/tmp/scurj.jpg
Bài văn Tả cây bóng mát mà em yêu thích gồm 5 dàn ý chi tiết, 6 bài văn mẫu được tuyển chọn từ các bài văn đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài viết Tập làm văn lớp 4.
Đề bài: Tả cây bóng mát mà em yêu thích.
Dàn ý Tả cây bóng mát mà em yêu thích
a. Mở bài: Giới thiệu cây muốn tả.
• Cây do ai trổng?
• Trồng ở đâu? Được bao lâu rồi?
b. Thân bài:
• Tả bao quát:
– Dáng cây to, cao.
– Tán cầy rộng.
• Tả chi tiết:
– Thân cây lớn màu nâu, xù xì, thô ráp, nhiều mấu.
– Cành cây chĩa ngang và rất nhiều cành, tán lá gồm nhiều tầng rất đẹp.
– Chim chóc thường làm tổ trên tán lá.
– Gốc là nơi tránh nắng, vui chơi…
• Tả vẻ đẹp của cây qua từng mùa:
– Mùa xuân:
+ Cây lấm tấm những chồi non trông rất xinh xắn.
+ Bỗng một hôm cây xòe những lá non mơn mởn.
– Mùa hạ:
+ Cây xanh um lá.
+ Những chú chim đua nhau làm tổ.
– Mùa thu: Những lá cây bắt đầu ngả màu: những màu sắc vô cùng vui mắt, nào là lá xanh, lá nâu, lá vàng.
– Mùa đông:
+ Thân cây lộ rõ vẻ sần sùi, những cái u trên thân trơ ra với gió đông lạnh lẽo.
+ Cành cây trơ trụi lá, gầy guộc, nâu xám.
c. Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em.
Dàn ý Tả cây bóng mát mà em yêu thích – cây khế
1. Mở bài: Giới thiệu loại cây tỏa bóng mát – cây khế.
2. Thân bài:
* Tả tổng quan:
– Cao chừng hơn ba mét, cành lá xum xuế.
– Như một chiếc ô khổng lồ.
* Tả chi tiết:
– Thân cây: to bằng bắp chân người lớn.
– Vỏ: màu nâu đậm, sần sùi.
– Cành: nhiều cành, vươn nhiều hướng, đỡ những chùm quả khế nặng trĩu.
– Lá: màu xanh nhạt, mọc đều tăm tắp.
– Hoa: Màu tím nhỏ li ti mọc từng chùm.
– Quả: năm khía, lúc non màu xanh, khi chín chuyển sang màu vàng, mọng nước, vị ngọt mát dịu.
* Kỉ niệm về cây khế: cùng ông vun xới, tưới nước, hái khế tặng hàng xóm…
3. Kết bài:
– Em yêu ông nội và yêu cả cây khế.
– Mỗi lần về quê, cả ông và khế đều vui mừng đón em.
Tả cây bóng mát mà em yêu thích – tả cây khế
Ông nội em trước đây làm nghề nhà giáo, sau khi nghỉ hưu ông đã trồng một vườn cây trái nho nhỏ để mỗi hè em về ông lại cùng em thưởng thức những trái chín thơm ngọt, bóng cây râm mát. Trong vườn của ông có rất nhiều những loại cây khác nhau nhưng riêng em thích nhất cây khế ngọt ông đặt ngay trước sân.
Nhìn từ xa, cây khế chả khác gì một chiếc ô khổng lồ. Cây cao chừng hơn ba mét, cành lá xum xuê che kín cả một góc sân. Thân cây chỉ to bằng bắp chân người lớn, vỏ màu nâu đậm, sần sùi như bàn tay của ông nội. Từ thân vươn ra những cành cây chắc khỏe, gánh đỡ những chùm quả nặng trĩu thơm ngon. Lá khế màu xanh nhạt, mọc đều tăm tắp. Điểm tô cho nền lá là những bông hoa màu tím nhỏ li ti. Từ những bông hoa ấy, những quả khế non sẽ dần xuất hiện.
Quả khế có năm khía, lúc còn non là màu xanh lá, khi chín là màu vàng tươi mang vị ngọt mát dịu. Em thích nhất là cắt trái khế thành những miếng hình ông sao, giống như hình ảnh ngôi sao năm cánh màu vàng trên lá quốc kỳ vậy. Khế của ông ngọt lắm, lại mọng nước nữa, em cứ ăn một quả rồi lại muốn ăn thêm một quả nữa. Nhưng ông nói nên ăn ít thôi, cái gì ăn nhiều quá cũng không có tốt.
Cứ mỗi hè về quê, ông nội lại chuẩn bị cho em những quả khế ngon lành nhất. Hàng ngày em lại cùng ông ra vun xới, tưới nước cho cây được tươi tốt. Em rất thích được cùng ông hái khế bỏ vào trong rổ, đem đi rửa sạch. Khế năm nào cũng nhiều lắm, hai ông cháu ăn không hết nên em cùng ông mang sang tặng hàng xóm. Ai cũng tấm tắc khen ngon cả.
Em yêu ông nội, yêu cả cây khế ông trồng. Và em tin chắc rằng ông và cây khế cũng thương yêu em, vì mỗi lần em về thăm cây khế đều rung rinh như chào mừng em vậy.
Tả cây bóng mát mà em yêu thích – tả cây lộc vừng
Tôi vẫn nhớ những ca từ thiết tha, rộn ràng trong bài hái “Hà Nội mười hai mùa hoa”:
“Mùa hoa tháng năm, cháy rực phượng đỏ
Hồ Tây ngát hương, mùa sen tháng sáu
Ngập tràn lối đi, hoa sấu tháng bảy
Trở về tuổi thơ, hoa xoan tháng tám…”
Mỗi mùa, Hà Nội lại được thiên nhiên dệt cho một màu áo hoa mới. Có loài hoa không chỉ nở một mùa mà chúng khoe sắc thắm cả đầu hè lẫn cuối thu, đó là họ lộc vừng.
Sau mùa thay lá, hàng lộc vừng trường tôi khoác trên mình chiếc áo xanh tươi mơn mởn. Nhìn từ xa, chúng sừng sững như những người vệ sĩ đang xếp hàng canh giữ mái trường. Thân cây cao chừng năm, sáu mét. Vỏ cây nâu đen, xù xì những mảng bong tróc. Từ thân cây, những cành lộc vừng mập mạp, chắc khỏe như những cánh tay khổng lồ vươn dài để nâng đỡ tầng lá xanh um. Cuối xuân, tầng lá này được nhuộm một màu vàng cam. Mưa rào chợt tới đã kịp “tưới tắm” để chúng nhanh chóng có chiếc áo mới này. Những chiếc lá to bằng lòng bàn tay, nhỏ dần về phía cuống như lá chè xanh, thuôn dài như lá xoài. Mặt lá nhẵn bóng, nắng chiếu lại càng điểm tô thêm, khiến lá lộc vừng lấp lánh. Nắng rọi từng vệt nhỏ, quan sát kĩ, ta có thể thấy trên mặt lá óng ánh như những viên kim cương phát sáng. Mỗi khi chị gió ghé qua, vòm lá nhẹ đưa, phát ra những tiếng xào xạc theo nhiều cung bậc khác nhau. Dưới vòm lá là muôn dải hoa lộc vừng đỏ thắm. Mỗi bông lộc vừng nhỏ li ti, xếp quanh cuống tạo nên những dải dài ngắn khác nhau y như những dải lụa đỏ lửng lơ. Sau mỗi trận mưa rào, cánh hoa rơi phủ kín mặt đất. Hoa lộc vừng mang mùi thơm nhè nhẹ, gọi ve tới, gọi chim chóc về cùng nhau hát ca.
Chúng tôi vẫn thường đùa vui dưới hàng lộc vừng, với với tay lên những dải hoa nhưng ít khi chạm tới được. Bao mùa hạ, bao ngày thu, lộc vừng vẫn xanh mướt, tươi sắc và ngát hương giữa góc trường. Loài cây này cũng góp phần điểm tô cho đất trời thủ đô thêm muôn phần tươi đẹp, cuốn cút.
Dàn ý Tả cây bóng mát mà em yêu thích – cây bàng
1. Mở bài: Giới thiệu loại cây tỏa bóng mát – cây bàng.
2. Thân bài:
* Tả tổng quan:
– Cây trồng cách đây khoảng 5 năm
– Cây cao khoảng 5m, tán xòe rộng khắp sân.
* Tả chi tiết:
– Thân cây: to, sần sùi, màu thâm nâu.
– Lá: còn nonmàu xanh, mặt trên nhẵn bóng xanh tươi, mặt dưới có gân, lá già màu vàng nhuộm đỏ tím, giống chiếc quạt mo.
– Cành: Mọc đan xen lẫn nhau, cành to, cành bé mọc tua tủa.
– Quả: hình bầu dục, chín màu vàng, ăn có vị chát.
* Sự thay đổi của cây theo mùa:
– Mùa đông, lá rụng, cây chỉ còn cành trơ trụi.
– Mùa xuân, đâm chồi nảy lộc, tràn đầy sức sống.
3. Kết bài:
– Cây bàng che bóng mát giúp em vui chơi.
– Cây bàng gắn với cuộc sống của em.
Tả cây bóng mát mà em yêu thích – tả cây bàng
Trước nhà em có một cây bàng. Cây bàng này đã được rồng rất lâu rồi.
Cây bàng mọi người thường trồng để che bóng mát. Cây bàng trước nhà em là bố em trồng cách đây khoảng 5 năm. Mặc dù không được chăm sóc tốt nhưng cây vẫn lớn nhanh và lá rất xanh tốt. Cây cao khoảng 5 mét, tán xoè rộng khắp sân nhà em. Lá cây hình giống chiếc quạt mo nhưng bé hơn một chút. Trên cây có nhiều cành đan xen lẫn nhau và trên những cành ấy có nhiều lá. Lá bàng khi non thì màu xanh mướt và là chồi bé, khi lớn tạo hình chiếc quạt to dần to dần. Lá già có màu vàng nhưng nhuốm đỏ tím.
Đến mùa bàng ra quả, từ những đầu cành xuất hiện những quả bé màu xanh hình bầu dục. Khi chín chúng ngả màu vàng xuộm, nếu ăn thì có vị hơi chát sau đó cảm thấy ngọt dần.
Mùa đông sang, cây bàng gần như trơ trọi chỉ còn cành bởi lá nó hầu như đã rụng hết. Những cành cây khẳng khiu còn lại tập trung chất dinh dưỡng để đến thời kì xuân đến cây đâm chồi mới lá mới. Cây bàng sẽ trở nên đầy sức sống khi xuân về. Các nhánh cây và lá cứ như thể đang reo vui như muốn nói với mọi người điều gì bằng ngôn ngữ cơ thể của nó.
Chúng em thường chơi đùa cùng nhau trước sân dưới tán cây nên rất mát. Hàng ngày, mẹ em hay quét những lá bàng rụng. Thỉnh thoảng em cũng phụ mẹ quét lá.
Cuộc sống hàng ngày của em đều có hình ảnh cây bàng. Nhờ có cây hàng che bóng mát mà nhà em lúc nào cũng mát mẻ.
Dàn ý Tả cây bóng mát mà em yêu thích – cây si
I. Mở bài
– Giới thiệu cây si già trong sân trường em.
II. Thân bài:
1. Tả bao quát:
– Cây si giống như một cây dù khổng lồ xanh thẳm.
2. Tả chi tiết:
+ Rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn đang nằm ngủ.
+ Thân cây to lớn.
+ Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như rễ cây.
+ Lá si nhỏ và dày.
3. Kỉ niệm với cây si:
– Chúng em thường tụ tập về gốc cây si để hóng mát và tổ chức các trò chơi như nhảy dây, đá cầu, kéo co.
III. Kết bài:
Nêu cảm nghĩ của em về cây si.
Dàn ý Tả cây bóng mát mà em yêu thích – cây đa cổ thụ
I/ Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu về cây cổ thụ (cây đa).
Cây đa cổ kính không chỉ mang vẻ đẹp của một cây cổ thụ mà còn là biểu tượng văn hóa của làng em.
II/ Thân bài:
1. Tả chi tiết đặc điểm cây đa.
– Cây đa hơn một trăm tuổi rồi.
– Nhìn từ xa cây đa sừng sững như một chiếc ô lớn che mát cả một khoảng đất rộng.
– Thân cây to đến nỗi bốn năm người ôm không xuể.
– Lá đa hình bầu dục to như cái quạt ba tiêu. Em thường ngắt mấy cái lá đa làm thành con trâu lá đa- món đồ chơi tuổi thơ của biết bao thế hệ.
– Từ đầu cành cây rủ xuống là chiếc rễ dài như sợi dây thừng. Bọn trẻ con chúng em thường hò nhau đu lên sợi dây ấy đùa nghịch một cách thích thú.
2. Ý nghĩa và kỉ niệm về cây đa.
– Cây đa đã tồn tại và chứng kiến biến bao biến cố thăng trầm của quê hương qua hàng thế kỉ.
– Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình thì gốc đa là nơi sinh hoạt của người dân làng quê.
