Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu năm 2021


Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu năm 2021

Bài văn Phân tích hình tượng cây xà nu trong truyện ngắn Rừng xà nu gồm dàn ý chi tiết, 9 bài văn phân tích mẫu được tuyển chọn từ các bài văn phân tích đạt điểm cao của học sinh trên cả nước giúp bạn đạt điểm cao trong bài kiểm tra, bài thi môn Ngữ văn.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 1

Nguyễn Trung Thành là nhà văn có duyên nợ gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên. Qua hai cuộc kháng chiến cùng vào sinh ra tử với những người dân nơi đây đã cung cấp cho Nguyễn Trung Thành một vốn hiểu biết vô cùng sâu rộng về mảnh đất âm vang rộn tiếng cồng chiêng trong mùa lễ hội, nơi có những người con trung dũng, kiên cường.

Nếu trong kháng chiến chống Pháp, Nguyễn Trung Thành – bút danh Nguyên Ngọc nổi tiếng cùng “Đất nước đứng lên”; thì trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là những năm 1965 khi cuộc kháng chiến của nhân dân miền Nam đang diễn ra gay go ác liệt thì Nguyễn Trung Thành cho ra mắt người đọc truyện ngắn “Rừng xà nu”. Tác phẩm này đã là một bản hùng ca, ca ngợi cuộc sống và con người Tây Nguyên trong cuộc chiến tranh vĩ đại. Và nổi bật hơn cả trong tác phẩm chính là hình tượng cây xà nu.

Cây xà nu là một hình tượng nhân vật trung tâm trong truyện ngắn “Rừng xà nu” của Nguyễn Trung Thành. Xuyên suốt trong tác phẩm ta bắt gặp những cánh rừng xà nu nối tiếp nhau chạy đến chân trời. Cây xà nu là một loài cây quen thuộc, có mặt trong cuộc sống hàng ngày của người dân Tây Nguyên. “Củi xà nu cháy trong mỗi bếp lửa gia đình, khói xà nu nhuộm bảng đen cho con trẻ học chữ, đuốc xà nu rọi sáng sân nhà Ưng trong những đêm lễ hội…”. Tất cả mọi hoạt động dù lớn dù nhỏ của người dân Tây Nguyên đều có sự góp mặt của cây xà nu. Sự sống của dân làng Xô Man đều gắn liền với những cánh rừng xà nu.

Khi Nguyễn Trung Thành viết : “Làng ở trong tầm đại bác của đồn giặc, chúng nó bắn đã thành lệ, ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và xế chiều, hoặc đứng bóng và xẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy. Hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn”, nhà văn đã phản ảnh không khí căng thẳng của thời đại, gợi lên sự đối mặt quyết liệt giữa sự sống và cái chết. Nổi bật trên nền bối cảnh ấy, Nguyễn Trung Thành đã đi sâu miêu tả những đặc điểm nổi bật của câu xà nu. Cũng như bao loài cây khác, cây xà nu là một loài cây ham ánh sáng và khí trời “trong rừng ít có loài cây nào sinh sôi nảy nở khoẻ đến vậy… ít có loài cây nào ham ánh sáng đến thế” cũng có nghĩa là ham sống, khao khát muốn được vươn lên giữa bầu trời cao rộng.

Thế nhưng trong những năm tháng chiến tranh ác liệt ấy, cũng như bao cánh rừng khác của Việt Nam, rừng xà nu đã bị tàn phá rất dữ dội “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào là không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão; ở chỗ vết thương nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm lại đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Tuy vậy, bất chấp mọi sự tàn phá huỷ diệt của chiến tranh, cây xà nu vẫn vươn lên với một sức sống mãnh liệt “cạnh cây mới ngã gục đã có bốn, năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”. Tư thế vươn lên mạnh mẽ ấy của cây xà nu như để thách thức với bom đạn của chiến tranh “đố chúng nó giết được cây xà nu đất ta”. Sức sống mãnh liệt đã giúp những cánh rừng xà nu vươn lên trong một màu xanh, hiện lên hiên ngang, kiêu dũng như một tráng sĩ “cứ thế hai ba năm sau, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng Xô man”.

Bằng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, Nguyễn Trung Thành đã dựng lên thật thành công và rõ nét, ấn tượng về hình tượng cây xà nu. Không dừng lại ở đó, Nguyễn Trung Thành còn đặt hình tượng cây xà nu vào trong quan hệ đối chiếu sóng đôi với con người mảnh đất Tây Nguyên. Nếu cây xà nu là một loại cây ham ánh sáng và khí trời, thì người dân Tây Nguyên yêu tự do, tin vào Đảng, đi theo bước chân cách mạng như muôn cây vẫn hướng vào ánh sáng mặt trời. Nếu cây xà nu bị tàn phá, huỷ diệt bởi đạn bom, khói lửa thì những người dân Tây Nguyên phải chịu bao đau thương mất mát do chính kẻ thù gây ra. Bao nhiêu người bị giặc giết chết như những cây xà nu bị chặt đứt ngang nửa thân mình, bao nhiêu người còn sống mà phải mang trong mình bao nỗi thương đau. Bằng cách miêu tả hình ảnh cây và người trong quan hệ sóng đôi như thế, Nguyễn Trung Thành đã khắc sâu tội ác dã man của kẻ thù để qua đó tác giả giúp ta hình dung rõ hơn những thảm cảnh dân ta phải chịu do bọn giặc gây ra.

Cũng giống như những cánh rừng quê hương, như những con người Việt Nam vẫn ý thức được rằng:

“Gươm nào chia được dòng Bến Hải

Lửa nào thiêu được dãy Trường Sơn

Căm hờn lại giục căm hờn

Máu kêu trả máu đầu van trả đầu”

Các thế hệ nhân dân Tây Nguyên đã thay nhau tiếp nối đứng lên. ánh sáng của niềm tin “Đảng còn thì núi nước này còn” đã soi đường chỉ lối cho những bước chân đến với cách mạng. Thế hệ này ngã xuống, thế hệ sau tiếp nối đứng lên; anh Sút bà Nhan bị giặc giết, đi thay họ tiếp tế nuôi quân đã có Tnú và Mai. Cứ như thế, các thế hệ người Tây Nguyên đã thay nhau giữ vững ngọn lửa truyền thống, thay nhau giữ vững ý chí đánh giặc kiên cường, để giữ làng, giữ nước của dân làng Xô man nói riêng và của người Tây Nguyên nói chung.

Dưới ngòi bút miêu tả của Nguyễn Trung Thành, cây xà nu hiện lên sừng sững, đồng hành với những bước đi, cuộc sống của dân làng Xô man. Gắn bó với cánh rừng anh dũng, kiêu hùng, những người dân Tây Nguyên như được tiếp thêm sức mạnh để đứng lên chiến đấu. Và gắn bó với con người Tây Nguyên ân tình, thuỷ chung, trung dũng như thế. Cây xà nu cũng luôn luôn sánh bước cùng họ để họ có cuộc sống bình yên hơn; để “hầu hết đạn đại bác của đồn giặc đều rơi vào những ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn” chứ không nhằm vào những người dân vô tội lầm than.

Cây xà nu là hình tượng mang đậm chất lý tưởng, tiêu biểu cho phẩm chất, số phận của người dân Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu trong tác phẩm mang đậm chất sử thi, tính hào hùng, nó làm rõ chủ đề tư tưởng của truyện ngắn “Rừng xà nu”. Để xây dựng một hình tượng xà nu như thế, Nguyễn Trung Thành đã sử dụng những câu văn miêu tả, những từ ngữ, hình ảnh chọn lọc đặc sắc, cùng nghệ thuật so sánh, nhân hoá, ẩn dụ, giọng văn miêu tả trong tác phẩm rất linh hoạt.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 2

   Theo tâm sự của nhà văn Nguyễn Trung Thành, điều để lại cho ông ấn tượng sâu đậm nhất đi đặt chân đến mảnh đất Tây Nguyên chính là hình ảnh những rừng xà nu bạt ngàn. Với tình yêu đặc biệt với loài cây này, ông đã lấy nó đặt nhan đề cho tác phẩm nổi tiếng của mình “Rừng xà nu”. Và vượt lên trên ý nghĩa về vẻ đẹp tự nhiên, thì rừng xà nu đã trở thành hình tượng trung tâm, chứa đựng nhiều ý nghĩa sâu sắc.

    Ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng, tác phẩm mở đầu và kết thúc đều bằng hình ảnh của những rừng xà nu bạt ngàn. Với kết cấu đầu cuối tương ứng đã tạo nên tính logic cho tác phẩm. Không chỉ vậy, hình ảnh cây xà nu còn xuất hiện từ đầu đến cuối tác phẩm, với những biến thể khác nhau: gỗ, nhựa,… tạo nên bộ khung vững chắc để liên kết toàn bộ tác phẩm thành một thể thống nhất. Như vậy, rừng xà nu có vai trò chủ đạo trong việc tạo nên tính logic, mạch lạc cho tác phẩm.

    Hình tượng cây xà nu vừa là chứng nhân, nạn nhân của chiến tranh, vừa là biểu tượng cho những đau thương mà người dân Tây Nguyên phải gánh chịu. Trước hết, rừng xà nu là chứng nhân, nạn nhân của chiến tranh. Mở đầu tác phẩm, tác giả đã mở ra khung cảnh bất bình thường “làng trong tầm đại bác của đồn giặc” tức làng liên tục bị giặc ném bom phá hoại. Nhưng điều không bình thường ấy đã trở thành bình thường quen thuộc với con người nơi đây: “Chúng nó bắn đã thành lệ, mỗi ngày hai lần, hoặc buổi sáng sớm và buổi xế chiều hoặc đứng bóng và sẩm tối, hoặc nửa đêm và trở gà gáy”. Đặt trong hoàn cảnh bất thường ấy tác giả đã ghi lại hình ảnh đầy sức ám ảnh về những đau thương mà rừng xà nu phải gánh chịu: “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu, cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. Với con mắt quan sát tinh tường, Nguyễn Trung Thanh đã bao quát được những đau thương, mất mát mà rừng xà nu phải oằn mình gánh chịu. Đó không chỉ dừng lại ở nỗi đau riêng lẻ, cá thể mà đó là nỗi đau của cả tập thể, cộng đồng. Sau khi đã quan sát toàn cảnh ông dung cái nhìn cận cảnh để ghi lại những hình ảnh đau xót, kinh hoàng nhất: “Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão” hình ảnh vô cùng đau đớn, xót xa. Cây xà nu đang sinh sôi, phát triển mạnh mẽ bỗng bị bom đạn chiến tranh chặn đứng lại. Đặc biệt ông nhấn mạnh vào hình ảnh: “Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, trần trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Bằng hình ảnh hết sức chân thực, cụ thể, tác giả đã biến rừng xà nu thành những sinh thể sống. Chúng phải gánh chịu nỗi đau đớn như con người. Chỉ bằng những chi tiết ít ỏi mà đắt giá tác giả đã làm cho nỗi đau, những mất mát mà rừng xà nu phải gánh chịu được thể hiện rõ ràng cả trên bề mặt và bề sâu. Dường như không chỉ con người mà thiên nhiên Tây Nguyên của phải gồng mình để chống trọi lại bom đạn chiến tranh.

    Không chỉ vậy rừng xà nu còn là biểu tượng cho những đau thương mà người dân Tây Nguyên phải gánh chịu. Tất cả những đau đớn mà rừng xà nu phải gánh chịu, hoàn toàn đồng điệu với những đau thương, mất mát mà dân làng Xô Man phải trải qua. Đó là bà Nhan bị chặt đầu treo lên cây xà nu, Mai và đứa con chết dưới sự tra tấn của kẻ thù, là mười đầu ngón tay Tnú bị đốt bằng nhựa cây xà nu,… Chiến tranh đã tàn phá tất cả, không trừ một ai, từ người già đến trẻ nhỏ, chồi non bé nhỏ, chưa kịp được sống đã phải chết dưới sự tra tấn của kẻ xâm lăng.

    Rừng xà nu vừa là chứng nhân vừa là nạn nhân trực tiếp của chiến tranh, đồng thời cũng là biểu tượng cho những đau thương mà tội ác kẻ thù gây ra. Tác giả đã khắc họa đau thương này ngay từ đầu tác phẩm tạo nên sự đồng điệu và chuẩn bị cho sự xuất hiện, làm nổi bật những đau thương của dân làng Xô man được tác giả khác họa sau đó. Việc đi sâu miêu tả cây xà nu, là bản cáo trạng đanh thép, tố cáo tội ác của kẻ thù.

    Nhấn mạnh vào nỗi đau của rừng xà nu, tác giả không chỉ dừng lại ở phê phán, tố cáo tội ác của chúng mà mục đích là dùng những đau thương đó để làm nổi bật vẻ đẹp sức mạnh của thiên nhiên, con người Tây Nguyên. Rừng xà nu đã trở thành biểu tượng đầy đủ, toàn vẹn nhất cho vẻ đẹp của con người nơi đây.

    Dựa vào khả năng sinh sôi, nảy nở mạnh mẽ của cây xà nu, “trong rừng ít có loài cây sinh sôi, nảy nở khỏe như vậy, cảnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình mũi tên, lao thẳng lên bầu trời”. Tác giả đã vẽ được cả chiều dài đấu tranh bền bỉ, hào hùng và vô cùng kiên cường, bất khuất của nhân dân Tây Nguyên, người này ngã xuống đã có thể hệ sau tiếp bước đứng lên ngăn bước chân kẻ thù. Có sự tương ứng kì lạ giữa thế hệ các cây xà nu với thế hẹ dân làng Xô Man: Bà Nham như một cây xà nu lớn bị bị giết hại đã có Dít, Heng tiếp bướcc. Bởi vậy, đồi xà nu nối nhau chạy tới tận chân trời không chỉ là hình ảnh của thiên nhiên bạt ngàn mà còn là biểu tượng của truyền thống anh hùng của người dân Tây Nguyên.

    Đặc biệt tác giả còn sử dụng hình ảnh cây xà nu với tất cả đặc điểm của nó để biểu tượng cho sức mạnh, khả năng chịu đựng phi thường, sự kiên cường của người dân Tây Nguyên. Bởi vậy, bên cạnh những cây ngã xuống, có những cây khác trỗi dậy mạnh mẽ, vượt cao hơn đầu người, cành lá sum sêu mà đạn đại bác cũng không giết nổi chúng. Hình ảnh cây xà nu trưởng thành với sức sống dẻo dai, mãnh liệt như thách thức của bom đạn kẻ thù cũng như hình ảnh Tnú, mặc dù bàn tay đã bị nhựa xà nu đốt cháy, nhưng anh vẫn tiếp tục tham gia cách mạng, dùng chính bàn tay đó giết chết kẻ thù. Cây xà nu đã viết lên bản anh hùng ca về sức sống cũng như sự kiên cường, bất khuất của con người Tây Nguyên

    Đặc điểm, dáng vẻ, tính chất của cây xà nu đã thể hiện đầy đủ cuộc đời cũng như phẩm chất của người dân Tây Nguyên. Đó là vẻ đẹp của sự anh dũng, kiên cường, bền bỉ, chống lại bom đạn kẻ thù. Có thể nói cây xà nu là hình tượng quan trọng, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhất trong tác phẩm này.

Dàn ý Phân tích hình tượng cây xà nu

1. Mở bài:

– Giới thiệu tác giả, tác phẩm và hình tượng cây xà nu

2. Thân bài:

a, Giới thiệu tác giả, tác phẩm

– Giới thiệu tác giả Nguyễn Trung Thành:

+ Ông sinh năm 1932 và tên thật là Nguyễn Văn Báu

+ Ông quê ở Thăng Bình tỉnh Quảng Nam và tham gia nhập ngũ vào năm 1950, sau đó ông ở lại chiến trường vào năm 1962.

+ Có thể nhận thấy được những tác phẩm của ông đều mang phong cách núi rừng Tây Nguyên. Tác giả luôn luôn phản ánh hiện thực của đất nước trong thời kì chiến tranh

– Giới thiệu tác phẩm Rừng xà nu

– Tác phẩm “Rừng xà nu” cũng được viết vào thời điểm xảy ra cuộc chiến khốc liệt và hào hung của dân tộc ta trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt

Xem thêm:  Soạn bài Đêm nay Bác không ngủ (Minh Huệ) ngắn nhất

Hình tượng cây xà nu ở trong tác phẩm rừng xà nu

b, Vị trí của cây xà nu

– Hình ảnh của cây xà nu xuất hiện ở đoạn mở đầu của tác phẩm

– Cây xà nu lúc này đây cũng xuất hiện ở kết thúc và toàn bộ thiên truyện

– Không khó để nhận ra được cây xà nu trong sự gắn bó với con người, cuộc sống của người Xô man nói riêng và người dân Tây Nguyên nói chung.

– Đặc điểm của cây xà nu được Nguyễn Trung Thành miêu tả

+ Cây xà nu là loại cây họ thông

+ Gỗ quý, nhựa rất thơm nữa

+ Thêm một đặc điểm nữa mà ít cây có được đó chính là sức sống mãnh liệt và ham ánh sang mặt trời của cây xà nu. Cứ cạnh một cây xà nu bị ngã xuống thì đã có rất nhiều cây xà nu con mọc lên. Cây xà nu nằm trong tầm đại bác của giặc thế nhưng nó dường như cũng cứ hiên ngang vươn thẳng lên bầu trời.

– Thông qua biểu tượng của cây xà nu bị thương dường như cũng đã nói lên được nỗi đau của con người bị tra tấn, hành hạ một cách dã man.

– Cây xà nu cũng chính là biểu tượng hình tượng tốt đẹp của người Tây Nguyên

– Thông qua tác phẩm nhà văn Nguyễn Trung Thành cũng như xây dựng lên được hình tượng hiên ngang, sự bấtkhuất của con người Tây Nguyên. Cây xà nu như gắn bó với người dân Tây Nguyên và che chở cho học, trở thành một loại cây mà đã đi sâu vào đời sống sinh hoạt của người dân Xô man.

– Hóa thành ngọn lửa” chứng minh cho mọi sự kiên trọng đại, đau thương và anh

3. Kết bài:

– Nhận định rằng đây là một hình ảnh nghệ thuật sang tạo của tác giả

– Hình ảnh của cây xà nu như tượng trưng cho sức sống mãnh liệt của con người.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 3

   Viết về mảnh đất gắn bó với một phần cuộc sống của mình không phải là đề tài hiếm gặp trong các tác phẩm văn học.Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành là một tác phẩm như vậy. Đây có thể coi là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất viết về thiên nhiên Tây Nguyên. Hình tượng cây xà nu trở thành biểu tượng của mảnh đất và con người tây Nguyên.

    Trong tác phẩm này, những cây xà nu đóng một vai trò vô cùng quan trọng, bản thân cây xà nu và những biến thể của nó đã lặp lại hai mươi lần trong tác phẩm. Bởi vậy nó trở thành một hình tượng quan trọng trong câu chuyện.

    Cây xà nu hiện lên qua lời văn của tác giả hiện lên thật hùng vĩ, tràn đầy nhựa sống, chúng có sức sống vô cùng kiên cường, dẻo dai, mãnh liệt, không gì có thể hạ gục chúng. Cây này ngã xuống đã có cây khác lớn lên, không ngừng sinh trưởng, phát triển. Những cây xà nu sống trong tầm đại bác của giặc, thường phải chịu sư công kích dữ dội của bom đạn giặc . Nhưng rừng xà nu vẫn kiên trì đứng vững bảo vệ cho con người . Và điều đó khiến rừng xà nu rộng lớn là vậy nhưng hầu hết cây nào cũng bị thương: “ở chỗ vết thương nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt”. Cái chết không thể đàn áp sự sống của rừng xà nu, chúng vẫn mạnh mẽ vươn lên. Cạnh những cây đã ngã xuống lại có bốn năm cây lớn vươn lên: “từng luồng lớn thẳng tắp, long lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mơ màng”. Rừng xà nu kiên cường, bất khuất “đạn đại bác không giết nổi chung, cây vẫn vươn mình lớn ưỡn tấm ngực che chở cho làng…”. Rừng xà nu chinh là biểu tượng cho mảnh đất Tây Nguyên.

    Rừng xà nu còn là biểu tượng cho số phận của con người Tây Nguyên. Những gì mà rừng xà nu phải hứng chịu, những làn mưa bom bão đạn ngày ngày dội xuống rừng xa nu cùng chính là những gì con người nơi phải đối mặt hàng ngày. Mỗi một nhành cây ngọn cỏ, mỗi lứa cây xà nu đều là biểu tượng cho con người nơi đây. Nhưng trước bao nhiêu đau thương, mất mát con người nơi đây vẫn không bao giờ gục gã, họ vẫn tin tưởng vào Đảng vào cách mạng, vẫn kiên cường, bền bỉ chiến đấu, không ngừng kế tiếp truyền thống vẻ vang của cha anh.

    Cụ Mết là biểu tượng cho những cây xà nu lớn, vươn mình ưỡn thân bảo vệ dân làng. Cụ cũng là biểu tượng quật khởi của truyền thống đánh giặc hào hùng. Cụ Mết là người đã chỉ huy, lãnh đạo dân làng đối kháng với địch. Cụ là người đã đem đến chân lí, chúng nó đã cầm súng thì ta phải cầm giáo. Phải sử dụng bạo lực cách mạng để đấu tranh lại bạo lực phản cách mạng. Cụ là người truyền và giữ truyền thống cho thế hệ mai sau. Vẻ đẹp của cụ cũng là vẻ đẹp được hun đúc từ núi rừng Tây Nguyên, từ những cây xà nu, đó là cái ngực căng “như một cây xà nu lớn, là nét từng trải của đôi bàn tay” , giọng nói hùng vĩ mang âm thanh của núi rừng: “ồ ồ thanh âm quen thuộc dội vang trong long ngực”.. Mỗi lời cụ nói không chỉ là mệnh lệnh mà còn là đuchs kết kinh nghiệm, sự từng trải trong cuộc sống: “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta, cây mẹ ngã, cây con mọc lên”.

    Những cây con mọc lên cũng chính là hình ảnh của Tnú, Mai, Dít, của Heng – thế hệ tiếp bước cha anh. Từng cây xà nu không ngừng ngày đêm bảo vệ dân làng, cũng như những đứa trẻ kia, sự khôn lớn, dũng cảm của chúng cũng chính là đem sức lực để bảo vệ dân làng, để bảo vệ nơi họ được sinh ra.

    Tnú là người sinh ra và lớn lên trong sự bao bọc, bảo vệ của dân làng. Tnú coi người làng như chính người thân ruột thịt của mình, anh gắn bó mật thiết với con người và mảnh đất nơi đây. Sớm được Đảng giác ngộ cách mạng, từ nhỏ Tnú đã góp sức mình vào nhiệm vụ cứu nước bằng cách nuôi giấu cán bộ trong rừng, tìm được khó mà đi thay vì đường bằng, sẵn sang nuốt thư vào bụng. Lớn lên cả gia đình nhỏ của anh bị giặc giết hại, bản thân bị bắt giam, bị hành hạ nhưng như một cây xà nu không bao giờ chịu khuất phục, Tnú đã vượt ngục, hoạt động cách mạng. và dung chính đôi bàn tay của mình để giết chết quân thù.

    Rừng xà nu mang trong mình vẻ đẹp bất diệt, không bao giờ lụi tàn, cũng như con người Tây Nguyên kiên cường, không bao giờ gục ngã. Hình tượng câu xà nu là hình tượng nổi bật xuyên suốt toàn bộ tác phẩm, làm nên vẻ đẹp mạnh mẽ của thiên nhiên và con người nơi đây.

    Với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã mang đến cho bạn đọc những xúc cảm mới mẻ về con người Tây Nguyên. Rừng xà nu là biểu tượng đẹp đẽ về con người Tây Nguyên, về cuộc đời anh dũng, kiên cường của họ. Rừng xà nu và những người anh hùng Tây Nguyên mãi tỏa rạng vẻ đẹp muôn đời.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 4

Tây Nguyên, vùng núi rừng hùng vĩ, đầy bí ẩn mà thơ mộng với cánh chim Ling, chim Chơ rao rực rỡ sắc màu, với âm thanh trầm hùng ngân vang cưa đờn Gông, đàn Tơ Rưng đã đi vào “Đất nước đứng lên” của Nguyên Ngọc để làm nên cái không khí sử thi của tiểu thuyết thời chống Pháp. Đến thời chống Mỹ, mảnh đất cực Tây của Tổ quốc này lại một lần nữa khơi nguồn cảm hứng lãng mạn cho Nguyễn Trung Thành viết nên truyện ngắn “Rừng Xà nu” – một truyện ngắn xuất sắc của nền văn học hiện đại về đề tài chiến tranh Cách mạng, ra đời 1965.

Chỉ vài chục trang giấy mà tác giả đã làm sống lại cả một vùng đất khét nồng lửa cháy, với những con người của làng Xô Man dũng cảm hy sinh để thực hiện khát vọng tự do độc lập. Rừng Xà nu, nơi cư trú của làng Xô Man, đã trở thành nguồn cảm hứng đầy chất thơ và cũng là điểm tựa đề từ đó nhà văn khắc họa nên gương mặt những người anh hùng. Cây Xà nu đã tỏa bóng vào những trang văn, thành một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh và làm nên một giọng điệu cho tác phẩm.

Cũng như cây tre Việt Nam, Xà nu, ăn đời ở kiếp, thủy chung son sắc với con người. Xà nu cũng lam làm, cũng hội hè đình đám và cùng chia sẻ nỗi buồn vui với con người. Không ở đâu có mặt con người mà vắng bóng Xà nu. Mỗi cây Xà nu trong rừng lớn cùng gắn bó với kỷ niệm riêng tư của mỗi người dân Xô Man. Cây cứ lặng lẽ đứng đấy như đón đợi người. Ai từ đây đi, bước đầu tiên là gặp cây rừng và ai đó từ xa về, trước hết phải gặp mặt rừng cây. Cây Xà nu lớn, lối vào “rừng lách” đã từng là chứng nhân cho mối tình của Tnú và Mai. “Chính ở đây, anh đã gặp Mai lần đầu”, và chính ở đây “lần đầu tiên sau khi ở tù về. Tnú gặp lại Mai. Mai cầm tay anh khóc “không phải như một đứa trẻ nữa mà như một người con gái đã lớn, vừa xấu hổ vừa thương yêu”. Mới hôm nào còn ngây thơ mà giờ đây đã làm cho người ta bối rối. Giờ đây, Mai bị giặc giết, cái cây cũng bị đạn cắt ngã với những kỷ niệm. Xà nu đã đi vào mối tình của đôi lứa với cái màu xanh mơ mộng của nó để cho mối tình thêm vẻ mộng mơ. Khi hạnh phúc bị chà đạp, nó cũng ngã xuống với những kỷ niệm, chỉ để lại cho đời cái gốc cắm vào mọi nỗi thương đau. Cây Xà nu, như vậy đâu còn là loài cây vô cảm nữa mà đã mang bóng dáng của linh hồn của con người.

Ai bảo Xà nu mang hình bóng người để rồi phải chịu chung số phận với con người. Khi Xô Man bước vào cuộc chiến đấu thì Xà nu cũng phải đương đầu với lửa đạn. “Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi Xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng Xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương…” Có những cây bị đạn giặc chặt ngang thân, đổ ào ào như bão, ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt rồi dần dần bầm lại quyện thành từng cục máu lớn”.

Nếu như nỗi đau của cây làm đau đến cả lòng người thì sức mạnh của người cũng truyền được cho cây để cây có thể trụ vững trên mảnh đất này.

Tuy chịu nhiều thương đau nhưng Xà nu đã trở thành chỗ dựa của con người. Rừng Xà nu trùng điệp đã hóa thành chiến lũy kiêu hãnh “ưỡn tấm ngực lớn của mình ra che chở cho dân làng”. Nằm giữa cánh rừng ấy, làng Xô Man có khác nào cái nôi dũng sĩ, cái nôi đại bàng giữa núi cao trời rộng tây nguyên.

Cũng như con người, cây này ngã xuống, cây khác lại tiếp nối đứng lên, quật khởi vượt qua thương đau. “Cạnh một cây Xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng có ít loại cây ham ánh sáng mặt trời đến thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng thẳng tắp, lóng lánh về vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng…” Xà nu hướng về phía nắng trời hay là khát vọng của người dân Xô Man hướng về cuộc sống tươi đẹp tràn đầy ánh sáng, chứ không chịu khuất mình trong bóng tối đây? Cứ thế, cây lặng lẽ vút lên trời. Cái màu xanh tươi đẹp như tiếng nói yên lặng mà thiết tha và đầy kiêu hãnh, thể hiện một sức sống mãnh liệt bất khuất mà không một bạo lực nào có thể đè bẹp: “Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương chóng lành như trên một thân thể cường tráng. Chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”. Nhìn cây Xà nu sinh sôi vượt lên sự đau thương chết chóc, người Xô Man không khỏi tự hào về vùng đất quê hương – một vùng đất mà đất hết lòng với cây, còn cây cũng trọn tình với đất với người: “Không có cây gì mạnh bằng cây Xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng Xà nu này!”.

Hình tượng Xà nu có khi hiện ra cả rừng, có khi là đồi, có khi là cây và nhựa rồi lửa Xà nu. Bọn Mỹ ngụy có lần đã tẩm nhựa Xà nu vào giẻ, quấn đốt mười đầu ngón tay Tnú “Không có gì đượm bằng nhựa Xà nu, lửa bắt rất nhanh. Mười đầu ngón tay đã trở thành mười ngọn đuốc. Kẻ thù đã dùng ngọn lửa Xà nu để đốt lòng đốt dạ những con người gắn bó thân thiết với ngọn lửa ấy. Song ngọn lửa như có tình, nó đã truyền sức mạnh của hơi nóng vào bên trong để đốt cháy lòng Tnú: “Trời ơi! Cha mẹ ơi! anh không cảm thấy lửa ở mười đầu ngón tay nữa. Anh nghe lửa cháy trong lồng ngực, cháy ở bụng. Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi. Tnú thét lên một tiếng. Cái tiếng thét mang lửa ấy đã đốt cháy lòng người Xô Man để rồi hóa thành nhiều tiếng thét, tiếng “giết” và tiếng chân đạp ào ào lên đầu giặc.

Lửa tắt trên mười đầu ngón tay Tnú nhưng đám lửa Xà nu giữa nhà vẫn cháy, soi rõ xác giặc ngổn ngang.

Thế đó! Những kẻ cả gan dùng lửa Xà nu để gieo vạ lại bị thiêu đốt bởi chính lửa Xà nu. Đúng là:

“Cả gan cầm đuốc đốt trời

Trời cao không cháy lửa rơi cháy mình”

Lửa Xà nu đã cháy to lên rồi. Từ một ngón tay lan ra hai, ba rồi mười đầu ngón tay. Từ mười đầu ngón tay cháy vào trong bụng và cháy trên mặt người bập bùng lửa cháy đã đốt lên một rừng lửa để thiêu sống quân thù: “Đứng trên đồi Xà nu gần con nước lớn, suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”.

Cây Xà nu là một hình tượng thực, nhưng cũng chính là hình ảnh gợi lên sự liên tưởng so sánh hai chiều. Nói đến Xà nu là ta nghĩ đến con người và nói đến con người là liên tưởng đến Xà nu: “Lưng Tnú thêm một vết dao nữa. Trên tấm lưng chưa rộng bằng bề ngang cái xà lét mẹ để lại đó, ứa một giọt máu đậm, từ sáng đến chiều thì đặc quện lại, tím thâm như nhựa Xà nu”. Nếu Tnú là một “cây Xà nu” nhỏ trong rừng người thì Cụ Mết một già làng, có “thân hình vạm vỡ ấy trông kỳ ảo như một anh hùng trong bài hát dài suốt đêm…” lại mang hơi thở của một cây Xà nu lớn: “Ông ở trần, ngực căng như một cây Xà nu lớn”.

Hình tượng Xà nu là hình thực, đồng thời cũng là biểu trưng cho sức sống bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc đấu tranh Cách mạng. Dù kẻ thù hung bạo đến mấy chăng nữa cũng không thể giết hết được cây rừng và càng không thể diệt được những con người trong rừng cây ấy.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 5

Tây Nguyên – mảnh đất hùng vĩ và thơ mộng, với những con người nồng hậu yêu thương mà kiên cường bất khuất, từ lâu đã là nguồn cảm hứng cho biết bao văn nhân nghệ sĩ. Mỗi người đều tìm thấy ở mảnh đất này một biểu tượng đẹp cho tâm hồn cất cánh, ngòi bút thăng hoa. Ngọc Anh có Bóng cây Kơ nia như nỗi lòng thổn thức thiết tha của tình yêu thủy chung son sắt, Thu Bồn có Bài ca chim Chơ-rao, ngân vang khúc hát trong trẻo nồng đượm tình người chiến thắng… Còn Nguyễn Trung Thành lại đem đến cho ta hình tượng những Rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời như sức sống bền và bất diệt của nhân dân Tây Nguyên trong công cuộc chống Mĩ cứu nước

Xem thêm:  Câu hỏi ôn tập bài Chiếc lá cuối cùng chọn lọc

Đọc Rừng xà nu, không chỉ những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai tạo nên ấn tượng sâu sắc trong chúng ta, mà còn là cây xà nu – một hình đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Chính hình tượng cây xà nu tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô Man bất khuất, kiên cường. Đó là hình tượng hàm chứa nhiều ý nghĩa tượng trưng. Qua hình tượng này, người đọc có thể thấy rõ sức sống kiên cường, sức sống mãnh liệt của con người Tây Nguyên nói riêng, của con người Việt nói chung trong những ngày đánh Mĩ. Không phải ngẫu nhiên mà Nguyễn Trung Thành lại miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết rừng xà nu bằng một thứ ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời có cánh” với một cảm xúc say mê mãnh liệt như đã thấy trong tác phẩm. Gần hai mươi lần nhà văn đã viết về xà nu, dường như cây xà nu tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của con người Tây Nguyên trong cuộc chiến đấu anh dũng của họ.

Cả một câu chuyện dài, đau thương, bất khuất như một bản anh hùng ca về cuộc đời Tnú, cuộc đời dân làng Xô Man được kể trên nền chính của hình tượng cây xà nu. Cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn, vừa là nhân chứng, vừa tham gia vào bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi gian nan, vất vả, đau thương do tội ác của kẻ thù, nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn vươn mình cường tráng, vẫn tồn tại bất chấp mọi đau thương: nó tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giải phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống mãnh liệt của dân làng Xô Man, của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mĩ.

Hình tượng cây xà nu hiện lên trong tác phẩm đầy chất thơ hùng tráng. Mở đầu và kết thúc câu chuyện là hình ảnh “hàng vạn cây xà nu” “sinh sôi nảy nở”,“rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn của mình ra, che chở cho làng”… “đến hết tầm mắt cùng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời”. Rừng xà nu là biểu tượng cho con người. Cây được miêu tả như con người trong sự ứng chiếu với con người, gợi ra những biểu tượng về đời sống, số phận và phẩm cách của con người – các thế hệ dân làng Xô Man đánh Mĩ.

Cây xà nu ham ánh sáng và khí trời, “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng”, cũng như Tnú, như dân làng Xô Man yêu tự do. Rừng xà nu cũng như làng Xô Man, chịu nhiều đau thương bởi sự tàn ác của giặc: “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đúng ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng hè gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quyện thành từng cục máu lớn”. Nhưng xà nu có sức sống thật mãnh liệt, không gì tàn phá nổi: “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn cây xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng trên bầu trời”, cũng như các thế hệ làng Xô Man, lớp này tiếp lớp khác đứng lên. Anh Quyết hi sinh thì có Tnú, Mai: Mai ngã xuống giữa tuổi tràn đầy sức sống, thì Dít lớn lên rất nhanh đến không ngờ, trở thành bí thư chi bộ, chính trị viên xã đội: rồi những bé Heng, thế hệ tiếp theo của Dít cũng đang lớn lên, tiếp tục cuộc chiến đấu. Đồng thời, ngược lại, nhiều chỗ miêu tả con người, nhà văn đã so sánh với cây xà nu. Cụ Mết thì “ngực căng như một cây xà nu lớn”, vết thương trên lưng Tnú do giặc tra tấn thì “ứa ra một giọt máu đậm, từ sáng đến chiều thì đặc quyện lại, tím thâm như nhựa xà nu”. Thủ pháp ấy trong miêu tả tạo nên một sự hòa nhập, tương ứng giữa con người và thiên nhiên trong một chất thơ hào hùng, tráng lệ. Nhà văn đã ví cụ Mết “như một cây xà nu lớn” bởi cụ là người hơn ai hết hiểu sự gắn bó của cây xà nu và mảnh đất đang sống, hiểu được sức mạnh tiềm tàng bất khuất của rừng cây cũng như dân làng Xô Man: “Không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta. Cây mẹ ngã, cây con mọc lên. Đố nó giết hết rừng xà nu này!…”.

Cây xà nu gắn bó với con người và cuộc sống dân làng. Xà nu không chỉ có mặt trong đoạn mở đầu và kết thúc, nó còn hiện diện trong suốt câu chuyện về Tnú và làng Xô Man của anh. Xà nu có mặt trong đời sống hằng ngày như đã tự ngàn đời nay của dân làng: Ngọn lửa xà nu trong mối bếp; đống lửa ở nhà rông tập hợp cả dân làng, ngọn đuốc xà nu cháy sáng soi những đoạn rừng đêm; khói xà nu hun tấm bảng đen cho anh Quyết đạt Tnú và Mai học chữ..; xà nu cũng tham dự vào những sự kiện quan trọng của cuộc sống chống Mĩ: ngọn đuốc xà nu cháy sáng trong tay cụ Mết và tất cả dân làng vào rừng lấy dao, mác, dụ, rựa đã giấu kĩ, chuẩn bị cho cuộc nổi dậy, và đêm đêm làng Xô Man thức, dưới ánh đuốc xà nu, mài vũ khí; giặc đốt hai bàn tay Tnú bằng giẻ tẩm nhựa xà nu…; cũng ngọn lửa từ các đuốc xà nu soi sáng rực cái đêm cả làng nổi dậy, soi rõ xác mười tên lính giặc bị giết ngổn ngang quanh đống lửa lớn giữa sân làng…

Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm, ý chí quật cường của dân làng Xô Man: “Đứng trên đồi xà nu gần con nước lớn. Suốt đêm nghe cả rừng Xô Man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng.”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuyển đáo, mác, dụ. rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “không có gì đượm bằng nhựa xà nu.. Mười đầu ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… Máu anh mặn chát ở đầu lưỡi.. ”. Căm thù trong anh cháy giần giật như nhựa xà nu bén nhạy để “bàn tay hận thù” thành “bàn tay trả thù” bóp chết tên ác ôn dưới ngách hầm.

Câu chuyện cụ Mết kể phảng phất phong vị anh hùng ca. Đêm kể chuyện dưới ánh lửa xà nu chắc cũng giống như đêm già làng thường kể về các bài: anh hùng ca truyền thông của Tây Nguyên. Giọng điệu sử thi của Rừng xà nu bắt nguồn từ đó. Cây xà nu gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng, gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của dân tộc Tây Nguyên, khiến cho câu chuyện làng Xô Man đánh Mĩ lung linh sắc màu huyền thoại như Đam San, Xinh Nhã thuở nào…

Có thể nói hình tượng xà nu là mô típ chủ đạo của tác phẩm. Xà nu trở thành biểu tượng cho cuộc sống và phẩm chất của dân làng Xô Man. Đó là một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới, những vẻ đẹp mới để dựng lên bức tranh sử thi chống Mĩ của những con người kiên cường bất khuất nơi núi rừng hùng vĩ Tây Nguyên.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 6

“Rừng xà nu” là một truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Trung Thành và của văn học thời chống Mĩ. Trong tác phẩm, với hình tượng cây xà nu, Nguyễn Trung Thành đã làm nổi rõ khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn, một đặc điểm cơ bản của văn học Việt Nam giai đoạn 1945-1975. Khuynh hướng này đã chi phối sự sáng tạo nghệ thuật của các nhà văn trong giai đoạn văn học này.

Đọc “Rừng xà nu” những nhân vật như cụ Mết, Tnú, Dít, Mai… tạo nên ấn tượng sâu sắc nơi độc giả. Nổi bật hình ảnh cây xà nu được lặp đi lặp lại gần hai mươi lần một hình tượng đặc sắc bao trùm toàn bộ thiên truyện ngắn này. Hình tượng ấy đã tạo nên vẻ đẹp hùng tráng, chất sử thi và lãng mạn cho câu chuyện về làng Xô-man bất khuất, kiên cường. Qua tác phẩm, cây xà nu, rừng xà nu đã được Nguyễn Trung Thành miêu tả thật cụ thể, thật chi tiết với ngôn ngữ giàu chất thơ, bằng những “lời văn có cánh” trong một cảm xúc thật say mê và mãnh liệt. Cây xà nu trong truyện xuất hiện rất nhiều lần và dường như rất quen thuộc với con người nơi núi rừng Tây Nguyên, nó tham dự vào tất cả những sinh hoạt, những tâm tình, những buồn vui của người dân nơi đây trong cuộc chiến đấu chống Mĩ thật anh dũng của họ.

Tác phẩm “Rừng xà nu” là một bản anh hùng ca về cuộc đời anh dũng, đau thương, bất khuất của Tnú cũng như của tất cả dân làng Xô-man. Câu chuyện ấy được kể trên nền tảng chính của hình tượng cây xà nu – một hình tượng hàm chứa rất nhiều ý nghĩa tượng trưng và khái quát. Những cây xà nu, rừng xà nu như những con người, những tâm hồn sống, vừa là nhân chứng, vừa tham gia bản anh hùng ca, cũng vừa chịu đựng mọi vất vả, đau thương dưới tầm đạn kẻ thù. Nhưng bất chấp tất cả, rừng xà nu vẫn tràn đầy sức sống, vẫn vươn mình lên cường tráng vượt lên mọi thương đau. Cây xà nu là một hình ảnh mang tính chất tượng trưng cho khát vọng tự do, khát vọng giải phóng, cho phẩm chất anh hùng và sức sống tiềm tàng mãnh liệt của dân làng Xô-man.

Mở đầu câu chuyện là hình ảnh “cả rừng xà nu hàng vạn cây” và kết thúc vẫn là “những rừng xà nu nối tiếp chạy đến chân trời”. Hình ảnh ấy như một nét nhạc trầm hùng, một bản đàn dạo, là cái “phông” cho cả một câu chuyện khiến thiên truyện càng mang đậm tính sử thi và lãng mạn hơn. Rừng cây xà nu được xem như là biểu tượng cho con người Xô-man. Với hình ảnh nhân hóa, Nguyễn Trung Thành đã miêu tả cây xà nu như những con người, chúng cũng có “vết thương”, biết “ham ánh sáng” và “ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”. Cây xà nu còn là một hình ảnh so sánh với con người “ngực căng bằng cây xà nu”. Rừng xà nu năm tháng đứng dưới tầm đại bác kẻ thù chịu đựng biết bao tàn phá, cũng như những đau thương mà dân làng phải gánh chịu trước ách kìm kẹp của giặc. “Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương”. “Cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình nhựa ứa ra, tràn trề”… rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn”. Hình ảnh đó gợi lên lòng căm thù và kết tụ một ý chí phản kháng.

Nhưng hơn hết vẫn là sức sống mãnh liệt đầy sức trẻ của rừng xà nu bạt ngàn. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời”, “có những cây mới nhú khỏi mặt đất, nhọn hoắc như những mũi lê” “nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh sáng”. Thế mới biết sức trẻ của cây xà nu mãnh liệt đến dường nào! Sức trẻ ấy còn mang tính tượng trưng cho thế hệ trẻ của làng Xô-man. Đó là những Mai, Dít, Tnú, Heng, những con người luôn gắn bó với cách mạng, bất khuất từ tuổi thơ, lớn lên trong lửa đạn, trưởng thành trong đau thương và sẵn sàng chiến đấu hi sinh vì tự do của dân tộc.

Bên cạnh đó, sức sống bất khuất kiên cường của cây xà nu còn được tạo bởi hàng vạn cây ở những đồi xà nu nối tiếp nhau tới chân trời ở tấm ngực lớn của rừng ưỡn ra che chở cho làng. Đó là những cây xà nu thật vững chắc, xanh tốt đã vượt lên được cao hơn đầu người, cành lá sum suê như những con chim đã đủ lông mao, lông vũ. Đạn đại bác không giết nổi chúng, những vết thương của chúng chóng lành như trên một thân thể cường tráng chúng vượt lên rất nhanh thay thế những cây đã ngã”, một cây ngã xuống tức thì bốn năm cây con lại mọc lên cứ thế trở thành cả một rừng cây xà nu nối tiếp đến chân trời. Những cây xà nu, rừng xà nu ấy là hình ảnh của dân làng Xô-man kiên cường chống giặc, bất chấp mọi hi sinh, một lòng đi theo Đảng, đi theo kháng chiến hết thế hệ này đến thế hệ khác. Đó là những cụ Mết, anh Xút, Tnú, Mai, Dít, anh Brơi… mà tiêu biểu là hình ảnh cụ Mết. Nhà văn đã ví cụ “như một cây xà nu lớn”. Hơn ai hết, cụ là người hiểu rất rõ sự gắn bó của cây xà nu và mảnh đất đang sống, hiểu được sức mạnh tiềm tàng bất khuất của rừng xà nu cũng như của dân làng Xô-man. Chính cụ Mết đã nói với Tnú “không có cây gì mạnh bằng cây xà nu đất ta”, “cây mẹ chết cây con lại mọc lên”.

Cây xà nu còn là người chứng kiến sự giác ngộ, sự hi sinh thầm lặng, lòng dũng cảm và ý chí quật khởi của dân làng Xô-man. “Đứng trên đồi cây xà nu gần con nước lớn, cả vùng Xô-man ào ào rung động. Và lửa cháy khắp rừng”. Ánh lửa xà nu soi sáng lời căn dặn của anh Quyết: “Người còn sống phải chuẩn bị dao, mác, vụ, rựa, tên, ná… Sẽ có ngày dùng tới”. Lửa xà nu thử thách ý chí cũng như lòng can đảm của Tnú: “Không có gì đượm bằng nhựa cây xà nu… Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc… máu anh mặn chát ở đầu lưỡi…”

Giọng điệu sử thi của “Rừng xà nu” bắt đầu từ câu chuyện kể của cụ Mết dưới ánh lửa xà nu, một câu chuyện phảng phất phong vị anh hùng ca. Và cây xà nu không chỉ gắn với quá khứ, hiện tại anh hùng mà còn gắn bó với mọi sinh hoạt, phong tục và đời sống văn hóa của người Xô-man, của các dân tộc Tây Nguyên.

Hình tượng cây xà nu thật sự là một sáng tạo nghệ thuật đáng kể của Nguyễn Trung Thành. Nhà văn đã lựa chọn hình ảnh cây xà nu và đem lại cho nó những ý nghĩa mới những lớp ý nghĩa rất khác nhau qua cách viết vừa gợi vừa tả của tác giả. Qua hình tượng này người đọc không chỉ thấy rõ sức sống kiên cường, mãnh liệt của dân làng Xô-man, của con người Tây Nguyên nói riêng mà còn là của dân tộc Việt Nam nói chung trong những tháng năm chống Mĩ.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 7

Nguyễn Trung Thành là nhà văn của Tây Nguyên, ông viết rất hay, sâu sắc và chân thực về con người và mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ. Truyện ngắn “Rừng xà nu” là tác phẩm tiêu biểu của Nguyễn TRung Thành khi ca ngợi về Tây Nguyên đậm chất sử thi. Đặc biệt tác giả đã xây dựng thành công hình tượng cây xà nu mang đậm bản chất, chí khí cho con người sống trên mảnh đất này.

Xuyên suốt tác phẩm “Rừng xà nu” là hình ảnh cây xà nu, có thể xem đây là hình tượng trung tâm, làm nền và cũng là nguồn cảm hứng bất tận để tác giả có thể miêu tả thành công từng nhân vật. Xà nu là loài cây phổ biến ở núi rừng Tây Nguyên, dẻo dai, kiên cường và bất khuất. Nhắc đến rừng xà nu, người ta sẽ liên tưởng đến những con người Tây Nguyên bất khuất, không chịu đầu hàng, luôn hướng về phía trước để bảo vệ độc lập.

Hình ảnh cây xà nu được tác giả lấy để đặt tên cho nhan đề, mở đầu câu chuyện và kết thúc cũng là hình ảnh xà nu bạt ngàn. Không phải ngẫu nhiên mà tác giả lại lấy hình tượng này, đó hẳn là dụng ý của chính tác giả. Vừa thể hiện sự hùng vĩ của thiên nhiên Tây Nguyên, vừa khẳng định ý chí quật cường của con người mảnh đất Tây Nguyên.

Xem thêm:  Soạn văn lớp 6 Bài mở đầu

Trước hết, cây xà nu chính là một biểu tượng của núi rừng Tây Nguyên, gắn liền với cuộc sống của Tây Nguyên. Cây xà nu gắn liền với đời sống của dân làng Xô man, sự trưởng thành của từng thế hệ người Tây Nguyên đều gắn liền với hình ảnh cao quý này. Đó là Tnú, chị Mai, cụ Mết, bé Heng. Những con người đó, để bảo vệ lây dân làng, bảo vệ Tây Nguyên đã phải đánh đổi và hi sinh rất nhiều. Xà nu là loại cây mọc thẳng, vươn ra ánh sáng, cũng giống như con người Tây Nguyên vẫn luôn hướng về phía trước, dù là khó khăn, thử thách như thế nào. Dường như xà nu chính là linh hồn của Tây Nguyên, nó ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người.

Không những thế cây xà nu còn tham gia đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử của dân làng Xô man. Ngọn đuốc xà nu dẫn đường cho dân làng tây nguyên, mười ngón tay của Tnú bị đốt cũng được tẩm nhựa của xà nu. Cây xà nu ăn sâu vào trong tâm niệm của mỗi con người, biểu tượng cho tinh thần và ý chí quật cường của người Tây Nguyên. Cây xà nu vẫn được nhắc đi nhắc lại trong mỗi câu chuyện “không có gì mạnh bằng cây xà nu”, mặc dù bị thiêu rụi bao nhiêu thì cây xà nu vẫn kiên cường vượt qua bão giông.

Xà nu là hình ảnh ẩn dụ cho con người Tây Nguyên. Hình ảnh cả rừng xà nu bị nã đạn, chat rụi cũng giống như hình ảnh dân làng Xô man bị áp bức, bóc lột đến tàn bạo. Sự mất mát, đau thương cứ chồng chất khiến cho lầm than cứ nối tiếp, không chịu nguôi. Mặc dù bị đạn phá hủy nhưng cây xà nu vẫn kiên cường, chịu đựng; giống như hình ảnh Mai, Tnú mặc dù bị tra tấn nhưng bằng sức sống bền bỉ vẫn có thể gắng gượng và chiến đấu đến cùng.

Xà nu và những người dân Tây Nguyên dường như có mối giao hòa với nhau, gắn bó khăng khít không rời. Đây cũng chính là dụng ý của tác giả khi xây dựng hình tượng có sức nặng như thế này.

Con người Tây Nguyên có khát vọng hòa bình, muốn cuộc sống ấm no hạnh phúc. Tác giả đã gửi gắm khát khao ấy qua hình tượng xà nu bạt ngàn, trải dài đến vô tận.

Xà nu là loại cây sinh trưởng tốt, sức bền bỉ, dẻo dai. Con người Tây Nguyên có bao nhiêu thế hệ đã ngã xuống, những thế hệ khác lại nối tiếp, phát huy tinh thần chiến đấu. Những thế hệ lão làng như cụ Mết, rồi đến Tnú và cuối cùng là bé Heng, ở họ đều có những khát khao cháy bỏng về tương lai tương lai.

Chắc chắn người đọc sẽ chú ý đến hình ảnh nhân vật Tnú. Cây xà nu và Tnú là hai hình ảnh song song, đi liền nhau để hỗ trợ cho nhau, làm nổi bật nhau. Đặc điểm tiêu biểu của xà nu cũng chính là những đặc điểm của nhân vật Tnú mà không hề lẫn lộn với ai.

Nguyễn TRung Thành bằng tình yêu Tây Nguyên, quan sát tinh tế đã khắc họa thành công hình ảnh cây xà nu có sức ám ảnh đối với người đọc từ đầu tác phẩm đến cuối tác phẩm. Xà nu khiến cho mọi người có cái nhìn ngưỡng mộ đối với mảnh đất và con người tây nguyên.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 8

“Rừng xà nu” là truyện ngắn của Nguyễn Trung Thành , tiêu biểu cho khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn của văn học Việt Nam thời kì 1945-1975. Chủ đề của tác phẩm được bộc lộ sâu sắc do ý nghĩa khái quát và giàu chất lãng mạn, tạo hình của hình tượng cây xà nu.

Đi suốt chiều dài tác phẩm, xà nu là hình tượng bao trùm là mạch sống mạch hồn của tác phẩm. Khi cầm bút sáng tác thiên truyện này, hình ảnh đầu tiên hiện về trong tâm trí ông là cây xà nu, những cánh rừng xà nu. Hình tượng thiên nhiên ấy đã trở thành chủ âm của tác phẩm, nó chiếm giữ những vị trí quan trọng nhất của truyện ngắn : nhan đề, mở đầu và kết thúc. Hình ảnh cây xà nu còn trở đi trở lại nhiều lần tạo nên không gian đặc trưng của núi rừng Tây Nguyên.

Cây xà nu gắn bó mật thiết với cuộc sống con người Tây Nguyên. Cây xà nu hiện lên trong tác phẩm là một loài cây đặc thù, tiêu biểu cho vùng đất Tây Nguyên. Qua hình tượng cây xà nu, nhà văn đã tạo dựng được hình ảnh hùng vĩ và hoang dã mang đậm màu sắc Tây Nguyên cho câu truyện. Cây xà nu luôn gắn bó gần gũi với đời sống của dân làng Xô man, có mặt trong đời sống hàng ngày của dân làng. Lửa xà nu cháy giần giật trong mỗi bếp, trong đống lửa của nhà ưng tập hợp dân làng, khói xà nu xông bảng nứa để Tnú và Mai học chữ. Khi Tnú trở về đơn vị, cụ Mết và Dít đưa anh ra đến rừng xà nu cạnh con nước lớn. Cây xà nu còn tham gia vào những sự kiện trọng đại của dân làng: ngọn đuốc xà nu dẫn đường cho cụ Mết và dân làng vào rừng lấy giáo, mác, dụ, rựa đã giấu kĩ chuẩn bị nổi dậy. Mười ngón tay Tnú bị đốt vì giẻ tẩm nhựa xà nu, và chính vì cảnh tượng đau thương ấy dân làng đã nổi dậy để “ đống lửa xà nu lớn giữa nhà” soi rõ “xác mười tên lính giặc nằm ngổn ngang”. Cây xà nu cũng đã thấm sâu vào nếp cảm, nếp nghĩ của người Tây Nguyên. Tnú cảm nhận về cụ Mết “ ngực cụ căng như cây xà nu lớn”. Trong câu chuyện về Tnú, cụ Mết cũng nói về cây xà nu với tất cả tình cảm yêu thương, gần gũi xen lẫn tự hào: “không có gì mạnh bằng cây xà nu nước ta”, cây xà nu đã trở thành máu thịt trong đời sống vật chất và tinh thần của con người Tây Nguyên.

Cây xà nu tượng trưng cho số phận và phẩm chất con người Tây Nguyên trong chiến tranh cách mạng. Ta có thể thấy ý đồ nghệ thuật này khi tác giả miêu tả song hành hai hình tượng cây xà nu và những con người Tây Nguyên . Thứ nhất, thương tích của rừng xà nu do đại bác của giặc gây ra tượng trưng cho những mất mát đau thương vô bờ mà người dân Tây Nguyên phải chịu đựng. Nếu rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào không bị thương thì con người Tây Nguyên cũng vậy. Những cây xà nu non bị đại bác chặt đứt làm đôi thì tượng trưng cho những đứa con của Tnú và Mai. Còn những cây xà nu trưởng thành đại bác không giết nổi chúng thì cũng giống như Tnú và Dít, những con người trưởng thành từ những đau thương mất mát của chiến tranh.

Thứ hai, cây xà nu có đặc tính ham ánh sáng, đặc tính ấy tượng trưng cho niềm khát khao tự do của người dân Tây Nguyên. Nguyễn Trung Thành viết “ít có loài cây nào ham ánh sáng mặt trời đến thế…” Con người Tây Nguyên cũng vậy luôn khao khát tự do, mặc dù bọn giặc đã giết bà Nhan, anh Xút và cả anh cán bộ Quyết nhưng Tnú và Mai vẫn kiên trì nuôi giấu cán bộ. Thứ ba, khả năng sinh sôi mãnh liệt của cây xà nu và sự rộng lớn của rừng xà nu giúp ta gợi liên tưởng đến sự tiếp nối của nhiều thế hệ người Tây Nguyên. Nguyễn Trung Thành viết “Trong rừng ít có loại cây nào sinh sôi nảy nở khỏe như vậy , cạnh một cây xà nu mới ngã đã có bốn, năm cây con mọc lên xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Làng Xô man cũng có những thế hệ tiếp nối như vậy: cụ Mết là cây xà nu lớn. Tnú, Mai và Dít là những cây xà nu trưởng thành và bé Heng là cây xà nu con rắn rỏi. Thứ Tư, sự tồn tại của rừng xà nu qua những hành động hủy diệt của kẻ thù tượng trưng cho sức sống bất diệt và khả năng vươn lên mạnh mẽ của con người Tây Nguyên trong chiến đấu.

Những cây xà nu trưởng thành nhanh chóng liền vết thương, vượt lên cao hơn đầu người thay thế cho những cây xà nu đã ngã. Vì thế bon hủy diệt không thể nào hủy diệt được rừng xà nu. Người Tây Nguyên cũng vậy, các thế hệ thay nhau che chắn bảo vệ cho cách mạng.

