày một nâng cao.

Xem thêm:  Câu hỏi bài Nỗi oán của người phòng khuê chọn lọc

Dưới bàn tay cậu Tám, tủ, bàn, ghế các kiểu ra đời mời gọi khách hàng. Bao giờ cũng vậy, để đóng một cái tủ, cậu đo rất cẩn thận và bắt đầu cắt gỗ. Các thanh gỗ mộc được bào chuốt láng mướt và được đục mộng ghép rất sắc sảo. Cậu Tám bào gỗ bằng hai cách: bào thô bằng máy bào và bào tinh bằng bào tay, dụng cụ bào cổ điển của thợ mộc. Trên ghế dài có nẹp chân, cậu Tám bào đi bào lại thanh gỗ. Cậu ngắm nghía, ướm thử. Mắt cậu nheo lại, tay nâng cao thanh gỗ ngang tầm mắt rồi lắp thử một cách nhẹ nhàng. Thanh gỗ nào cần bào lại, cậu đặt lên ghế dài, rồi khom người đẩy cái bào đi tới. Từng phôi gỗ đùn lên sau cái bào, thanh gỗ láng mặt, phổ vân gỗ màu hồng tuyệt đẹp. Xem cậu lắp tủ mới thật thích. Các thanh gỗ của sườn tủ được lắp xong, cậu đóng ván mặt hậu, ván ngăn đâu vào đấy là cậu bắt tay bào chỉ viền của tủ. Nẹp chỉ viền thanh mảnh rất khó bào được cậu chuốt kĩ lưỡng, chính xác từng ly một. Trong một ngày cái tủ được lắp xong. Cái tủ duyên dáng đứng chờ thợ đánh véc-ni. Chú thợ phụ việc pha véc-ni rồi bắt đầu giai đoạn đánh bóng. Để đóng một cái tủ như thế, cậu Tám phải mất năm, bảy ngày mới làm xong. Sản phẩm của cậu làm theo đơn đặt hàng nên xuất xưởng là đến tay ngay khách hàng. Tủ của cậu làm vừa xinh, vừa chắc bền, không chỉ làm vui lòng khách mà còn đem lại uy tín cho xưởng mộc của cậu.

Em rất thích xem cậu Tám làm việc. Ngoài sự khéo léo của người thợ, cậu Tám còn đặt vào sản phẩm mộc sự say mê nghề nghiệp và kĩ thuật tinh xảo của mình. Nghề mộc không chỉ đòi hỏi tài hoa của người thợ mà còn bắt buộc người thợ phải có tính chịu khó, nhẫn nại mới có thể thành công. Cậu Tám của em là một người như thế.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu