Phân tích đoạn trích Vào phủ Chúa Trịnh | Myphamthucuc.vn

Phân tích đoạn trích Vào phủ Chúa Trịnh

       Bên cạnh tài năng y thuật khiến người đời phải nể phục thì Lê Hữu Trác còn có một nhân cách thanh cao, trong sạch. Gia sản ông để lại cho hậu thế không chỉ là những kinh nghiệm y thuật quý báu mà còn có những thước phim chân thực về xã hội phong kiến lúc bấy giờ. “Thượng kinh ký sự” chính là tác phẩm mà Lê Hữu Trác kể lại những gì ông tai nghe mắt thấy vào thời ấy. Qua đó, ông giúp chúng ta hiểu hơn phần nào về cuộc sống xa hoa nơi phủ chúa, đồng thời khẳng định tấm lòng đức độ và nhân cách đáng trọng của vị danh y kỳ tài.

       “Vào phủ chúa Trịnh” là đoạn trích được rút ra từ tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Hải Thượng Lãn Ông. Đoạn trích ghi lại hiện thực cuộc sống xa hoa, quyền thế trong phủ chúa Trịnh khi tác giả được triệu vào cung để chữa bệnh cho thái tử Trịnh Cán.

       Những lời miêu tả chi tiết, chân thực giúp người đọc theo chân tác giả để chiêm ngưỡng khung cảnh của “nơi xa hoa, giàu có bậc nhất nước Nam”. Quang cảnh trong phủ chúa đúng là khiến người khác phải trầm trồ thán phục. Để vào được bên trong phải đi qua mấy lần cửa, có “những dãy hành lang quanh co nối nhau liên tiếp”, mỗi cửa đều có vệ sĩ canh gác, “ai muốn ra vào phải có thẻ”. Sự xa hoa, lộng lẫy còn được thể hiện ở những vật dụng chỉ chuyên dành cho người quyền quý, từ “đại đường”, “quyền bổng”, “gác tía” với kiệu son, võng nghi lộng lẫy đến những chiếc cột hay mâm bát chén cũng đều được dát vàng. Nội cung nơi phủ chúa được trang hoàng bởi “những đồ đạc nhân gian chưa từng thấy”. Để vào được cung của thái tử, tác giả phải bước qua mấy lần trướng gấm. Bên cạnh đó là sự tấp nập của bọn kẻ hầu người hạ: “đầy tớ chạy trước hết đường”,“người giữ cửa truyền báo rộn ràng, người có việc quan qua lại như mắc cửi”. Cung cách xem bệnh cho bậc quyền quý là phải “nín thở đứng chờ ở xa”, “khúm núm đến trước sập xem mạch”. Có lẽ một đôi câu thì khó lòng lột tả hết quang cảnh xa hoa cùng nếp sống hưởng thụ của gia đình chúa Trịnh Sâm. Ẩn sau những lời miêu tả sinh động, chân thực ấy có lẽ còn là tiếng nói tố cáo gay gắt bởi sự ăn chơi, hưởng thụ của chúa hoàn toàn đối lập với cuộc sống nghèo khổ, lầm than của nhân dân.

Xem thêm:  Sơ đồ tư duy Toán 9 chương 4 hình học chi tiết nhất | Myphamthucuc.vn

        Nếu như ở phía trên, Lê Hữu Trác tỏ ra là một người kể chuyện tài ba thì đến đây, ông lại cho ta thấy cái tài và đức của một bậc danh y đáng trọng. Khác với những người khác, ông thẳng thắn chỉ ra căn bệnh của thế tử: “ở trong chốn màn che trướng rủ, ăn quá no, mặc quá ấm nên tạng phủ yếu đi”. Chốn cung gấm xa hoa nơi cung đình lại là tác nhân gây ra sự mệt mỏi, thiếu sinh khí. Đó là căn bệnh của kẻ giàu, là sản phẩm của một cuộc sống hưởng thụ, thiếu quan tâm đến “dân đen con đỏ”. Vì vậy, tác phẩm không chỉ phản ánh sâu sắc hiện thực xã hội đương thời mà còn cho thấy tấm lòng vì dân, vì nước của bậc danh y.

       Nếu như những người khác mải mê theo đuổi những thứ phù phiếm, xa hoa của tiền tài, danh lợi thì Lê Hữu Trác lại chọn cho mình lối sống thanh cao của bậc ẩn sĩ thời xưa. Giữa những rối ren của bối cảnh xã hội, thời đại, đó cũng chính là lựa chọn của nhiều nhà nho chân chính: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ/ Người khôn người đến chỗ lao xao”.

Tham khảo: Phân tích giá trị hiện thực sâu sắc của đoạn trích Vào phủ chúa Trịnh

Xem thêm bài viết thuộc chuyên mục: Học tập