– Bọn trẻ con chúng em coi gốc đa như một căn cứ để tụ tập chơi bắn đi, nhảy dây, chơi chắt chơi chuyền…
III/ Kết bài: Nêu cảm nghĩ về cây đa.
Tả cây bóng mát mà em yêu thích – tả cây đa cổ thụ
Quê hương! Hai tiếng gọi đó thật thân thương biết nhường nào! Quê hương đối với mỗi người có thể là cánh đồng rộng lớn thẳng cánh cò bay hoặc là dòng sông hiền hòa ôm ấp xóm làng trù phú… Còn đối với em quê hương chính là cây đa cổ thụ ở đầu làng.
Cây đa này không biết đã có ở đây từ bao giờ, chỉ biết rằng khi em mới chỉ là một đứa bé, cây đã đứng sừng sững ở đây như một minh chứng lịch sử. Thân cây rất to, ba người bọn em nắm tay nhau ôm cũng không xuể. Cây cao với những cành cây tỏa ra tứ phía trông giống hệt như hàng chục cánh tay của những người khổng lồ.
Rễ cây lan rộng trên mặt đất, ngoằn ngoèo như những chú rắn hổ mang. Phần lớn rễ cây đã cắm sâu vào trong lòng đất để vừa làm bệ đỡ vừa hút chất dinh dưỡng nuôi cây.
Lá đa to hơn bàn tay người lớn một tẹo với những vân lá chạy từ cuống rồi lan ra toàn bộ bề mặt chiếc lá. Từ xa nhìn lại cây đa này trông chẳng khác gì một chiếc ô xanh khổng lồ tỏa bóng che rợp cả một khoảng đất rộng. Đây cũng là nơi nghỉ mát của dân làng sau những buổi làm đồng mệt mỏi đồng thời cũng là nơi tụi trẻ con chúng em luôn chọn làm nơi đùa nghịch. Trưa hè oi bức mà được ngồi dưới gốc cây xanh hóng gió thì tuyệt biết mấy.
Những buổi chiều trước khi mặt trời bắt đầu ngả sang màu vàng cam tuyệt đẹp thì đây chính là địa điểm cho mọi trò chơi của tụi chúng em diễn ra. Nào là ô ăn quan, nhảy dây, đá bóng và rất nhiều trò chơi khác. Chẳng biết từ lúc nào mà hình ảnh cây đa đã on sâu vào tâm trí mỗi người dân quê em. Ai đi xa trở về làng việc đầu tiên họ làm chính là đưa mắt tìm kiếm hình ảnh cây đa quen thuộc.
Em rất yêu quý cây đa này. Cây vừa là người bạn vừa là người em chia sẻ mọi buồn vui trong cuộc sống.
Tả cây bóng mát mà em yêu thích – tả cây si
Sân trường em trồng rất nhiều loại cây bóng mát, chúng đứng thành hàng thẳng tắp, xòe tán rộng che bóng mát khắp cả sân trường. Nhưng có lẽ chỗ gốc cây cổ thụ thu hút nhiều lũ trẻ chúng em vẫn là cây si già.
Không biết đến nay, cây si già đã bao nhiêu tuổi. Cô giáo chủ nhiệm của em nói: “Cô về đây đã hơn mười năm rồi, lúc ấy cây si cũng như bây giờ, cô nghe nói từ khi có ngôi trường này thì người thì người ta đã trồng nó từ bao giờ rồi. Có lẽ đã gần trăm tuổi rồi đấy!”. Cây si giống như một cây dù khổng lồ xanh thẳm. Những cái rễ trơn bóng nằm uốn lượn trên mặt đất như những con trăn hoa nằm ngủ im lìm dưới tán cây. Thân cây to hết chỗ nói, ước chừng sáu, bảy đứa trẻ chúng em nắm tay nhau mới kín được. Vỏ cây màu nâu sẫm và cũng trơn bóng như rễ cây. Hầu như toàn thân cây chi chít những tên tuổi, những con số, những hình nhân do các bậc đàn anh đàn chị các lớp trước lưu lại để kỉ niệm một thời đã học ở đây. Điều thú vị nhất với chúng em là nắm lấy những cái rễ to bằng ngón tay cái người lớn lòng thòng từ trên xuống thi nhau trèo lên cao hoặc chơi đánh đu. Con trai, con gái đều thích thú. Dường như quanh năm, cây si vẫn xanh một màu xanh muôn thưở của nó. Lá si nhỏ và dày, cành lại dai nên dù mưa to gió bão, cây si vẫn đứng vững vàng chống chọi lại thiên tai mà không hề vấn đề gì. Đã trăm tuổi rồi, trông nó vẫn cường tráng, vẫn xuân xanh như một chàng trai mới lớn.