Hình tượng rừng xà nu có quan hệ mật thiết với hình tượng nhân vật Tnú. Hai hình tượng này không tách rời nhau mà gắn bó khăng khít với nhau. Rừng xà nu sẽ không thể trải mãi tới chân trời trong màu xanh bất diệt khi con người chưa thấm thía bài học “chúng nó đã cầm súng mình phải cầm giáo”.

Tác giả đã kết hợp miêu tả bao quát lẫn cụ thể, phối hợp cảm nhận của nhiều giác quan khi miêu tả cây xà nu tạo nên hình ảnh cây xà nu đầy sức lực, tràn trề sức sống. Tác giả luôn miêu tả hình tượng cây xà nu với con người, các hình thức nhân hóa, ẩn dụ, tượng trưng đều được vận dụng nhằm thể hiện sống động vẻ hùng vĩ của thiên nhiên và gợi ra những liên tưởng về con người. Nhờ thế những đoạn văn miêu tả rừng xà nu giống như một bài thơ trữ tình với giọng văn đầy biểu cảm.

Hình tượng cây xà nu là hình tượng xuyên suốt suốt tác phẩm tượng trưng cho vẻ đẹp hào hùng đầy sức sống của thiên nhiên và con người Tây Nguyên. Qua đó chất thơ và chất sử thi hòa làm một thể hiện rõ phong cách văn xuôi Nguyễn Trung Thành: vừa say mê, vừa trầm tư, vừa giỏi tạo hình vừa giàu tính khái quát.

Phân tích hình tượng cây xà nu – mẫu 9

Ngay từ tác phẩm đầu tay “Đất nước đứng lên”, Nguyên Ngọc đã cho thấy ông luôn có khuynh hướng vươn đến những vấn đề có ý nghĩa lớn lao với cộng đồng, dân tộc. Ở truyện “Rừng xà nu” cũng vậy. Tác giả đã nghiền ngẫm, lý giải, cắt nghĩa bằng hình tượng nghệ thuật về con đường mà dân tộc ta phải đi trong hoàn cảnh giặc đã cầm vũ khí uy hiếp, hủy hoại gia đình, quê hương. Đặc biệt, hình tượng rừng xà nu trong truyện được xây dựng vô cùng đặc sắc, trở thành một trong những biểu tượng tiêu biểu nhất trong cả tác phẩm nói riêng và các tác phẩm viết về Tây Nguyên thời chống Mỹ nói chung. “Rừng xà nu” là truyện ngắn ra đời vào mùa hè năm 1965 khi đế quốc Mỹ bắt đầu cuộc chiến tranh cục bộ. Tác phẩm được in trong tập “Trên quê hương những anh hùng Điện Ngọc”. Bối cảnh của thiên truyện là mảnh đất Tây Nguyên với những con người anh hùng, kiên trung, bất khuất.

Không phải ngẫu nhiên mà nhà văn lại chọn cây xà nu, rừng xà nu làm hình tượng xuyên suốt từ đầu đến cuối tác phẩm. Trước hết, vì đây là loài cây phổ biến ở vùng đất Tây Nguyên, là biểu tượng của thiên nhiên Tây Nguyên hùng vĩ. Nguyễn Trung Thành đã từng nói về loài cây này bằng những lời đắm say, ngưỡng mộ: “Tôi yêu say mê cây xà nu, ấy là một cây hùng vĩ và cao thượng, man dại và trong sạch. Mỗi cây cao vút, vạm vỡ ứa nhựa,…”. Bằng việc mở đầu và kết thúc bằng hình ảnh cây xà nu, rừng xà nu, tác giả đã gợi lên một bức tranh thiên nhiên hoang dại, nguyên sơ, giàu sức sống. Mặc khác, trong tác phẩm, nhà văn còn gần hai mươi lần nói đến “rừng xà nu”, “cây xà nu”, “nhựa xà nu”, “lửa xà nu”, “đuốc xà nu”… điều này cho thấy hình tượng cây xà nu chính là mạch nguồn xuyên suốt cả tác phẩm.

“Ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời như thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng. Đứng trên đồi xà nu ấy trông ra xa, đến hết tầm mắt cũng không thấy gì khác ngoài những đồi xà nu nối tiếp tới chân trời.” Đây là những dòng tả cảnh hiếm có, được làm nên bởi một ngòi bút tài hoa giỏi về dựng cảnh, vẽ hình. Những câu văn như thế không chỉ góp phần đem lại cho tác phẩm một thứ hương vị riêng biệt của Tây Nguyên mà còn có khả năng lôi cuốn người đọc vào bức tranh thiên nhiên chân thực, hùng vĩ của núi rừng giống như được tận mắt chứng kiến và cảm nhận. Cây xà nu gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt của người dân Tây Nguyên, thấm vào nếp nghĩ, cảm xúc và trở thành lá chắn để bảo vệ làng Xô Man trước đạn pháo quân thù.

“Hầu hết đạn đại bác đều rơi vào ngọn đồi xà nu cạnh con nước lớn. Cả rừng xà nu hàng vạn cây không có cây nào không bị thương. Có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình, đổ ào ào như một trận bão. Ở chỗ vết thương, nhựa ứa ra, tràn trề, thơm ngào ngạt, long lanh nắng gay gắt, rồi dần dần bầm lại, đen và đặc quện thành từng cục máu lớn.” Cánh rừng xà nu trong đoạn văn được miêu tả là một cánh rừng “trong tầm đại bác”, ngày nào cũng bị bắn hai lần. Như vậy, ngay trong câu đầu tiên của tác phẩm, Nguyên Ngọc đã dựng nên một sự sống trong tư thế đối mặt với cái chết, một sự sinh tồn đang đứng trước mối đe dọa của sự diệt vong. Cây xà nu, rừng xà nu trong tác phẩm vì thế còn là biểu tượng cho đau thương chứ không chỉ là hiện thân của vẻ đẹp. Thương tích mà rừng xà nu phải gánh chịu do đại bác của kẻ thù cũng tượng trưng cho những mất mát, đau thương mà dân làng Xô man và đồng bào Tây Nguyên phải chịu đựng trong chiến tranh.

Tuy nhiên, cảm hứng chủ yếu của những trang viết về cánh rừng xà nu ấy vẫn không phải là cảm hứng thương đau. Tác giả muốn cái cuối cùng còn lại trong tâm trí người đọc về rừng xà nu là ấn tượng về một rừng cây mà dù đại bác có không ngừng bắn phá vẫn kiên cường sống và hướng về ánh sáng. Cây xà nu trong truyện ngắn có vẻ đẹp và sức sống vô cùng mãnh liệt. “Cạnh một cây xà nu mới ngã gục, đã có bốn năm cây con mọc lên, ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời. Cũng ít có loại cây ham ánh sáng mặt trời như thế. Nó phóng lên rất nhanh để tiếp lấy ánh nắng, thứ ánh nắng trong rừng rọi từ trên cao xuống từng luồng lớn thẳng tắp, lóng lánh vô số hạt bụi vàng từ nhựa cây bay ra, thơm mỡ màng.”

Sức sống mãnh liệt của lớp lớp cây xà nu cũng chính là sức sống dẻo dai, kiên cường của biết bao thế hệ dân làng Xô Man thời chiến. Họ có thể hi sinh như anh Xút, bà Nhan, như Mai, có thể chịu nhiều tổn thương như Tnú nhưng cuối cùng, họ vẫn nối nhau đứng lên cầm vũ khí chống lại kẻ thù, hướng về mục tiêu bảo về buôn làng, đất nước, quê hương. Xà nu có cây già, cây trẻ, cây non thì người làng Xô Man cũng có ba thế hệ: thế hệ cụ Mết, thế hệ Tnú, Mai và thế hệ của bé Heng. Ba thế hệ với ba vẻ đẹp khác nhau nhưng đều mang một nét chung: vẻ đẹp của khát vọng tự do và ý chí kiên cường, bất khuất.

Có thể nói, hình tượng cây xà nu trong tác phẩm là một sáng tạo độc đáo của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Nó nổi bật, xuyên suốt tác phẩm, vừa mang ý nghĩa tả thực vừa mang ý nghĩa tượng trưng. Hình tượng cây xà nu cho thấy tác phẩm của Nguyên Ngọc thiết tha hướng về sự sống. Miêu tả về những tổn thương mà cây xà nu nói riêng, cộng đồng người Tây Nguyên nói chung phải chịu đựng chẳng qua chỉ để bày tỏ lòng khẩm phục và ca ngợi sức sống nồng nàn, bất khuất, bất diệt. Đấy là điều làm nên chất nhân văn sâu đậm trong thiên truyện ngắn.

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Văn mẫu