Những giờ giải lao, chúng em thường tụ tập về đây để hóng mát và tổ chức các trò chơi của trẻ thơ. Cây si đã gắn với ngôi trường này, gắn với bao thế hệ học trò muôn vàn những kỉ niệm thân thương, những trò chơi hấp dẫn hay những câu chuyện tuế của đời thường râm ran nổ ra dưới gốc cây này.
Mai đây, khi phải từ biệt mái trường này thì cây si già vẫn mãi mãi để lại trong lòng chúng em những ấn tượng đẹp, những kỉ niệm khó quên của một thời thơ ấu.
Dàn ý Tả cây bóng mát mà em yêu thích – cây phượng
a) Mở bài: Giới thiệu cây muốn tả (Cây phượng)
– Cây phượng do ai trồng? (Do lớp chị tôi trồng kỉ niệm trước lúc xa mái trường thân yêu này)
– Trồng ở đâu? Được bao lâu rồi? (Cây phượng nằm ngay ở giữa sân trường. Tính đến nay, cây phượng đã qua tám mùa hoa nở)
b) Thân bài:
– Tả bao quát cây phượng (Chọn thời điểm phượng đang ra hoa để miêu tả)
– Tả từng bộ phận:
+ Gốc phượng to bằng chừng nào?
+ Rễ phượng có những đặc điểm gì?
+ Thân phượng (Vỏ cây có màu gì? Trơn hay nhám hoặc xù xì?…)
+ Tán phượng (tả cành, lá….)
+ Tả hoa phượng (Những đặc điểm nổi bật của cánh phượng, nụ hoa, màu sắc….)
c) Kết bài: Cảm nhận của em về cây phượng vĩ ở sân trường.
Tả cây bóng mát mà em yêu thích – tả cây phượng
Ngay giữa sân trường tôi sừng sững một cây phượng. Tôi không biết “bác” được trồng từ lúc nào. Tôi chỉ biết rằng khi tôi cắp sách tới trưởng thì “bác” đã già, già lắm.
Nhìn từ xa, cây như một người khổng lồ, mái tóc màu xanh. Thân cây to, hai người ôm không xuể. vỏ cây xù xì nổi lên những u cục như người bị bướu. Nhưng ít ai biết rằng trong lớp vỏ xù xì đó dòng nhựa mát lành đang cuồn cuộn chảy để nuôi cây. Mùa xuân về, cây đâm chồi nảy lộc. Lá phượng giống lá me, mỏng, nhìn như những hạt cốm non. Những cành cây mập mạp như hàng trăm cánh tay đưa ra, đón ánh sáng mặt trời để sưởi ấm cho mình. Rồi những tiếng ve râm ran đầu tiên của mùa hạ cất lên, cây bắt đầu trổ hoa. Khi chưa muốn khoe vẻ đẹp của mình, hoa e lệ ẩn mình trong khi đài hoa xanh mỡ màng. Từng nụ, từng nụ uống sương đêm và tắm nắng mai rồi từ từ hé nở. Hoa phượng có năm cánh, mượt như nhung, toàn một màu đỏ thắm. Nhị hoa dài, xung quanh có một lớp phấn hung hung vàng. Hết mùa hoa, trên cây lấp ló những chùm quả phượng. Quả phượng giống quả bồ kết nhưng dài và to hơn.
Mỗi lần hoa phượng nở, lòng chúng tôi rộn lên bao cảm xúc, vừa vui lại vừa buồn, lại xen cả lo lắng. Tôi vui vì sắp dược nghỉ hè, buồn phải xa ngôi trường, còn lo lắng vì mùa thi đang đến. Các bạn ơi! Hôm nay bắt đầu ngày thi rồi đây. Buổi trưa, tôi vui vẻ đến khoe điểm mười đỏ chói với “bác” phượng già.
Hàng ngày, chúng tôi tưới nước cho cây. Đôi lúc lại có một số cậu học trò tinh nghịch trèo lên cây để hái quả. Làm sao quên được những kỉ niệm êm đẹp về người “bạn già” luôn chia sẻ niềm vui nỗi buồn với chúng tôi trong học tập. Thế rồi, chúng tôi phải nghỉ hè, xa bạn bè, xa cô giáo, xa “bác” phượng kính yêu.